Giải pháp hỗ trợ nông dân trồng điều ở Bình Phước tiếp cận thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin

(QLNN) – Là tỉnh có diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước, tỉnh Bình Phước được xem là thủ phủ ngành điều của Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm qua, diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh liên tục giảm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là người nông dân chưa làm giàu được bằng cây điều với điệp khúc “được mùa, mất giá” và năm 2019 là cả “mất mùa, mất giá”? Bài viết này sẽ phân tích một nguyên nhân cơ bản và trình bày một số giải pháp trong ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nông dân tiếp cận thị trường.
Vườn điều tại Bình Phước
Bình Phước phù hợp nhất cho sự phát triển của cây điều

Cây điều bắt đầu trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XVI, nhưng ngành điều của nước ta mới được hình thành từ những năm 1982, đây là sự khác biệt lớn khi đánh giá về ngành điều so với cao su, cà phê, chè, rau quả đã có cách đây hơn 100 năm.

Có thể nói, ngành điều Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh nhanh chóng. Sau gần 40 năm tham gia vào thị trường điều thế giới, so với các mặt hàng nông – lâm – thuỷ sản khác thì hạt điều trở thành mặt hàng đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn, năm sau luôn cao hơn năm trước, cụ thể là: năm 2006 đạt 504 triệu USD, năm 2007 đạt 651 triệu USD. Năm 2008 đạt 914,34 triệu USD, năm 2009 đạt 740 triệu USD, năm 2010 đạt 1,123 tỷ USD, năm 2011 đạt 1,35 tỷ USD và năm 2012  đạt 1,45 tỷ USD. Trong vòng hơn 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, vượt cả Ấn Độ và Brazil.

Bình phước là tỉnh miền núi phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, với tổng diện tích đất tự nhiên là 6.871,54 km2­. Được phân chia thành 11 đơn vị hành chính cấp huyện và thị xã bao gồm huyện (H.) Bù Gia Mập, H. Phú Riềng, H. Bù Đăng, H. Đồng Phú, H. Hớn Quản, H. Lộc Ninh, H. Chơn Thành, H. Bù Đốp và thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và thị xã Phước Long.

Tỉnh Bình Phước có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng của vùng Đông Nam Bộ, là một trong tám tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh Bình Phước có đường biên giới với Campuchia dài 240 km2, nên có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc phòng và giao lưu kinh tế giữa hai nước.

Tuy là một tỉnh miền núi, nhưng Bình Phước có địa hình tương đối bằng phẳng so với các tỉnh miền núi khác trong cả nước, rất thuận lợi phát triển nông nghiệp. Dựa vào kết quả phân loại có thể chia đất Bình Phước làm 6 loại đất như sau: đất phù sa (có diện tích 665 ha), đất xám (với 93.889 ha), đất đen (666 ha), nhóm đất đỏ vàng (chiếm tỷ lệ lớn nhất với 79,34 %, với diện tích là 544.007 ha), nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá (239 ha) và nhóm đất dốc tụ (24.082 ha)1.

Bình Phước nằm trong khu vực có điều kiện tự nhiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, với khí hậu nhiệt đới ôn hòa, địa hình miền núi nhưng ít dốc, tài nguyên đất có chất lượng cao. Những yếu tố trên có vai trò quan trọng đối với phát triển ngành nông – lâm nghiệp, tạo điều kiện phát triển mạnh các loại cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm như cao su, điều, hồ tiêu, cà phê,… Bình Phước là tỉnh có diện tích và sản lượng điều lớn nhất cả nước, đây là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Là tỉnh với lượng nước cho phát triển nông nghiệp rất hạn chế vì vậy việc ưu tiên bố trí các cây công nghiệp không hoặc ít cần nước tưới là cần thiết. Trong đó cây điều là cây có lợi thế lớn và phù hợp với điều kiện khai thác nguồn nước của tỉnh. Vì nó là loại cây trồng không cần tưới nước, yêu cầu đầu tư thâm canh thấp và có khả năng chịu nắng hạn cao.

Là một trong tám tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – Trung tâm kinh tế – khoa học kỹ thuật vào loại lớn nhất cả nước, vì vậy tỉnh Bình Phước sẽ có điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất điều về: huy động vốn, nguồn lực khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ cây điều. Hơn nữa tỉnh có 240kmđường biên giới với Campuchia là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế, phát triển thương mại giữa hai nước.

