Thực hiện chính sách giảm nghèo ở thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đắk Lắk

(QLNN) – Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột xác định việc giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực không ngừng, quyết tâm vươn lên thoát nghèo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

Đắk Lắk là tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên. Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, nằm cách Hà Nội 1.410 km và cách TP. Hồ Chí Minh 350 km. Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Thực trạng giảm nghèo trên địa bàn thành phố

Công tác chỉ đạo, điều hành

Thực hiện Kết luận số 31-KL/TU ngày 18/7/2016 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2016 – 2020; Nghị quyết số 04/NQ-TU ngày 26/12/2016 của Thành ủy về nhiệm vụ năm 2017; Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 29/12/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, năm 2017, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ban hành Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/3/2017 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo năm 2017.

Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG từ thành phố đến các cấp cơ sở; phân công nhiệm vụ và giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân… nhằm triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020.

Những kết quả đạt được

Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG từ thành phố đến các phường, xã được kiện toàn và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Công tác giảm nghèo, cứu trợ đột xuất được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, đúng đối tượng, góp phần ổn định an sinh xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện với chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Theo số liệu thống kê, đầu năm 2017, thành phố có 1.211 hộ nghèo (chiếm 1,56%) và 1.838 hộ cận nghèo (chiếm 2,37%). Qua kết quả rà soát, cuối năm 2017 còn 411 hộ thoát nghèo (đạt 105,9% kế hoạch); 639 hộ thoát cận nghèo (đạt 115,78% kế hoạch){1}.

Có được những kết quả như trên là do thành phố đã triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo một cách hiệu quả, đồng bộ trên các lĩnh vực, cụ thể:

Về chính sách tín dụng ưu đãi. Tính đến tháng 10/2017, “tổng số dư nợ cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 212.812.360 đồng. Ngoài ra, hằng năm thành phố trích ngân sách 1,2 tỷ đồng ủy thác ngân hàng chính sách xã hội để giao tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn. Lũy kế đến năm 2017, dư nợ cho vay đạt 15,821 tỷ đồng”{2}. Nguồn vốn này đã giúp cho các hộ nghèo đầu tư sản xuất – kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt… tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.

Về công tác khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản. Đây là nhiệm vụ luôn được thành phố quan tâm chú trọng. UBND thành phố đã chỉ đạo trạm khuyến nông tổ chức 88 chương trình tập huấn, hội thảo với 3.160 lượt người tham dự về công tác chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật về giống mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng thời vụ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng…; triển khai thực hiện 3 mô hình chương trình khuyến nông của tỉnh giao tại xã Ea Tu với kinh phí 65.959.700 đồng; bên cạnh đó, thành phố cũng đã xây dựng và triển khai được 17 mô hình phát triển kinh tế tại các đơn vị phường, xã với kinh phí 135.661.000 đồng{3.}

Về công tác hỗ trợ học nghề. Chú trọng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi và tổ chức tập huấn về nông – lâm – ngư nghiệp, ngành nghề nhằm tạo kế sinh nhai, ổn định đời sống cho người nghèo. Hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn thành phố trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động đã có cơ hội học nghề, nắm bắt được kinh nghiệm trong sản xuất, tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong năm 2017, thành phố đã giải quyết việc làm cho 753 lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo{4}.

Hỗ trợ y tế.  Công tác hướng dẫn, lập danh sách, đối chiếu và in, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn thành phố được thực hiện kịp thời, chính xác. Kết quả, năm 2017 “đã cấp 10.140 thẻ BHYT cho người nghèo, trong đó có 3.905 thẻ BHYT hộ nghèo; 4.424 thẻ BHYT hộ cận nghèo; 1.806 thẻ BHYT hộ thoát nghèo”{5} theo Quyết định số 705 /QĐ-TTg ngày 08/5/ 2013 của Thủ tướng Chính phủ  (về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo); 5 thẻ BHYT cho hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình.

Hỗ trợ nhà ở. Thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở trong năm 2017 nhằm giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện thăm, tặng quà và hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

Để giúp người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi đối với người nghèo, phương thức “Đối thoại trực tiếp với người nghèo” được các chính quyền cơ sở quan tâm, chú trọng thông qua việc tổ chức đối thoại tập trung tại phường, xã; tổ chức đối thoại tại các thôn, buôn, tổ dân phố hoặc tổ chức đối thoại với từng hộ nghèo (đối với đơn vị ít hộ nghèo).

Bên cạnh đó, thành phố còn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân về giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên địa bàn thành phố đã tác động tích cực, làm thay đổi bộ mặt địa phương; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực kể trên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn thành phố vẫn còn những hạn chế nhất định. Trình độ dân trí của một bộ phận người nghèo còn thấp nên khó khăn trong việc tiếp cận học nghề, giải quyết việc làm cũng như tập huấn khuyến nông, lâm, ngư nghiệp và xuất khẩu lao động. Phần lớn hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn lưu giữ và làm việc theo tập quán lạc hậu, chưa áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Một bộ phận người nghèo còn chây lười trong lao động, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào các chương trình hỗ trợ. Bên cạnh đó, hoạt động huy động và đa dạng hóa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo chưa được phát huy.

Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống… của đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân chủ quan thuộc về cơ chế, chính sách cũng như công tác điều hành, tổ chức thực hiện, đó là: công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tư tưởng giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, chậm đổi mới; mức độ tin tưởng của người dân vào chương trình đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài chưa cao; năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ cơ sở còn hạn chế; việc sử dụng vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực sự hiệu quả; một bộ phận hộ nghèo thuộc thành phần đối tượng bảo trợ xã hội như: người già đơn thân, người khuyết tật, hộ có người ốm đau, bệnh nặng… Do đó, rất khó để có thể thoát nghèo.

Giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo ở thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới

Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giảm nghèo, thành phố Buôn Ma Thuột đã xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể, phấn đấu giảm nghèo từ 0,4% trở lên/tổng số hộ dân (320 hộ nghèo). Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, thực hiện hiệu quả Kết luận số 31-KL/TU ngày 18/7/2016 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố cần tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

Một là, tiếp tục đầu tư xây dựng  hạ tầng thông qua việc nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa, ưu tiên hỗ trợ đầu tư các công trình gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn việc đẩy mạnh sản xuất với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và ứng dụng khoa học – kỹ thuật cho sản xuất. Tăng cường hơn nữa vai trò chủ động của cấp xã, cộng đồng thôn/buôn trong việc đề xuất lựa chọn, thi công, quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Hai là, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số về việc giảm nghèo, giúp họ nhận thức rõ trách nhiệm vươn lên thoát nghèo để công tác giảm nghèo trở thành phong trào mang tính toàn dân. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện việc nêu gương, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững, đồng thời phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành nhằm bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là công tác hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất – kinh doanh hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người nghèo. Đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, đất đai, điều kiện của hộ; khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, có thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường; phát triển các khu công nghiệp – xây dựng, thương mại dịch vụ, du lịch để người nghèo được tham gia làm việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bốn là, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo. Mỗi cán bộ, đảng viên theo sát từng hộ nghèo nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội để đạt được kết quả tích cực. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình MTQG của địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, bảo đảm người nghèo được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời và hợp lý các chương trình, chính sách.

Năm là, sắp xếp, bố trí và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp có đủ trình độ, năng lực; cán bộ phụ trách cần phải gần dân, sát dân với tinh thần trách nhiệm cao. Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước của thành phố trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo. Đồng thời triển khai áp dụng theo dõi hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng phần mềm quản lý công nghệ thông tin.

Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.Việc đưa người dân thoát nghèo là góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Với những giải pháp đề ra, hy vọng rằng công tác giảm nghèo của thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng thành phố ngày càng đổi mới và phát triển.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Báo cáo số 410/BC-UBND ngày 04/12/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2017 và Kế hoạch triển khai năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 20/3/ 2017 về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo năm 2017.
2. Kết luận số 31-KL/TU ngày 18/7/2016 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2016 – 2020.

ThS. Lương Ban Mai
Học viện Hành chính Quốc gia