Công tác cán bộ từ tầm nhìn chiến lược của Đảng

(QLNN)- Hồ Chí Minh đã nói về cán bộ và công tác cán bộ với một tư duy hiện đại, mới mẻ, Người đã nói được điều vượt trước, có thể nói là mẫn cảm đặc biệt. Người đem vào những dự cảm, trù tính đó cả tinh thần và phương pháp quản lý xã hội hiện đại, coi “tư bản” người, “tài nguyên” con người, “vốn” người là quan trọng bậc nhất của “vốn xã hội” như cách diễn đạt của ngày hôm nay về quản lý xã hội, quản trị xã hội, quản trị nhân lực.

 

Ngọn nguồn sâu xa của sức mạnh làm nên kỳ tích Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, suốt đời chăm lo xây dựng Đảng thành một Đảng cách mạng chân chính, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành, tận tụy phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Người còn sáng lập ra Nhà nước kiểu mới, khai sinh ra chế độ dân chủ cộng hòa với bản Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập, xác lập địa vị người chủ và quyền làm chủ của nhân dân ta.

Đây là thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 – một trong những cuộc Cách mạng điển hình trong thế kỷ XX, không chỉ là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta mà còn là một sự kiện nổi bật trong lịch sử phong trào cách mạng thế giới trong thời đại mới. Với sự ra đời của chế độ mới, nhà nước mới ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền. Vào lúc ấy, Đảng ta mới 15 tuổi, mới chỉ có gần 5.000 đảng viên. Dân số nước ta hồi đó mới có 20 triệu người. Giờ đây, đội ngũ Đảng ta đã lên tới gần 4 triệu người và Việt Nam đã có 90 triệu dân.

Đảng đã thực thi vai trò lãnh đạo, cầm quyền liên tục gần 70 năm, đã đảm nhận trọng trách lịch sử do Dân tộc và Nhân dân ủy thác. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc, với lý tưởng và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã làm nên biết bao kỳ tích.

Đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành lại độc lập tự do, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, giữ vững chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng chế độ mới, phát triển kinh tế và văn hóa, đưa nước ta từng bước quá độ tới chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Kỳ tích đó đã đưa Việt Nam vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, chứng thực chân lý lớn nhất của lịch sử “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Từ những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới để phát triển, để chẳng những đánh bại đế quốc thực dân mà còn đánh thắng nghèo nàn lạc hậu, từng bước xây dựng đất nước trở nên văn minh, hiện đại. Đổi mới đã đi qua một chẳng đường lịch sử gần 30 năm để thực hiện hệ mục tiêu, hệ giá trị của phát triển: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng chính là đặc trưng tổng quát, bao trùm các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Đó vừa là định hướng XHCN mà cũng vừa là định hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Với đổi mới, nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng của thế kỷ XX, đã vượt qua những thử thách hiểm nghèo khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, hệ thống XHCN thế giới tan rã, đã từng bước vượt qua tình trạng kém phát triển, chuyển mình từ một nước nông nghiệp lạc hậu sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhờ có đổi mới, năng lực lãnh đạo và bản lĩnh cầm quyền của Đảng được tôi luyện và trưởng thành, năng lực quản lý của nhà nước được trau dồi theo những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, mọi tiềm năng xã hội và sức sáng tạo của nhân dân được giải phóng và phát huy.

Một diện mạo mới của đất nước, thế và lực mới của cách mạng Việt Nam có được như hiện nay đã cho thấy giá trị, sức sống và ý nghĩa của đổi mới, đã làm nên vị trívị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Kỳ tích ấy vừa tiếp nối vừa phát triển những kỳ tích đã có, mở ra xu thế và triển vọng phát triển của nước ta. Đổi mới tỏ rõ sức mạnh của sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng Dân và phép Nước.

Thành tựu có tầm vóc lịch sử của đổi mới cho thấy, cùng với Đảng và Nhà nước của mình, Nhân dân đã thực sự là đồng tác giả của công trình vĩ đại: Đổi mới – Giải phóng – Sáng tạo và Phát triển. Triết lý phát triển ấy của Việt Nam thời hiện đại có trong tư tưởng, đường lối đổi mới của Đảng, do Đảng khởi xướng đồng thời lãnh đạo toàn dân thực hiện, bắt nguồn từ thực tiễn, từ tổng kết thực tiễn những sáng kiến, sáng tạo của nhân dân, nâng lên thành lý luận.

Triết lý ấy còn là kết quả nhận thức và vận dụng sáng tạo di sản Hồ Chí Minh mà Người để lại cho Đảng, cho dân, cho mọi thế hệ người Việt Nam – hôm nay và mai sau. Đó là tư tưởng cao quý của Người: tin vào lực lượng và sức mạnh của Dân, dựa vào dân mà gây dựng cơ đồ và sự nghiệp, đem tài dân, sức dân để mưu cầu hạnh phúc cho dân, làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, làm tất cả vì dân, tin dân nên phải trọng dân; bởi bao nhiêu lợi ích, quyền hành và lực lượng đều là của dân, đều ở trong dân, đều thuộc về dân, nên suốt đời chỉ sống và hành động vì dân, thương dân nên phải biết dâng hiến, hy sinh, suốt đời “dĩ công vi thượng”, suốt đời thân dân và chính tâm, nâng đạo lý thánh hiền ấy thành đạo làm người của người cách mạng, của Đảng cách mạng, của Nhà nước Dân chủ – Pháp quyền, một Nhà nước pháp quyền hiện đại và nhân nghĩa.

Lịch sử dân tộc ta từ khi có Đảng, có Bác Hồ dẫn đường đã chung đúc, hòa quyện với lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng, đã làm nổi bật mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Dân, Nhà nước với dân, cán bộ đảng viên công chức với dân, từ người dân – công dân đến quốc dân – đồng bào trong cả nước.

Không có dân, Đảng không có lực lượng, không có Đảng, dân không có người lãnh đạo, không có lực lượng tiên phong dẫn dắt. Dân ủy quyền cho Nhà nước để Nhà nước thực thi và bảo vệ quyền lực nhân dân. Cán bộ công chức trong các cơ quan công quyền thực thi bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm phục vụ dân nên suốt đời phải tận tâm tận lực vì dân, dân là gốc của nước nên lợi ích của Tổ quốc, Dân tộc và Nhân dân là tối cao, nen phải một đời tâm niệm và hành động theo tinh thần “Trọng Dân, trọng Pháp”, “Dĩ công vi thượng”, “Tinh thành đoàn kết”…

Đó là những điều hệ trọng trong đường lối chiến lược của Cách mạng Việt Nam, là những điểm cốt yếu trong học thuyết lý luận cách mạng của Hồ Chí Minh, là huyết mạch làm nên sức sống lâu dài, bền bỉ của học thuyết giải phóng và chủ thuyết phát triển Hồ Chí Minh.

Đó còn là triết lý nhân sinh và hành động của Người mà Người đã theo đuổi suốt cả cuộc đời mình, đồng thời truyền dẫn cho chúng ta trên mỗi bước đường tranh đấu trong cuộc hành trình tới Độc lập – Tự do – Hạnh phúc.

Cán bộ là vốn quý của Đảng, là tài sản của Nước, của Dân

Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng. Đội ngũ cán bộ có Đức có Tài là đảm bảo cho cách mạng thành công, cho Dân giàu Nước mạnh.

Cách đây hơn 80 năm, Nguyễn Ái Quốc viết tác phẩm “Đường Cách mệnh” (1927) để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, để đào tạo, huấn luyện lớp cán bộ đầu tiên, những hạt giống đầu tiên của phong trào cách mạng, đặt nền móng tư tưởng lý luận cho việc dựng Đảng lập Nước.

“Đường Cách mệnh” chẳng những đã trở thành bảo vật quốc gia[1], mà còn mãi mãi là con đường giải phóng, là sự nghiệp phát triển của đất nước, dân tộc và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đường Cách mệnh đã chỉ rõ, cách mệnh là phá cái cũ lỗi thời, lạc hậu, mục nát và hư hỏng đổi ra cái mới tiến bộ, phát triển, tốt đẹp. Muốn cách mệnh xã hội, trước hết phải cách mệnh chính bản thân mình.

Cách mệnh, trước hết phải có Đảng và Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt. Đảng Cách mệnh, người cách mệnh phải có tư cách, trong những tư cách ấy, phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất. Chủ nghĩa chân chính cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê nin, Mác-Lênin. Tư cách của Đảng cách mạng, người cách mạng đòi hỏi phải đặt đạo đức lên hàng đầu, đó là đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Ngay từ đầu, khi đã lựa chọn con đường cách mạng và lẽ sống phụng sự Tổ quốc và Nhân dân thì phải có đủ quyết tâm, dũng khí đánh bại chủ nghĩa cá nhân. Chỉ vì Dân mà phấn đấu hy sinh, không vì danh lợi cá nhân, không màng danh lợi, phải đứng ngoài vòng danh lợi thì mới đem toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, coi đó là một lẽ sống cao thượng, bởi phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý cao nhất, cái gì tốt cho dân, lợi cho dân – cái đó là chân lý.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã nhìn thấu điều hệ trọng lớn lao này trong bước ngoặt của cuộc hành trình tư tưởng – tìm đường, chọn đường và nhận đường rồi dốc sức thực hành sự nghiệp. Những chỉ dẫn tư tưởng ấy cho thấy dự cảm sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Người, nhất là từ khi Đảng đã cầm quyền.

Có Đảng, có Dân và có Cán bộ – đó là 3 điều quan trọng nhất, gắn liền nhau, quyết định thành hay bại, sinh mệnh còn hay mất của sự nghiệp – từ lúc mới manh nha đến lúc trưởng thành và khi bước vào những thử thách bước ngoặt: cầm quyền. Quy luật của muôn đời, được đúc rút từ những trải nghiệm lịch sử đã cho thấy sự khẳng định mạnh mẽ, sự xác tín rõ ràng, đầy đủ chân lý “có dân thì có tất cả mà mất dân thì cũng mất hết”.

Cùng với điều đó, lịch sử cũng thường xuyên cảnh báo: phải phòng ngừa một trong những thử thách nghiệt ngã nhất – cầm quyền sẽ có quyền lực, nếu không vượt qua những cám dỗ của Danh và Lợi thì sẽ sinh ra hư hỏng. Đối mặt với “giặc ở trong lòng”, nếu không còn đủ sức trong sáng nữa thì sẽ tự biến mình thành tù binh của “giặc nội xâm”, suy thoái và biến dạng là điều không tránh khỏi. Đã không tự bảo vệ được mình thì cũng sẽ tự phá hủy sự nghiệp của Dân, của Đảng.

Để không rơi vào kết cục không mong muốn đó, phải cách mạng đến nơi, tức là triệt để, đồng thời phải Dân chủ chứ không biến Dân chủ thành “quan chủ”, phải là đầy tớ trung thành, công bộc tận tụy của dân chứ không lên mặt “quan cách mạng”. Mấu chốt là con người, là cán bộ, là chất lượng cán bộ, Đức là gốc, Tài là quan trọng, có Đức phải có Tài. Đức đảm bảo cho Tài và Tài để phát huy Đức, thực hành Đức, đem Đức ấy Tài ấy phục vụ nhân dân. Bởi thế, chiến lược cán bộ là bộ phận hợp thành không thể thiếu của chiến lược cách mạng, là điều kiện để thực hiện thành công chiến lược cách mạng.

Đảng phải ra sức đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, giáo dục cán bộ. Nhà nước phải đặc biệt chú trọng chính sách cán bộ theo đúng đường lối quan điểm của Đảng. Nhân dân giúp sức cho Đảng và chính phủ phát hiện nhân tài, trọng đãi hiền tài, làm cho nguyên khí quốc gia mạnh lên để dân tộc cường thịnh.

Hơn thế nữa, nhân dân phải phát huy vai trò, thực hiện trách nhiệm người chủ trong việc kiểm soát quyền lực, kiểm tra giám sát cán bộ. Phải chăm lo công việc ấy công phu tỷ mỷ như người làm vườn, đánh giá cán bộ cho đúng, bố trí người vào việc cho hợp lý, giáo dục cán bộ, đối đãi với cán bộ sao cho thấu lý đạt tình, nghiêm mà cũng rộng lòng khoan thứ, nhưng đã vì dân thì phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai. Đó cũng chính là sự thống nhất giữa bảo vệ dân với bảo vệ cán bộ, từ cán bộ đảng viên của Đảng đến công chức Nhà nước và các cán bộ đoàn thể.

Hồ Chí Minh và Đảng ta bao giờ cũng coi trọng công tác tổ chức, gắn liền làm một công tác tổ chức với công tác cán bộ, đặt công tác này vào vị trí chiến lược ở mọi thời kỳ, đặc biệt trong tình hình hiện nay.

Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, là tài sản của Nước của Dân, là vốn quý của dân tộc quốc gia, là sức mạnh của chế độ. Cán bộ tốt và giỏi thì cách mạng phát triển thuận lợi, sự nghiệp sẽ thành, như thế chúng ta có lãi. Cán bộ yếu kém, hư hỏng, cách mạng sẽ gặp khó khăn, thậm chí có thể thất bại, như thế chúng ta lỗ vốn.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo
Hội đồng Lý luận Trung ương

Chú thích:
[1] Năm tác phẩm của Hồ Chí Minh được coi là bảo vật quốc gia gồm: “Đường Cách mệnh” (1927), “Nhật ký trong tù” (1943), “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” (1967) và “Di chúc” (1969).