So với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước là tỉnh có vị trí xa trung tâm kinh tế lớn như, thành phố Hồ Chí Minh, xa bến cảng, sân bay. Vì vậy cho đến năm 2020, sức hút về đầu tư từ bên ngoài cho phát triển công nghiệp chưa có khả năng tăng cao. Chính vì vậy, việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là vấn đề cần được đặt ra. Đây cũng là hướng đi đúng đắn trước ngưỡng cửa của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tỷ lệ lao động nông thôn cao, là nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung và lao động cho ngành điều nói riêng.

Với những điều kiện phù hợp trên, Bình Phước hiện chiếm gần 50% diện tích cả nước; tổng sản lượng đạt gần 150.000 tấn chiếm 50% sản lượng của cả nước. Chất lượng hạt điều tỉnh Bình Phước tốt hơn hẳn điều ở những tỉnh khác trong nước và điều Việt Nam cũng tốt hơn hẳn so với điều các nước. Điều này đã được thừa nhận từ nhiều năm qua. Hạt điều Bình Phước trung bình 180 hạt/kg và thu được 3-3,2 lạng nhân/kg điều thô; các địa phương khác lên tới 250 hạt/kg, thu được khoảng 2,2-2,7 lạng nhân/kg điều thô. Điều nước ngoài nhập về hạt có loại lớn, có loại nhỏ nhưng khi phân loại hàng xấu chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn so với điều trong nước.

Diện tích trồng điều của tỉnh Bình Phước giảm mạnh và không ổn định

Nếu như năm 2011, tổng diện tích trồng điều của Bình Phước là 148.020ha, thì đến năm 2015, diện tích điều chỉ còn 134.014ha, giảm hơn 14.000ha; năm 2018, sau nhiều chính sách phát triển cây điều và niên vụ 2016, 2017 giá hạt điều tăng cao, diện tích trồng điều được nâng lên 138.174ha2. Tuy nhiên, việc tăng diện tích cây điều cũng có nguyên nhân bắt nguồn từ việc giá mủ cao su 3 năm trở lại đây giảm mạnh chỉ bằng 50% so với cao điểm, giá hạt tiêu giảm gần 60% so với đỉnh điểm nên người nông dân có xu hướng dịch chuyển cơ cấu cây trồng.

Nguyên nhân giảm diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước được các cơ quan có liên quan chỉ ra là do trong giai đoạn 2009 đến 2012, giá mủ cao su và giá tiêu liên tục tăng nóng, mang lại giá trị cao cho nông dân. Trong khi đó, giá hạt điều liên tục giảm và không ổn định nên nhiều diện tích trồng điều đã bị nông dân chặt phá, chuyển đổi sang trồng cây cao su để mong nâng cao thu nhập của gia đình (tất cả diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đều là tiểu điền, quy mô nhỏ do các gia đình quản lý; không có diện tích trồng lớn do các doanh nghiệp quản lý, điều hành). Một nguyên nhân nữa làm cho diện tích trồng điều giảm trong giai đoạn 2011-2017 đó là do việc chuyển đổi các giống điều bản địa, các vườn điều đã hết niên hạn khai thác, cho sản lượng thấp sang trồng các loại cây khác mà không tái canh cây điều.

Về thu nhập, bình quân 01 héc ta trồng điều đang cho thu hoạch, bà con nông dân đang thu được sản lượng từ 800kg đến 3000kg, cá biệt có một số vườn cho sản lượng khoảng trên 4000kg, với mức giá bình quân từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, do đó thu nhập bình quân 01 héc ta trung bình khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, so với một số cây trồng khác, thu nhập bình quân 01 héc ta của người nông dân tương đối thấp, mặt khác sản lượng cây điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mà không chủ động được do đó đây cũng là nguyên nhân diện tích trồng điều không ổn định.

Ai là người quyết định giá thu mua hạt điều của nông dân?

Như đã nói ở trên, các vườn điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước phân bố không đều, không tập trung mà nằm rải rác, xen lẫn với các khu vực trồng các loại cây công nghiệp khác, diện tích trồng mang tính chất nông hộ từ vài ngàn mét vuông đến vài chục héc ta, trong khi đó khoảng cách địa lý rộng lớn, do đó việc đầu tư máy móc phục vụ sản xuất theo quy cách công nghiệp; xây dựng kho lưu trữ hoặc nhà máy chế biến tại chỗ gặp nhiều khó khăn.

