Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển trong tình hình mới – Nhìn từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

(QLNN) Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng ta luôn dành sự quan tâm to lớn cho công tác cán bộ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện cán bộ, coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong các thời kỳ cách mạng.

 

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với thành phố Đà Nẵng, từ sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nguồn nhân lực, nhất là trong khu vực công còn hạn chế, thiếu hụt. Vào c uối năm 1997, toàn thành phố có 10.605 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chỉ có 295 người có trình độ sau đại học (2,78%), 4.755 người có trình độ đại học (44,8%). Tỷ lệ cán bộ khoa học và công nghệ trên số dân của thành phố còn thấp so với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và rất thấp so với nhiều thành phố trong khu vực.
Chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế; cơ cấu ngành nghề chưa cân đối; thiếu nhiều cán bộ khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, đặc biệt là chuyên gia về khoa học kỹ thuật, công nghệ và quản lý. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố trong tình hình mới, lãnh đạo thành phố đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó xác định: “Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tay nghề cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của thành phố, đặc biệt là các chuyên gia giỏi về quản lý và chuyển giao công nghệ”.
Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010-2015 và Đại hội Đảng thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 hướng đột phá phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Kiên trì thực hiện theo hướng đó, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên (tiến sỹ: 25 người; thạc sỹ, bác sỹ nội trú: 283 người, đại học: 961 người). Trong đó, cơ quan hành chính: 591 người (khối quận, huyện: 76 người; khối phường, xã: 128 người) và đơn vị sự nghiệp: 678 người.
Theo cơ cấu ngành nghề: ngành xã hội: 329 người (25,9%), y tế: 220 người (17,3%), giáo dục: 201 người (15,8%), nhóm ngành khoa học công nghệ và xây dựng: 130 người (10,2%), ngành luật – hành chính và quản lý: 95 người (7,5%), ngành kế toán – tài chính: 117 người (9,2%), nhóm ngành công nghệ thông tin và viễn thông: 30 người (2,4%), các ngành còn lại: 147 người (11,82%).
Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (tính đến ngày 30/4/2019), thành phố đã cử 613 người đi đào tạo các bậc học, cụ thể: 128 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú (92 bác sĩ, 36 bác sĩ nội trú); 365 học viên bậc đại học; 120 học viên bậc sau đại học.Theo đó, đã có 432/613 học viên đã tốt nghiệp[1]tại các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài với kết quả học tập 63% đạt loại giỏi và xuất sắc, 33% đạt loại khá. Có 408/613 học viên đã được bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Song song với công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, công tác tạo nguồn cán bộ tại chỗ cũng được thành phố đặc biệt quan tâm. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành và triển khai Đề án: “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh bí thư đảng ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (theo Đề án 89).
Tính đến nay, tổng số cán bộ thuộc Đề án 89 đang công tác tại các địa phương, đơn vị là 126 người, trong đó có 71 đồng chí đảm nhận chức danh lãnh đạo tại xã, phường, chiếm 56,3%. Đặc biệt, năm 2017, Ban Thường vụ Thành uỷ đã ban hành “Đề án tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhận các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, “Đề án phát triển và tạo nguồn cán bộ nữ giữ các chức danh diện Ban Thường vụ Thành uỷ quản lý đến năm 2020”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI đề ra nhiệm vụ: “Mỗi cấp uỷ viên phải tiến cử ít nhất một cán bộ để đào tạo thành cán bộ lãnh đạo quản lý chủ chốt”. Theo đó, mỗi đồng chí Thành uỷ viên lựa chọn, giới thiệu một cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ khá, tốt nghiệp đại học chính quy, có đạo đức phẩm chất tốt, lịch sử chính trị bảo đảm theo quy định của Trung ương để xem xét đào tạo, bồi dưỡng nhằm bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan thuộc thành phố.
Kết quả có 45 cán bộ trẻ được giới thiệu và đến nay, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, đơn vị. Chủ trương tiến cử cán bộ trẻ để xem xét đưa vào quy hoạch, đào tạo tiếp tục được thực hiện trong các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015 – 2020 và 2020 – 2025.
Bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo nguồn cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cũng được thành phố quan tâm, trong đó chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt đương nhiệm và kế cận, cán bộ dự nguồn các cấp.
Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Quy định số 164 – QĐ/TW về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức dành cho các chức danh cán bộ do Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; cho đội ngũ cán bộ dự nguồn nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo; phân công rõ trách nhiệm, của cơ quan, đơn vị, bảo đảm đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có chất lượng, cử đúng đối tượng đi học, tổ chức quản lý nghiêm túc quá trình học tập, khung chương trình, nội dung bồi dưỡng sát thực, áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại, gắn lý luận với thực tiễn; coi trọng bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tổng kết thực tiễn. Qua đó, có thể nói công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đang được thực hiện bài bản, có hệ thống, nề nếp hơn.
Từ năm 2009 đến nay, thành phố đã cử 437 cán bộ học cử nhân, cao cấp chính trị theo học tại các cơ sở đào tạo; phối hợp với Học viện Chính trị khu vực III mở 14 lớp cao cấp lý luận chính trị không tập trung cho hơn 1.200 cán bộ. Trường Chính trị thành phố mở gần 60 lớp trung cấp chính trị cho hơn 4.000 học viên, mở các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính. Ngoài ra, thành phố còn mở hàng trăm lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thực thi công vụ và kỹ năng lãnh đạo, quản lý; phối hợp với Hội đồng giáo dục Quốc phòng Quân khu 5 bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng 2, 3, 4, 5 theo phân cấp quản lý.
