Một số kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

(QLNN) – Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng, là ngành sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội, cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp, nhiều ngành hàng cho xuất khẩu. Với sự phát triển nhanh của cách mạng khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tư duy về sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã có những sự thay đổi. Do vậy, việc học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước của một số nước đối với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất có ý nghĩa với tình hình của Việt Nam hiện nay.

 

Thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại, tin học hóa nhằm cải tiến phương pháp canh tác, tăng năng suất và sản xuất bền vững

Chính phủ Thái Lan đã có nhiều chính sách nhằm phát triển nông nghiệp có hiệu quả. Từ năm 2008, Chính phủ Thái Lan đã thành lập mô hình trang trại thông minh, áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ điện tử nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình trang trại thông minh tập trung vào 4 sản phẩm nông nghiệp chính là lúa mỳ, sắn, cao su và mía đường. Đồng thời, thực hiện dịch vụ cơ giới hóa ở cấp làng với mục tiêu, thiết lập khoảng 886 trung tâm dịch vụ cơ giới hóa ở làng; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các Trung tâm cơ giới hóa sẽ cung cấp dịch vụ máy kéo, đào tạo nguồn nhân lực sử dụng thành thạo sử dụng máy, cơ giới hóa bao gồm cả sửa chữa, bảo trì…

Còn ở Trung Quốc, nhờ ưu tiên phát triển mạnh công nghệ sinh học, tạo ra nhiều loại giống lúa lai nên đã tạo bước nhảy vọt về năng suất lúa, sản lượng lương thực và năng suất lao động nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn xem trọng vấn đề phát triển chính sách khoa học – kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, tập trung vào những vấn đề như cây, con giống, đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tổ chức tốt các mô hình triển khai công nghệ sản xuất nông nghiệp.

Về chính sách đầu tư xây dựng hệ thống kho tàng bảo quản, tăng cường chế biến phế, phụ phẩm

Thái Lan đã sớm phát triển hệ thống sau thu hoạch, trong đó có hệ thống kho tàng, vận chuyển nông sản. Thậm chí, để phục vụ xuất khẩu mạnh sang các nước phương Tây, Chính phủ Thái Lan còn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây hệ thống kho chứa ở quốc gia có vị trí địa lý trung tâm, thuận tiện xuất khẩu đi các nước lân cận hoặc có thể xuất ngay tại nước đó, ví dụ kho và nhà máy đánh bóng gạo tại Pháp để xuất khẩu sang Hà Lan, Đức.

Hiện nay, ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển rất mạnh công nghệ và các ngành công nghiệp ăn uống theo công nghệ chế biến phế, phụ phẩm nông sản. Ví dụ, sản phẩm cám gạo có giá trị tăng cao hơn từ 100 – 300% khi được chế biến thành thức ăn chăn nuôi, xà phòng, mỹ phẩm hoặc dược phẩm, rơm được chế biến thành viên làm thức ăn gia súc, làm chất độn chuồng trong chăn nuôi hay xuất khẩu. Tại các nước này, rơm còn được chế biến Ethanol hay nhiên liệu sinh học (Bio diesel), chế biến plastic sinh học để sản xuất các loại bao bì, cốc là sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, làm chất đốt, chế biến xà phòng, dầu ăn, mỹ phẩm,…

Về các chính sách hỗ trợ cho tiêu thụ nông sản

Tại nhiều nước, hệ thống đấu giá nông sản tại các chợ trung tâm đã sớm hình thành và giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập mặt bằng giá, phân loại, quy cách hóa nông sản và phục vụ đắc lực cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Các chợ trung tâm có thể được thiết lập bởi cơ quan chính phủ hoặc các nhà kinh doanh, nhưng thường nằm trong khu vực sản xuất chính.

Tại Thái Lan, chợ trung tâm của Chính phủ được thành lập bởi các cơ quan nhà nước như: Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC), Cơ quan Khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Bộ Thương mại Thái Lan hỗ trợ sắp xếp và quản lý các chợ trung tâm của Nhà nước và chợ trung tâm của tư nhân.

Tại Hàn Quốc, Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã Nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) đã thiết lập mạng lưới hợp tác xã từ trung ương đến cơ sở. Hệ thống hợp tác xã ở Hàn Quốc đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng lên của nông dân về hỗ trợ dịch vụ. NACF nắm giữ 40% thị phần nông sản trong nước. Nhằm mở rộng thị trường nông sản, NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ nông trại đến tận tay người tiêu dùng, giúp người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát.

NACF cũng điều hành một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và có sức cạnh tranh mạnh nhất. NACF chịu trách nhiệm cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho nông dân có đủ vật tư thiết yếu đáp ứng yêu cầu đúng thời gian, giá rẻ, chất lượng.

Trong khâu chế biến, NACF sở hữu một hệ thống hạ tầng và thiết bị hùng hậu giúp tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NACF đáp ứng nhiều loại dịch vụ: giao dịch ngân hàng, dịch vụ thẻ tín dụng, tín dụng cho vay, đầu tư, bảo hiểm, giao dịch quốc tế… Hệ thống bảo hiểm của NACF chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nông thôn.

Tại Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là hợp tác trong phân phối chứ không chỉ hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: một là, cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp; hai là, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. Để giúp các tổ chức hợp tác xã hoạt động, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi hợp tác xã nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức này.

Về hệ thống khuyến nông ở một số nước ASEAN

Cục Khuyến nông In-đô-nê-xi-a trực thuộc Bộ Nông nghiệp In-đô-nê-xi-a, được chia làm 5 cấp quản lý khuyến nông: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quận, cấp xã với các cán bộ khuyến nông chuyên trách và bán chuyên trách. Cán bộ khuyến nông làm việc theo hợp đồng và nhóm cộng tác viên khuyến nông.

Định hướng phát triển khuyến nông của In-đô-nê-xi-a nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật cho nông dân, hướng dẫn nông dân đăng ký và làm theo GAP. Cục Khuyến nông In-đô-nê-xi-a có mối liên hệ chặt chẽ với Cục Trồng trọt và các cục khác thuộc sự quản lý chung của Bộ Nông nghiệp In-đô-nê-xi-a.

Ở Ma-lai-xi-a, Cục Khuyến nông Ma-lai-xi-a thuộc Bộ Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn Ma-lai-xi-a với định hướng hoạt động chuyển giao công nghệ nông nghiệp và hướng dẫn nông dân thực hiện tiêu chuẩn hóa theo ISO 9001:2008. Hệ thống khuyến nông Ma-lai-xi-a cũng có 5 cấp như In-đô-nê-xi-a và còn trực tiếp tổ chức thực hiện các khóa đào tạo khuyến nông của ASEAN về khuyến nông, môi trường và công nghệ sau thu hoạch. Cùng với Cục Khuyến nông, Cục Trồng trọt và Cục Quản lý chất lượng nông sản hoạt động dưới sự quản lý chung của Bộ Nông nghiệp và ngành nghề nông thôn Ma-lai-xi-a.

Ở My-an-ma, Cục Khuyến nông My-an-ma thuộc Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi My-an-ma, phối hợp với các cục Quản lý nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi My-an-ma để thực hiện công tác chuyển giao công nghệ về sản xuất nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Cục Khuyến nông My-an-ma tập trung định hướng xây dựng các mô hình trình diễn quy mô lớn, kỹ thuật về công nghệ hạt giống và đào tạo lớp học hiện trường và hướng dẫn nông dân thực hiện, đăng ký nông sản theo các tiêu chuẩn của ASEAN GAP.

Về chính sách chuyển đổi cơ cấu ngành và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp

Chính sách đa dạng hóa sản phẩm được Chính phủ Thái Lan thực hiện nhằm giảm bớt rủi ro thị trường về giá, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước, khai thác hết nội lực về vốn và lao động trong nước. Quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của Thái Lan đã phản ảnh rõ nét định hướng phát triển thương mại đa dạng hóa và phát huy lợi thế so sánh. Cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan có sự thay đổi gia tăng mạnh các sản phẩm chăn nuôi, cao su, cây ăn quả, và giảm đáng kể các sản phẩm lúa gạo, ngô, sắn, đậu tương.

Để tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến trên thị trường quốc tế, Thái Lan hướng đến mục tiêu gia tăng chất lượng nông sản xuất khẩu thông qua thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm nông sản phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế. Chính phủ Thái Lan yêu cầu các nhà đầu tư phải thực hiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và quản lý môi trường ISO 14000 trong các nhà máy chế biến, tạo ra những sản phẩm nông sản chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế, vượt qua các rào cản kỹ thuật thâm nhập các thị trường khắt khe.

Chính phủ khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân và liên doanh với nước ngoài tập trung vào công nghiệp chế biến cao su và thủy sản, làm gia tăng khối lượng sản phẩm xuất khẩu qua chế biến. Các nhà máy chế biến của các hộ gia đình được khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt. Hiệp hội cao su Thái Lan ký hợp đồng bảo đảm cung cấp sản phẩm có chất lượng cao cho Nhật Bản, Thái Lan cũng chuyển từ xuất khẩu thịt gà sang xuất khẩu thịt gà đã qua chế biến sang các nước châu Âu và Nhật Bản.

Chính phủ Thái Lan còn cung cấp các ưu đãi đầu tư qua chính sách thuế và tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các nhà đầu tư xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới như Ai Cập, Nam Phi. Chính phủ Thái Lan đã thực hiện chính sách thu thuế thấp, giảm hoặc miễn thuế cho nông dân và coi đó là khoản đầu tư cho nông nghiệp. Chủ trương này nhằm tạo điều kiện nâng cao mức sống của nông dân, tăng tích lũy từ trong nông nghiệp, đẩy mạnh quá trình đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, hạn chế thất nghiệp đối với lao động nông thôn và hạn chế dòng người rời bỏ nông thôn ra thành thị.

Một số khuyến nghị để phát triển kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam

Việt Nam có thể tận dụng lao động giá rẻ kết hợp với kỹ thuật cao trong nông nghiệp, đây chính là chìa khóa để thành công. Việc lựa chọn phát triển sản phẩm nào cũng rất quan trọng. Và cần ứng dụng công nghệ cao trong các khâu sản xuất, chế biến, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm.

Khi kiến tạo chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao, Việt Nam phải xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu dự báo về phát triển khoa học – công nghệ, nhu cầu thị trường, mức độ cạnh tranh thương mại nông sản, năng lực thực thi chính sách của người dân… Vì chính sách có tác dụng định hướng sản xuất nên nếu chính sách được xây dựng thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, chậm đổi mới hoặc đổi mới quá nhanh cũng đều gây tác động tiêu cực đến sản xuất.

Đồng thời, Nhà nước phải xây dựng và minh bạch, công khai được các tiêu chí về doanh nghiệp và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để làm công cụ giám sát quá trình thực thi chính sách và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Muốn làm tốt việc này, Việt Nam cần phải có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn để đánh giá chất lượng sản phẩm, từ đó nông dân định hướng được cách thức sản xuất đạt chuẩn. Phải có các chứng chỉ rõ ràng.

Trong thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần tăng giá trị, giảm đầu vào, nghĩa là phải tạo thêm giá trị kinh tế – nâng cao phúc lợi của người tiêu dùng và nông dân – nhưng sử dụng ít tài nguyên và nhân lực, đồng thời, không gây suy thoái môi trường. Ngành Nông nghiệp cần phải tự mình thay đổi hình ảnh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đổi mới sáng tạo, cung ứng ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, nông nghiệp luôn giữ vai trò quan trọng, là ngành sản xuất lương thực, thực phẩm cho xã hội, cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp, nhiều ngành hàng cho xuất khẩu. Trong suốt thế kỷ XX, nông nghiệp thế giới đã có những bước tiến vượt bậc, phát triển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp truyền thống sang giai đoạn hiện đại hóa nông nghiệp; đặc biệt, trong vài thập kỷ trở lại đây, với sự phát triển nhanh của cách mạng khoa học và công nghệ, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế thị trường hiện đại, kinh tế tri thức,… thì tư duy về sự phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã có những sự thay đổi. Theo đó, việc học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước của một số nước đối với phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất có ý nghĩa với tình hình của Việt Nam hiện nay./.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Đễ. Quản lý nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay – Một số vấn đề đặt ra. Tạp chí Khoa học xã hội nhân văn, số 03/2009.
2. Lê Phương Hòa. Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Việt Nam – Những vấn đề đặt ra. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số tháng 9/2009.
3. Phan Thanh Khôi. Hoạt động khuyến nông Việt Nam – Ý nghĩa chính trị xã hội. H. NXB Lý luận chính trị, 2006.
4. Tổ chức Hợp tác và phát triển Liên hiệp quốc (OECD). Chính sách nông nghiệp của Việt Nam. H. NXB Lý luận chính trị, 2015.
5. Bo Q.Lin. Rural reforms, structural change and agricultural growth in the People’s Republic of China. The economics and Development Resource Center. Asian Development Bank at www.adb.org.

 NCS. Phạm Ngọc Quỳnh
Học viện Hành chính Quốc gia