Việc thu mua hạt điều từ nông dân để đưa đến các nhà máy chế biến hiện nay đều thông qua hệ thống các đại lý, là các chân rết của các doanh nghiệp. Thông thường, để hạt điều từ vườn đến được với nhà máy chế biến thì cần phải thông qua 3 đến 4 cấp đại lý thu mua. Đầu tiên là những người đi thu gọm trực tiếp tại vườn nông dân, sau đó những người này sẽ đem đến các cơ thu mua nhỏ lẻ đặt tại các ấp; các đại lý này sau khi thu gom đủ số lượng sẽ có xe tải của các đại lý cấp 1 đến thu gom đưa về tổng đại lý cấp xã hoặc khu vực. Các đại lý cấp 1 này sẽ là nguồn cung cấp chính cho các nhà máy chế biến tập trung.

Qua khảo sát thực tế từ các đại lý cho thấy, giá thu mua được cung cấp hàng ngày bởi nhà máy chế biến và các đại lý theo cấp này tiếp tục cung cấp giá thu mua cho các đại lý cấp duới và cuối cùng là người đi thu gom là người cung cấp giá thu mua cuối cùng cho nông dân. Khảo sát cũng cho thấy, chênh lệch giá thu mua từ nhà máy đến người nông dân nằm trong khoảng 25 đến 30%. Như vậy, về cơ bản, người chi phối giá thu mua là các doanh nghiệp và đại lý thu mua.

Hiện Bình Phước có gần 200 doanh nghiệp và hơn 400 hộ kinh doanh cá thể tham gia chế biến điều; có khoảng 31 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với tổng công suất đạt khoảng 81.000 tấn, trị giá hơn 807 triệu USD3.

Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch mấy năm vừa qua chỉ đáp ứng được 25% công suất chế biến nên hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn phải nhập thêm điều thô từ châu Phi về chế biến nên phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Đây cũng là một nguyên nhân khiến giá thu mua hạt điều không ổn định theo từng năm. Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến các chiêu trò trong kinh doanh của các doanh nghiệp lúc đẩy giá, lúc dìm giá thu mua đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thu mua trực tiếp tại vườn.

Có thể nói, mặc dù hạt điều sản xuất tại Bình Phước có chất lượng tốt nhất thế giới, sản lượng lại không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu để sản xuất của các nhà máy trên địa bàn nhưng giá bán hạt điều tại vườn của người nông dân lại không phải do người nông dân quyết định. Điều này là hoàn toàn trái ngược với nguyên tắc thị trường trong kinh doanh khi mà cung không đủ cầu, chất lượng sản phẩm tốt nhưng người bán phụ thuộc giá bán vào người mua sản phẩm?

Đâu là nguyên nhân?

Việc người nông dân trồng điều Bình Phước nắm trong tay quyền quyết định nhưng lại không quyết định được giá bán hạt điều cho các cơ sở sản xuất có nhiều nguyên nhân, nhưng có một số nguyên nhân chính như sau:

Nguyên nhân thứ nhất, xuất phát từ cơ cấu mô hình sản xuất của ngành điều Bình Phước.

Đó là mặc dù có rất nhiều cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất hạt điều nhân nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất này (trừ một số doanh nghiệp lớn có uy tín chiếm tỷ lệ rất ít: 4/400 cơ sở) đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Hầu hết không có kho chứa nguyên liệu sản xuất tại chỗ chuyên dụng, các cơ sở chủ yếu làm ăn theo mùa vụ (bắt đầu sản xuất khi vào mùa thu hoạch và đóng cửa khi hết vụ thu hoạch một thời gian ngắn); dây chuyền sản xuất chủ yếu là thủ công và lạc hậu nên nhiều cơ sở làm ăn mang tính “chụp giật”, sử dụng nhiều chiêu trò để ép giá người nông dân; sử dụng một số mánh khoé để tăng lợi nhuận nhưng lại làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như trộn điều xấu với điều tốt, sử dụng hoá chất để tăng khối lượng hạt điều thô…

Nguyên nhân thứ hai, đó là hệ thống thu mua điều thô quá nhiều cấp. Như đã nói ở trên, có ít nhất 03 cấp đại lý tham gia thu mua hạt điều thô từ nông dân trồng điều dẫn đến việc thiếu kiểm soát về giá thu mua. Mỗi doanh nghiệp cung cấp một giá, mỗi đại lý thu mua một giá và việc điều chỉnh giá nằm hoàn toàn ở doanh nghiệp và cả đại lý thu mua các cấp. Mặt khác, hầu hết các đại lý này đều sử dụng vốn của doanh nghiệp theo dạng tạm ứng để thu mua nên có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa các đầu mối này. Điều này dẫn đến việc “cát cứ” trong thu mua. Nghĩa là các doanh nghiệp có những thoả thuận ngầm với nhau về chia sẻ vùng nguyên liệu thu mua, đây là luật bất thành văn trong thực tế ngành điều Bình Phước.

Nguyên nhân thứ ba, mà tác giả cho rằng đây là nguyên nhân sâu xa và chủ yếu dẫn đến việc người trồng điều không nắm quyền nhưng không quyết định được giá bán hạt điều thô do mình sản xuất ra đó là việc thiếu thông tin và thói quen mua bán.

Một là, người nông dân trồng điều không có thông tin mà thông tin ở đây bao gồm thông tin về sản lượng dự kiến của vụ mùa dẫn đến tình trạng thông thường đầu mùa giá thu mua tăng cao nhưng càng về cuối vụ thu hoạch giá thu mau rớt thê thảm, nhiều vụ cuối mùa giảm tới gần 50% so với đầu mùa như vụ mùa năm 2018, giá đầu mùa lên đến 42 ngàn đồng/kg nhưng cuối vụ chỉ còn 23 đến 25 ngàn đồng/kg tuỳ loại. Ngoài ra, sản lượng ở đâu còn bao gồm cả số lượng điều thô được các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập về Việt Nam để sản xuất, chế biến phục vụ xuất khẩu. Sản lượng tăng cũng dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp dừng thu mua do không đủ kho chứa làm cho giá thu mua cũng giảm mạnh.

Hai là, việc thiếu thông tin và giá hạt điều thô từ phía nhà máy sản xuất mà người nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý thu mua cấp 2, cấp 3. Nông dân sau khi thu hoạch (do đặc điểm thu hoạch theo ngày nên khối lượng mỗi lần thu hoạch không nhiều) thường có xu hướng bán ngay trong ngày để nhận tiền mặt hoặc trừ nợ trước đó (sẽ được trình bày ở phần tiếp theo) do đó họ sẵn sàng chấp nhận giá mua do các đại lý đưa ra dù mức chênh lệch thường không nhiều (5 đến 10% so với ngày hôm trước). Nhưng nếu cộng dồn một khối lượng thu mua rất lớn từ nông dân thì đại lý sẽ là người được lợi rất lớn.

Nguyên nhân thứ tư, chính là thói quen canh tác cũ, cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn.

Hầu hết các vườn trồng điều của nông dân Bình Phước đều cách xa khu dân cư, người trồng điều thường không ở vườn để chăm sóc, thu hoạch mà ở chỉ vào chỉ vào chăm sóc theo chu kỳ. Do đó, hầu hết các hộ đều không có nhà kho lưu trữ tạm thời sau thu hoạch. Mặt khác, qua báo cáo của Hội Nông dân tỉnh cho thấy, hiện có tới 70 đến 80% diện tích trồng điều cuả tỉnh là các giống điều cũ, đã được trồng nhiều năm và chủ yếu là điều trồng trực tiếp từ hạt; diện tích trồng điều ghép, giống mới đang còn rất ít nên sản lượng nhìn chung chưa cao nhưng ngược lại các giống điều cũ của Bình Phước lại cho chất lượng hạt điều ngon và tốt hơn.

Và do các vườn điều nằm rải rác và ở những khu vực thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên công tác thu gom, vận chuyển hạt điều thô sau thu hoạch gặp nhiều khó khăn, do đó nông dân đều có tâm lý chung là bán ngày cho những người đi thu gom tại vườn. Điều này cũng đã góp phần đẩy giá thu mua hạt điều thô của nông dân trồng điều tại các đại lý giảm sâu so với giá các nhà máy thu mua từ đại lý.

Đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ nông dân trồng điều tiếp cận thông tin

Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Hiện trên thế giới có một số hình thức của thương mại điện tử như Business to Business (B2B), Business to Customer (B2C), Goverment 2 Business (G2B)… nhưng phổ biến nhất vẫn là hình thức B2C, tức là doanh nghiệp bán hàng hoá đến người tiêu dùng thông qua việc giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và đặt mua hàng trên môi trường mạng và được giao sản phẩm đến nhà.

Nói đến thương mại điện tử hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong bối cảnh thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những bước tiến và tốc độ thay đổi vô cùng nhanh chóng, có thể thấy rằng, hiện các doanh nghiệp, các nhà sản xuất và kể cả nông dân sản xuất cũng đang còn thấy rất mới mẻ, chưa thể tiếp cận. Đây cũng là vấn đề chính cần quan tâm trong quá trình xây dựng sàn giao dịch điện tử tập trung cho tỉnh (trong đó chú trọng vào lĩnh vực nông nghiệp).

Qua khảo sát cho thấy, hầu hết người dân sử dụng smartphone đều đã ít nhất một lần đặt mua hàng qua mạng thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook; các sàn giao dịch điện tử như Lazada, Shopee… Đối với địa bàn tỉnh Bình Phước, rất ít các doanh nghiệp, nông dân nói chung, nông dân trồng điều nói riêng tiếp cận đến hoạt động thương mại điện tử để quảng bá, bán các sản phẩm chủ đạo của tỉnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thì hàng hoá sản xuất đều phục vụ xuất khẩu nên không sử dụng thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đối với tỉnh Bình Phước, việc xây dựng một sàn giao dịch điện tử cho các doanh nghiệp và người nông dân Bình Phước bán các sản phẩm như điều, tiêu, cao su, cà phê không phải đơn giản chỉ là xây dựng một sàn giao dịch tương tự như Lazada, Shopee, Tiki… vì có những đặc thù của ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp đó là khối lượng sản phẩm lớn, khó lưu trữ, khó vận chuyển nhỏ lẻ, ít doanh nghiệp có thể chế biến, sản xuất; nhà máy sản xuất phải đặt ở vùng nguyên liệu nhưng thị trường tiêu thụ lại ở xa…; thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm không đồng đều gây khó khăn cho việc tiếp cận thị trường…

Do đó, tác giả đề xuất việc xây dựng một công cụ cho người nông dân trồng điều và các doanh nghiệp sản xuất, các đại lý thu mua dựa trên nền tảng công nghệ internet và mạng di động GSM riêng nhưng vẫn dựa trên nền tảng, cấu trúc của thương mại điện tử.

Hệ thống này cũng sẽ là công cụ hỗ trợ quản lý cho nhà nước thông qua việc sử dụng dữ liệu thu thập được để đề ra các chính sách quản lý vĩ mô đối với ngành cho phù hợp với thực tiễn.

Hệ thống phần mềm thương mại điện tử này sẽ bao gồm các nội dung lớn như sau:

1) Về người dùng:

– Hệ thống được thiết kế để hướng đến người dùng chính là nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh và có thể mở rộng.

– Người dùng thứ 2 là các đại lý thu mua nông sản nói chung, thu mua hạt điều thô nói riêng.

– Người dùng thứ 3 đó là các doanh nghiệp sản xuất điều, người quyết định đơn giá thu mua.

2) Về cách thức hoạt động:

Hệ thống sẽ sử dụng công cụ kỹ thuật để phân tích các số liệu có liên quan, ảnh hưởng đến giá thu mua hạt điều như sản lượng dự kiến trong vụ, số lượng điều nhập khẩu của các doanh nghiệp thông qua việc thu thập dữ liệu tự động và thủ công để từ đó đề xuất và cung cấp cho người trồng điều, doanh nghiệp về giá điều quốc tế thông qua phần mềm trực tuyến, hiển thị trên điện thoại thông minh hoặc hệ thống sms nếu người sử dụng phần mềm đăng ký nhận sms hàng ngày.

Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên tắc hiển thị trực quan thông tin về giá thu mua của các đại lý, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, chế biến điều…trên bản đồ số tích hợp trên hệ thống nền tảng bản đồ Google để từ đó cung cấp thông tin đến người trồng điều để họ có quyền lựa chọn nơi bán sản phẩm của mình. Có nghĩa là người trồng điều có khả năng so sánh giá thu mua của từng đại lý tại khu vực mình sản xuất để bán.

Đối với các đại lý thu mua, sau khi giá thu mua của các đại lý khác được công khai, nếu đại lý muốn thu mua được từ người nông dân thì họ phải tìm cách để nâng giá mua thông qua việc giảm một phần lợi nhuận trong chuỗi kinh doanh thu mua để cạnh tranh với các đại lý khác. Điều đó có nghĩa là người nông dân đã có một phần quyết định giá bán mặc dù giá bán của họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào giá thu mua của nhà máy.

Đối với các nhà máy sản xuất, thông qua phần mềm, họ sẽ được cung cấp dự kiến sản lượng thu hoạch trong ngày và dài hơi hơn là dự đoán cả mùa vụ để chủ động trong công tác sắp xếp kho lưu trữ, sắp xếp kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Mặt khác, cũng như đại lý, nếu họ muốn thu mua được hạt điều thô có chất lượng, đủ sản lượng sản xuất thì họ cũng phải quyết định giá thu mua phù hợp từ đại lý.

Có thể nói, phần mềm sẽ giúp kết nối dữ liệu về diện tích, sản lượng (do người trồng điều cung cấp), giá thu mua giữa các doanh nghiệp, các đại lý, qua đó công khai hoá quá trình mua bán giữa các đối tượng trong chuỗi trồng, thu mua, chế biến hạt điều thô trên địa bàn và cũng là giúp người nông dân có thêm thông tin để quyết định giá bán sản phẩm của mình.

Để hỗ trợ cho người nông dân có thêm quyết định nơi mình muốn bán sản phẩm, phần mềm tích hợp thêm một module về kết nối, chia sẻ dữ liệu vận tải. Cụ thể hệ thống sẽ kết nối những tài xế xe tải, xe gắn máy chuyên đi vận chuyển hạt điều từ các vườn thông qua hệ thống định vị toàn cầu. Đồng thời, phần mềm sẽ cho phép người trồng điều kết nối với những tài xế, thông báo cho các tài xế về sản lượng để hệ thống tính toán chu trình di chuyển của tài xế phù hợp với các địa điểm có sản phẩm. Như vậy, tài xế xe vận chuyển sẽ tiết kiệm được chi phí mỗi chuyến đi do chiều đi, chiều về, khối lượng vận tải đạt lớn nhất và như vậy thì giá thành vận chuyển cũng sẽ giảm cho người nông dân.

Ngoài ra, tác giả cũng đề xuất tỉnh Bình Phước cần có chính sách để các doanh nghiệp xây dựng các kho lưu trữ chuyên dụng tại các khu vực được khảo sát, tính toán phù hợp. Sau đó, nhà nước sẽ bỏ tiền thuê lại các kho này và cho nông dân thuê lại kho này nhằm giảm lượng cung trên thị trường khi vào chính vụ và người nông dân sẽ bán trực tiếp sản phẩm cho các nhà máy (do hạt điều thô sau thu hoạch đã được tập trung một chỗ nên công tác vận chuyển đến nhà máy rất dễ và kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu vào) qua đó cũng giảm được các khâu trung gian, gia tăng lợi ích cho người nông dân.

Việc nhà nước giao cho tư nhân xây dựng các kho lưu trữ sau đó thực hiện việc thuê lại theo thời hạn để cho nông dân thuê lưu trữ hạt điều là nhằm huy động các nguồn lực khác tham gia vào chuỗi sản xuất hạt điều, sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế nhưng vẫn đảm bảo được sự tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài do có sự đảm bảo về đầu ra.

Để hỗ trợ nông dân trồng điều nhằm duy trì, phát triển một loại cây công nghiệp đặc hữu của tỉnh thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết tất cả các bài toán trong quy trình của chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, tác giả chỉ xin phép trình bày một số khuyến nghị nhằm giúp người nông dân có thêm thông tin trong khi bán sản phẩm hạt điều thô sau thu hoạch./.

Chú thích:
1. Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước năm 2011
2. Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước hàng năm.
3. Tổng hợp từ các báo cáo tổng kết năm 2018 của các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bình Phước.

ThS. Lê Ngọc Tân
UBND thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước