Trách nhiệm người đứng đầu là nhân tố quyết định hiệu quả cải cách tổ chức bộ máy nhà nước

(QLNN) Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương là nhân tố quyết định trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của mình. Bởi vì đây là công việc gắn với tổ chức và con người, gắn với các lợi ích của họ cho nên rất khó khăn và phức tạp trong quá trình thực hiện. Và cũng chính vì khó khăn đó mà phải phát huy trách nhiệm của người đúng đầu; đòi hỏi người đứng đầu phải quyết tâm và quyết liệt trong thực hiện.

 

Thực trạng cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước những năm qua chỉ ra rằng nhiều việc đã rõ, đã có quy định của pháp luật nhưng không được thực hiện, thậm chí làm không đúng quy định của pháp luật. Đấy là chưa nói những vấn đề mới, chưa có tiền lệ trước đây như xác định vị trí việc làm theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; phân cấp, ủy quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chịu trách nhiệm chính;…

Trong 5 năm (2011 – 2016), số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng 28 đơn vị (năm 2011: 418 đơn vị, năm 2016: 446 đơn vị); số lượng đơn vị trực thuộc tổng cục tăng 807 đơn vị (năm 2011: 3.046 đơn vị, năm 2016: 3.853 đơn vị). Xu hướng nâng cấp vụ lên cục diễn ra nhanh ở nhiều bộ, có 30 cục được thành lập trong thời gian này. Việc tăng số cục dẫn đến tăng 180 đơn vị cấp phòng. Có tình trạng thành lập 39 đơn vị tương đương cấp vụ không có trong Nghị định của Chính phủ. Thống kê tại 20 trong số 22 bộ, cơ quan ngang bộ: năm 2011 có 570 phòng thuộc vụ, tháng 7/2016 có 692 phòng thuộc vụ (tăng 122 phòng)1.

Nhiều cấp ủy đảng, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn buông lỏng lãnh đạo, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Hạn chế ở cấp trung ương còn nhiều nên khó nêu gương, tạo chuyển biến cho địa phương, cơ sở. Không ít cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn mang nặng tâm lý trông chờ sự bao cấp của Nhà nước, ngại thay đổi, không thích trao quyền và rất ngại phân cấp, còn cục bộ, chưa vì lợi ích chung, bằng nhiều cách như: chậm ban hành đề án, chậm hướng dẫn triển khai… làm tăng nhiệm vụ, quyền hạn, biên chế để mang lại lợi ích cho cơ quan, đơn vị, cá nhân mình.

Tình trạng kỷ luật công vụ chưa nghiêm, rõ nhất là việc không tuân thủ quy định của Đảng và Nhà nước để tăng bộ máy, biên chế, số lượng cấp phó, tăng tỷ lệ lãnh đạo, xảy ra nhiều nơi trong thời gian dài, gây bức xúc dư luận nhưng chưa được xem xét, xử lý công khai, nghiêm túc, kịp thời.

Như vậy, cần coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng để quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này, đồng thời làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đối với những yếu kém, hạn chế của cơ quan, đơn vị, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm cụ thể, nếu không việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính vẫn chậm như hiện nay và không hiệu quả. Thiết kế lại toàn bộ bộ máy của hệ thống chính trị, chuẩn hóa các quy trình, đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng Nhà nước không làm những việc xã hội có thể làm được; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ minh bạch, cụ thể; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh nhất thể hóa một số chức danh gắn với trách nhiệm, quyền lợi; hợp nhất các xã, huyện không đủ tiêu chuẩn…

Cần rà soát, sửa đổi hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy hành chính nhà nước thống nhất. Việc tinh giản biên chế cũng cần gắn với đặc điểm của từng loại đơn vị hành chính, không nên mang tính cơ học, cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm, lợi thế so sánh của từng địa phương, các nhiệm vụ Trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đã được Trung ương phê duyệt.

Quy định biên chế cấp tỉnh phải dựa trên cơ sở quy mô dân số và đặc thù của địa phương, đặc thù mô hình chính quyền đô thị, nông thôn, nông thôn miền núi; thận trọng khi tiến hành sáp nhập các cơ quan, tránh điệp khúc “tách nhập, nhập tách”, “tách ra là để chuyên sâu/nhập vào là để giảm đầu mối đi”… ; thực hiện nguyên tắc một tổ chức có thể thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Kiên quyết loại bỏ những tổ chức, những khâu trung gian không cần thiết; chỉ rõ cấp trung gian là cấp nào (tổng cục, cục hay vụ, phòng trong vụ) để giảm cấp trung gian; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm khắc công chức vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực nghề nghiệp; bên cạnh đó cần xây dựng quy định cụ thể về các chức danh lãnh đạo không phải là người địa phương (Bí thư, Chủ tịch, Tòa án, Kiểm sát, Công an);…  Xác định rõ mối quan hệ công tác của các cơ quan chuyên môn tham mưu từ trung ương đến địa phương.

Xã hội hóa và đổi mới, sắp xếp lại khu vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chậm, hiệu quả thấp mà chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để xử lý. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức làm việc của bộ máy hành chính chưa gắn kết với yêu cầu tinh gọn, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động… Do đó, cần coi đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Để cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước cần phải nhanh chóng xây dựng cơ chế bảo đảm, gắn quyền hạn với trách nhiệm, với các chế tài tương ứng để người đứng đầu thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn thì công cuộc cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nói riêng mới đạt được kết quả mong muốn.

Chú thích:
1. Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.

Thúy Vân
Học viện Hành chính Quốc gia