Quyết liệt chỉ đạo và quyết tâm đổi mới thực hiện cải cách hành chính – Kinh nghiệm của Hải Phòng

(QLNN) – Nhân dịp đón Xuân 2018, Tạp chí Quản lý nhà nước có cuộc trao đổi, phỏng vấn Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về những kinh nghiệm thực hiện cải cách; thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, quyết tâm đổi mới cải cách hành chính của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong thực hiện toàn diện các nhiệm vụ đề ra. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu toàn văn cuộc trao đổi, phỏng vấn!

 

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng (ảnh: https://www.moha.gov.vn).

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác cải cách hành chính thành phố Hải Phòng tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Ba năm liền, Hải Phòng được xếp hạng 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xếp hạng cải cách hành chính. Đặc biệt năm 2017 đánh dấu sự đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của thành phố về công tác cải cách hành chính, góp phần đạt được những kết quả nổi bật, là điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội.

PV: Hải Phòng đang được xem là điểm sáng về kinh tế – xã hội của cả nước với những kết quả toàn diện mang tính đột phá. Xin ông cho biết, yếu tố nào quan trọng và quyết định đến các kết quả đạt được của thành phố?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Yếu tố quan trọng và quyết định theo chúng tôi đó chính là sự đoàn kết, thống nhất trong quyết liệt chỉ đạo, quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố trong thực hiện toàn diện các nhiệm vụ. Đặc biệt, trong năm 2017, việc quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính đã tháo gỡ được nhiều nút thắt, góp phần tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

Vừa qua, thành phố Hải Phòng được Chính phủ đánh giá là điểm sáng về kinh tế – xã hội của cả nước với những kết quả toàn diện mang tính đột phá thể hiện ở các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn thành phố năm 2017 dự kiến tăng 14,01%; thu ngân sách ước đạt 71.046,3 tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 21.500,3 tỷ đồng, tăng 26,22% so với cùng kỳ. Thu nội địa hiện đã vượt trước 3 năm mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố đề ra (mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra cho năm 2020 là 20 nghìn tỷ đồng).

Kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều cách làm mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả rõ nét; các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục, chính sách an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự trị an được quan tâm; đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố. Mô hình tăng tưởng bước đầu được đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có thể nói, thành phố đang phát triển theo đúng định hướng là một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, một cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài tiếp tục chọn Hải Phòng để đầu tư các dự án lớn.

Thành phố nằm trong nhóm 10 địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư Việt Nam trong tương lai. Việc thu hút đầu tư nước ngoài có kết quả tích cực với tổng số vốn đạt 870,62 triệu USD, nâng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 511dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 14,52 tỷ USD (số liệu tính đến 28/9/2017). Đầu tư của các doanh nghiệp trong nước vào Hải Phòng tăng cao, các Tập đoàn Vingroup, Sungroup, Him Lam, FLC, Xuân Trường… đã và đang triển khai khẩn trương đầu tư các dự án lớn về đô thị, du lịch, nông nghiệp, y tế, giáo dục trên địa bàn thành phố.

Kết quả trên thể hiện rõ hiệu quả thiết thực của công tác cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

PV: Liên tục 3 năm liền đứng thứ 2 cả nước về cải cách hành chính chính là sự khẳng định và ghi nhận những cố gắng của chính quyền thành phố Hải Phòng trong nỗ lực tạo lập một nền hành chính tinh gọn, minh bạch, thông thoáng và hiện đại. Xin ông chia sẻ những kinh nghiệm của ông trong việc trực tiếp chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này ở Hải Phòng?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Để có những đột phá trong quản lý và cải cách hành chính, chính quyền điện tử được thành phố quan tâm và đánh giá sẽ giúp ích cho quá trình phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của thành phố; nâng cao năng lực, hiệu quả của nền hành chính nhà nước. Cá nhân tôi cho rằng, việc phát triển hệ thống chính quyền điện tử chính là để phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố xác định một số mục tiêu xây dựng thành công chính quyền điện tử thành phố, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng được thuận tiện, minh bạch, hiệu quả hơn. 100% thông tin chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước đến cấp xã đã được đưa lên mạng; 70% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 trở lên; phát triển dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4…

Đến nay, mô hình chính quyền điện tử cấp quận được xây dựng thí điểm tại quận Ngô Quyền và Hồng Bàng bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Hải Phòng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công thí điểm Cổng giám định bảo hiểm y tế trực tuyến ở 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố.

Năm 2018, thành phố Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, kiểm tra cải cách hành chính, xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Việc phát triển và ứng dụng mạnh mẽ, rộng rãi công nghệ thông tin được thành phố xác định là động lực mạnh mẽ thúc đẩy, đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội, tiến vào nền kinh tế tri thức.

Thành phố tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính một cách quyết liệt theo mục tiêu: giảm giấy tờ, giảm hội họp, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý hành chính nhà nước. Ðồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ công chức công tâm, thạo việc, tận tụy, từng bước chuyên nghiệp để tiến tới hiện đại hóa nền hành chính.

Hải Phòng đang hướng tới việc xây dựng Chính quyền điện tử, chính phủ điện tử, điều hành qua mạng, phát triển thương mại điện tử, phát huy vai trò của công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng những mô hình, cách làm, sáng kiến trong thực hiện cải cách hành chính đem lại hiệu quả thiết thực, được tổ chức, người dân và doanh nghiệp ủng hộ…

PV: Nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đề cập đến trong thời gian tới đó là: quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật và chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Bằng kinh nghiệm của ông, cần có yếu tố tác động nào để việc thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ này đạt hiệu lực, hiệu quả?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Tôi nghĩ, với nhiệm vụ này cần một quyết tâm chính trị, một sự đoàn kết nhất trí trong tập thể lãnh đạo; quyết liệt trong đổi mới thực hiện cải cách và rất cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu để rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch công tác chi tiết trong thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Chẳng hạn, chúng tôi có Kế hoạch số 216/QĐ-UBND ngày 16/10/2017 về kiểm tra công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức gắn với kiểm tra các nội dung về công tác cán bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo kế hoạch, các Đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp làm trưởng đoàn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố. Sau kiểm tra có báo cáo kiểm tra, Thông báo kết luận chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị.

Để tăng cường kiểm tra kỷ luật, kỷ cương công vụ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Công văn số 1787/UBND-KTGS&TĐKT ngày 10/4/2017 về việc đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc tham mưu, giải quyết công việc và kỷ luật, kỷ cương công vụ tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; trong đó yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm tăng cường chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chủ trì các đoàn kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ tại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Sau kiểm tra có thông báo kết luận chỉ đạo xử lý, khắc phục những tồn tại, hạn chế, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương công vụ.

Các địa phương, đơn vị chủ động tổ chức kiểm tra công vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền, gồm các quận, huyện: Lê Chân, Hồng Bàng, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo, An Lão, Thủy Nguyên, An Dương, Kiến An. Trong đó, ngoài việc kiểm tra giờ giấc làm việc của công chức, một số quận huyện tiến hành kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ được giao (Lê Chân, Dương Kinh, Hồng Bàng), phân công công việc, tiến độ thực hiện công việc, nêu tên đơn vị, cá nhân có vi phạm trong buổi chào cờ đầu tuần (Hồng Bàng, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường…).

Thành phố cũng đang triển khai đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch của Bộ Nội vụ. Triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước thành phố bằng những giải pháp hết sức cụ thể, rõ ràng.

PV: Sau những quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương hiện nay như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Mặc dù chúng tôi đã ban hành và thực hiện theo Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 09/01/2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố đề ra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017; trong đó xác định một số nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm việc tăng cường thực hiện các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; nâng cao văn hóa công sở và văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức. Hiện có 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức cho cán bộ, công chức và viên chức ký cam kết không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.

Tuy nhiên, các bạn cũng biết rằng dù nỗ lực đến mấy thì công tác này cũng còn những điều phải khắc phục và làm tốt hơn nữa; đó là công tác chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính có nơi, có lúc còn hình thức, thiếu sâu sát, chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để tạo sức lan tỏa chung. Công tác cải cách thủ tục hành chính chưa có sự đột phá, điểm nhấn hoặc chưa có những sáng kiến, cách làm mới.

Đặc biệt, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố chưa đạt yêu cầu (năm 2016, chỉ số PCI của thành phố xếp vị trí 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, xếp vị trí 6/12 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và xếp vị trí thấp nhất (5/5) trong nhóm 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương).

Theo chỉ số PCI, doanh nghiệp đánh giá chi phí gia nhập thị trường và chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước còn cao; hiệu lực thực thi của tổ chức bộ máy còn hạn chế, có sáng kiến hay ở cấp thành phố nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành; số giờ thanh tra, kiểm tra thuế cao… Một bộ phận cán bộ, công chức chưa có sự thay đổi về thái độ, tác phong làm việc, các biểu hiện quan liêu, phiền hà, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến hình ảnh chung của thành phố.

PV: Vậy những hạn chế ông vừa đề cập được thành phố có hướng khắc phục như thế nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Bình: Chúng tôi sẽ phải tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, công việc đã được xác định trong Kế hoạch Cải cách hành chính của thành phố năm 2018. Trong đó, vẫn chú trọng, tập trung vào các lĩnh vực, nhiệm vụ có liên quan tới hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; xây dựng, đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ và thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính là cơ sở, động lực quan trọng và cụ thể trong việc thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018.

PV: Xin cảm ơn ông! Nhân dịp năm mới chúc ông và nhân dân thành phố Hải Phòng mạnh khỏe và thành công với những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra!

Thúy Vân thực hiện