TS. Nguyễn Văn Quảng
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
Nguyễn Trung Kiên
NCS. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế
(Quanlynhanuoc.vn) – Chánh niệm (sammā sati) trong Phật giáo là một thực hành cốt lõi, giúp con người tỉnh thức, hiểu rõ bản chất của thân, tâm và các hiện tượng xung quanh. Với vai trò là yếu tố quan trọng trong Bát Chánh Đạo, Chánh niệm không chỉ hướng đến giải thoát cho mỗi cá nhân mà còn cung cấp nền tảng vững chắc cho giáo dục lòng từ bi trong Phật giáo. Bài viết làm rõ vai trò của Chánh niệm trong Phật giáo, nhấn mạnh mối liên hệ của Chánh niệm với giáo dục từ bi. Nội dung cũng sẽ phân tích chi tiết khái niệm Chánh niệm, đồng thời, đưa ra các giải pháp thiết thực để áp dụng Chánh niệm vào giáo dục, giảng dạy Phật tử tại Việt Nam.
Từ khóa: Chánh niệm, giáo dục lòng từ bi, Phật giáo Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Phật giáo với lịch sử hơn 2.500 năm, không chỉ là một tôn giáo lớn mà còn là một hệ thống tư tưởng và thực hành mang tính giáo dục cao. Bắt nguồn từ sự giác ngộ của Thái tử Siddhattha Gotama (Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm), giáo lý Phật giáo tập trung vào việc giải thoát con người khỏi khổ đau thông qua nhận thức đúng đắn về thực tại. Một trong những yếu tố cốt lõi của đạo lộ này là Chánh niệm (Sammā Sati), được nhấn mạnh trong Bát Chánh Đạo – con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau và đạt Niết bàn1.
Dưới tiếp cận của Phật giáo, Chánh niệm không đơn thuần là một phương pháp thực hành thiền mà còn là nền tảng để con người phát triển trí tuệ và đạo đức. Trong bài kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta), đức Phật đã nhấn mạnh rằng: Chánh niệm giúp hành giả quán chiếu thân, thọ, tâm và pháp, từ đó đạt được trí tuệ giải thoát. Chánh niệm là sự tỉnh thức đúng đắn, giúp con người sống trọn vẹn trong hiện tại mà không bị lôi cuốn bởi những vọng tưởng hoặc cảm xúc tiêu cực2.
Hiện nay, trong bối cảnh xã hội hiện đại với nhiều biến đổi phức tạp, thách thức đang đặt ra trong giáo dục về hệ giá trị cốt lõi của Phật giáo. Trong bối cảnh đó, Chánh niệm được coi là một phương pháp hữu hiệu nhằm phát triển trí tuệ và nuôi dưỡng lòng từ bi cùng khả năng tự nhận thức sâu sắc và bảo vệ những giá trị cốt lõi của Phật giáo.
2. Chánh niệm và các khái niệm liên quan trong Phật giáo
2.1. Chánh niệm trong Phật giáo
Theo Jon Kabat-Zinn, Chánh niệm được định nghĩa là sự chú ý có chủ ý, trong hiện tại và không phán xét. Kabat-Zinn là một nhà khoa học, không phải là một Phật tử, tuy nhiên, ông đã phát triển khái niệm này dựa trên giáo lý Phật giáo và áp dụng vào chương trình Giảm căng thẳng dựa trên Chánh Niệm (MBSR), một phương pháp thực hành hiện đại nhằm hỗ trợ con người quản lý căng thẳng và nâng cao chất lượng sống. Quan điểm của Kabat-Zinn nhấn mạnh yếu tố ý thức có chủ ý, giúp con người không chỉ nhận biết mà còn thực hành sống tỉnh thức trong từng khoảnh khắc hiện tại3.
Nyanaponika Thera mô tả Chánh niệm là nghệ thuật tỉnh thức, một sự quan sát rõ ràng và nhận diện chính xác các hiện tượng tâm lý và vật lý. Ông giải thích rằng Chánh niệm là sự chú tâm có chủ ý, được duy trì qua từng khoảnh khắc, giúp hành giả quán sát thân và tâm mà không bị chi phối bởi phiền não. Theo Nyanaponika, Chánh niệm không chỉ là trạng thái nhận biết mà còn là phương pháp để hiểu sâu sắc về bản chất của thực tại, hướng đến việc giảm khổ đau và phát triển trí tuệ4.
Một định nghĩa khác về Chánh niệm, là khả năng duy trì sự tỉnh thức liên tục đối với các hiện tượng hiện tại, không để tâm trí trôi dạt vào quá khứ hay tương lai của Bhikkhu Analayo. Tác giả cho rằng, Chánh niệm là công cụ giúp hành giả thoát khỏi sự chi phối của vọng tưởng, bằng cách duy trì sự quan sát tỉnh thức và không phán xét. Quan điểm của Analayo tập trung vào sự thực hành Chánh niệm trong thiền định, đặc biệt trong bối cảnh Tứ Niệm Xứ, nơi mà hành giả học cách quán chiếu thân, thọ, tâm và pháp một cách sâu sắc5.
Shapiro và Carlson, cho rằng Chánh niệm là sự chú ý cởi mở và tập trung vào giây phút hiện tại, với sự tò mò và chấp nhận. Quan điểm của hai tác giả nhấn mạnh rằng Chánh niệm không phải là trạng thái cố định mà là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự rèn luyện và thực hành để duy trì. Họ cũng tập trung vào vai trò của Chánh niệm trong việc thúc đẩy sự hiểu biết về bản thân và xây dựng lòng tự trọng6.
Trong Phật giáo, từ điển Pāli – từ nguyên và giải tự (2020) định nghĩa Chánh niệm tiếngPāli là sammā sati, là sự tỉnh giác đúng đắn, sammā là đúng đắn hoặc chân chính, sati là tỉnh giác7.
Phật Quang đại từ điển (2012), định nghĩa: Chánh niệm tiếng Hán là 正念 (zhèngniàn), chữ 正 (zhèng) nghĩa là chính đáng hoặc đúng đắn, chữ 念 (niàn) nghĩa là nhớ hoặc tỉnh giác. 正念 là niệm chân chính8.
Trong hệ thống kinh điển Nikayā của Phật học Theravāda, Chánh niệm (sammā sati) xuất hiện ở hai nội dung quan trọng do đức Phật thuyết giảng: Bát Chánh Đạo trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana sutta) và Tứ Niệm Xứ trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna sutta). Cả hai đều nhấn mạnh vai trò của Chánh niệm nhưng cách tiếp cận, phạm vi và mục đích có sự khác biệt đáng chú ý, phản ánh sự phát triển của giáo pháp và phương pháp thực hành được đức Phật trực tiếp truyền dạy:
Trong Bát Chánh Đạo, Chánh niệm (sammā sati) lần đầu tiên được đức Phật giảng giải trong kinh số 11, Chương 56 – kinh Chuyển Pháp luân (Dhammacakkappavattana sutta) thuộc Tương ưng bộ kinh (Saṃyutta Nikāya) là bài pháp đầu tiên mà ngài thuyết giảng sau khi giác ngộ, tại vườn Lộc uyển (Sarnath) cho nhóm năm anh em Koṇḍañña (Kiều Trần Như). Trong bài kinh này, đức Phật trình bày Bát Chánh Đạo (Aṭṭhaṅgika Magga) – con đường Trung đạo vượt qua hai cực đoan là khổ hạnh ép xác hành thân và hưởng thụ dục lạc. Đây là lộ trình gồm tám thành tố dẫn đến sự chấm dứt khổ đau (Dukkha) và đạt đến Niết bàn (Nibbāna).
Trong Bát Chánh Đạo, Chánh niệm là yếu tố thứ bảy, giữ vai trò nền tảng trong nhóm Định (samādhi), kết nối các yếu tố đạo đức (sīla) và trí tuệ (paññā). Định (samādhi) ở đây không đơn thuần là thiền định mà mang ý nghĩa rộng hơn, bao quát hơn gồm tất cả các phương pháp rèn luyện tâm để đạt đến sự tập trung, tĩnh lặng và kiểm soát tâm trí. Chánh niệm (sammā sati) được xếp vào nhóm này vì là yếu tố hỗ trợ và kết nối giữa Chánh Tinh Tấn9 và Chánh Định10. Đức Phật định nghĩa Chánh niệm là khả năng duy trì sự tỉnh thức đúng đắn, liên tục, không phán xét đối với mọi hiện tượng xảy ra trong hiện tại. Trong bối cảnh này, Chánh niệm được hiểu là sự chú tâm đúng đắn vào các hoạt động hàng ngày, từ đi, đứng, nằm, ngồi đến các trạng thái tâm trí và cảm giác.
Tuy nhiên, trong kinh Chuyển Pháp luân, Chánh niệm được đề cập một cách tổng quát, chưa đi sâu vào kỹ thuật hoặc phương pháp cụ thể. Vai trò của Chánh niệm ở đây là thiết lập trạng thái tỉnh giác liên tục, giúp hành giả thoát khỏi sự chi phối của phiền não và chuẩn bị tâm trí cho việc thực hành thiền sâu hơn. Chỉ khi duy trì được Chánh niệm mới có thể đạt đến Chánh định, từ đó phát triển trí tuệ và tiến tới giải thoát.
Trong Tứ Niệm Xứ, sau khi giảng dạy Bát Chánh Đạo, đức Phật tiếp tục triển khai chi tiết về Chánh niệm trong bài kinh số 10 – kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna sutta) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya), nhằm cung cấp một phương pháp thực hành cụ thể và toàn diện hơn. Trong bài kinh này, giới thiệu bốn lĩnh vực quán niệm, được gọi là Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna), cụ thể:
Thứ nhất, Quán Thân (kāyānupassanā): Quan sát và nhận biết các hoạt động của cơ thể, bao gồm hơi thở (ānāpānasati), tứ oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), và tính vô thường của thân thể.
Thứ hai, Quán Thọ (vedanānupassanā): Quan sát các cảm giác (vui, buồn, trung tính) một cách khách quan, không dính mắc. Nhận diện cảm giác: Hành giả quan sát từng cảm giác xuất hiện, như cảm giác mát lạnh khi gió thổi, cảm giác đau khi ngồi lâu, hoặc cảm giác dễ chịu khi thư giãn. Quan trọng là hành giả không phản ứng một cách bản năng mà duy trì thái độ khách quan. Tính vô thường của cảm giác: Các cảm giác, dù là vui hay buồn, đều không tồn tại mãi mãi mà luôn thay đổi. Hành giả nhận thấy rằng bám chấp vào cảm giác dễ chịu sẽ dẫn đến đau khổ, và tránh né cảm giác khó chịu sẽ làm tăng phiền não.
Thứ ba, Quán Tâm (cittānupassanā): Nhận biết các trạng thái tâm như tham, sân, si hoặc các trạng thái tích cực như định tĩnh và sáng suốt.
Thứ tư, Quán Pháp (dhammānupassanā): Quán sát các pháp, bao gồm năm triền cái (pañca nīvaraṇā), năm uẩn (pañca khandhā) và Tứ Diệu Đế (cattāri ariyasaccāni). Năm triền cái (pañca nīvaraṇā): Hành giả nhận biết và vượt qua năm yếu tố ngăn trở sự tiến bộ: tham dục (kāmacchanda), sân hận (vyāpāda), hôn trầm (thīna-middha), trạo cử (uddhacca-kukkucca), và hoài nghi (vicikicchā). Năm uẩn (pañca khandhā): Hành giả quán chiếu về thân, thọ, tưởng, hành, thức – năm yếu tố cấu thành con người. Điều này giúp nhận thức rõ ràng rằng tất cả đều vô thường, khổ, và vô ngã. Tứ Diệu Đế (Cattāri Ariyasaccāni): Quán sát các sự thật cao quý về khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ (samudaya), sự diệt khổ (nirodha), và con đường dẫn đến diệt khổ (magga), giúp hành giả phát triển trí tuệ và đạt đến giác ngộ.
Chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ là sự tỉnh giác liên tục và là công cụ để quán chiếu sâu sắc vào bản chất của thân, tâm và pháp. Thông qua sự quán chiếu này, hành giả nhận ra ba đặc tính của vạn pháp: Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), Vô ngã (Anattā), từ đó phát triển trí tuệ (paññā) và tiến tới giải thoát.
Khác với Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo, Chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ được triển khai chi tiết và thực tế hơn. Đức Phật nhấn mạnh vai trò của Chánh niệm, diễn giải một lộ trình rõ ràng để hành giả áp dụng vào thực hành hàng ngày. Chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ đã trở thành một phương pháp đủ sức dẫn dắt hành giả đến giác ngộ.
2.2. Giáo dục từ bi trong Phật giáo
Khái niệm giáo dục từ bi có mặt ở nhiều tôn giáo nhưng đạo Phật đã cung cấp nền tảng triết lý và thực hành quan trọng cho khái niệm này. Trong đạo Phật, từ bi (karuṇā) là một trong bốn tâm vô lượng (brahmavihāra), gồm: Từ (Mettā) – lòng yêu thương không điều kiện; Bi (Karuṇā) – lòng trắc ẩn trước khổ đau của người khác và mong muốn giảm bớt khổ đau đó; Hỷ (Mudita) – niềm vui khi thấy người khác hạnh phúc; Xả (Upekkhā) – sự bình thản trước mọi biến cố. Phật giáo nhấn mạnh rằng từ bi không chỉ là cảm xúc mà còn là hành động cụ thể, hướng đến việc giảm bớt khổ đau và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Từ bi cũng không giới hạn ở con người, mà bao trùm tất cả chúng sinh.
Đối với giáo dục lòng từ bi được áp dụng qua: (1) Giáo dục lòng trắc ẩn – dạy con người nhận diện khổ đau và hành động để giúp đỡ; (2) Nuôi dưỡng trí tuệ và đạo đức – kết hợp giữa sự hiểu biết (trí tuệ) và lòng từ bi để phát triển nhân cách toàn diện.
Như vậy, có thể định nghĩa giáo dục từ bi là một phương pháp giáo dục nhằm nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, người khác và môi trường Phật giáo.
3. Khuyến nghị giáo dục lòng từ bi bằng Chánh niệm trong trong bối cảnh phát triển Phật giáo ở nước ta hiện nay
Thứ nhất, phát triển nội dung, chương trình giáo dục từ bi bằng Chánh niệm trong hệ thống các cơ sở đào tạo Phật giáo tại Việt Nam.
Xây dựng chương trình đào tạo chính thức: Phát triển các chương trình giáo dục lòng từ bi bằng Chánh niệm phù hợp với yêu cầu đào tạo khác nhau tại các Học viện Phật giáo (như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh) và các trường trung cấp Phật học. Chương trình cần bao gồm các môn học lý thuyết về giáo lý như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ và thực hành ứng dụng Chánh Niệm trong đời sống. Cần phát triển chương trình, tài liệu giáo dục này dưới hình thức số hóa (sách, video hướng dẫn) bằng tiếng Việt, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi và trình độ.
Thứ hai, ban hành các quy định, quy ước về thực hành giáo dục từ bi bằng Chánh niệm trong Phật giáo tại Việt Nam.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần ban hành các hướng dẫn chính thức về thực hành Chánh niệm và giáo dục từ bi, quy định rõ các nguyên tắc, nội dung và phương pháp giảng dạy. Quy ước cần nhấn mạnh tính không phán xét và sự cởi mở trong thực hành, bảo đảm phù hợp với giáo lý Phật giáo và văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam.
Chuẩn hóa đội ngũ sư thầy và người hướng dẫn như ban hành tiêu chuẩn cho sư thầy hoặc người hướng dẫn Chánh niệm, yêu cầu họ phải hoàn thành các khóa đào tạo chuyên sâu về Tứ Niệm Xứ hoặc giáo lý cốt lõi liên quan đến Chánh niệm, bảo đảm rằng các tăng sĩ và cư sĩ hướng dẫn đều có kiến thức sâu rộng về kinh điển và kinh nghiệm thực hành thiền.
Thành lập các ban giám sát thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam để kiểm tra chất lượng thực hành Chánh niệm tại các chùa và trung tâm đào tạo Phật giáo. Các tiêu chí đánh giá, bao gồm: mức độ tham gia của Phật tử, học viên, hiệu quả giảm căng thẳng và khả năng nuôi dưỡng lòng từ bi…
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức giáo dục từ bi bằng Chánh niệm trong phật giáo gắn với bối cảnh chuyển đổi số.
Xây dựng các ứng dụng di động và nền tảng trực tuyến (như website, YouTube…) cung cấp các bài giảng, hướng dẫn thiền Chánh niệm và giáo dục từ bi bằng tiếng Việt. Ngoài ra, có thể sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để cá nhân hóa trải nghiệm học tập, như đề xuất bài tập Chánh niệm dựa trên trạng thái tâm lý của người dùng.
Triển khai các khóa học Chánh niệm qua Zoom hoặc các nền tảng học trực tuyến như Moodle, Coursera. Các khóa học này có thể được tổ chức bởi các chùa hoặc trung tâm thiền với sự tham gia của các tăng sĩ và chuyên gia.
Phát triển các trải nghiệm thiền Chánh niệm bằng công nghệ thực tế ảo (VR), cho phép người học tham gia vào các môi trường thiền ảo (như hình ảnh chùa, rừng cây) để tăng cường sự tập trung và cảm giác an lạc. Tạo các nhóm hoặc trang mạng xã hội (như Facebook, Zalo…) để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực hành Chánh niệm và các hoạt động từ bi.
Thứ tư, đầu tư nguồn lực cho giáo dục từ bi bằng Chánh niệm trong Phật giáo.
Xây dựng các trung tâm thiền Chánh Niệm tại các thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thành phố Huế) và các khu vực nông thôn với không gian yên tĩnh, phù hợp cho thực hành thiền. Trang bị các công cụ hỗ trợ như thảm thiền, ghế thiền và thiết bị âm thanh để hướng dẫn thiền.
Đầu tư vào các chương trình đào tạo sư thầy và người hướng dẫn Chánh niệm, bao gồm cả tăng sĩ và cư sĩ. Các khóa đào tạo này cần được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của các chuyên gia Phật giáo trong và ngoài nước.
Đầu tư vào nghiên cứu khoa học để đánh giá hiệu quả của giáo dục Chánh niệm trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng và nuôi dưỡng lòng từ bi. Phát triển các công cụ đánh giá đa chiều, như bảng khảo sát hoặc ứng dụng theo dõi tiến độ thực hành Chánh niệm của học viên.
4. Kết luận
Chánh niệm, vốn được xem là một yếu tố quan trọng trong giáo lý Phật giáo, đã khẳng định giá trị vượt thời gian thông qua việc áp dụng vào giáo lý của Phật giáo. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, Chánh niệm không chỉ là một công cụ hỗ trợ cá nhân trong việc quản lý căng thẳng và cải thiện nhận thức mà còn đặt nền móng cho việc xây dựng một nền giáo dục toàn diện và một cộng đồng nhân văn trong Phật giáo. Nhờ việc nuôi dưỡng lòng từ bi và trách nhiệm cá nhân, Chánh niệm góp phần định cộng đồng Phật giáo không chỉ trau dồi trí tuệ mà còn thấm nhuần các giá trị đạo đức, hướng tới sự cân bằng và hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Khi được kết hợp với Chánh niệm, giáo dục từ bi trở thành một phương pháp mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân và cộng đồng Phật giáo. Từ phương pháp giáo dục lòng từ bi này có thể sẽ tiếp tục nghiên cứu, luận giải và đánh giá, ứng dụng trong các lĩnh khác trong đời sống xã hội; góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới và kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam hiện nay.
Chú thích:
1. Phạm Kim Khánh (2009). Đức Phật và Phật pháp. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 204.
2. Trần Trọng Hiếu (2018). Tu dưỡng tâm từ bằng thiền Chánh niệm. H. NXB. Hồng Đức, tr. 54.
3. Jon Kabat-Zinn (2019). Bất chấp tai ương. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 74.
4. Nyanaponika Thera (2015). Trái tim thiền Phật giáo. H. NXB. Hồng Đức, tr. 18.
5. Bhikkhu Anālayo (2017). Satipaṭṭhāna – con đường thẳng tới chứng ngộ và nghiên cứu đối chiếu với các bộ A Hàm. https://thuvienhoasen.org/images/file/z42syli31QgQAGhZ/satipa-h-na-con-duong-thang-toi-chung-ngo-nghien-cuu-doi-chieu-voi-cac-bo-a-ham.pdf.
6. Shauna Shapiro và Linda Carlson (2009). The Art and Science of Mindfulness: Integrating Mindfulness Into the Helping Professions. https://psycnet.apa.org/doi/10.1037/11885-000.
7. Toại Khanh (2020). Từ điển Pāḷi – từ nguyên và giải tự. H.NXB. Hồng Đức, tr.325.
8. Thích Quảng Độ (2012). Phật Quang đại từ điển. NXB. Phương Đông, Cà Mau, tr. 272.
9, 10. Phạm Kim Khánh (2009). Đức Phật và Phật pháp. NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 202.