Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay

(QLNN) – Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, làm suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài và cũng rất khó khăn, phức tạp. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp lần thứ 16, ngày 26/7/2019 (Ảnh: https://vov.vn).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng (PCTN) có từ rất sớm, ngay từ câu mở đầu của cuốn “Đường Kách mệnh” (năm 1927), Người nhấn mạnh tư cách một người cách mệnh, phải: “cần, kiệm… nói thì phải làm…, ít lòng tham muốn về vật chất”1.

Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch…”2.

Chỉ sau hơn một tháng giành được chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám – năm 1945, Hồ Chí Minh đã viết bài báo: “Sao cho được lòng dân”3 đăng trên Báo Cứu quốc số 65, ngày 12/10/1945 để nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tránh xa các tệ nạn “quan liêu, tham ô, lãng phí”. Người đã không sử dụng từ tham nhũng mà là tham ô. Về thực chất, tham ô chỉ là một cách diễn đạt dễ hiểu của tham nhũng.

Theo Hồ Chí Minh, người mắc tội tham ô được nhìn nhận như loại người đã lạm dụng “cái ô” quyền lực được trao cho các cán bộ, đảng viên có chức quyền để nhũng nhiễu nhân dân và những người dưới quyền hòng đòi ăn “của đút”, ăn “hối lộ”. Tệ quan liêu được coi là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tệ tham ô, lãng phí. Theo tư tưởng của Người thì bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Và, lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ.

Bất cứ hành vi lấy “của công” làm “của tư” nào cũng đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô, cần phải nghiêm trị. Ngày 17/3/1952, trong bài viết về chống quan liêu, tham ô, lãng phí, Người đã nêu: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”4.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân”5. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt, không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương phép nước, làm hư hỏng cán bộ… Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này (tức nạn tham nhũng) khó khăn, phức tạp hơn so với đánh giặc ngoại xâm.

Ngày 03/02/1969, trong bài viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền”6.

Người cũng luôn nhắc công tác chống tham ô, lãng phí là rất quan trọng, phải được tất cả các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên: “Phải có sự chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và có trung kiên”7. Đấu tranh chống tham ô, lãng phí phải đồng bộ, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp chặt chẽ giữa “xây và chống”. Đồng thời, Người cho rằng: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”8.

Việc tuyên truyền, giáo dục cần phải đặc biệt coi trọng, làm cho cán bộ hiểu được sự nguy hại, xấu xa của tham ô, lãng phí, từ đó có hành động tích cực nhằm phòng, chống; đồng thời, qua công tác tuyên truyền sẽ giúp nêu gương tốt, lên án hành vi tham ô, lãng phí, tiêu cực.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay

Thực hiện tư tưởng của Người, ngay từ những ngày đầu lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến công tác chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986 đến nay), đất nước vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nặng nề hơn thì công tác PCTN càng được coi trọng.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tình trạng tham nhũng, tiêu cực bộc lộ ngày càng rõ nét, diễn biến hết sức phức tạp, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước. Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) xác định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước”. Tiếp đó, ngày 07/12/2015, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 50-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”.

Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thông qua 94 luật, pháp lệnh; 88 nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế – xã hội và PCTN. Luật PCTN năm 2018, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành hàng trăm nghị định, nghị quyết, quyết định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Ngày 10/01/2019, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 27-CT/TƯ “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực”. Từ đó cho thấy, công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế và với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành cùng tích cực tham gia cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí và ngày càng được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Từ các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã được thanh tra, kiểm tra và kết luận thời gian qua, cho thấy, tệ nạn tham nhũng diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi và phổ biến như một quốc nạn. Tình hình trốn thuế, lậu thuế, khai man thuế, nợ thuế khá nhiều… Người lao động thì mất việc, đời sống khó khăn, nhưng một số lãnh đạo chủ chốt thì giàu lên nhanh chóng.

Tình trạng chiếm đất đai, dự án khá phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn đến khiếu kiện đông người kéo dài, gây bất ổn trong xã hội, như: vụ Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh; vụ xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội (năm 2017). Nhiều tỉnh, thành phố đã phải quyết định kỷ luật, khởi tố hàng loạt cán bộ chủ chốt cấp huyện, sở, ngành, như: Thanh Hóa, Yên Bái, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Nhiều bộ, ngành đã phải xử lý cán bộ chủ chốt do mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, như: Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Thiệt hại do tham nhũng là vô cùng to lớn, chỉ tính riêng từ Đại hội XII đến nay đã phải “thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 61 nghìn tỷ đồng  và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật, hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xét xử 46 vụ, 73 đối tượng”9.

Nhiều cá nhân là người đứng đầu, giữ các vị trí quan trọng ở các ngành, lĩnh vực vi phạm rất nghiêm trọng, như: Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa (Bộ Công an); Lê Văn Đạo, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Văn Tình… (Bộ Quốc phòng); Tất Thành Cang (TP. Hồ Chí Minh); Ngô Văn Tuấn (Thanh Hóa); Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (Bộ Thông tin và Truyền thông)…

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2019, cấp Trung ương đã mở rộng điều tra, khởi tố mới 5 vụ án, phục hồi điều tra 4 vụ án, khởi tố thêm 26 bị can; kết thúc điều tra 3 vụ án với 19 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án với 27 bị can; xét xử sơ thẩm 9 vụ án với 21 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ án với 149 bị cáo.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã mở rộng điều tra, làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, khởi tố điều tra vụ án xảy ra tại dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên,… Tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng tài sản liên quan các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo với giá trị tài sản trên 10.000 tỷ đồng10.

Hệ lụy của tệ nạn tham nhũng gây tác hại khôn lường, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền, bộ máy nhà nước; người dân mặc cảm, định kiến chính quyền vì cho rằng chính quyền dung dưỡng tham nhũng, thiếu niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng lan tràn

Từ những vụ việc tiêu cực, tham nhũng điểm qua ở trên, có thể thấy, nguyên nhân dẫn đến tệ nạn tham nhũng là:

Thứ nhất, do sự quản lý, thanh tra, kiểm tra lỏng lẻo, yếu kém. Trong quý I và quý II/2019, hàng loạt báo cáo của Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khẳng định, các cấp ủy đảng tăng cường công tác tự kiểm tra, thanh tra nội bộ; kiểm tra nhiều tổ chức đảng, thanh tra nhiều lĩnh vực, như: tài chính, dự án, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội… nhưng đều không phát hiện vụ việc tham nhũng nào.

Cụ thể như: quý I/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức nhiều hoạt động PCTN, kiểm tra nhiều đơn vị nhưng đều không phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng; các cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy Quảng Bình đã kiểm tra giám sát 37 tổ chức cơ sở đảng và 68 đảng viên, nhưng không có dấu hiệu tham nhũng.

Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Nam, Nghệ An cũng tích cực, chủ động nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện được vụ việc tham nhũng, lãng phí nào liên quan cán bộ cấp tỉnh11… Liệu số liệu báo cáo của các địa phương nêu trên có chính xác khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra liên tục phát hiện nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng ở nhiều địa phương, bộ, ngành khác.

Thứ hai, do mặt trái của nền kinh tế thị trường. Việc chạy theo sức mạnh của đồng tiền làm cho một bộ phận không nhỏ CBCCVC đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó có thủ đoạn hối lộ được sử dụng phổ biến nhất. Hơn nữa, chính sách tuyển dụng, trọng dụng và đãi ngộ (chính sách tiền lương) các nhân viên công quyền chưa thỏa đáng, cũng là nguyên nhân góp phần thúc đẩy “cần phải kiếm thêm”, làm cho tệ nạn tham nhũng phát triển và lan tràn.

Thứ ba, xem nhẹ nguyên tắc tự phê bình, phê bình trong Đảng. Đây là nguyên tắc được tiến hành trên tất cả các mặt công tác xây dựng Đảng, trong đó có công tác kiểm tra và kỷ luật. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”12.

Thời gian qua, khi tự phê bình trước tổ chức đảng, không ít cán bộ, đảng viên chưa tự giác, thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm, mà thường quanh co, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể. Các thành viên trong tổ chức đảng thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh trực diện với khuyết điểm, vi phạm của cá nhân trong tổ chức. Hiện tượng bao che, sợ “đụng chạm”, “ô dù, vây cánh”, đoàn kết một chiều cũng đang gia tăng, trở thành một vấn đề bức xúc, thách thức đối với kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Thứ tư, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhiều nơi thiếu quyết tâm, không gương mẫu, đã “tự tư tự lợi”, đam mê quyền lực, tiền tài, danh vọng dẫn đến phạm tội. Vấn đề này đã được chỉ rõ từ Nghị quyết 04/NQ-TƯ ngày 21/8/2006 Hội nghị Trung ương 3 (khóa X): “Không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm”. Thực tế đã có nơi cơ quan chức năng đã phải xử lý hình sự nhiều cá nhân ở một đơn vị trong cùng một vụ việc.

Thứ năm, chưa phát huy hết vai trò giám sát, phản biện của nhân dân và báo chí. Việc huy động nhân dân và báo chí trong việc tham gia cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực những năm qua còn chưa được quan tâm đúng mức, đã làm hạn chế những phát hiện, tố giác của nhân dân về dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cơ quan, tổ chức chưa thật sự tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận thông tin, còn e ngại trước sự tham gia của báo chí, từ đó dẫn đến thông tin bị “bưng bít”, hoặc sai lệch bản chất sự việc, dẫn đến khó khăn cho việc phát hiện và xử lý triệt để các vụ việc tham nhũng.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cũng chưa tổ chức tốt công tác tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về PCTN, tiêu cực và bảo vệ các nhà báo, do đó chưa tạo được chuyển biến tích cực trong ý thức phản ứng với tệ nạn tham nhũng và đấu tranh loại trừ tham nhũng, tiêu cực của người dân, xã hội.

Một số kiến nghị mang tính giải pháp trong phòng, chống tham nhũng hiện nay

Để cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí hiện nay có hiệu quả, thiết nghĩ cần phải tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về công tác PCTN. Trong công tác PCTN, việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục rộng rãi là một nội dung quan trọng đầu tiên để nâng cao nhận thức của xã hội về PCTN và đấu tranh chống tham nhũng. Tập trung tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội. Đồng thời, tăng thời lượng tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt để tham nhũng, tiêu cực dần không còn chỗ tồn tại trong đời sống xã hội.

Trước hết, các cơ quan báo chí – truyền thông và các cơ quan chức năng cần phải tổ chức truyên truyền, phổ biến rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm về Luật PCTN năm 2018; về tác hại của tham nhũng, về mức độ xử phạt khi tham nhũng… Đồng thời, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành cần dành nhiều thời lượng cho nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho các đối tượng học tập, nhất là đối tượng tham gia các lớp bồi dưỡng là CBCCVC nhằm nhắc nhở thường xuyên, liên tục về tác hại của tham nhũng, tiêu cực và những hình thức xử phạt nếu vi phạm.

Hai là, phải công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị (trừ các nội dung liên quan đến bí mật quốc gia). Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, bởi vì công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân, CBCCVC trong cơ quan, đơn vị và toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Công khai, minh bạch sẽ làm cho CBCCVC khi thực thi công vụ có ý thức hơn trong việc xử lý, giải quyết công việc, nếu có hành vi vi phạm, sách nhiễu, lợi dụng chức trách để tư lợi, vụ lợi sẽ dễ bị phát hiện và xử lý.

Ba là, phải kiểm soát được việc thực hiện quyền lực nhà nước. Tất cả các quốc gia, chế độ, về cơ bản, việc thực hiện quyền lực công đều phải thông qua hoạt động công vụ của đội ngũ công chức. Việt Nam cũng vậy, chúng ta muốn PCTN hiệu quả, ngay từ ban đầu phải kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, cụ thể là tác động ngay vào đội ngũ CBCCVC và quá trình thực hiện công vụ của họ, buộc họ luôn phải ý thức liêm chính, công tâm và trách nhiệm với công việc, với xã hội.

Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, cũng cần phải kiểm soát, giám sát cả những quan hệ xã hội của CBCCVC, những quan hệ có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng (móc nối với doanh nghiệp tư nhân để chuyển lợi nhuận, lập khống hoặc nâng giá, gửi giá các hợp đồng kinh tế để chiếm đoạt tài sản nhà nước; kê khai giảm giá giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn, đầu tư công, hợp tác đầu tư công – tư để trục lợi…). Việc kiểm soát, giám sát không chỉ từ cơ quan cấp trên mà phải giám sát cả từ các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, báo chí – truyền thông và người dân.

Bốn là, người đứng đầu tổ chức, đơn vị phải thật sự gương mẫu, nêu gương sáng. Trong công tác PCTN, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng, người đứng đầu vừa phải gương mẫu không tham nhũng, tự giác nhận trách nhiệm khi để cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng; vừa phải tích cực, chủ động ban hành và thực thi các quy định về PCTN, chỉ đạo, tạo điều kiện xử lý công minh, chính xác, kịp thời các vụ tham nhũng, bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng.

Do vậy, ngay từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đến đề bạt, bổ nhiệm, chọn người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị từ cấp cao nhất đến cơ sở phải hết sức cẩn trọng, trong sáng, đúng người, đúng việc. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực đối với những người đứng đầu ở những vị trí trong các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tha hóa quyền lực.

Năm là, phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng văn hóa công vụ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nét đặc trưng riêng là hết sức cần thiết, bởi lẽ, sẽ tạo nên phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của CBCCVC ở lĩnh vực đó. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, lấy chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân, xã hội làm mục đích, lẽ sống của mỗi CBCCVC, họ sẽ có niềm tự hào, vinh dự, hãnh diện và tích cực góp phần xây dựng, bảo vệ những nét đặc trưng riêng đó của ngành, lĩnh vực mình đang công tác.

Muốn có văn hóa công vụ, mỗi CBCCVC phải  không ngừng học tập, rèn luyện về đạo đức, lối sống, tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc, không gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc, vô cảm với những khó khăn, bức xúc của người dân…

Sáu là, cải cách chính sách tiền lương, tinh gọn bộ máy biên chế. Cải cách chính sách tiền lương để bảo đảm được nhu cầu thiết yếu nhất ở mức trung bình để CBCCVC đủ sống, yên tâm cống hiến. Khi tiền lương trở thành thu nhập chính của người lao động thì nó sẽ ngăn chặn hoặc hạn chế bớt tình trạng tham nhũng vặt. Mặt khác, tiền lương cũng luôn phải gắn với năng suất, chất lượng lao động, do đó, đồng thời với nâng mức tiền lương cơ bản sẽ là tinh gọn bộ máy biên chế.

Tinh giản bộ máy biên chế để nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Bộ máy không đông nhưng chất lượng mỗi CBCCVC phải cao, có như vậy mới đảm trách được công việc được giao. Đòi hỏi khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng nhân lực bộ máy ở mọi cấp phải được làm nghiêm, không bỏ lọt khâu kiểm tra, giám sát tính tuân thủ pháp luật, kiểm tra đánh giá phẩm chất, đạo đức CBCCVC để tuyển chọn người. Dùng chính sách tiền lương với vị trí việc làm để cạnh tranh, để tạo ra giá trị vượt trội giữa CBCCVC với nhau, từ đó “sàng lọc” gạt bỏ người yếu, kém, chọn người giỏi, tận tâm, tận lực với công việc./.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 280.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 611, 612.
3. 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 51, 547.
4. 5. 7. 8. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 351, 357, 358, 362.
9, 10. Báo Thanh niên điện tử. https://thanhnien.vn, ngày 26/7/2019.
11. Báo Nhân Dân. Có phải là không có dấu hiệu tham nhũng. Số ra ngày 09/7/2019, tr. 3.
12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 279.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương. Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực. Hà Nội, ngày 10/01/2019.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.

TS. Nguyễn Quang Vinh
Học viện Hành chính Quốc gia