Kết quả thực hiện đề án thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình

(QLNN) – Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là hệ thống tổ chức xóm, tổ dân phố theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, hạn chế tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách. Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” và bước đầu triển khai thực hiện đạt được hiệu quả thiết thực.

 

  1. Những năm qua, tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, phần lớn số lượng xóm, tổ dân phố chưa bảo đảm các điều kiện về quy mô số hộ gia đình theo quy định, thậm chí có xóm chỉ có 10 hộ dân, tổ dân phố chỉ có 21 hộ dân nhưng ở mỗi xóm, tổ dân phố vẫn được bố trí đầy đủ các chức danh, các tổ chức đoàn thể. Tổng kinh phí chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể ở xóm, tổ dân phố là hơn 150 tỷ đồng/năm1.

Sau khi ban hành Quyết định số 1084/QĐ-UBND ngày 27/6/2017 về việc ban hành Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình” (sau đây gọi là Đề án 1084), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 thành lập Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện Đề án do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đã tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện thực hiện Đề án và tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án đến các xã, phường, thị trấn; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát, đề xuất phương án sáp nhập xóm, tổ dân phố và tổng hợp, lựa chọn 2 đơn vị cấp xã làm điểm, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tiếp đến, các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương, mục đích, yêu cầu của việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố theo đúng chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo của cấp trên; tổ chức xây dựng Đề án; tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cử tri trong khu vực về phương án sáp nhập, đặt tên, đổi tên, thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố của địa phương.

Sở Nội vụ đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ 20 đơn vị hành chính cấp xã đủ điều kiện thực hiện thí điểm bảo đảm trình tự, thủ tục, điều kiện theo quy định và đề nghị UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới các thôn, xóm, tổ dân phố bảo đảm yêu cầu, tiến độ. Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 66/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 về việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên và thành lập mới thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, ngày 05/01/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND sáp nhập 39 tổ dân phố và đặt tên mới đối với 19 tổ dân phố, khu phố; sáp nhập 82 thôn, xóm và đặt tên mới đối với 41 thôn, xóm; đổi tên 02 tổ dân phố; thành lập mới 01 xóm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, sau khi thực hiện Đề án 1084, toàn tỉnh đã giảm 60 thôn, xóm, tổ dân phố từ 2.059 xuống còn 1.999 thôn, xóm, tổ dân phố. Tổng kinh phí giảm chi được từ việc chi trả phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách, khoán kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức đoàn thể một năm giảm khoảng 4,7 tỷ đồng2.

2. Trong Quá trình thực hiện Đề án, đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể:

Một là, vẫn còn một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Đề án nên chưa đồng thuận chấp hành chủ trương sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố. Do đó, việc lấy ý kiến cử tri phải tổ chức nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề án.

Lãnh đạo UBND xã Thu Phong (Cao Phong) trao đổi với cán bộ xóm Vỏ về tình hình sau khi sáp nhập (ảnh: Hương Lan, http://www.baohoabinh.com.vn).

Hai là, một số xóm, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình không bảo đảm điều kiện theo quy định nhưng do không nằm liền kề với nhau nên không thể sáp nhập được; một số xóm, tổ dân phố phải chia ra sáp nhập vào nhiều xóm, tổ dân phố khác nhau nên khó khăn khi lấy ý kiến cử tri trong quá trình thực hiện Đề án.

Ba là, do khoảng cách thời gian từ lúc triển khai đến lúc hoàn thành Đề án ngắn nên công tác chuẩn bị còn hạn chế, công tác tuyên truyền, quán triệt chưa thực sự đồng bộ, sâu rộng; một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện quy trình, thủ tục giải thể, sáp nhập, kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể; đa số các xã, xóm nêu khó khăn về quản lý, kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa, khu vui chơi, các thiết chế văn hóa ở xóm, tổ dân phố sau khi sáp nhập.

Bốn là, một số văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, nên trong quá trình tổ chức tuyên truyền, vận động thực hiện Đề án, một bộ phận người dân còn có tâm lý e ngại khi thực hiện sáp nhập xóm, tổ dân phố sẽ ảnh hưởng đến cá nhân và gia đình do phải thay đổi, chỉnh sửa các giấy tờ liên quan, như: giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chế độ, chính sách của tổ chức, công dân thuộc khu vực đặc biệt khó khăn vùng 135 (trong trường hợp sáp nhập xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn với xóm khác không thuộc diện này)…

  1. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, tồn tại, tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả với những nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm Đề án 1084, Ban Chỉ đạo tỉnh cần tập trung rà soát những khó khăn, vướng mắc sau khi tổ chức thí điểm sáp nhập xóm, tổ dân phố; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời, đầy đủ các cơ chế, chính sách để giải quyết hài hòa những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố nghỉ việc sau khi thực hiện sáp nhập, kiện toàn, bảo đảm phù hợp với quy định và tình hình thực tiễn địa phương.

Thứ hai, quán triệt toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh Kế hoạch số 129-KH/TU ngày 06/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Thứ ba, căn cứ quy định điều kiện về quy mô số hộ gia đình để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ (đối với thôn ở vùng miền núi, hải đảo có từ 200 hộ gia đình trở lên; đối với tổ dân phố ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo có từ 300 hộ gia đình trở lên) để rà soát, xác định các xóm, tổ dân phố thuộc diện sáp nhập, trong đó tập trung ưu tiên sắp xếp lại các xóm, tổ dân phố dưới 50% tiêu chí quy mô số hộ gia đình; khuyến khích sáp nhập nhưng không bắt buộc đối với các xóm, tổ dân phố có quy mô số hộ gia đình trên 50% tiêu chí (khoản 1, Điều 7).

Thứ tư, tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh.

Thứ năm, kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc quy định chức danh, số lượng và mức phụ cấp với những người hoạt động không chuyên trách; khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức cấp xã, xóm, tổ dân phố, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách.

Thứ sáu, rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập xóm, tổ dân phố; nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về sử dụng chung tài sản công như: nhà văn hóa các phường, xã, nhà đa năng các trường học đồng thời là nhà văn hóa của tổ dân phố, xóm sở tại…; xem xét ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản là nhà văn hóa của xóm, tổ dân phố để xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với quy mô xóm, tổ dân phố được tổ chức lại sau khi sáp nhập.

Thứ bảy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội hướng dẫn về quy trình giải thể, sáp nhập, thành lập chi bộ đảng, các đoàn thể theo quy định sau khi thực hiện việc giải thể, sáp nhập, thành lập xóm, tổ dân phố mới; hướng dẫn việc tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về sáp nhập xóm, tổ dân phố. HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ việc thu, chi các loại phí, quỹ do các tổ chức hội phát động, vận động người dân đóng góp; kiên quyết không hành chính hóa các loại quỹ tự nguyện, từ thiện.

Chú thích:
1. Đề án “thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Báo cáo số 69/BC-UBND ngày 11/4/2018 về kết quả triển khai, thực hiện Đề án “Thí điểm sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình”.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 165-KL/TU ngày 14/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về việc sáp nhập, kiện toàn xóm, tổ dân phố thuộc tỉnh Hòa Bình

TS. Trần Thị Hương
Học viện Báo chí và Tuyên truyền