Phan Thanh Huyền
Công ty cổ phần Kinh doanh quốc tế Simba Group Việt Nam
(Quanlynhanuoc.vn) – Đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững thông qua việc áp dụng công nghệ sạch, phát triển hạ tầng xanh và thực hiện các chính sách môi trường nghiêm ngặt. Bài viết phân tích kinh nghiệm quốc tế trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh tại các quốc gia, như: Singapore và Thái Lan, từ đó, đề xuất một số giải pháp cho thành phố Hà Nội nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh trong thời gian tới.
Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh; thu hút vốn đầu tư; kinh nghiệm; thành phố Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng trưởng xanh định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước, là điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu từ Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn thành phố Hà Nội đã thu hút được hơn 3,677 tỷ USD vốn FDI; gấp 2,2 lần cùng kỳ năm 20241. Dòng vốn FDI phần nào bảo đảm được nhu cầu đầu tư và phát triển của Hà Nội trong thời gian qua.
Những thành tựu trong hội nhập kinh tế toàn cầu đã mang đến nhiều lợi ích trong giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái môi trường, nước biển dâng và phát thải khí các bon gây hiệu ứng nhà kính. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi đã có những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của con người và phát triển. Do đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh (FDI) xanh nhằm gia tăng hơn nữa mức thu nhập và hướng tới phát triển bền vững trở nên cần thiết.
2. Kinh nghiệm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh tại một số quốc gia
Nguồn vốn FDI đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á. Thông qua FDI, các quốc gia có thể mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, FDI cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường. Mức độ thu hút FDI và ảnh hưởng môi trường từ FDI tại các quốc gia Đông Nam Á có sự khác biệt, phụ thuộc vào định hướng chiến lược và chính sách phát triển của từng nước.
2.1. Singapore
Singapore là một trong những quốc gia hàng đầu về thu hút FDI toàn cầu, vượt qua các nền kinh tế lớn, như: Ấn Độ và Trung Quốc. Dù có quy mô tương đối nhỏ, Singapore vẫn là điểm thu hút FDI hàng đầu ở châu Á, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao và bền vững. Theo Báo cáo đầu tư thế giới năm 2024 của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI đổ vào Singapore đạt mức cao kỷ lục 159,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, tăng so với mức 141,1 tỷ đô la Mỹ một năm trước đó (+13,1%), đưa quốc gia này trở thành nước tiếp nhận FDI lớn thứ ba trên toàn thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc2. Vào cuối cùng kỳ, tổng lượng FDI đạt 2,63 nghìn tỷ đô la Mỹ. Singapore đã phát triển một khung chính sách toàn diện để thu hút FDI xanh, tập trung vào hỗ trợ chính sách mạnh mẽ, các khuyến khích chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể3.
Cách tiếp cận của quốc đảo này là xây dựng một chiến lược đa dạng không chỉ nhằm vào lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn phù hợp với các mục tiêu bền vững lâu dài.
(1) Các khung chính sách: môi trường pháp lý của Singapore tạo thuận lợi đối với FDI. Việc không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải thành lập liên doanh hoặc từ bỏ quyền kiểm soát điều hành làm gia tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư. Hơn nữa, Chính phủ Singapore đã thực hiện một loạt khung pháp lý và chính sách để thúc đẩy các thực hành bền vững trong kinh doanh. Ví dụ, Kế hoạch Xanh 2030 đề ra các mục tiêu cụ thể về giảm phát thải carbon, tăng cường sử dụng năng lượng và phát triển không gian xanh trên toàn đô thị. Kế hoạch sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp và nhà đầu tư về cam kết của Chính phủ Singapore với phát triển bền vững.
(2) Vai trò của Hội đồng phát triển kinh tế (EDB): vai trò cốt lõi của EDB đối với việc cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài vào Singapore đặc biệt quan trọng đối với FDI xanh. Bằng cách phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, EDB không những thúc đẩy đầu tư mà còn cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư trong các lĩnh vực có giá trị cao,như: năng lượng tái tạo và phát triển đô thị bền vững. Mặt trận toàn cầu của EDB bao gồm các trụ sở tại các đô thị lớn của Mỹ, kết nối cơ hội địa phương với môi trường đầu tư toàn cầu, giúp nâng cao hình ảnh của Singapore trở thành một trung tâm toàn cầu về đầu tư xanh4.
(3) Các khuyến khích kinh tế: để thu hút FDI xanh, Singapore cung cấp một loạt các ưu đãi, như:hoàn thuế, trợ cấp đầu tư đổi mới công nghệ, trợ cấp tài chính đối với các dự án bền vững. EDB quản lý các ưu đãi khác nhau, bao gồm: trợ cấp đầu tư về hiệu quả năng lượng, cung cấp các khoản khấu trừ thuế và chi phí tài chính đối với các dự án đã giúp cải thiện hiệu quả năng lượng đáng kể5.
(4) Sẵn sàng về cơ sở hạ tầng: Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng xanh nhằm hỗ trợ các sáng kiến, gồm: xây dựng các khu công nghiệp xanh và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông xanh. Cơ sở hạ tầng xanh không chỉ hỗ trợ các sáng kiến bền vững mà còn cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Những tiến bộ đáng kể về năng lượng tái tạo của quốc gia, đặc biệt làm nổi bật bằng việc xây dựng một trong những dự án năng lượng mặt trời nổi lớn nhất thế giới và sự tăng trưởng đáng kể về năng lượng mặt trời đã định vị Singapore là một quốc gia tiên phong trong phát triển đô thị bền vững. Những nỗ lực trên không chỉ nhấn mạnh cam kết của Singapore đối với việc đạt được các mục tiêu năng lượng mặt trời mà còn gia tăng sức hút đối với một điểm đến thu hút FDI xanh.
Nhờ các chính sách trên, Singapore đã đạt được những kết quả đáng kể trong song hành giữa thu hút vốn FDI và bảo vệ môi trường. Tính đến năm 2022, 55% các tòa nhà ở Singapore đã đạt tiêu chuẩn xanh và tiến đến mục tiêu vào năm 2030 là 80%. Tính đến ngày 05/6/2025, vốn FDI xanh đạt 2,7 tỷUSD, tăng 194% so với cùng kỳ năm trước6. Singapore đã thành trung tâm cho các dịch vụ carbon và tài chính khí hậu, thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến mục tiêu phát triển bền vững. Những nỗ lực này cho thấy, Singapore đã thành công trong việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và thu hút FDI, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.
2.2. Thái Lan
Thái Lan là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất khu vực đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là đối với ngành ôtô, điện tử và du lịch. Năm 2024, Thái Lan đạt được những bước tiến quan trọng trong công tác thu hút vốn FDI, đồng thời chú trọng bảo vệ môi trường. Theo số liệu của Hội đồng đầu tư Thái Lan, tổng giá trị đơn đăng ký đầu tư trong năm 2024 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua, với hơn 1,14 nghìn tỷ baht (tương đương 32,8 tỷ USD), tăng 35% so với năm trước. Sự gia tăng này phần lớn được thúc đẩy từ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây.Singapore có nguồn FDI lớn nhất, chiếm 43% tổng số đơn đăng ký với 305 dự án trị giá 357,5 tỷ baht, chủ yếu vào dịch vụ kỹ thuật số và sản xuất điện tử7.
Để thu hút FDI mà không gây ô nhiễm môi trường, Thái Lan đã triển khai các chính sách nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, như:
(1) Xây dựng mục tiêu khí hậu: Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2065. Chính phủ Thái Lan cũng cam kết phát triển năng lượng tái tạo để thu hút nhà đầu tư quốc tế. Thái Lan chú trọng kế hoạch dài hạn về phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững, bảo đảm điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến năng lượng sạch.
(2) Giảm phát thải carbon trong công nghiệp: Thái Lan đã triển khai các dự án, như: liên doanh giữa ngành năng lượng, cơ quan quản lý và chuyên gia tại tỉnh Saraburi để thực hiện mục tiêu trung hoà carbon vào năm 2050. Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp, như: phát triển các khu công nghiệp sinh thái, yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ tiêu chuẩn môi trường quốc tế và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh.
