Phát triển y tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững con người ở tỉnh Vĩnh Phúc

(QLNN) – Những năm qua, Đảng bộ, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chính sách phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt chú trọng việc đầu tư cho y tế, dịch vụ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em và được xác định rõ bằng những tiêu chí cơ bản nhằm đóng góp vào sự phát triển con người trên địa bàn tỉnh.

 

Những thành tựu đạt được về y tế trong mục tiêu phát triển con người của tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ nhất, tỷ lệ ngân sách chi cho y tế được nâng lên, chất lượng dịch vụ và đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm.

Về đầu tư cho y tế, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đã quan tâm đến xây dựng nguồn lực lao động, nâng cao sức khỏe cho người dân. Vì vậy, vấn đề tài chính đầu tư cho y tế đã được điều chỉnh tăng dần theo các năm. Cụ thể “năm 2013, tỉnh đã chi 2% ngân sách cho y tế, năm 2014 là 4% và đến nay là 7%”1.

Chất lượng dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, năm 2016, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có bệnh viện, các thiết bị y tế cũng được mua sắm, trang bị ngày càng hiện đại, đặc biệt ở bệnh viện đa khoa tuyến đầu tại thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên. “100% số xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, số giường bệnh ở các bệnh viện cũng được tăng lên từ 2.300 giường năm 2010 đã tăng là 3.923 giường vào năm 2016 (tăng 17% trong 6 năm), tỷ lệ giường bệnh được tính bình quân tính trên một vạn dân là 22,8 năm 2010 lên 36,8, tăng 16,1%”2. Đây là bước tiến đáng kể trong ngành Y tế của tỉnh Vĩnh Phúc, tạo điều kiện tốt hơn để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

Khám bệnh nhân đạo, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đại Đình – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc (ảnh: Phương Thùy, http://nhandaovinhphuc.org.vn).

 

Song song với việc phát triển về cơ sở vật chất y tế là sự phát triển về đội ngũ cán bộ ngành Y, dược. Năm 2010, “số cán bộ ngành Y tế là 3.046 người, đến năm 2016 là 4.741 người, số lượng cán bộ ngành dược cũng tăng từ 751 người thành 1.271 người. Trình độ của đội ngũ cán bộ ngành Y, dược được nâng lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh cho người dân. Số lượng bác sỹ lên tăng lên nhanh chóng, từ 681 người (năm 2010) lên 1.415 người (năm 2016), tăng 207,8%; số lượng dược sỹ (ở các trình độ: tiến sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa) cũng tăng lên tương đương, từ 102 người (năm 2010) lên 205 người (năm 2016), tăng 200%.

Năm 2016, có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có bác sỹ công tác tại trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 100%) và 2 huyện còn lại: huyện Lập Thạch là 95%, Sông Lô là 82%, tính trung bình toàn tỉnh là 97%”3. Điều này đã giúp những người bệnh không phải di chuyển đến các trung tâm y tế tuyến trên, giảm bớt chi phí tốn kém cho nhân dân, kịp thời chữa bệnh cho người già và trẻ nhỏ, tạo điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ y tế ngay tại địa phương.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được coi là một thước đo quan trọng để đánh giá trình độ phát triển con người về mặt y tế và cũng là thước đo đánh giá sự tiến bộ của xã hội. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, công tác tiêm chủng mở rộng đang được quan tâm và khích lệ như: thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ uốn ván cho trẻ sơ sinh, khống chế được bệnh sởi và Rubella.

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 97,3%, tỷ lệ tiêm chủng uốn ván sơ sinh cho phụ nữ có thai đạt 98,4%, ngoài ra, ngành Y tế còn tổ chức uống bổ sung vắc xin bại liệt, công tác giám sát bệnh trong tiêm chủng được mở rộng có hiệu quả,…”đến năm 2016, toàn tỉnh chỉ còn 56 trẻ em dưới 15 tuổi mắc các bệnh có vắc xin… Tỷ lệ trẻ sơ sinh có trọng lượng dưới 2.500 gram chỉ còn 2,3%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm nhanh chóng từ 16,2% năm 2010 xuống còn 9,8% năm 2016”4

Thứ hai, hỗ trợ chi phí BHYT cho người nghèo, người dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, số người tham gia BHYT tăng trung bình hằng năm tăng từ 3 – 5%. Tính đến ngày 15/12/2016, tổng số người tham gia BHYT là “850 nghìn người đạt tỷ lệ bao phủ 80%, tăng 96 nghìn người so với năm 2015 (tăng 11,3%). Năm 2017, tỉnh đã nâng cao mức hỗ trợ, bảo đảm 100% các hộ nghèo, hộ cận nghèo có thẻ BHYT, giảm 30% đối với người già từ 61 – 70 tuổi, giảm 50% đối với người già từ 71 – 80 tuổi”5. Nhờ có chính sách hỗ trợ mua thẻ BHYT mà người dân có cơ hội để đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh kịp thời, đặc biệt đối với người nghèo, người già, người dân tộc thiểu số…Thứ ba, hoạt động y tế dự phòng trong công tác phòng và chữa bệnh cho người dân.

Các trung tâm y tế dự phòng trên địa bản tỉnh đã tích cực chủ động phòng, chống dịch, giám sát chặt chẽ các căn bệnh truyền nhiễm. Sở Y tế đã phối hợp với cơ sở y tế của các công ty, xí nghiệp phổ biến các văn bản pháp quy, tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, lao động; phối hợp khám sức khỏe định kỳ, hướng dẫn lập hồ sơ sức khỏe cho các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh.

Những hạn chế, tồn tại trong công tác y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc

Một là, các cơ sở y tế phân bố không đều, chất lượng y tế chưa cao, nhất là ở tuyến huyện, tuyến xã. Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016, ở thành phố Vĩnh Yên, với dân số là 103.617 người, có 7 bệnh viện và 6 phòng khám đa khoa. Ở thị xã Phúc Yên với số dân là 98.543 người, có 4 bệnh viện, 4 phòng khám đa khoa.

Trong khi đó, ở các huyện như: Vĩnh Tường có số lượng dân số đông nhất tỉnh (201.904 người), có một bệnh viện và 5 phòng khám đa khoa; huyện Yên Lạc (153.107 người) thì chỉ có một bệnh viện và 2 phòng khám đa khoa; Lập Thạch là huyện xa trung tâm nhất số dân đông hơn cả thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên là 124.725 người nhưng chỉ có một bệnh viện và 3 phòng khám đa khoa; huyện Sông Lô có dân số là 93.495 người và huyện Tam Đảo 73.289 người nhưng chỉ có một bệnh viện và một phòng khám đa khoa.

Sự mất cân đối về các dịch vụ chăm sóc y tế cho người dân không chỉ thể hiện ở số lượng bệnh viện và phòng khám đa khoa, mà còn thể hiện ở số lượng cán bộ y tế, đặc biệt là bác sỹ ở các khu vực này. Số lượng bác sỹ thường tập trung ở các bệnh viện cấp huyện và tỉnh, số bác sỹ tại trạm y tế xã, phường, thị trấn vẫn còn hạn chế, đặc biệt ở huyện Lập Thạch, tỷ lệ bác sỹ ở cấp xã, phường chỉ đạt 95%, còn ở huyện Sông Lô chỉ có 82% theo quy định. Số lượng bác sỹ chủ yếu tập trung ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên (920/1.425 bác sỹ, chiếm 65% tổng số bác sỹ trên địa bàn tỉnh). Sự mất cân đối này thể hiện sự đầu tư của tỉnh vào lĩnh vực y tế chưa đồng đều, chất lượng y tế ở cấp cơ sở thấp, gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh, tại địa phương.

Hai là, dịch vụ y tế dự phòng chưa theo kịp với yêu cầu của việc phòng và khám, chữa bệnh.

An toàn vệ sinh thực phẩm mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo sát sao song tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, còn có một vấn đề báo động về tình trạng người nhiễm HIV, số chuyển thành AIDS và tử vong còn cao, mức độ lây lan liên quan đến tệ nạn nghiện ma túy tại các phường, xã trên địa bàn tỉnh còn giảm tiếp.

Đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ, năng lực quản lý và chuyên môn ở tất cả các tuyến. Hạ tầng cơ sở, trang thiết bị ở tuyến tỉnh tuy đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng đã bắt đầu xuống cấp; còn ở tuyến xã và huyện đã rất lạc hậu (chủ yếu từ năm 1997). Điều này khiến cho việc kiểm soát bệnh và dịch bệnh trở nên khó khăn, điều trị cho bệnh nhân khó có thể bảo đảm kịp thời, nên việc dập tắt dịch bệnh hoặc tái dịch sẽ rình rập đến đời sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động khó bảo đảm được tính bền vững trong phát triển con người.

Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ nhất, cần phân bổ lại nguồn lực cho y tế một cách hợp lý, tăng cường đầu tư tài chính từ nguồn ngân sách của tỉnh kết hợp với huy động các nguồn vốn thông qua thực hiện chính sách xã hội hóa.

Hầu hết nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao thường tập trung ở khu vực trung ương và nếu ở địa phương thì chủ yếu ở cấp tỉnh. Đây chính là một trong những rào cản lớn trong việc thực hiện công tác chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh ở địa phương. Vì vậy, trong những năm tới, tỉnh cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa về tài chính mua sắm và nâng cấp các trang thiết bị y tế cho các xã, đồng thời có chính sách phù hợp, đủ mạnh để khuyến khích các bác sỹ, người có trình độ chuyên môn làm việc tại các cơ sở y tế, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để nhằm giảm dần hạn chế tình trạng quá tải tại cấp bệnh viện tuyến trên.

Thứ hai, tiếp tục duy trì, mở rộng BHYT cho người nghèo, cận nghèo và người, đồng bào dân tộc thiểu số, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Trong đó:

– Tiến tới cần phải phát thẻ BHYT miễn phí đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, diện chính sách, vì đây là những nhóm người có thu nhập thấp, khó có khả năng tự chăm sóc sức khỏe cho mình, không có điều kiện chăm sóc sức khỏe, những nhóm người này thường bị hứng chịu nặng nề nhất khi có dịch bệnh.

– Sử dụng ngân sách của tỉnh chi cho BHYT cần kêu gọi các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể và người dân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tài chính, phát động phong trào thi đua “tặng thẻ y tế cho người nghèo, người có công”, điều này có ý nghĩa to lớn trong nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng và cũng là giải pháp cụ thể hóa xã hội hóa hoạt động y tế hiện nay.

– Tuyên truyền để người dân thấy vai trò và ý nghĩa của BHYT đối với bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho bản thân, vận động những người lao động phi chính thức (những người lao động ngoài nhà nước, ngoài doanh nghiệp) tham gia vào BHYT, tiến tới thực hiện BHYT bắt buộc đối với tất cả mọi người.

– Cần giảm thủ tục gây phiền hà cho người bệnh trong việc sử dụng BHYT khi chữa bệnh, đặc biệt đối với những trường hợp nguy cấp khi thanh toán viện phí, đồng thời, cán bộ y tế cần hướng dẫn người dân cách sử dụng thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh.

– Tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHYT và các cơ sở y tế, bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ các hoạt động khám, chữa bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc người bệnh có thẻ BHYT cũng như mọi bệnh nhân nói chung.

Thứ ba, mở rộng và đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng trong ngăn chặn và khắc phục hậu quả bệnh trong cộng đồng.

– Thường xuyên giáo dục sức khỏe và vệ sinh môi trường rộng rãi trong cộng đồng đến các thôn, xóm, làng, bản thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, các buổi nói chuyện chuyên đề, qua đó, có sự lồng ghép vào các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cũng như lễ hội truyền thống để nâng cao nhận thức của người dân vai trò và ý nghĩa trong bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

– Thực hiện có kế hoạch các chương trình y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân, giải quyết tốt các vấn đề cấp thiết nằm trong chương trình hoạt động của tế dự phòng về phòng, chống các dịch bệnh, phòng chống lây nhiễm HIV… Đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra và thanh tra về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, tập trung giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về môi trường, về an toàn thực phẩm… gây tổn hại đến sức khỏe của nhân dân.

– Xây dựng nếp sống sạch sẽ, văn minh ở nông thôn và đô thị, phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể trong xây dựng tuyến đường, tuyến phố, thôn, xóm xanh – sạch – đẹp, vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa có tác dụng lớn trong xây dựng môi trường văn hóa cho cộng đồng.

Chú thích:
1. Nghị quyết số 450/KH-UBND ngày 20/01/ 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020.
2, 3, 4. Mục 207, 215, 214 Niên giám thống kê các năm 2016. http://thongkevinhphuc.gov.vn
5. Thu Hoài. Vĩnh Phúc hỗ trợ người dân mua thẻ bảo hiểm y tế. http://vinhphuctv.vn, ngày 15/12/2016.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
2. Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008.
3. Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
4. Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.         
ThS. Hoàng Thanh Sơn
Trư
ờng Đại học Sư phạm Hà Nội 2