Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng nhà nước pháp quyền

(QLNN) – Phát huy dân chủ đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận về dân chủ, phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ, từ đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị góp phần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: http://tuyengiao.vn).

1. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”1. Đánh giá cao vị trí, vai trò làm chủ xã hội của nhân dân, Người nhấn mạnh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”2, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà Đảng, Nhà nước ta xây dựng là nền dân chủ đối với quảng đại quần chúng nhân dân. “Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ từ Trung ương đến khu, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân”3, “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho bằng được”, “Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”4.

Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội mà toàn Đảng, toàn dân đã, đang và sẽ tiếp tục xây dựng. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định tầm quan trọng của nền dân chủ XHCN với tư cách vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và do nhân dân làm chủ là đặc trưng của XHCN mà nhân dân ta xây dựng; xây dựng nền dân chủ XHCN là một trong những phương hướng cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta khẳng định thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tiếp đó, Đại hội XI của Đảng khẳng định: xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ”. Trong đó, cụm từ “dân chủ” được đưa lên trước cụm từ “công bằng, văn minh”. Điều này cho thấy Đảng ta đã xác định rõ vị trí của dân chủ và thực hành dân chủ trong quá trình phát triển xã hội. Dân chủ và thực hành dân chủ trong quá trình phát triển xã hội là điều kiện tiên quyết, là cơ sở thiết yếu để xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.

Để nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc phát huy dân chủ XHCN, trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã bổ sung thêm cụm từ “dân chủ xã hội chủ nghĩa” vào tiêu đề Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Đại hội XII của Đảng, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh, yêu cầu cần phải tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ, tuân thủ nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

2. Thực tiễn của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời gian qua đã chứng tỏ từng bước lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN của Đảng ta là hết sức đúng đắn, hợp với lòng dân. Việc phát huy dân chủ ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:

Một là, công tác bảo đảm quyền con người (QCN) có sự chuyển biến sâu sắc, với nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trên lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa: các chính sách, chế độ đối với người có công, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện; đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 5,35%. Trong năm 2019, sẽ tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1,5%/năm. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 – 4% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 20205. Chăm sóc sức khỏe cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu trong các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên lĩnh vực dân sự, chính trị, quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước tiếp tục được phát huy. Kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2007 – 2011, 2011 – 2016, 2016 – 2021 là một minh chứng. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao: năm 2007 đạt hơn 99,64%, năm 2011 là 99,51%6 và năm 2016 là 98,77%7.

Điều này cho thấy, người dân luôn có ý thức cao về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội lớn, là cuộc sinh hoạt chính trị trong mọi tầng lớp nhân dân. Đối với các quyền tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin, tự do báo chí được bảo đảm ngày càng tốt hơn nhờ sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được hoàn thiện.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đầu tiên phải kể đến là sự thành công của Hiến pháp năm 2013 khi dành một chương (Chương 2) để quy định về QCN, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, với số lượng lớn tới 36 điều/120 điều. Ở đây điều đáng nói là không chỉ quy định trong 36 điều mà tư tưởng tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm QCN, quyền công dân còn được đề cập trong hầu hết các điều khoản còn lại của Hiến pháp.

Chỉ trong vòng bốn năm sau đó, hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến QCN đã được thông qua, tiêu biểu, như: Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự  năm 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Tố cáo năm 2018… Đây là những nỗ lực, cố gắng không nhỏ của các cơ quan công quyền trong suốt thời gian qua nhằm nâng cao chất lượng thụ hưởng QCN, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền.

Ba là, dân chủ trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội không ngừng được mở rộng.

Tổ chức, phương thức hoạt động của Đảng và của hệ thống chính trị không ngừng được đổi mới, chỉnh đốn, nhờ đó dân chủ trong Đảng ngày càng được nâng cao. Sự tham gia của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào việc hoạch định, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng ngày càng rộng rãi, có hiệu quả.

Bốn là, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được đẩy mạnh và không ngừng được hoàn thiện.

Nhà nước ta bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thời gian gần đây, tổ chức bộ máy nhà nước đã có sự điều chỉnh, sắp xếp lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Về tình hình thực hiện tinh giản biên chế, tính từ năm 2015 đến ngày 15/10/2018, tổng số biên chế cả nước đã được tinh giản là 40.500 người8.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội từng bước được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai; hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Quốc hội ngày càng chất lượng, thiết thực, bám sát với thực tiễn của đất nước.

Năm là, tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, không có vùng cấm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thời gian qua, tình hình tham nhũng của nước ta đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước gây bức xúc trong xã hội đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, thể hiện quan điểm nhất quán “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, bất cứ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Theo kết quả thống kê của tòa án nhân dân các cấp, chỉ tính riêng năm 2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 340 vụ với 827 bị cáo (giảm 1,5% số vụ, tăng 9,1% số đối tượng); đã xét xử sơ thẩm 200 vụ, 472 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,5% (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2017)9.

Ngoài ra, quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tham gia vào tiến trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc phát huy dân chủ còn bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí có vấn đề bức xúc, đòi hỏi cần có những biện pháp hữu hiệu, kiên quyết trong giải quyết. Điều này được phản ánh rất rõ trong Đại hội XI, XII của Đảng.

Tình trạng lãng phí còn nghiêm trọng, tình trạng nhũng nhiễu của cá nhân có thẩm quyền ở một số nơi, số chỗ vẫn gây ra không ít bức xúc cho người dân.

3. Để góp phần phát huy dân chủ XHCN trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thời gian tới, nên tập trung vào một số vấn đề mang tính giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đây là nguyên tắc vô cùng quan trọng, bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu khách quan, là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là điều kiện cần thiết để bảo đảm cho Nhà nước ta thực sự là nhà nước của nhân dân, vì nhân dân.

Cải cách, đổi mới Nhà nước phải nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mới bảo đảm cho quá trình đổi mới Nhà nước được thực hiện đúng hướng và có hiệu quả. Đảng bố trí cán bộ, lựa chọn những đảng viên ưu tú, vừa có đức, có tài, vừa được nhân dân tín nhiệm để ứng cử vào Quốc hội và các cơ quan nhà nước. Đảng lãnh đạo chứ không bao biện, làm thay Nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ, bảo đảm QCN, quyền công dân.

Đối với Quốc hội, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện chức năng lập pháp, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành cụ thể hóa đúng, kịp thời các quy định của Hiến pháp về QCN, quyền công dân. Đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, phát huy hơn nữa hiệu quả giám sát tối cao của Quốc hội trong thời gian tới.

Đối với Chính phủ, nâng cao hơn nữa chất lượng lập quy nhằm tránh tình trạng luật, pháp lệnh đã ra đời nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Đối với Tòa án nhân dân tối cao, cần làm tốt nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ.

Bên cạnh đó, trong xây dựng luật, cần thiết phải có những quy định làm rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước. Nhà nước tạo mọi điều kiện để nhân dân được tham gia quản lý nhà nước, có cơ hội phản biện một cách tích cực, công khai, nhằm hướng tới ổn định và phát triển xã hội – con người. Phản biện là biểu thị cho tính dân chủ, sự văn minh của xã hội.

Vì vậy, cần thiết nỗ lực, cố gắng hơn, nghiên cứu ban hành Luật về Hội… nhằm tạo ra cơ sở pháp lý giúp người dân thực hiện các quyền của mình, mặt khác, giúp các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ giữ gìn trật tự xã hội được tốt hơn, không cho các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng quyền biểu tình gây mất ổn định chính trị – xã hội. Trong quá trình hoàn thiện luật, cần lưu ý sao cho các quy định vừa bảo đảm phù hợp với pháp luật quốc tế, vừa bảo đảm phù hợp yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

Ngoài ra, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật khác cần được đẩy mạnh tiến tới đáp ứng tốt hơn quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Thứ ba, nâng cao nhận thức về dân chủ của người dân.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lòng yêu nước cần mang tính thực chất và hiệu quả hơn, từ đó, từng bước nâng cao nhận thức về dân chủ của người dân. Điều này đòi hỏi nên cần có sự điều chỉnh về nội dung, phương pháp cũng như hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tạo ra sự phong phú, đa dạng, hấp dẫn về nội dung, hình thức nhằm thu hút người xem, người nghe tránh tình trạng làm cho có hoặc đối phó.

Thứ tư, tiếp tục ngăn chặn tiến tới đẩy lùi quan liêu, tham nhũng.

Nếu để nạn quan liêu, tham nhũng kéo dài, diễn biến phức tạp khó kiểm soát thì đây chính là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự xây dựng thành công của nhà nước pháp quyền. Cho nên, bên cạnh việc kiên trì, quyết liệt xử lý tham nhũng cần học hỏi, tham khảo thêm kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới, như: Xinh-ga-po, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Phải làm thật nghiêm để cán bộ, công chức, viên chứ khi thực hiện công vụ, luôn quán triệt: “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”.

Thứ năm, chủ động đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên.

Các cấp ủy cần làm tốt công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong đơn vị để có giải pháp phù hợp, kịp thời. Cần thường xuyên tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có biện pháp xử lý nghiêm minh với những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền gây rối trật tự công cộng, chống phá đất nước./.

Chú thích:
1, 3. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 1989, tr. 19.
2. Trần Quang. Từ Bài báo “Dân Vận” của Bác Hồ 65 năm trước. http://www.nhandan.org.vn, ngày 03/7/2014.
4. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 65.
5. Ngân Anh. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn khoảng 5,35%. http://nhandan.com.vn, ngày 26/12/2018.
6. Hạnh Ngân. Họ xây dựng hay chống phá bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp? http://hocvienchinhtribqp.edu.vn, ngày 12/5/2016.
7. Lê Kiên. 98,77% cử tri cả nước đã đi bầu. https://tuoitre.vn, ngày 22/5/2016.
8. Minh Duyên. Cả nước đã tinh giản 40.500 biên chế. http://dangcongsan.vn, ngày 13/01/2019.
9. Lê Hà. 2018 là năm đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng. http://www.nhandan.com.vn, ngày 13/11/2018.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016, tr. 168.

   ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga
Học viện Chính trị Công an nhân dân