Hội thảo khoa học: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay

(QLNN) – Sáng ngày 08/5/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung  (KAS – Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức Hội thảo khoa học “Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay ”. Đây là một trong những hoạt động hợp tác khoa học giữa Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ và Viện Konrad Adenauer Stiftung trong năm 2019. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có Ngài Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương.

Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá đúng thực trạng việc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay, những vướng mắc, hạn chế trong quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, trên cơ sở đó làm căn cứ cho việc đề xuất, kiến nghị qua đó xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền, tránh chồng chéo như hiện nay.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương đã được đẩy mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của hệ thống hành chính từ Trung ương đến cơ sở.

Tuy nhiên, thời gian qua, có khá nhiều thông tin đã phản ánh về hiện tượng nhiều địa phương tìm cách đẩy công việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Chuyện đùn đẩy mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất có thể thấy đó là sự phân chia thẩm quyền giữa các cấp chính quyền chưa đủ rõ ràng, mạch lạc. Một số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được quy định rõ, vẫn còn một số nhiệm vụ cả cấp tỉnh, cấp huyện hoặc cấp huyện, cấp xã cùng thực hiện nhưng chưa rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp trong quản lý.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn mong muốn, Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến của đại biểu, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn giúp Bộ Nội vụ lựa chọn để sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương trong thời gian tới, cũng như đề xuất tham mưu các chủ trương, chính sách giúp Chính phủ trong việc tổ chức chính quyền địa phương đảm bảo bám sát yêu cầu thực tế hiện nay.

Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam Peter Girke phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Peter Girke, Trưởng đại diện Viện KAS tại Việt Nam cho rằng, phân cấp, phân quyền và tự quản địa phương là xu hướng chung của các quốc gia hiện đại, để các địa phương chủ động trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, giúp tăng hiệu quả quản lý nhà nước của các địa phương, giúp các địa phương phát huy được sức sáng tạo và thế mạnh của mình. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 của Việt Nam chưa có những quy định về quyền hạn riêng của địa phương, tương ứng với quy định Hiến pháp về “những  công việc của địa phương”.

Ngài Peter Girke mong muốn, kết quả của Hội thảo sẽ góp phần giúp các cơ quan Trung ương của Việt Nam làm rõ những luận cứ khoa học để giải quyết tốt vấn đề phân cấp, phân quyền khi sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quang cảnh Hội thảo.

Phiên thứ nhất của Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ một số vấn đề lý luận về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương hiện nay thông qua hoạt động phân cấp, phân quyền; vấn đề tự quản của các cấp chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm một số nước về mô hình phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung phát biểu tại Hội thảo

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương ở Việt Nam có lịch sử theo chiều dài của lịch sử Việt Nam. Nếu chiều dài của lịch sử Việt Nam được chia thành 4 giai đoạn, ứng với 4 thời kỳ: Bắc thuộc, Pháp thuộc, thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, và hiện nay thống nhất đất nước.  Cả 4 thời kỳ này, chưa bao giờ chính quyền địa phương được quy định là chính quyền tự quản. Tất cả các cấp chính quyền đều là phần nối dài của chính quyền Trung ương.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được Quốc hội thông qua thể hiện tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhưng vẫn không thể hiện được tinh thần của nguyên tắc chính quyền địa phương tự quản. Vì khái niệm này cho đến nay vẫn chưa được thừa nhận một cách chính thức trong các văn kiện của Đảng. Mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương có chương phân biệt rõ ràng, quy định giữa chính quyền địa phương thành thị khác với vùng nông thôn nhưng “đi vào cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn giữa chúng vẫn là giống nhau không có gì thay đổi”.

GS.TS. Lê Minh Thông phát biểu tại Hội thảo.

Bàn về tự quản chính quyền địa phương hiện nay, GS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, tự quản địa phương là một vấn đề không mới trong hệ khoa học chính trị – pháp lý và thực tiễn vận hành của các nền dân chủ trên thế giới. Mặc dù đa dạng về mô hình tổ chức, hoạt động và mức độ tự quản của chính quyền tự quản tại các quốc gia khác nhau, nhưng về cơ bản, nội dung của chế độ tư quản được xác định ở 4 vấn đề: (1) Cách thức tổ chức bộ máy chính quyền tự quản; (2) Thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền tự quản; (3) Tự chủ tài chính; (4) Tự chủ nhân sự.

Để đảm bảo những quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền địa phương tự quản, đồng thời quyền giám sát của chính quyền nhà nước, các quốc gia đều có quy định về cơ chế kiểm soát của cơ quan trung ương đối với chính quyền địa phương tự quản nhằm đảm bảo tính tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong các hoạt động của cơ sở, đảm bảo lợi ích quốc gia trong mối tương quan với lợi ích cộng đồng.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại Hội thảo.

PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, bộ máy hành chính nhà nước ở các quốc gia trên thế giới thường phân định rõ vị trí và thẩm quyền của cấp trung ương và các cấp địa phương. Để thực hiện sự phân định đó, tập quyền, tản quyền và phân quyền là những nguyên tắc nền tảng làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính trong một quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, xuất hiện khái niệm “phân cấp” mà nội dung khó có thể xếp vào nhóm nào trong các nguyên tắc tổ chức hành chính kể trên.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 đã đề cập vấn đề phân quyền nhưng vẫn chỉ dừng lại ở những nguyên tắc chung chung. Theo các quy định cụ thể về thẩm quyền của từng cấp chính quyền, thì đa số các loại quyền hạn vẫn đang tồn tại dưới dạng thức “chia sẻ” giữa nhiều cấp địa phương, hay giữa địa phương (cấp tỉnh) và Trung ương. Cùng với đó, cơ chế kiểm soát quyền lực Trung ương – địa phương chưa được quy định tương thích với ý tưởng phân quyền.

Để công cuộc phân cấp cho chính quyền địa phương tiến triển tốt hơn và có thể dần dà tiến đến xu hướng phân quyền, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị, cần phân định rõ các đơn vị hành chính tự nhiên và nhân tạo, từ đó có cơ cấu tổ chức cấp chính quyền phù hợp. Khi đã xác định các địa phương có thể thực thi các quyền tự chủ, cần quy định rõ các thẩm quyền của địa phương đó. Đối với địa phương tự quản, luật cần đổi mới cơ chế giám sát hoạt động của địa phương, việc giám sát hành chính của cấp trên nên giảm bớt tối đa, bởi lẽ “sự can thiệp hành chính một cách trực tiếp và toàn diện là đi ngược lại với quyền tự chủ của địa phương”.

TS. Phạm Tuấn Khải, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, các vấn đề về lý luận liên quan đến phân cấp, ủy quyền đã được bàn luận nhiều; các mô hình tổ chức chính quyền địa phương trên thế giới cũng nhiều và đã được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm và hạn chế.

Tuy nhiên, vấn đề cần rút ra là gì để đạt kết quả, Hội thảo cần những kiến nghị, đề xuất sửa đổi thể chế như thế nào; đề xuất áp dụng mô hình nào cho chính quyền địa phương ở Việt Nam…

Đây là nội dung sẽ được các đại biểu tiếp tục thảo luận tại Phiên thứ 2 với chủ đề: Phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương – Thực trạng và đề xuất.

Thanh Tuấn
Theo: https://www.moha.gov.vn