ThS. Nguyễn Thúy Mai
Trường Đại học Hoa lư, Ninh Bình
(Quanlynhanuoc.vn) – An sinh xã hội và công bằng xã hội là hai trụ cột quan trọng trong sự phát triển bền vững của mọi quốc gia; đồng thời, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu sự bất bình đẳng và tạo cơ hội phát triển cho mọi cá nhân. Trên cơ sở phân tích thực trạng, bài viết đề xuất các giải pháp chiến lược để hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội một cách toàn diện, linh hoạt và bền vững, bảo đảm quyền và phúc lợi của mọi công dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương.
Từ khóa: Việt Nam; an sinh xã hội; công bằng xã hội; giải pháp, bảo đảm.
1. Đặt vấn đề
An sinh xã hội đóng vai trò then chốt trong sự phát triển bền vững; đồng thời, là công cụ hữu hiệu để hiện thực hóa công bằng xã hội. An sinh xã hội và công bằng xã hội có mối quan hệ tương hỗ với nhau. An sinh xã hội là công cụ quan trọng để thực hiện công bằng xã hội (giảm bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo, tạo cơ hội bình đẳng, bảo đảm quyền con người); an sinh xã hội đóng vai trò như một “lưới an toàn” giúp người dân giảm gánh nặng trong cuộc sống, như: ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp, tuổi già. Trong khi đó, công bằng xã hội là nền tảng cho an sinh xã hội phát triển (tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai các chương trình an sinh xã hội một cách công bằng, bảo đảm chế độ an sinh xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng các quỹ an sinh xã hội dựa trên sự đóng góp của cộng đồng). Như vậy, an sinh xã hội và công bằng xã hội đều hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm thiểu sự bất bình đẳng và tạo cơ hội phát triển cho mọi cá nhân, qua đó, thúc đẩy sự đoàn kết, đồng thuận và gắn kết trong cộng đồng, là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức cần được nhận diện rõ ràng và có giải pháp khắc phục kịp thời trong thời gian tới.
2. Thực trạng bảo đảm an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay
Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong phát triển hệ thống an sinh xã hội. Tính đến năm 2023, cả nước có khoảng 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (chiếm 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi), trong đó có khoảng 1,83 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tương đương 3,92% lực lượng lao động), vượt 1,42 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28‑NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới1.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93,35% dân số, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ bao phủ bảo hiểm y tế cao hàng đầu trong khu vực ASEAN2. Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện chính sách, mở rộng diện bao phủ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế công bằng, chất lượng. Việc gần như toàn bộ dân số được bảo vệ trước các rủi ro về sức khỏe là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách an sinh xã hội trong hiện thực hóa công bằng xã hội.
Hiện nay, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người với tổng ngân sách chi trả trợ cấp xã hội khoảng 32.000 tỷ đồng/năm3. Điều này thể hiện sự bao phủ có hệ thống để chăm lo đời sống những đối tượng yếu thế trong xã hội. Việc mở rộng diện thụ hưởng qua từng năm cùng với tăng mức chuẩn trợ cấp (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng năm 2024) cho thấy, chính sách trợ cấp xã hội đang ngày càng phản ánh nhu cầu thực tế, giúp người hưởng có thể trang trải cuộc sống cơ bản, giảm thiểu rủi ro về nghèo đói đột xuất. Ngân sách trợ cấp xã hội tăng từ khoảng 15.000 tỷ năm 2016 lên 32.000 tỷ đồng (năm 2024), tương ứng mức chi tăng 113%, thể hiện sự ưu tiên mạnh mẽ của Nhà nước trong củng cố hệ thống an sinh xã hội4.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm xuống còn 2,93%, tương ứng với khoảng 815.101 hộ, giảm 1,1 điểm phần trăm so với cuối năm 20225. Đây là dấu hiệu rõ rệt cho nỗ lực bền bỉ của Nhà nước trong công tác giảm nghèo toàn diện, không chỉ cải thiện điều kiện sống của người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho công bằng xã hội. Việc giảm tỷ lệ nghèo đa chiều còn giúp giải phóng nguồn lực lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, nhất là miền núi và đô thị. Các chương trình, như: bảo đảm việc làm, hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong việc ổn định đời sống nhân dân, phục hồi thị trường lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền, đồng thời mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện công bằng xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và củng cố niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức, như:
(1) Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thấp, chỉ đạt khoảng 39% lực lượng lao động năm 20236. Điều này phản ánh thực trạng phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức (chiếm hơn 60% tổng lực lượng lao động) vẫn chưa được tiếp cận và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, gây ra khoảng trống lớn trong hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt trong bảo đảm hưu trí và an toàn thu nhập khi hết tuổi lao động.
(2) Mức chi cho an sinh xã hội so với GDP còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 6,7% GDP năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 20 – 25% ở các quốc gia thuộc OECD7. Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội ở Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và mục tiêu công bằng xã hội.
(3) Chênh lệch tỷ lệ nghèo giữa các vùng miền còn lớn. Chẳng hạn: vùng trung du và miền núi phía Bắc còn tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, với 18,20%, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 587.952 hộ. Trong khi đó, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều là 0,23%, thấp nhất trong cả nước; tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 10.791 hộ8. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc thiết kế các chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù vùng miền, bảo đảm nguyên tắc phân bổ nguồn lực dựa trên nhu cầu và mức độ thiệt thòi.
(4) Thiếu hụt dữ liệu và nền tảng số để tích hợp, liên thông và giám sát các chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Việc thiếu đồng bộ trong cơ sở dữ liệu dân cư, bảo hiểm, trợ giúp xã hội đã gây khó khăn cho công tác hoạch định, theo dõi và đánh giá chính sách, làm giảm tính chính xác và hiệu quả trong triển khai thực tế.
3. Một số giải pháp bảo đảm an sinh xã hội để thực hiện công bằng xã hội
Để thực hiện hiệu quả công bằng xã hội thông qua hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp có tính chiến lược, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay:
Một là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách an sinh xã hội. Nội dung trọng tâm là tiếp tục sửa đổi, bổ sung các luật, như: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và Trợ giúp xã hội theo hướng mở rộng diện bao phủ, tăng tính linh hoạt và lồng ghép hiệu quả với chính sách phát triển vùng khó khăn. Biện pháp thực hiện, bao gồm: nâng cao chất lượng xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng, tăng cường tham vấn chính sách với người dân, địa phương và chuyên gia; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi (đang trình Quốc hội).
Hai là, mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ an sinh xã hội. Xuất phát từ thực trạng gần 60% lực lượng lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội, giải pháp then chốt là cần phải mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung chính, gồm: hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tăng cường truyền thông chính sách; cần đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ y tế công, cải thiện năng lực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt ở tuyến cơ sở và vùng khó khăn. Các biện pháp bao gồm: triển khai các gói bảo hiểm hấp dẫn, mở rộng hình thức thanh toán bảo hiểm y tế không dùng tiền mặt, giám sát sự hài lòng của người thụ hưởng.
Ba là, đổi mới mô hình trợ giúp xã hội theo hướng đa chiều và linh hoạt, như: đổi mới mô hình theo hướng tích hợp chính sách (hỗ trợ có điều kiện; theo nhu cầu và năng lực của đối tượng). Nội dung giải pháp bao gồm: phát triển mô hình “hỗ trợ sinh kế bền vững”, kết hợp trợ cấp với đào tạo nghề, vay vốn, tư vấn pháp lý. Biện pháp thực hiện gồm: thử nghiệm tại các địa phương có tỷ lệ nghèo cao, huy động vai trò của tổ chức xã hội và công nghệ số để theo dõi hiệu quả chính sách.
Bốn là, ứng dụng công nghệ số và tăng cường giám sát, phản biện xã hội. Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng công nghệ trong an sinh xã hội là điều kiện tất yếu để minh bạch, hiệu quả và hướng đến người dân. Đồng thời, cần phát huy vai trò giám sát của xã hội, bảo đảm công khai và trách nhiệm giải trình. Nội dung bao gồm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội tích hợp với dữ liệu dân cư và việc làm, số hóa quy trình chi trả và giải quyết hồ sơ. Biện pháp thực hiện: hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu, đào tạo cán bộ công nghệ, đồng thời trao quyền cho Mặt trận Tổ quốc, báo chí và người dân trong giám sát chính sách an sinh xã hội.
Năm là, tăng mức chi cho an sinh xã hội. Vì vậy, cần rà soát và ưu tiên phân bổ ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt là các chương trình hướng tới người nghèo, người yếu thế và các dịch vụ xã hội cơ bản; phát triển quỹ bảo hiểm xã hội bền vững để tăng khả năng chi trả và tích lũy; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ an sinh xã hội thông qua các hình thức đối tác công tư (PPP), quỹ phúc lợi doanh nghiệp; cải cách hệ thống thuế, chống thất thu thuế để tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, từ đó có thêm nguồn lực cho an sinh xã hội.
Sáu là, cần thiết kế các chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù vùng miền, bảo đảm nguyên tắc phân bổ nguồn lực dựa trên nhu cầu và mức độ thiệt thòi. Chẳng hạn: vùng Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc thù, với địa hình phức tạp, dân cư phân tán, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Do đó, gói an sinh xã hội cho vùng này cần được thiết kế một cách toàn diện, linh hoạt, thay vì chỉ là hỗ trợ mang tính chất “cứu trợ” đơn thuần, như: (1) Ưu tiên cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao (ví dụ: cây ăn quả ôn đới, cây dược liệu, chè shan tuyết, nuôi ong, gia súc lớn); (2) Hỗ trợ liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác; (3) Phát triển kinh tế rừng và lâm nghiệp bền vững: hỗ trợ trồng rừng kinh tế, bảo vệ rừng, và phát triển các sản phẩm phi gỗ từ rừng; (4) Hỗ trợ đào tạo kỹ năng làm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất đơn giản, quảng bá hình ảnh, đảm bảo người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch; (5) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu và kết nối vùng: xây dựng và nâng cấp đường giao thông nông thôn để thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, tiếp cận dịch vụ; xây dựng công trình cấp nước tập trung, giếng khoan hoặc hệ thống dẫn nước tự chảy, hướng dẫn sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường; phủ sóng di động và internet đến các khu vực vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ giáo dục trực tuyến, kinh tế số và tiếp cận thông tin.
4. Kết luận
An sinh xã hội là một trong những nền tảng cốt lõi để hiện thực hóa công bằng xã hội, bảo đảm phát triển bao trùm và bền vững. Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống và củng cố ổn định chính trị – xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới, nhất là già hóa dân số, lao động phi chính thức gia tăng, tác động của biến đổi khí hậu và chuyển đổi số, hệ thống an sinh xã hội vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đổi mới mô hình thực thi, hiện đại hóa nền tảng quản trị và tăng cường sự tham gia của toàn xã hội. Chỉ khi mọi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế được bảo vệ đầy đủ, chủ động trước rủi ro thì công bằng xã hội mới có thể được hiện thực hóa một cách sâu rộng và bền vững trong tiến trình phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Chú thích:
1. 10 kết quả nổi bật năm 2023 của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. https://baohiemxahoi.gov.vn, ngày 17/01/2024.
2. (ILO) (2023). World Social Protection Report 2023–2025: Universal social protection to ensure dignity for all) (2023). Geneva: International Labour Office, page xvii–xviii
3. Nhiều đối tượng được tăng mức hưởng trợ cấp xã hội. https://lsvn.vn/nhieu-doi-tuong-duoc-tang-muc-huong-tro-cap-xa-hoi-a152339.html
4. Ngân sách chi 32 nghìn tỷ đồng cho trợ cấp xã hội trong năm 2024. https://vneconomy.vn/ngan-sach-chi-32-nghin-ty-dong-cho-tro-cap-xa-hoi-trong-nam-2024.htm
5. Công bố tỷ lệ nghèo đa chiều toàn quốc và theo các vùng năm 2023. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-bo-ty-le-ngheo-da-chieu-toan-quoc-va-theo-cac-vung-nam-2023-119240221063450557
6. Năm 2023: Lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 40%. https://dhtn.ttxvn.org.vn/tintuc/nam-2023-luc-luong-lao-dong-trong-do-tuoi-tham-gia-bao-hiem-xa-hoi-dat-gan-40-16832
7. Vietnam Social Protection Review. https://documents.worldbank.org/en/publication/document-sreports/documentdetail/099100503282330957/idu051f4a1ed0933b049350a8c806e191212262f.
8. Công bố tỷ lệ nghèo đa chiều toàn quốc và theo các vùng năm 2023. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/cong-bo-ty-le-ngheo-da-chieu-toan-quoc-va-theo-cac-vung-nam-2023-119240221063450557.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Nguyên Anh (2014). Đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam: định hướng, mô hình và giải pháp. Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4.
2. Viện Khoa học Lao động và Xã hội (2009). Chiến lược an sinh xã hội Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020. Tạp chí Lao động và Xã hội, số 19.
3. Hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/03/11/hoan-thien-phap-luat-ve-an-sinh-xa-hoi-thich-ung-cach-mang-cong-nghiep-4-0
4. Hoàn thiện thể chế, chính sách về chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân. https://tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/hoan-thien-the-che-chinh-sach-ve-cham-soc-suc-khoe-bao-dam-quyen-tiep-can-dich-vu-cham-soc-suc-khoe-cho-moi-nguoi-dan
5. Dấu ấn nổi bật lĩnh vực lao động, an sinh xã hội trong năm 2024. https://vneconomy.vn/dau-an-noi-bat-linh-vuc-lao-dong-an-sinh-xa-hoi-trong-nam-2024.htm