(3) Xây dựng văn bản pháp luật: Thái Lan đang dự thảo Luật Biến đổi khí hậu để đáp ứng các mục tiêu trung hoà lượng carbon và cắt giảm khí thải nhà kính. Dự luật cũng đề xuất tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua các khoản tín dụng ưu đãi từ các quỹ và tổ chức tài chính nhằm hỗ trợ đầu tư vào công nghệ xanh.
(4) Ban hành quy định cấm nhập khẩu rác thải nhựa: từ ngày 01/01/2025, Thái Lan chính thức cấm nhập khẩu chất thải nhựa được sử dụng như các nguyên liệu chính trong các ngành công nghiệp để giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường và sức khoẻ con người. Đây là một bước tiến quan trọng trong vấn đề môi trường của Chính phủ Thái Lan và là yêu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp FDI khi muốn đầu tư vào Thái Lan.
3. Thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài xanh tại thành phố Hà Nội
Thành phố Hà Nội từ lâu đã thu hút đầu tư FDI nhờ vào hạ tầng giao thông hiện đại, chính sách ưu đãi thuế hợp lý và nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt, chính quyền thành phố đang thúc đẩy các dự án xanh với nhiều ưu đãi về thuế, tiền thuê đất và lãi suất vay để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, như: năng lượng sạch, vật liệu xanh và các dự án hạ tầng xanh. Sự phát triển hạ tầng giao thông, như: đường vành đai 4 và cao tốc Bắc – Nam cũng giúp các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản xanh tăng cường tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Xu hướng đầu tư FDI xanh đã phát triển tại Hà Nội với các dự án hướng đến đô thị xanh, năng lượng sạch và xử lý rác thải. Đây là định hướng quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm cộng đồng và làm tiền đề phát triển các dự án FDI xanh trong tương lai. Sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực xanh, đặc biệt là từ Hoa Kỳ cũng đã tăng đáng kể, nhấn mạnh cam kết của Việt Nam với phát triển bền vững, thể hiện thông qua cam kết tại COP26 và Thỏa thuận JETP. Một số doanh nghiệp FDI tại Hà Nội đã chuyển đổi danh mục đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chí xanh, như: Keangnam-Vina, T.H.T và Booyoung Việt Nam với các dự án bất động sản có công viên cây xanh và nguồn năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, các dự án trên không những tiết kiệm điện, nước sạch mà còn thể hiện cam kết của doanh nghiệp về phát triển bền vững. Panasonic Việt Nam là một điển hình về trách nhiệm xã hội với các dự án cộng đồng, như: đèn năng lượng mặt trời và dự án trồng cây xanh. Những hành động trên đã tạo ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống cộng đồng, thúc đẩy phát triển bền vững tại Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù việc thu hút vốn FDI của Hà Nội đạt nhiều thành tựu quan trọng, song vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển đầu tư xanh, như: hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến chưa phát huy tối đa hiệu quả, các danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư xanh còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách.
4. Một số bài học kinh nghiệm
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và nâng cao hiệu lực thực thi chính sách môi trường. Kinh nghiệm từ các quốc gia Đông Nam Á cho thấy, thực thi chính sách môi trường không chặt chẽ hoặc thực thi lỏng lẻo dễ khiến các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở pháp lý nhằm gia tăng lợi nhuận mà không chú ý đến bảo vệ môi trường. Việt Nam cần yêu cầu các khu công nghiệp tiến hành đánh giá tác động môi trường (EIA) nghiêm túc trước khi xem xét cấp giấy phép đầu tư, đưa ra chính sách thuế carbon nhằm khuyến khích đối với các doanh nghiệp FDI. Cần cải tiến quy trình đánh giá EIA nhằm bảo đảm tính minh bạch, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp FDI công bố dữ liệu môi trường nhằm tăng cường giám sát từ cộng đồng. Cần khuyến khích các doanh nghiệp FDI xây dựng hệ thống quản lý môi trường trước khi thực hiện dự án; đồng thời, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
Hai là, thúc đẩy FDI xanh và đổi mới công nghệ. Cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng sạch, đề cao các mô hình canh tác bền vững, giảm thiểu khí thải carbon. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường và tăng trưởng cộng đồng việc miễn giảm thuế và hỗ trợ lãi suất đối với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch. Bên cạnh đó, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về việc doanh nghiệp FDI phải đạt chứng nhận ISO 14001 về bảo vệ môi trường.