Có thể nói, đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố ngày càng trưởng thành, phát triển về nhiều mặt. Chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong xu thế hội nhập, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của thành phố Đà Nẵng, thể hiện qua các chỉ số về sự sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của thành phố vẫn còn một số mặt hạn chế, bất cập. Việc xác định cơ cấu, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực qua từng thời kỳ chưa rõ, nên công tác thu hút, đào tạo còn dàn trải, chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn quy hoạch, sử dụng cán bộ; chưa có tầm nhìn chiến lược, lâu dài, sát với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Chưa thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ chân, phát huy sự nỗ lực, cống hiến của người tài bằng các chính sách trọng dụng, trọng đãi thỏa đáng; việc đánh giá cán bộ đôi khi còn cảm tính, thiếu các tiêu chí cụ thể.
Hơn 20 năm xây dựng và phát triển sau chia tách tỉnh, thành phố Đà Nẵng ngày càng thể hiện rõ là trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, trở thành một cực tăng trưởng của cả nước, đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây cũng là cơ hội để thành phố đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Đặc biệt, thành phố đang tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, lộ trình nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định: Cán bộ và công tác cán bộ là yếu tố then chốt, quyết định thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và trật tự, an toàn xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 18/9/2018 của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp cũng đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, xây dựng, phát triển thành phố toàn diện, bền vững, trở thành trung tâm kinh tế – xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.
Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố đã xác định nhiệm vụ trước hết là nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Trong đó, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cơ bản như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có kế hoạch cụ thể và hình thức phù hợp để quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là nội dung về cán bộ và công tác cán bộ; kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán những quan điểm lệch lạc, sai trái, luận điệu xuyên tạc.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa giáo dục với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, nhất là đối với cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài.
Thứ hai, tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu và chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Xây dựng đồng bộ, toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan quản lý nhà nước.
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cả về trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước; nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Cùng với việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khẩn trương cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm bố trí đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý; cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nhóm đối tượng cán bộ thuộc quyền quản lý. Chú trọng nâng cao chất lượng bí thư cấp uỷ, người đứng đầu các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Cụ thể hoá và triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Cấp uỷ các cấp và người đứng đầu có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ; xây dựng chỉ tiêu cơ cấu phù hợp; nếu chưa có nguồn cán bộ bảo đảm chỉ tiêu cơ cấu thì tạm để khuyết chức danh cần bổ sung đến khi tìm được cán bộ phù hợp để bổ nhiệm hoặc ứng cử vào chức danh đó; cấp uỷ và người đứng đầu chịu trách nhiệm chính về thực hiện chỉ tiêu này.
Thứ ba, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải tập trung vào việc nâng cao phẩm chất, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và đảng viên vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng; chú trọng bổ sung, cập nhật những tri thức mới, kết quả tổng kết lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại.
Bồi dưỡng nâng cao nhận thức về trách nhiệm, thái độ, hành vi và các phẩm chất cá nhân của người cán bộ, công chức trong thực thi công vụ phù hợp với các chuẩn mực. Rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác cán bộ nhằm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ, tạo môi trường, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thứ tư, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng toàn diện, coi trọng chất lượng đào tạo. Nội dung chương trình cần bám sát thực tiễn của đất nước, thành phố và thời đại, chú trọng trang bị tri thức toàn diện, đồng thời nâng cao năng lực tư duy và khả năng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác. Chú trọng kỹ năng nắm bắt thực tiễn và dự báo xu thế, tình hình trong nước và quốc tế; khả năng tư duy chiến lược, xử lý tình huống; hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý và năng lực điều hành, tổ chức thực tiễn.
Thứ năm, bảo đảm cơ sở vật chất, nhất là phương tiện dạy – học cần thiết đối với lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, tăng cường công tác quản lý, việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để từng bước cải thiện các điều kiện vật chất phục vụ cho hoạt động dạy và học tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu các văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
[2] Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
[3] Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 18/9/2018 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
[4] Báo cáo số 191-BC/TU/ngày 02/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
             Võ Công Trí
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng