ThS. Trần Văn Kiên
Học viện Ngân hàng
(Quanlynhanuoc.vn) – Mạng xã hội, như Facebook, TikTok, Instagram ngày càng trở thành kênh quảng cáo phổ biến, ảnh hưởng sâu sắc đến hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu minh bạch và người nổi tiếng quảng cáo không kiểm chứng diễn ra phổ biến trên các nền tảng này. Pháp luật hiện hành tại Việt Nam chưa bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của môi trường số, dẫn đến nhiều bất cập trong bảo vệ người tiêu dùng. Bài viết đánh giá thực trạng pháp luật, phân tích các khoảng trống pháp lý và đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn và xu hướng quốc tế.
Từ khóa: Bảo vệ quyền lợi; người tiêu dùng; quảng cáo trên mạng xã hội; giải pháp.
1. Khái quát về các vấn đề liên quan
a. Hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội
Quảng cáo (advertising) là hoạt động truyền thông dùng để quảng bá sản phẩm/dịch vụ hoặc thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Yếu tố cốt lõi của quảng cáo là thông điệp mang tính truyền đạt, định hướng và thuyết phục người tiêu dùng. Thông điệp này được truyền tải qua nhiều hình thức đa dạng như báo chí, truyền hình, mạng xã hội, biển hiệu hay các sự kiện quảng bá. Mục đích chính của quảng cáo là tạo sự chú ý, xây dựng nhận thức tích cực và kích thích hành vi mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của khách hàng mục tiêu, qua đó, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Ở góc độ pháp lý, “quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân” (khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2024).
Tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng quy định: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin được thiết lập trên nền tảng trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng trên mạng, cung cấp các dịch vụ, công cụ cho phép người sử dụng dịch vụ cung cấp, trao đổi, tương tác, chia sẻ thông tin với nhau”. Theo đó, trên mạng xã hội, mỗi người có thể tạo hồ sơ cá nhân, kết nối và tương tác với những người khác trong nhóm tương tác, xây dựng các mối quan hệ và phát triển cộng đồng mà không bị giới hạn về địa lý. Hiện nay, có nhiều mạng xã hội phổ biến và thu hút rất đông người dung, như: facebook. zalo, youtube, TikTok, intagram…
Mạng xã hội có những đặc điểm, như: (1) Tính lan truyền rất nhanh, phạm vi lan truyền rộng; (2) Những thông tin được cung cấp dễ dàng được chia sẻ từ người này sang người khác với tốc độ cao, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý; (3) Kết hợp tính cá nhân hóa và tính cộng đồng, thu hút sự tham gia của động đông đảo người dùng tạo ra một cộng đồng lớn với sự tương tác lớn giúp cho những thông tin được lan tỏa nhanh chóng. Chính từ những đặc điểm nổi bật như vậy, hoạt động truyền thông nói chung và hoạt động quảng cáo nói riêng sử dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực giúp cho mục đích lan tỏa thông tin được thực hiện một cách dễ dàng và mang lại hiệu quả to lớn.
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, mạng xã hội đã và đang trở thành một kênh quảng cáo chiến lược, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động truyền thông tiếp thị của các doanh nghiệp. So với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, quảng cáo trên mạng xã hội mang lại nhiều lợi thế nổi bật về chi phí, khả năng tiếp cận, mức độ tương tác và hiệu quả đo lường. Hơn nữa, mạng xã hội tạo điều kiện cho sự tương tác hai chiều giữa thương hiệu và người tiêu dùng, góp phần xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng. Đặc biệt, khả năng lan tỏa nhanh chóng thông qua cơ chế chia sẻ nội dung giúp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu một cách tự nhiên và hiệu quả.
b. Quảng cáo trên mạng xã hội và những rủi ro đối với người tiêu dùng
Mạng xã hội đã trở thành kênh quảng cáo chủ đạo, mang lại hiệu quả tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, quảng cáo trên mạng xã hội cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, đặc biệt tại Việt Nam. Người tiêu dùng là những người tham gia mạng xã hội, trong mối quan hệ phát sinh từ hoạt động quảng cáo, họ là người tiếp nhận những thông tin từ người quảng cáo về hàng hóa và dịch vụ, trên cơ sở đó, họ đưa ra các quyết định mua hàng hóa hoặc sử dụng các dịch vụ từ người quảng cáo. Người tiêu dùng cũng đứng trước những rủi ro, như:
Thứ nhất, sự xâm phạm thông tin cá nhân người tiêu dùng trong quá trình tiếp nhận quảng cáo. Thông qua các thuật toán theo dõi hành vi, nền tảng mạng xã hội thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân như vị trí địa lý, thói quen tìm kiếm, nội dung tương tác và lịch sử mua sắm. Những dữ liệu này được sử dụng để xây dựng hồ sơ người dùng chi tiết, phục vụ cho việc cá nhân hóa nội dung quảng cáo mà không có sự đồng thuận rõ ràng từ người dùng. Hành vi này không chỉ làm tổn hại đến quyền riêng tư mà còn tiềm ẩn rủi ro rò rỉ thông tin cá nhân, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để cung cấp, trao đổi bán cho bên thứ ba, để lừa đảo, quấy rối hoặc chiếm đoạt tài sản. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân và minh bạch hóa hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Thứ hai, những rủi ro khi tiếp nhận thông tin quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng đến xã hội xuất hiện trong các buổi livestream bán hàng không đúng chất lượng, như: công bố, các video quảng cáo sản phẩm chưa được phép lưu hành, quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, quảng cáo tiền ảo không đúng quy định pháp luật. Nhiều nhà quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người nổi tiếng (KOLs, Influencer…) lợi dụng nhu cầu cải thiện sức khỏe để quảng bá sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa kiểm định hoặc thổi phồng công dụng như chữa khỏi bệnh nan y, tăng cường sức khỏe thần kỳ, khiến người tiêu dùng dễ bị lừa dối, mua hàng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Nhiều nội dung quảng cáo đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp. Cục An toàn thông tin cũng đã ghi nhận hơn 500.000 lượt quảng cáo vi phạm chỉ trong năm 20231.
Thứ ba, việc quảng cáo cho các hàng hóa dịch vụ bị cấm kinh doanh diễn ra phổ biến như sử dụng video ngắn trên Facebook, TikTok để quảng bá cho các trò chơi cờ bạc trực tuyến, đổi thưởng, dự đoán thể thao, hay “đầu tư tài chính” trá hình đánh vào tâm lý ham lợi của người dùng. Đặc biệt, các trang web phát sóng bóng đá lậu hiện nay là kênh quảng bá phổ biến cho sòng bạc trực tuyến. Khi người xem truy cập để xem các trận đấu, họ dễ bị dẫn dụ bởi banner, pop-up hoặc liên kết ẩn chứa nội dung đánh bạc, gây nguy cơ cao tiếp cận người dùng thiếu kiểm soát. Theo báo cáo năm 2024, người Việt đã thiệt hại khoảng 18.900 tỷ đồng do các vụ lừa đảo trực tuyến, chủ yếu liên quan đến các lời mời đầu tư hấp dẫn trên mạng xã hội. Gần đây, nhiều tài khoản Facebook giả mạo Tập đoàn T&T Group đã xuất hiệnnhằm thực hiện các hành vi lừa đảo tinh vi, chiếm đoạt tài sản của người dân2.
Đứng trước những rủi ro như vậy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo thông qua mạng xã hội được đặt ra mang tính cấp thiết để bảo đảm quyền lợi, lợi ích của cá nhân, tổ chức khi khi sử dụng hàng hoá, dịch vụ từ các hoạt động quảng cáo nhằm ngăn chặn những tổ chức, cá nhân kinh doanh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ không trung thực, gian dối thông qua hoạt động quảng cáo.
2. Thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trên mạng xã hội
Hiện nay, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực quảng cáo được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Trong pháp luật về quảng cáo, những quy định về bảo vệ người tiêu dùng thường chỉ đặt ra mang tính nguyên tắc. Tại Điều 3, 16, 19 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2024) quy định về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo, trong đó đặt ra yêu cầu phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân trong hoạt động quảng cáo” trong đó có người tiếp nhận quảng cáo.
Điều 14 Luật Thương mại năm 2005 quy định “nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng”. Những quy định về vấn đề này cũng được thể hiện thông qua xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, như: người quảng cáo, người tiếp nhận nội dung quảng cáo, người phát hành quảng cáo…
Bên cạnh đó, các nội dung cụ thể như quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng cũng như những cơ chế bảo đảm thực thi được quy định tập trung tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và những văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, nội dung pháp luật này còn được thể hiện trong một số nội dung của các văn vản khác, như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… và quy định nằm trong các văn bản pháp luật khác.
