Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Đồng Nai

(QLNN) – Đồng Nai là tỉnh có nhiều tôn giáo và có đông chức sắc, tín đồ các tôn giáo sinh sống. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn diễn ra sôi động, đa dạng, cơ bản, thuần túy trong tôn giáo. Những năm qua, các cấp chính quyền của tỉnh không ngừng nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo trong địa bàn tỉnh và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

 

Những kết quả đạt được

Đồng Nai là tỉnh có nhiều tôn giáo và có đông chức sắc, tín đồ các tôn giáo sinh sống. Hiện toàn tỉnh có 42 tổ chức thuộc 10 tôn giáo đang hoạt động; đồng bào các tôn giáo cư trú rộng khắp các địa bàn, đông nhất là các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành và thành phố Biên Hòa. Toàn tỉnh có 11/11 huyện, thị xã, thành phố có trên 30% dân số là người có đạo; 110/117 xã, phường có trên 30% dân số là người có đạo, trong đó có 32 xã, phường có trên 90% người dân có đạo1.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG) trên địa bàn diễn ra sôi động, đa dạng, cơ bản, thuần túy trong tôn giáo. Tại các cơ sở TNTG, hoạt động này được các chức sắc, tu sĩ và quần chúng nhân dân tổ chức trang nghiêm theo nghi thức tôn giáo, nhất là vào các dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ phục sinh, lễ giáng sinh, phật đản, lễ khai đạo và các lễ trọng đại khác của các tổ chức tôn giáo.

Hoạt động từ thiện, bác ái được các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh với tổng mức kinh phí thực hiện của các tôn giáo năm 2017 lên đến gần 235 tỷ đồng; trong đó, công giáo với gần 160 tỷ đồng, phật giáo với 62 tỷ đồng, các tôn giáo khác là 10,5 tỷ đồng2. Hoạt động từ thiện – xã hội có yếu tố nước ngoài diễn ra đa dạng với nhiều hình thức như: các đoàn nước ngoài thăm, hoạt động từ thiện, tài trợ kinh phí để xây dựng cơ sở tôn giáo, để truyền đạo… đều được chú trọng, quan tâm.

Điểm tích cực của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là đa số các chức sắc, tu sĩ và quần chúng tín đồ các tôn giáo luôn sống tốt đời đẹp đạo, tích cực trong thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách,  pháp luật của Nhà nước cũng như trong các mối quan hệ giữa giáo hội với chính quyền. Điều đó được thể hiện thường xuyên trong việc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh phối hợp với chính quyền chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tích cực vận động quần chúng, tín đồ tham gia các phong trào yêu nước, các hoạt động xã hội do chính quyền, mặt trận và các đoàn thể phát động; phối hợp tốt với chính quyền trong giải quyết các vụ việc vi phạm, phức tạp liên quan đến tôn giáo.

Ban Tôn Giáo tổ chức Lễ họp mặt các chức sắc Phật giáo tỉnh Đồng Nai ( Ban TTTT Đồng Nai).

Nhìn chung, tình hình hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục ổn định, phần lớn các chức sắc, tu sĩ và quần chúng tín đồ phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chính quyền các cấp ở Đồng Nai, qua đó, góp phần củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác tôn giáo tiếp tục được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác dân vận tỉnh quan tâm chỉ đạo. Một số chủ trương lớn về công tác tôn giáo được ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về hoạt động tôn giáo được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở. Một số hoạt động vi phạm, phức tạp được các cấp, các ngành kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý có hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh – trật tự trên địa bàn tỉnh. Công tác giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm cũng được các ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện và đạt kết quả quan trọng; hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với công tác tôn giáo được tăng cường hơn.

Các sinh hoạt tôn giáo chính đáng được các cấp, các ngành quan tâm, kịp thời giải quyết, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, chức sắc, tu sĩ, quần chúng tín đồ, góp phần không nhỏ vào thành công của công tác vận động quần chúng.

Nội dung công tác QLNN về tôn giáo trên địa bàn tỉnh được nâng cao, đã phát huy được vai trò của công tác tôn giáo trong việc xử lý các vụ khiếu kiện đòi lại đất, cơ sở vật chất có nguồn gốc liên quan đến tôn giáo hiện do Nhà nước quản lý, sử dụng; các vụ việc vi phạm trong sinh hoạt, xây dựng và các hoạt động phi tôn giáo của một số ít các chức sắc, tu sĩ tôn giáo.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện. Đa số các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tu sĩ, tín đồ hoạt động đúng pháp luật của Nhà nước, đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội và luôn được các cấp chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ. Các chức sắc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo có ý thức gắn bó với dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết, tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là công tác xã hội – từ thiện.

Những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra những mâu thuẫn nội bộ của một số tổ chức tôn giáo về các hoạt động liên quan vấn đề: “sự cố môi trường biển miền Trung” của một số ít linh mục trẻ trong Giáo phận Xuân Lộc; hoạt động lợi dụng niềm tin tôn giáo vẫn xảy ra dù mức độ và phạm vi không lớn nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình tôn giáo và công tác QLNN về tôn giáo, cụ thể:

Một là, tình hình vi phạm trong các hoạt động tôn giáo diễn ra trên các mặt, như: truyền đạo, xây dựng và sửa chữa cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Việc khiếu kiện đòi lại đất, cơ sở vật chất liên quan đến tôn giáo hiện do Nhà nước quản lý, sử dụng còn nhiều diễn biến phức tạp.

Hai là, công tác nắm tình hình, đề xuất giải pháp xây dựng kế hoạch xử lý các vấn đề phức tạp của chính quyền cơ sở dù có nhiều tiến bộ nhưng có địa phương, có vụ việc vẫn chưa kịp thời. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để xử lý, giải quyết những nội dung liên quan đến công tác tôn giáo, nhất là các vụ việc phức tạp dù có tiến bộ nhưng vẫn còn có lúc, có vụ việc chưa thực sự chặt chẽ.

Ba là, bộ máy làm công tác QLNN về TNTG trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ đặt ra. Công chức làm công tác QLNN cấp xã không chuyên trách; chế độ, chính sách chưa phù hợp, chưa tạo cho cán bộ thực sự yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với công việc. Tình trạng thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về tôn giáo cấp huyện, xã còn thiếu, yếu và thường xuyên thay đổi.

Bốn là, một số nơi trên địa bàn tỉnh, tình hình tôn giáo vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số tổ chức, chức sắc, tu sĩ, chức việc vi phạm pháp luật trong truyền đạo, xây dựng, sửa chữa công trình tôn giáo, chuyển nhượng đất đai tạo lập cơ sở tôn giáo mới. Các nhóm “Gia đình phật tử bất hợp pháp”, nhóm tạo xưng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, nhóm “Cao đài ly khai”, nhóm “Hướng đạo” vẫn tiếp tục công khai hoạt động có tính cực đoan, phức tạp. Hoạt động mê tín dị đoan trong tôn giáo vẫn còn tồn tại.

Ngoài ra, còn xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới, hoạt động tôn giáo ngày càng đa dạng, phức tạp, nhiệm vụ công tác tôn giáo nặng nề hơn trong khi đó tổ chức, bộ máy làm công tác QLNN về tôn giáo còn bất cập.

Nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác quản lý đối với tôn giáo ở tỉnh Đồng Nai hiện nay

Để thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về công tác tôn giáo nhằm tiếp tục duy trì và đưa các hoạt động về tôn giáo ngày càng đi vào chiều sâu, trong những năm tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà nước, bảo đảm quyền tự do TNTG của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng tôn giáo để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, vụ việc liên quan đến TNTG thuần túy, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ, vận động các tổ chức, chức sắc, tu sĩ, tín đồ TNTG chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tổ chức thăm hỏi, động viên các tổ chức, cá nhân tôn giáo tiêu biểu nhân dịp các ngày lễ trọng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; gắn công tác thăm hỏi với công tác xây dựng cốt cán phong trào trong tôn giáo theo Kế hoạch số 78-KH/TU ngày 17/7/2012 của Ban Tôn giáo Tỉnh ủy về xây dựng lực lượng nòng cốt làm công tác quản lý về tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, cần triển khai trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện Đề án về chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về tôn giáo; xây dựng trụ sở làm việc của Ủy ban Đoàn kết công giáo tỉnh; tổ chức hội nghị tổng kết các chuyên đề về TNTG…

Thứ tư, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo tổ chức đại hội, đại hội cơ sở, hội nghị; đồng thời theo dõi, nắm tình hình hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2018. Phối hợp hướng dẫn Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh củng cố Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và các ban chuyên môn trực thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của tỉnh.

Thứ năm, có những đề xuất với lãnh đạo tỉnh giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo công tác dân vận tỉnh; phối hợp xử lý các trường hợp chuyển nhượng đất đai, tạo lập cơ sở tôn giáo trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, chủ động triển khai các nhiệm vụ: kiện toàn tổ chức, bộ máy theo chủ trương của trung ương và của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng việc tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2018; xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết công tác QLNN về tôn giáo năm 2017, triển khai các nhiệm vụ năm 2018; xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác QLNN về TNTG tại các đơn vị cấp huyện…

Chú thích:
1, 2. Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai. Báo cáo số 403/BC-BTG ngày 30/10/2017 về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2017, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

                   ThS. Nguyễn Võ Uy Phong
Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật số 2