Ba là, tăng cường xử phạt và chế tài các doanh nghiệp vi phạm. Công tác giám sát môi trường đóng vai trò then chốt đối với việc bảo đảm các doanh nghiệp FDI tuân thủ quy định. Nếu không có hệ thống giám sát chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp có thể tìm cách trốn tránh hoặc lách luật nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ môi trường. Do vậy, cần thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm về khí thải nhằm giám sát chặt chẽ các khí thải từ quá trình sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quan trắc tiên tiến và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan làm công tác giám sát môi trường để bảo đảm các doanh nghiệp FDI thực hiện đúng các yêu cầu về giám sát môi trường.
Bốn là, tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội. Nhiều vụ xả thải trái phép của doanh nghiệp FDI đã bị phát giác nhờ phản ánh của người dân địa phương trên các kênh thông tin, mạng xã hội, báo chí hoặc gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng. Vai trò của người dân trong giám sát và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại địa phương là vô cùng quan trọng. Do vậy, cần tạo cơ hội cho người dân tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng trong giám sát môi trường bằng việc khuyến khích người dân tham gia chương trình quan trắc môi trường công cộng và gửi phản ánh trực tiếp tới các cơ quan quản lý. Phối hợp với chính quyền cơ sở và các đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ về môi trường của các tổ chức; đồng thời, hỗ trợ người dân giải quyết các kiến nghị liên quan đến ô nhiễm. Ngoài ra, cộng đồng cũng có thể lựa chọn hàng hoá xanh, dịch vụ xanh từ những doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và tẩy chay, lên án những doanh nghiệp vi phạm cam kết môi trường để bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi hình thức đầu tư nếu muốn tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam.
Năm là, đẩy mạnh đối thoại giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng. Tăng cường đối thoại giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp nhằm giải quyết tranh chấp môi trường. Hoạt động này nhằm tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan, thúc đẩy doanh nghiệp FDI nhận thức được trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và cộng đồng địa phương.
5. Kết luận
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình phát triển bền vững, việc thu hút vốn FDI xanh trở thành xu hướng tất yếu đối với các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Thông qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại các quốc gia như Singapore và Thái Lan – những điểm sáng trong thu hút FDI xanh, bài viết đã rút ra nhiều bài học quan trọng trong việc thiết lập khung pháp lý ổn định, phát triển hạ tầng xanh, thúc đẩy công nghệ sạch và nâng cao trách nhiệm môi trường.
Chú thích:
1. Hà Nội thu hút FDI đạt hơn 3,67 tỷ USD trong 6 tháng, https://thanglong.chinhphu.vn/ha-noi-thu-hut-fdi-dat-hon-367-ty-usd-trong-6-thang-103250703103952681.htm
2. UNCTAD (2024). World Investment Report 2024. https://unctad.org/publication/world-investment-report-2024.
3. Lloyds Bank. Foreign direct investment (FDI) in Singapore.https://www.lloydsbanktrade.com/en/market-potential/singapore/investment
4, 5, 6. Economic Development Board (2023). Facilitating Foreign Investment. Retrieved from https://www.edb.gov.sg
7. Orathai Sriring, Kitiphong Thaichareon và Thanadech Staporncharnchai. Thailand expecting at least $29 billion in investment applications this year.; https://www.reuters.com/markets/asia/thailands-investment-applications-up-35-10-year-high-2024-2025-01-13/
Tài liệu tham khảo:
1. Chi cục Thống kê thành phố Hà Nội. https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn/
2. Economic Development Board (2023). Facilitating Foreign Investment. https://www.edb.gov.sg
3. Hành vi đầu tư xanh của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội. https://www.quanlynhanuoc.vn/2025/04/03/hanh-vi-dau-tu-xanh-cua-cac-doanh-nghiep-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi/