Nâng cao hiệu quả kiểm soát của nhân dân đối với Đảng là một trong những giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

(QLNN) – Thời gian qua, việc thực hiện kiểm soát của nhân dân đối với Đảng thông qua đóng góp ý kiến đối với đảng viên và các tổ chức Đảng vẫn còn hạn chế nhất định, chưa đạt được kết quả  mong đợi. Do vậy, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm soát của nhân dân đối với Đảng được coi là một trong những giải pháp nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

 

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (Ảnh: http://tuyengiao.vn).
Vai trò kiểm soát của nhân dân đối với Đảng hiện nay

Thứ nhất, nhân dân kiểm soát Đảng thông qua đóng góp ý kiến với đảng viên và các tổ chức Đảng.

Bộ Chính trị đã có những quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhân dân có quyền góp ý với các đối tượng: 1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng Trung ương; các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương. 2) Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, thường trực cấp ủy các cấp; các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cơ quan đảng ở các cấp; chi ủy, chi bộ. 3) Cán bộ, đảng viên.

Trong đó, nhân dân góp ý với đảng viên về việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng; mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân.

Đối với tổ chức Đảng, nhân dân góp ý với dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận… của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức Đảng trước mỗi kỳ đại hội.

Ngoài ra, nhân dân còn có quyền góp ý về việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Đảng, cấp ủy, tổ chức Đảng; mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên với nhân dân. Đóng góp ý kiến của nhân dân đối với đảng viên và các tổ chức Đảng có thể được thực hiện thường xuyên thông qua việc gửi “Thư góp ý” đến cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan, tổ chức Đảng; thông qua tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, đảng viên và hoạt động này được thực hiện theo định kỳ. Nhân dân được đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy ở địa phương mỗi năm một lần.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện kiểm soát của nhân dân đối với Đảng thông qua đóng góp ý kiến đối với đảng viên và các tổ chức Đảng vẫn còn hạn chế nhất định, chưa đạt được kết quả  mong đợi. Chẳng hạn, việc gửi đơn thư góp ý của nhân dân đến đảng viên, các tổ chức Đảng; tổ chức đối thoại với người đứng đầu cấp ủy ở địa phương mỗi năm một lần chưa được thực hiện thường xuyên.

Việc lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với đảng viên còn mang tính hình thức. Hay đảng viên sinh hoạt nơi cư trú cũng chưa được thực hiện tốt ở một số nơi, vẫn còn một số đảng viên không tham gia sinh hoạt đầy đủ… Điều đó đã làm giảm hiệu quả kiểm soát của nhân dân đối với đảng viên.

Thứ hai, kiểm soát của nhân dân đối với Đảng thông qua việc thực hiện quyền tố cáo đảng viên và tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để cụ thể hóa quyền tố cáo của nhân dân đối với đảng viên và tổ chức Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Quy định số 14/QĐ-UBKTTW ngày 22/8/2014 về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tiếp đảng viên và công dân. Trong đó có quy định về tiếp đảng viên và công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được thực hiện tại trụ sở tiếp công dân. Trường hợp đặc biệt, thành viên Ủy ban kiểm tra quyết định việc tiếp đảng viên đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đối với đoàn kiểm tra, giám sát đang thực hiện nhiệm vụ thì việc tiếp đảng viên và công dân được thực hiện tại trụ sở cơ quan Đảng hoặc cơ quan nhà nước nơi đến công tác. Trong trường hợp đảng viên, công dân có đơn thư kèm theo đối với nội dung đơn thư đủ điều kiện xử lý theo quy định và thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban kiểm tra thì được tiếp nhận để xử lý theo quy định; đối với đơn thư có một nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Ủy ban kiểm tra thì tiếp nhận; các nội dung không thuộc thẩm quyền thì hướng dẫn người có đơn thư gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp đảng viên, công dân trình bày trực tiếp, không có đơn kèm theo thì  cán bộ tiếp nhận, hướng dẫn đảng viên, công dân viết và nhận đơn. Trường hợp đảng viên, công dân không viết được đơn thì cán bộ tiếp phải ghi nội dung, đọc lại để người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh nghe, ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản. Khi tiếp đảng viên, công dân, có thể ghi âm lời tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của đảng viên, công dân (nếu thấy cần thiết và được thực hiện công khai).

Quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tiếp đảng viên và công dân của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quy định rõ các nguyên tắc xử lý đơn thư, như: việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân phải thực hiện theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Vụ Đơn thư là đầu mối giúp Ủy ban kiểm tra trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân; theo dõi, tổng hợp báo cáo công tác xử lý đơn thư, tiếp đảng viên và công dân.

Khi nhận được đơn thư, phải nghiên cứu, phân loại, xử lý triệt để, chặt chẽ; kịp thời chuyển đơn thư thuộc thẩm quyền đến các thành viên Ủy ban kiểm tra hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với đơn thư không thuộc thẩm quyền. Việc xử lý đơn thư phải bằng văn bản, do người có thẩm quyền ký ban hành theo Quy chế làm việc của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Nghiêm cấm cán bộ, công chức thuộc Cơ quan Ủy ban kiểm tra không có thẩm quyền trực tiếp tiếp nhận và xử lý đơn thư gửi đến Ủy ban kiểm tra.

Tất cả đơn thư gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải được chuyển đến Vụ Đơn thư để vào sổ đăng ký quản lý, nghiên cứu, xử lý theo quy định. Đơn thư gửi đến Ủy ban kiểm tra phải được nghiên cứu và phân loại theo các tiêu chí sau: nội dung, tính chất đơn thư; đối tượng bị khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thẩm quyền, thời hiệu giải quyết; đơn thư gửi trùng lặp, gửi nhiều nơi hoặc đang được xem xét giải quyết; đã được xem xét giải quyết và trả lời theo quy định; đơn thư có tên, do một hay nhiều người gửi ký tên, photo chữ ký, giấu tên, không rõ địa chỉ người gửi đơn, đơn thư của tổ chức, đơn vị ký tên đóng dấu; đơn thư đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thông báo cho ủy ban.

Đối với đơn thư thuộc thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra: Vụ Đơn thư và các vụ lĩnh vực địa bàn mỗi đơn vị xử lý không quá 05 ngày làm việc. Đối với đơn thư không thuộc thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra: không quá 10 ngày làm việc; trường hợp đặc biệt, đơn thư phải được xử lý ngay trong ngày (Điều 7, 8, 9  quy định về việc tiếp nhận, xử lý đơn thư tiếp đảng viên và công dân của Ủy ban Kiểm tra Trung ương).

Thực tế trong những năm qua, nhân dân ngày càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vấn đề kiểm soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đảng viên và các tổ chức Đảng. Từ năm 2001 – 2013, việc tố cáo của người dân đối với tổ chức Đảng ít hơn so với tố cáo đối với đảng viên. Nhưng có một số vụ tố cáo tổ chức đảng hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Nội dung tố cáo nhiều nhất là liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai. Tố cáo vượt cấp ngày càng nhiều. Một số vụ tố cáo có tính chất phức tạp, nhiều nội dung, liên quan đến nhiều người.

Theo báo cáo tổng kết công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI cho thấy, nhiệm kỳ Đại hội IX của Đảng: “Ủy ban kiểm tra các cấp đã nhận 830 đơn thư tố cáo tổ chức Đảng, đã giải quyết xong 775 trường hợp; 33.907 đơn thư tố cáo đảng viên phải giải quyết, đã giải quyết xong 30.907 trường hợp”1.

Trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng: “Ủy ban kiểm tra các cấp đã nhận 781 đơn thư tố cáo tổ chức Đảng, đã giải quyết xong 772 trường hợp; 20.320 đơn thư tố cáo đảng viên phải giải quyết, đã giải quyết xong 19.884 trường hợp”2. Nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XI: “Ủy ban kiểm tra các cấp đã nhận và giải quyết xong 283 đơn thư tố cáo tổ chức Đảng; nhận 9.140 đơn thư tố cáo đảng viên phải giải quyết, đã giải quyết xong 8.983 trường hợp”3.

Hơn một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Ủy ban kiểm tra các cấp “đã giải quyết tố cáo đối với 2.100 đảng viên và 55 tổ chức đảng. Qua giải quyết tố cáo, kết luận có 17 tổ chức và 707 đảng viên vi phạm, trong đó phải thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 397 đảng viên”4. Đặc biệt là đã phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm ở Hậu Giang, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Đà Nẵng, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam…

Nội dung tố cáo qua các kỳ đại hội tập trung vào vi phạm chấp hành điều lệ Đảng, vi phạm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm về đoàn kết nội bộ, vi phạm về thiếu trách nhiệm, vi phạm về tham nhũng, lãng phí, vi phạm về bao che, trù dập, vi phạm về phẩm chất, lối sống…5.

Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát của nhân dân đối với Đảng nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Một là, nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm xây dựng Đảng.

Từng cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tổ chức, quán triệt, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên; chỉ đạo nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Gần đây nhất là Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã được cấp ủy các cấp coi trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nguyên tắc, phương pháp của tố cáo cũng như giải quyết tố cáo nói chung và đối với tổ chức đảng nói riêng để chấp hành nghiêm chỉnh.

Tổ chức tuyên truyền đến nhân dân các quy định của Đảng về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng; quyền dân chủ của đảng viên, nhân dân và những nguyên tắc, quy định của Đảng trong tố cáo, giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng của các chủ thể trong xã hội.

Kiểm soát Đảng của nhân dân thông qua việc đóng góp ý kiến với đảng viên, tổ chức Đảng; qua đó, thực hiện quyền tố cáo với đảng viên, tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm phải trở thành ý thức trách nhiệm của mỗi chủ thể trong xã hội, khơi nguồn  dư luận xã hội để ngăn chặn các hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng của đảng viên và các tổ chức Đảng.

Khắc phục tình trạng tố cáo sai do thiếu thông tin, do nhận thức không đầy đủ, do chưa thấy hết trách nhiệm của mình trước Đảng, tố cáo với dụng ý xấu, vu cáo dưới danh nghĩa hăng hái, tích cực đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng với lời lẽ gay gắt, thậm chí thóa mạ người bị tố cáo hoặc quy chụp, suy diễn nặng nề, nhưng lại không nêu được nội dung cụ thể.

Hai là, có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo.

Theo mục d, khoản 1, Điều 7, Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó các hành vi: “đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình dưới mọi hình thức” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, nhưng để phát huy hơn nữa tính chủ động, dũng cảm của người tố cáo, cần quy định hình thức kỷ luật nặng hơn, có tính răn đe hơn đối với đảng viên vi phạm.

Bên cạnh đó, cần phải có các quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng thiếu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư tố cáo đảng viên, tổ chức Đảng cũng như lợi dụng quyền tố cáo đảng viên, tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm để gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Kịp thời xử lý và giải quyết đơn thư tố cáo nhằm góp phần giải quyết các bức xúc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân, tạo thêm niềm tin của đảng viên, nhân dân đối với Đảng.

Đồng thời, giúp cho đảng viên, tổ chức Đảng thấy các thiếu sót, khuyết điểm của mình và kịp thời khắc phục, sửa chữa. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả đơn thư tố cáo của nhân dân đối với đảng viên, tổ chức Đảng có dấu hiệu vi phạm là điều kiện nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc Quy định số 85-QĐ/TW ngày 23/5/2017 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Trong xử lý đơn thư tố cáo, các cơ quan có thẩm quyền phải phối hợp chặt chẽ, xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của Đảng về tố cáo và giải quyết tố cáo. Khi phát sinh tố cáo đông người, phức tạp, người đứng đầu tổ chức Đảng phải trực tiếp chỉ đạo làm rõ nội dung, nguyên nhân, xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý và thực tiễn, tổ chức đối thoại công khai với những người tố cáo để giải quyết sát thực tế sự việc, thấu tình, đạt lý. Phấn đấu 100% số đơn thư tiếp nhận được xử lý, giải quyết dứt điểm không để tồn đọng; hạn chế đến mức thấp nhất đơn thư tái tố.

Ba là, nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết tố cáo của từng cá nhân, tổ chức Đảng có thẩm quyền.

Trong đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giải quyết tố cáo trong Đảng có đạo đức, có tư cách đúng đắn, thái độ giao tiếp, ứng xử có văn hóa, coi trọng nguyên tắc của Đảng, trung thực, công tâm, vô tư khách quan, không thiên kiến, định kiến. Đồng thời, tiếp tục xây dựng, kiện toàn cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Quy định số 215-QĐ/TW ngày 02/12/2013 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của đảng ủy cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở Đảng.

Cùng với đó, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ kiểm tra và bảo đảm tốt các điều kiện về kinh phí, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng./.

Chú thích:
1, 2, 3. Báo cáo Tổng kết công tác kiểm tra và kỷ luật của Đảng các nhiệm kỳ Đại hội IX, X, XI.
4. Tô Quang Thu. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tạp chí Kiểm tra số 2/2018, tr. 14.
5. Cao Văn Thống. Kinh nghiệm và giải pháp giải quyết tố cáo trong Đảng. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2013, tr. 73 – 79.

TS. Lê Thanh Bình
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh