Phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ – Cơ hội và thách thức

(QLNN) – Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đây là những tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là thương mại. Phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, thương mại của miền Bắc cũng như đối với cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc (Nguồn: https://khoahocdoisong.vn)

Thực trạng phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2010 – 2014

– Về xuất khẩu hàng hóa: kim ngạch xuất khẩu của vùng trong giai đoạn này có xu hướng tăng nhanh, từ 16,885 tỷ USD năm 2010 lên 47,106 tỷ USD năm 2014, tương ứng tăng 2,8 lần. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cũng có xu hướng tăng nhanh, từ 23,4% năm 2010 tăng lên 31,4% năm 2014.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù không ổn định nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, bình quân 30,4%/năm, cao hơn nhiều so với nhịp tăng trưởng xuất khẩu bình quân của cả nước trong cùng giai đoạn (cả nước đạt 21,3%/năm).

– Về nhập khẩu: tương ứng như đối với hoạt động xuất khẩu, quy mô nhập khẩu hàng hóa tăng  từ 31,188 tỷ USD năm 2010 lên 56,958 tỷ USD trong năm 2014, tăng 1,8 lần. Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng từ 36,8% năm 2010 tăng lên 38,5% năm 2014. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt mức tăng trưởng khá, bình quân 16,9%/năm (cả nước đạt 16,2%/năm).

– Về cán cân thương mại: Cán cân thương mại từ mức 14,303 tỷ USD năm 2010 tăng lên 16,226 tỷ USD năm 2012 và giảm xuống còn 9,851 tỷ USD trong năm 2014. Như vậy, thâm hụt trong cán cân thương mại của vùng là một trong những nguyên nhân của thâm hụt cán cân thương mại của cả nước trong giai đoạn này.

–  Về thương mại bán buôn: hoạt động bán buôn chủ yếu được thực hiện thông qua các chợ bán buôn (thường là các chợ đầu mối) hoặc các trung tâm bán buôn. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng các chợ đầu mối chưa được chú trọng nên các chợ đầu mối chưa phát huy được vai trò trong việc thu gom và phân luồng hàng hóa.

– Về thương mại bán lẻ: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng tăng nhanh, từ 320.492,4 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 568.058,7 tỷ đồng năm 2014, tăng gần 2 lần. Mức tăng trưởng đạt bình quân 15,4%/năm.

– Chợ và siêu thị, trung tâm thương mại: trong giai đoạn 2010 – 2014, số chợ của vùng nhìn chung khá ổn định. Trong đó, năm 2010 đạt 1.120 chợ, đến năm 2014 đạt 1.149 chợ, tương ứng tăng 2,6%. Số chợ hiện chiếm khoảng 63,3% tổng số chợ của vùng đồng bằng sông Hồng và chiếm khoảng 13,4% tổng số chợ của cả nước.

Loại hình thương mại hiện đại, đặc biệt là siêu thị đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, từ 123 siêu thị năm 2010 lên 149 siêu thị năm 2014, tương ứng tăng 21%. Số lượng siêu thị của vùng hiện nay chiếm khoảng 20,6% tổng số siêu thị của cả nước và chiếm 87,1% số siêu thị của vùng đồng bằng sông Hồng.

Số lượng trung tâm thương mại (TTTM) nhìn chung không ổn định, từ 29 TTTM năm 2010 tăng lên 34 TTTM năm 2011 và giảm xuống còn 29 TTTM năm 2014. Số lượng TTTM chiếm khoảng 22% tổng số TTTM của cả nước và chiếm khoảng 87,9% số lượng TTTM của vùng đồng bằng sông Hồng.

– Trung tâm hội chợ triển lãm: đến nay, mạng lưới trung tâm hội triển lãm của vùng khá phát triển nhưng có sự phân bố không đồng đều. Vùng hiện có 5 trung tâm hội chợ triển lãm thương mại nhưng có 4 trung tâm tại Hà Nội và 1 trung tâm tại Hải Phòng. Các tỉnh khác chưa có trung tâm hội chợ triển lãm nên hoạt động tổ chức hội chợ phần lớn dựa vào các công trình thể thao, vui chơi giải trí, như: nhà thi đấu, sân vận động, công viên… nên hiệu quả chưa cao.

– Kho tàng, bến bãi, trung tâm logistics: trong vùng đã hình thành hệ thống kho và các trung tâm logistics phục vụ hoạt động thương mại nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng. Đến nay, vùng có 2 trung tâm logistics đã đi vào hoạt động, gồm Trung tâm  logistics Cái Lân – VOSA (Quảng Ninh) và Trung tâm logistics Green – Đình Vũ (Hải Phòng). Ngoài ra, vùng cũng đã hình thành các ICD (cảng cạn) như ICD Gia Lâm và ICD Mỹ Đình (Hà Nội), ICD Tiên Sơn (Bắc Ninh), ICD Hải Dương (Hải Dương) nhằm cung cấp dịch vụ như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container và hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container.

– Về sân bay, cảng biển: vùng có nhiều sân bay, chủ yếu là các sân bay quân sự được xây dựng trong chiến tranh. Hiện nay, trong vùng chỉ đưa vào khai thác dân dụng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không Cát Bi và Cảng hàng không dịch vụ Gia Lâm. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất của nước ta, đóng vai trò trung chuyển hành khách, hàng hóa, bưu kiện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh cho vùng KTTĐ Bắc Bộ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng cũng như các tỉnh phía Bắc và Tây Bắc.

– Hệ thống cảng biển với hai cụm cảng lớn là Hải Phòng và Quảng Ninh, gồm 28 cảng (3 cảng tổng hợp quốc gia là Hải Phòng, Cái Lân và Đình Vũ cho tàu 10.000 – 50.000 DWT; 6 cảng tổng hợp địa phương; 19 cảng chuyên dùng và chuyển tải phục vụ toàn miền Bắc, tổng công suất hơn 30 triệu tấn/năm). Mặc dù vậy, hoạt động khai thác cảng biển tại vùng còn hạn chế do cảng Hải Phòng nằm sâu trong đất liền, luồng lạch ra vào cảng hạn chế; cảng Cái Lân chưa có đường sắt nối vào cảng; chưa có cảng cửa ngõ khu vực, các tàu lớn phải chuyển tải, giảm tải ngoài khơi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Nguồn: Hà Nguyễn – Kỳ Thành. https://baodautu.vn)

Đánh giá chung

– Trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, được biểu hiện qua tốc độ tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu hằng năm khá cao (bình quân 30,4%/năm), góp phần quan trọng đối với phát triển các ngành sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa đã góp phần quan trọng đối với sản xuất và đời sống của dân cư, không chỉ cung cấp máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất mà còn cung cấp hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư.

Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011 – 2014 đã đóng góp tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của vùng cũng như của cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ đóng góp này còn khiêm tốn, cụ thể:

Một là, tỷ lệ đóng góp của thương mại đối với GDP cả nước mới chỉ đạt 3,72%.  Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa mặc dù có xu hướng tăng đều qua các năm nhưng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa không ổn định.

Hai là, trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, mặc dù đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhưng còn có sự mất cân đối giữa hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, dẫn đến cán cân thương mại thâm hụt.

Ba là, mặc dù hạ tầng thương mại phát triển với sự gia tăng nhanh của các loại hình thương mại hiện đại như siêu thị, TTTM, góp phần làm thay đổi diện mạo ngành thương mại của vùng và của cả nước nói chung, nhưng phân bố không đồng đều của các loại hình hạ tầng thương mại này. Trong đó, các siêu thị và TTTM được tập trung chủ yếu tại các thành phố, khu đô thị. Tại các vùng nông thôn, chợ vẫn là loại hình thương mại chủ yếu. Tuy nhiên, mạng lưới chợ hiện nay ở một số nơi đã xuống cấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của dân cư.

Bốn là, trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, hạ tầng thương mại xuất, nhập khẩu như hệ thống kho tàng, bến bãi, sân bay, cảng biển mặc dù đã được đầu tư và hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng tốt nhu cầu đối với hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, hạn chế khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Cơ hội và thách thức đối với phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thời gian tới

Cơ hội

– Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung và của vùng nói riêng. Hàng hóa của vùng có cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy thương mại vùng phát triển.

– Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới, những thành tựu trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của vùng nói riêng và của cả nước nói chung trong thời gian vừa qua là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của vùng. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, trong thời gian tới sẽ hoàn toàn hồi phục và lấy lại đà tăng trưởng, tạo ra những cơ hội phát triển đối với xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung cũng như đối với vùng nói riêng.

– Vùng có lực lượng lao động kỹ thuật, đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn cao, có cán bộ đầu ngành của hầu hết mọi lĩnh vực, đã hình thành hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế trình độ cao, giữ vai trò quyết định trong việc đào tạo và chăm sóc sức khoẻ cho toàn vùng và cả nước. Đây cũng là vùng tập trung nhiều nhất các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng với các trang thiết bị hiện đại nhất cả nước. Điều này góp phần không nhỏ đối với phát triển các ngành sản xuất nói chung và đối với thương mại của vùng nói riêng.

– Ưu thế về vị trí địa lý với các cửa khẩu quốc tế đường bộ (Móng Cái – Quảng Ninh), cửa khẩu quốc tế hàng không (cảng hàng không quốc tế Nội Bài – Hà Nội), cửa khẩu quốc tế đường biển (Cảng Cái Lân/Hòn Gai – Quảng Ninh; Cảng Hải Phòng – Hải Phòng)… sẽ tạo cơ hội mở rộng giao lưu hàng hóa, thương mại quốc tế giữa các tỉnh trong vùng với thị trường thế giới.

Thách thức

– Kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, thương mại toàn cầu bị thu hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu hàng hóa của nước ta nói chung, của vùng nói riêng.

– Việt Nam gia nhập WTO và tham gia vào các khu vực thương mại tự do (FTAs) và Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC, bên cạnh những cơ hội về mở rộng thị trường thì quá trình hội nhập này cũng mang lại nhiều thách thức đối với phát triển thương mại của cả nước nói chung và của vùng nói riêng. Đó có thể là những rào cản phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật và rào cản môi trường) do các nước phát triển tạo ra, hạn chế rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta cũng như của vùng bởi trình độ sản xuất và năng lực cạnh tranh của hàng hóa và của các doanh nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế, dẫn đến những khó khăn, thách thức đối với phát triển thương mại.

– Với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, cùng với những tiềm năng, thế mạnh của vùng đã thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài thời gian qua. Bên cạnh những đóng góp của thành phần kinh tế này đối với phát triển thương mại cũng tạo ra những thách thức đối với phát triển thương mại của vùng trong thời gian tới khi hoạt động thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của vùng phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, có thể dẫn đến những bị động trong phát triển thương mại của vùng thời gian tới.

– Với đặc thù là một trong bốn vùng KTTĐ của đất nước, được xác định là vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế – xã hội và thương mại của cả nước nói chung và của các vùng khác nói riêng, nên phát triển thương mại của vùng trong thời gian tới cũng gặp nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh và đặc biệt là không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mai Hương. Để các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công thương, 2014.
2. Quyết định số 2471/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 – 2020, định hướng đến năm 2030.
3. Quyết định số 198/2014/QĐ-TTg ngày 25/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
4. Số liệu thống kê giai đoạn 2010 – 2014 của Tổng cục Thống kê.

NCS. Vũ Thị Lộc
Viện Nghiên cứu Thương mại