Kinh nghiệm của một số quốc gia về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp

(QLNN) – Ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhiều quốc gia vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a

Ở In-đô-nê-xi-a, cơ quan thống nhất quản lý về đầu tư (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) là Ban điều phối đầu tư In-đô-nê-xi-a – BKPM. Đây là một cơ quan độc lập trực thuộc Tổng thống mà không nằm dưới bất kỳ cơ quan nào khác của Chính phủ. Cơ quan này có nhiệm vụ điều phối hoạt động đầu tư giữa Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Ngân hàng In-đô-nê-xi-a và chính quyền địa phương cũng như giữa các chính quyền địa phương với nhau. Hơn thế nữa, BKPM còn được biết tới như một cơ quan ủy quyền của các nhà đầu tư, cung cấp cho họ những bảo đảm cần thiết để tiến hành hoạt động đầu tư;

Về tổ chức, cơ quan này có trụ sở chính ở Jakata và có các văn phòng đại diện ở các địa phương. Ở tại mỗi văn phòng, đều có bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư. BKPM có trách nhiệm thụ lý đối với các dự án đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực ở In-đô-nê-xi-a, tuy nhiên, có một số lĩnh vực chuyên ngành hồ sơ được nộp và xử lý tại bộ chủ quản, cụ thể như: ngân hàng – nộp tại ngân hàng trung ương In-đô-nê-xi-a; tài chính phi ngân hàng – tại tổng giám đốc các tổ chức tài chính; khai thác dầu mỏ, khí đốt; khai thác than; trồng và khai thác rừng; khai thác quặng. Đối với một số lĩnh vực thuộc lĩnh vực cấm và hạn chế đầu tư, nhà đầu tư cần được phê chuẩn từ bộ quản lý trong lĩnh vực.

Quá trình đầu tư tại In-đô-nê-xi-a chia làm ba giai đoạn: (1) Chuẩn bị đầu tư: (đây là giai đoạn thành lập một pháp nhân In-đô-nê-xi-a để thực hiện hoạt động đầu tư); (2) Xây dựng: (giai đoạn chuẩn bị kết cấu hạ tầng và hoàn thiện các giấy phép cần thiết cho việc đầu tư); (3) Sẵn sàng cho sản xuất, vận hành (giai đoạn đã sẵn sàng sản xuất hoặc kinh doanh, dịch vụ).

Theo quy định của Luật Đầu tư In-đô-nê-xi-a, nhà đầu tư được đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực nào ngoại trừ những lĩnh vực cấm đầu tư và những lĩnh vực đầu tư có điều kiện.

Kinh nghiệm của Ma-lai-xi-a

Để thu hút các công ty công nghệ đẳng cấp thế giới (cả trong nước và ngoài nước) và khuyến khích phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, Chính phủ Ma-lai-xi-a đề ra sáng kiến phát triển công nghệ thông tin quốc gia, gọi là khu công nghệ thông tin. Đây là một khu vực có vị trí địa lý xác định, có môi trường kinh doanh thuận lợi với hệ thống sinh thái tốt để thu hút các nhà đầu tư và hỗ trợ phát triển cho các công ty trong nước trở thành những công ty đẳng cấp quốc tế.

Hiện tại, Ma-lai-xi-a có 30 khu công nghệ thông tin và có gần 3.000 công ty đã được công nhận đạt tiêu chuẩn kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Các công ty này thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, như miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) trong thời gian 10 năm, tiếp cận nguồn vốn không hoàn lại về nghiên cứu và phát triển[1].

Ma-lai-xi-a không có cơ quan quản lý nhà nước về khu công nghiệp, các DN muốn đầu tư vào các khu công nghiệp có thể liên hệ trực tiếp với trung tâm đầu tư của Bang, các sở: công trình công cộng, phòng cháy và cứu trợ, môi trường, đất đai, cơ quan phát triển đầu tư (MIDA) để đăng ký thành lập DN và xin giấy phép đối với dự án thuộc lĩnh vực sản xuất.

Ngành, lĩnh vực và địa bàn được hưởng ưu đãi tại Ma-lai-xi-a được coi như là một công cụ nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài theo đúng mục tiêu đề ra. Nhằm tăng giá trị xuất khẩu, Ma-lai-xi-a áp dụng các ưu đãi như giảm 10% thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu, giảm 5% giá nguyên liệu đầu vào nội địa để sản xuất hàng xuất khẩu, chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường. Với mục tiêu tạo việc làm và khuyến khích đầu tư mở rộng của DN FDI, Ma-lai-xi-a đã đưa ra điều kiện để được hưởng ưu đãi là lao động thường xuyên từ 500 người trở lên hoặc vốn giải ngân đạt từ 25 triệu RM trở lên[2].

Nhằm khuyến khích các DN đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, Ma-lai-xi-a đã cấp ưu đãi cho phép các DN hoạt động trong lĩnh vực đào tạo hướng nghiệp cho người lao động hoặc xây dựng các trường đào tạo.

Ở Ma-lai-xi-a, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài và các ưu đãi được quản lý tập trung ở cấp liên bang. Các bang (chính quyền địa phương) không có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư hoặc đưa ra các ưu đãi tài chính ở cấp địa phương. Các lĩnh vực sản xuất được áp dụng chính sách nhà đầu tư tiên phong và trợ cấp thuế đầu tư bao gồm: chế biến sản phẩm nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm cao su; các sản phẩm từ dầu cọ; hóa chất và hóa phẩm dầu khí; dược phẩm; đồ gỗ; bột giấy, giấy và bảng giấy; các sản phẩm từ bông vải sợi; may mặc; các sản phẩm sắt thép; kim loại không màu; máy móc, thiết bị và phụ kiện; các sản phẩm điện, điện tử; các thiết bị khoa học, đo lường chuyên nghiệp; các sản phẩm nhựa; thiết bị bảo vệ.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Tại Thái Lan, thu hút FDI luôn được coi là một trong những nhân tố kích thích quan trọng đối với nền kinh tế. Mặc dù dòng vốn nước ngoài suy giảm do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, nhưng nhờ biết cách tập trung vào những lĩnh vực quan trọng như thu hút thêm các dự án chế tạo có giá trị gia tăng cao cũng như các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và sinh thái…, đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, Thái Lan vẫn được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thái Lan trở thành điểm đến cho đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. (Nguồn: Internet).

Hơn thế nữa, Thái Lan có thị trường thu hút đầu tư rất cạnh tranh và hấp dẫn trong khu vực châu Á. Trong các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Thái Lan, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư lớn nhất với khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại quốc gia này. Hàn Quốc, Trung Quốc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn FDI vào Thái Lan. Lượng vốn FDI từ các nhà đầu tư Xinh-ga-po chiếm khoảng 80 – 90% tổng vốn đầu tư của các nước ASEAN vào Thái Lan[3].

Mô hình phát triển quốc gia của Thái Lan được xác định bằng 4 lĩnh vực nền tảng từ thấp lên cao: (1) Phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; (2) Phát triển công nghiệp nhẹ, gia công cho nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; (3) Đầu tư công nghiệp nặng như xe hơi, lọc hóa dầu và gia tăng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại các xưởng sản xuất để tạo ra những sản phẩm tầm cỡ quốc tế; (4) Phát triển kinh tế tri thức và kinh tế dịch vụ.

Thái Lan có cơ quan chuyên trách về ưu đãi đầu tư là Cục Đầu tư Thái Lan (BOI) chuyên xem xét ưu đãi cho từng dự án và phân loại dự án đầu tư theo tác động của dự án đó đến nền kinh tế cả nước chứ không phải chỉ một vùng miền nào đó. Việc ưu đãi đầu tư được phân thành hai nhóm: nhóm A (các lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp) và nhóm B (các lĩnh vực không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN, nhưng có thể được hưởng các ưu đãi khác).

Để tránh việc nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng Thái Lan như thị trường nhân công giá rẻ, hoặc thành lập DN để hưởng ưu đãi, rồi đóng cửa DN khi hết ưu đãi hoặc dùng biện pháp trả lãi để tránh đóng thuế thu nhập DN, Chính phủ Thái Lan quy định để được hưởng ưu đãi, DN phải tạo ra ít nhất 20% giá trị bán hàng tại Thái Lan, tỷ lệ nợ trên vốn không được thấp hơn 3:1 và phải sử dụng máy móc, thiết bị mới[4].

Theo báo cáo của BOI, có được ưu đãi linh hoạt và thực tế như hiện nay là nhờ sự chuyển biến của chính sách ưu đãi đầu tư của Thái Lan và đội ngũ công chức kỹ trị được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ cao. Chính sách của BOI là thay vì thu hút đầu tư rộng rãi, Thái Lan sẽ thu hút đầu tư theo chiều sâu và có ưu tiên tùy theo tầm quan trọng của dự án. Và thay vì chỉ thu hút đầu tư theo lĩnh vực, sẽ có cả các hình thức thưởng thêm cho dự án có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Hiện nay, Chính phủ Thái Lan có ý định giảm chính sách ưu đãi vùng miền trong thời gian tới, thay vào đó sẽ tập trung ưu đãi những dự án lớn, trọng điểm để tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư khác. Đồng thời, cũng từng bước chuyển từ ưu đãi thuế đơn thuần sang ưu đãi trọn gói, bao gồm cả thuế, lao động, thủ tục cấp phép trong thời gian nhanh nhất, cung ứng lao động và hạ tầng cho nhà đầu tư và quan trọng nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Đáng chú ý là họ còn có ý định ưu đãi cho các dự án đầu tư ra nước ngoài nhằm chủ động hội nhập nền kinh tế toàn cầu, đồng thời nắm vị trí dẫn đầu trong các nền kinh tế thuộc Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC). Điều này thể hiện qua việc cung cấp ưu đãi đầu tư cho các công ty mẹ đóng tại Thái Lan (gọi là Regional Operating Headquarters hay ROH). Theo đó, nếu các ROH nắm giữ ít nhất 25% vốn tại các công ty con ở nước ngoài và tiến hành các dịch vụ hỗ trợ (như quản lý, nghiên cứu thị trường, mua sắm, marketing, chuyển giao công nghệ), có trên 50% doanh thu từ các hoạt động đầu tư ra nước ngoài thì sẽ được hưởng thuế suất thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% đối với lợi nhuận từ kinh doanh, tiền bản quyền, lãi và được miễn thuế đối với tiền cổ tức thu được từ nước ngoài[5].

Ngoài ra, người nước ngoài làm việc cho ROH sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân nếu thu nhập đó phát sinh từ các hoạt động ngoài Thái Lan. Nhờ có chính sách thuế đối với ROH, nhiều công ty đa quốc gia chuyên về sản xuất đang cân nhắc dời trụ sở vùng từ Xinh-ga-po sang Băng Cốc. Điều đó cũng sẽ làm tăng số công ty mẹ tại Thái Lan và về lâu dài, tiền sẽ quay về nước này để tái đầu tư.

Kinh nghiệm có thể vận dụng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI trong khu công nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, cần có mục tiêu đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu công nghiệp cho từng giai đoạn phát triển, phải có lựa chọn đối với các DN này cho phù hợp với mục tiêu của đất nước. Điều này có liên quan mật thiết đến việc lập chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và chính sách thu hút đầu tư phải phù hợp với mục tiêu phát triển mới đem lại hiệu quả cao. Khi đã có mục tiêu rõ ràng thì cần có quy hoạch chi tiết cho mục tiêu đó. Đồng thời, phải có lựa chọn cho phù hợp với mục tiêu đặt ra. Cần tránh những thất bại như các nước trong khu vực dẫn đến cơ cấu kinh tế kém phát triển, kinh tế thiếu bền vững, không tạo ra năng lực sản xuất thực sự.

Thứ hai, quản lý nhà nước đối với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu công nghiệp Việt Nam phải hướng đến phát triển cân đối các ngành, vùng. Về vấn đề này, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy nước này không quá mất cân đối về ngành nhưng mất cân đối nghiêm trọng về vùng miền. Điều này gây ra những hậu quả trong phát triển dài hạn. Đó chính là những vấn đề của quốc gia quan tâm đến việc xây dựng và phát triển quy hoạch tổng thể, cả quy hoạch theo ngành, nghề và quy hoạch theo vùng thống nhất trong cả nước. Thu hẹp các ngành, nghề hạn chế đầu tư, phát triển quy hoạch vùng, tạo nên các cực kinh tế trọng điểm, mở rộng các vùng kinh tế và chuyển dịch các cực kinh tế rộng khắp cả nước.

Thứ ba, hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư phải nhất quán và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và cũng là cơ hội tốt nhất để quản lý hoạt động của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong khu công nghiệp. Các chính sách bảo đảm đầu tư và giải quyết các tranh chấp phải thỏa đáng, phải bảo đảm công bằng. Khuyến khích đầu tư nước ngoài song phải có chính sách bảo hộ DN trong nước, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào mọi lĩnh vực, trừ các lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh – quốc phòng.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như bài học kinh nghiệm từ Thái Lan, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-a cho thấy, nhân lực đóng vai trò không thể thiếu trong phát triển kinh tế cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao là một yếu tố đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ma-lai-xi-a rất coi trọng đầu tư cho giáo dục và phát triển kỹ năng người lao động. Chẳng hạn, trang bị miễn phí máy tính cho mỗi lớp học, miễn phí dạy tin học cho mọi đối tượng,… dành nhiều ngân sách cho hoạt động R&D – lĩnh vực có đóng góp đáng kể đối với quá trình phát triển nguồn nhân lực trong dài hạn của đất nước.

Thứ năm, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để tạo dựng được hệ thống hạ tầng giao thông cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế nhằm thu hút được dòng FDI chất lượng.

Thứ sáu, bài học kinh nghiệm từ các nước ASEAN đã có những chính sách tài chính hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư như giảm thuế, ưu đãi tiền tệ,… nhằm thu hút nhiều nhất nguồn vốn của DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào trong khu công nghiệp các nước này./.

Chú thích:
1, 2. Ma-lai-xi-a trong tốp 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới. http://www.vietnamplus.vn.
3, 4. Bí quyết thu hút FDI của các nước châu Á và bài học cho Việt Nam. http://www.ncseif.gov/vnp.
5. Võ Thị Vân Khánh. Thái Lan – Điểm sáng thu hút vốn FDI vào khu công nghiệp. Tạp chí Kinh tế – Tài chính quốc tế, tháng 7/2016.

 

 

ThS. Phạm Thị Ngọc Anh
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương