Đạo đức và trách nhiệm công chức trong cải cách hành chính hiện nay

(QLNN) – Hiện nay, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, đến vấn đề suy thoái đạo đức đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là trong một bộ phận công chức. Các vụ tiêu cực liên quan đến suy thoái đạo đức ở nước ta những năm qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của xã hội về đạo đức người công chức.

 

Với người cán bộ, công chức, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công dân, về ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Theo Người, “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”. Để có tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ thì đội ngũ cán bộ, công chức phải có tinh thần trách nhiệm cao; phải thực hiện tốt quy định của Luật Cán bộ, công chức theo các nguyên tắc trong thi hành công vụ: công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát, bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

1. Đạo đức công vụ là một phạm trù tương đối rộng, bao hàm đạo đức, lối sống, cách xử sự của cán bộ, công chức không chỉ trong các mối quan hệ xã hội thông thường mà còn trong phạm vi thực hiện nhiệm vụ công, đó là trong giao dịch hành chính với tổ chức, công dân.

Công chức của nhiều nước khi chuyển sang nền kinh tế thị trường phải đối mặt với nhiều vấn đề mà trước đây không có. Những vấn đề như: tiền lương, tiền thưởng hay phụ cấp, môi trường làm việc đều được đem ra so sánh với khu vực tư nhân và sự chênh lệch giữa hai khu vực này cũng làm cho tư duy về giá trị công vụ, công chức thay đổi. Hiện tượng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân thể hiện sự thay đổi nhận thức giá trị công vụ.

Để hạn chế những mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động đến đạo đức công chức cần có nền tảng đạo đức công chức vững chắc. Nền tảng này cần phải được xây dựng dựa trên một hệ thống pháp luật cần thiết để bảo đảm cho các chuẩn mực đạo đức được thi hành trong công vụ và tiêu chí về đánh giá công chức mang tính truyền thống như trung thực, thẳng thắn, không vụ lợi: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Để bảo đảm cho công cuộc cải cách hành chính được thành công, điều quan trọng nhất phải có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài để phục vụ nhân dân. Thực tế hiện nay, dù năng lực, đạo đức của công chức đã được nâng lên nhiều, song so với thực tế của quá trình đổi mới và yêu cầu của người dân thì năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến quá trình cải cách hành chính cũng như các mặt khác của đời sống xã hội.

Vấn đề đạo đức, lối sống hiện nay trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức đang bị suy thoái với những biểu hiện khác nhau như: ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, cục bộ, tham nhũng, lãng phí… Họ chưa thực sự lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; công chức không ham mê công việc, không có trách nhiệm với công việc, không ứng xử đúng với nhân dân… Vấn đề đạo đức công vụ rất cần được quan tâm giáo dục.

2. Đề cập đến trách nhiệm phục vụ nhân dân của tổ chức bộ máy nhà nước và công chức trong bộ máy cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáng kể. Vẫn còn nhiều cán bộ, công chức không đặt mình ở vị trí phục vụ nhân dân mà vẫn còn tâm lý quản lý, cai trị. Từ đó, họ có những hành vi nhũng nhiễu nhân dân, vi phạm những nguyên tắc khi thi hành công vụ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều xuất thân từ nhân dân, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tức là từ tiền thuế do dân đóng góp. Vì vậy, nếu làm chưa tròn bổn phận phục vụ dân thì phải xin lỗi. Tư tưởng đó đã được quán triệt trong toàn hệ thống tổ chức và cán bộ, công chức, tạo ra văn hóa, đạo đức công vụ của công chức trước công việc, trước nhân dân.

Trách nhiệm công vụ là một khái niệm mang tính chất chính trị, đó là việc cán bộ, công chức tự ý thức về quyền và nhiệm vụ được phân công cũng như bổn phận phải thực hiện các quyền và nhiệm vụ đó. Trách nhiệm công vụ thường được xem xét theo hai góc độ: trách nhiệm của nhóm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý và trách nhiệm của nhóm công chức thực thi, thừa hành.

Hiện nay, khi thực hiện việc điều hành và phân công công việc ở một số cơ quan, người lãnh đạo, quản lý có xu hướng dồn nhiều việc cho cán bộ, công chức có năng lực khá, giỏi. Các công chức có năng lực hạn chế ít được giao việc. Xu hướng này, thoạt nghe thì thấy hợp lý nhưng hậu quả là cán bộ, công chức hạn chế về năng lực sẽ không phải chịu nhiều thách thức, không có cơ hội để vươn lên và càng thiếu trách nhiệm.

Những người khá, giỏi sẽ bị quá tải và lôgic tiếp theo là chất lượng công việc của những người này cũng lại có xu hướng giảm sút do phải chạy theo số lượng công việc. Đây là yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức. Trong cơ quan, nếu có người làm việc thiếu trách nhiệm sẽ ảnh hưởng lây lan đến những người khác.

Một xu hướng khác là, một số cán bộ, công chức quản lý thích ôm đồm công việc; không tin tưởng vào cấp dưới, không dám và không muốn giao việc cho cấp dưới. Điều này phản ánh tính trách nhiệm chưa cao trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Công chức thừa hành thiếu trách nhiệm do nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh nguyên nhân bản thân mỗi người thiếu hoặc buông lỏng rèn luyện thường xuyên, còn có nguyên nhân điều hành của người quản lý thiếu tin tưởng vào công chức và phân chia công việc không rõ ràng. Khi phân công, giao việc, người này đùn đẩy việc cho người kia và khi thực hiện thì thiếu trách nhiệm phối hợp. Khi công việc kém hiệu quả hoặc chậm tiến độ, bị phê bình thì cấp trên và cấp dưới đổ lỗi cho nhau.

Những người thiếu trách nhiệm thường rất hăng hái phát biểu trong các cuộc họp nhưng nhiều khi lại không dám đảm trách công việc cấp trên giao. Khi bình xét khen thưởng thì luôn thích “xung phong” mà ít khi tự đánh giá lại mình để xin rút và giới thiệu người xứng đáng hơn. Khi người đứng đầu không muốn làm mất lòng mọi người và thiếu trách nhiệm trong đánh giá sẽ dẫn đến hậu quả là không phân biệt được người làm tốt, xứng đáng và người làm chưa tốt, không xứng đáng.

Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tư duy chỉ người đề xuất, trình ký, tham mưu mới là người chịu trách nhiệm; khi có vấn đề nảy sinh hoặc để xảy ra hậu quả thì người được giao thẩm quyền quyết định có xu hướng đẩy trách nhiệm sang phía tham mưu, đề xuất. Những năm gần đây vấn đề này được nêu lên ở nhiều chương trình mục tiêu, đề án cải cách nhưng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa chuyển kịp mà vẫn mang nặng tư tưởng cai trị quản lý nhiều hơn phục vụ.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức, viên chức có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực thi chính sách, pháp luật nói chung. Mức độ tin tưởng vào Nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật của người dân như thế nào một phần phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của họ về đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Mỗi thái độ, lời nói, việc làm có lý, có tình của người cán bộ, công chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc, nhu cầu của người dân sẽ có tác dụng lôi kéo, khích lệ họ chấp hành chính sách, pháp luật. Ngược lại, người dân sẽ thất vọng, phản ứng, thậm chí đối phó, bất hợp tác và gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước.

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN. Hơn bao giờ hết phải tạo cho được một đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ quản lý, lãnh đạo có trình độ chuyên môn giỏi, có đạo đức nhân cách tốt, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Để làm được điều đó cần không ngừng đổi mới công tác cán bộ các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” mà thay vào đó là những cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, vững chuyên môn nghề nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Với người cán bộ, công chức, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức là phẩm chất đạo đức, là lòng tự trọng, giá trị của mỗi người. Những bài học của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức công dân, về ý thức trách nhiệm đối với dân, với nước vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay. Theo Người, “khi Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, đều phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, làm một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri, theo nhu cầu nội tâm của cá nhân mình”.

Để có tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ thì đội ngũ cán bộ, công chức phải có tinh thần trách nhiệm cao; phải thực hiện tốt quy định của Luật Cán bộ, công chức theo các nguyên tắc trong thi hành công vụ: công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát, bảo đảm thứ bậc hành chính và sự phối hợp chặt chẽ.

Nguyễn Thị Vân
Học viện Hành chính Quốc gia