Nội dung pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào các vấn đề như sau:
Một là, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Theo đó, với tư cách là người tiêu dùng trong mối quan hệ với chủ thể cung ứng dịch vụ mạng xã hội, là người tiếp nhận quảng cáo trong mối quan hệ với người quảng cáo và trên cơ sở thông tin về sản phẩm hàng hóa được quảng cáo, khi quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ họ là người tiêu dùng trong quan hệ với bên bán hàng, bên cung ứng dịch vụ. Dù trong mối quan hệ nào thì người tiêu dùng cũng được pháp luật trao quyền được tiếp nhận những thông tin trung thực về chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dịch vụ và về tổ chức cá nhân kinh doanh. Họ cũng có quyền từ chối tiếp nhận những quảng cáo phù hợp với nhu cầu của mình khi tham gia mạng xã hội (Điều 16 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm2018, 2024) và khoản 1, 2 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023). Bên cạnh đó, một trong những quyền rất quan trọng của người tiêu dùng trong dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo trên mạng xã hội là quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân (Điều 41 Luật An ninh mạng năm 2018 và Điều 21 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân).
Hai là, pháp luật về về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo thương mại quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và bên thứ ba đối với người tiêu dùng trong quảng cáo thương mại. Trong đó, tùy từng chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo với tư cách là người quảng cáo, người, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hay người phát hành mỗi chủ thể có những nghĩa vụ khác nhau. Người tiêu dùng được quyền yêu cầu người quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân đã quảng cáo (khoản 3 Điều 16 Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2024); khoản 5 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023).
Ba là, pháp luật về về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo thương mại quy định phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 16 Luật Quảng cáonăm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2024); khoản 7 Điều 4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùngnăm 2023).
Bốn là, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động quảng cáo thông qua hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo. Việc kiểm soát các hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cơ sở để xác định hành vi vi phạm; qua đó, các chủ thể quản lý nhà nước có thể yêu cầu cá nhân, tổ chức kinh doanh có hoạt động quảng cáo phải thực hiện pháp luật nghiêm túc; đồng thời, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nươc có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Một số bất cập trong các quy định của pháp luật
Những quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quảng cáo trên mạng xã hội đã được ban hành khá đầy đủ, mặc dù vậy, pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều lỗ hổng và tồn tại nhiều vấn đề bất cập.
Thứ nhất, những quy định của pháp luật về quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng còn chưa có sự thống nhất, đồng bộ mà nằm rải rác ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Điều này gây ra sự khó khăn lớn cho quá trình áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Thứ hai, những quy định về chủ thể tham gia vào hoạt động quảng cáo còn nhiều lỗ hổng. Hầu hết những hoạt động quảng cáo xuất hiện trên mạng xã hội nhằm mục đích bán hàng được thực hiện bởi nhiều tổ chức cá nhân khác nhau. Hoạt động quảng cáo với tính chất là hoạt động xác tiến thương mại nhằm hỗ trợ hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được thực hiện bởi các thương nhân và được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Thương mại. Đây là những tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại mang tính chất nghề nghiệp và họ phải đăng ký tư cách thương nhân (đăng ký kinh doanh) theo quy định của pháp luật. Khi quảng cáo những chủ thể này chịu sự điều chỉnh khá chặt chẽ bởi các điều kiện quảng cáo nhất là khi quảng cáo những hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, như: thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, sữa và các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm phụ gia thực phẩm…
Tuy nhiên, trong Luật Quảng cáo năm 2012 cho phép người quảng cáo là bất kỳ tổ chức cá nhân có yêu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức cá nhân đó. Trên thực tế, hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội chủ yếu được thực hiện mang tính tự phát bởi các cá nhân không chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại và cũng không đáp ứng những điều kiện pháp luật khi thực hiện các hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, trong những quy định hiện hành, những quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo bao gồm những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (Influencer, KOL- Key Opinion Leader) trên mạng xã hội, như: chuyên gia, diễn viên, ca sĩ, hoa hậu… cũng chưa được pháp luật xác định cụ thể nghĩa vụ của họ khi tham gia các hoạt động quảng cáo. Bên cạnh đó, vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội (người phát hành quảng cáo) dùng các phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giớ thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng cũng chưa được làm rõ.
Thứ ba, những quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với người dùng trên mạng xã hội khá chung chung; còn thiếu cơ chế để xử lý những khiếu nại từ người tiêu dùng cũng như xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo khi quyền lợi của họ bị xâm hại từ những vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động quảng cáo như cung cấp thông tin sai sự thật, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ quảng cáo, quảng cáo hàng giả, hàng cấm gây ra.
4. Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
a. Về giải pháp
Một là, cần tiến hành rà soát, hệ thống hóa và xây dựng một văn bản pháp lý thống nhất hoặc khung pháp luật chung về quảng cáo và bảo vệ người tiêu dùng, trong đó tích hợp các quy định liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc này giúp tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, dễ tiếp cận và áp dụng. Đồng thời, nên ban hành hướng dẫn thi hành cụ thể để hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp thực hiện đúng quy định, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường số.
Hai là, để khắc phục những lỗ hổng về quy định chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, trước hết nên tiếp tục có hướng dẫn bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng phân loại rõ ràng các nhóm chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, bao gồm: thương nhân, cá nhân kinh doanh không đăng ký, cá nhân không kinh doanh nhưng quảng bá sản phẩm, và nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Bổ sung quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của người có ảnh hưởng chuyển tải sản phẩm quảng cáo (KOLs, Influencers…).
Đối với người có ảnh hưởng, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử và nghĩa vụ công khai minh bạch nội dung quảng cáo, mối quan hệ tài chính với nhãn hàng. Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng cần có trách nhiệm kiểm soát nội dung quảng cáo hiển thị trên nền tảng, phối hợp với cơ quan quản lý khi xảy ra vi phạm. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế xử phạt phù hợp với từng loại chủ thể, có tính răn đe cao và dễ áp dụng trong thực tiễn.
Ba là, cần bổ sung quy định pháp luật rõ ràng về cơ chế xác định trách nhiệm dân sự và bồi thường thiệt hại trong hoạt động quảng cáo, bao gồm trách nhiệm của người quảng cáo, người chuyển tải (KOL, Influencer…) và nền tảng phát hành quảng cáo. Pháp luật nên quy định nguyên tắc bồi thường theo mức độ lỗi và mức độ thiệt hại thực tế; đồng thời, xây dựng cơ chế khiếu nại, tố cáo và giải quyết tranh chấp thuận tiện cho người tiêu dùng.
b. Một số kiến nghị
Bên cạnh các giải pháp hoàn thiện pháp luật, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước những rủi ro và vi phạm từ hoạt động quảng cáo qua mạng xã hội trên thực tế trong thời gian qua, tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:
Thứ nhất, cần thiết lập cơ chế kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thu thập, sử dụng dữ liệu cá nhân trên nền tảng mạng xã hội, đặc biệt với các thuật toán quảng cáo hướng đối tượng. Các cơ quan chức năng như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an cần phối hợp yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới,như: Facebook, TikTok, Google… phải có đại diện pháp lý tại Việt Nam và chịu trách nhiệm trong việc xử lý dữ liệu người dùng theo quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Thứ hai, đối với hành vi quảng bá hàng hóa, dịch vụ bị cấm, cần hoàn thiện danh mục “nội dung quảng cáo cấm” theo hướng cụ thể, dễ nhận diện. Cơ quan chức năng cần phối hợp với các nhà mạng, nền tảng mạng xã hội để gỡ bỏ, chặn truy cập và truy xuất nguồn phát quảng cáo vi phạm trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, cần tuyên truyền rộng rãi để người dùng nâng cao cảnh giác với các hình thức quảng cáo trá hình, đầu tư lừa đảo, và gian lận thương mại trên không gian mạng.
Thứ ba, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên mạng xã hội. Các tổ chức này cần tích cực hỗ trợ tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tham gia giải quyết tranh chấp; đồng thời, họ tham gia giám sát nội dung quảng cáo, phát hiện và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng nâng cao nhận thức, cảnh giác với thủ đoạn quảng cáo gian lận. Không chỉ vậy, họ còn có vai trò tham vấn, đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an toàn và minh bạch trong hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội.
Thứ tư, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng về quyền lợi người tiêu dùng, nhận diện quảng cáo sai sự thật và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Khuyến khích người tiêu dùng chủ động tra cứu thông tin sản phẩm, cảnh giác với các lời quảng cáo phóng đại, không rõ nguồn gốc. Việc đưa giáo dục tiêu dùng an toàn vào chương trình học cũng là giải pháp lâu dài, giúp hình thành ý thức tiêu dùng bền vững.
Chú thích:
1. Dẹp loạn quảng cáo sai sự thật cuộc chiến trên không gian mạng. https://tapchitaichinh.vn/dep-loan-quang-cao-sai-su-that-cuoc-chien-tren-khong-gian-mang.html
2. Người Việt mất 18.900 tỷ đồng vì bị lừa đảo trong năm 2024. https://tuoitre.vn/nguoi-viet-mat-18-900-ti-dong-vi-bi-lua-dao-trong-nam-2024-20241216095908927.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2023). Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
2. Chính phủ (2024). Nghị định số 147/2024/NĐ-CP ngày 09/11/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
3. Quốc hội (2018). Luật An ninh mạng năm 2018.
4. Quốc hội (2023). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.
5. Quốc hội (2012, 2018, 2024). Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2024).