(QLNN) – Xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức cần phải bảo đảm tính pháp lý, tính thực tiễn. Bởi trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế – xã hội, nền hành chính của Việt Nam cũng không ngừng đổi mới. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức cần thường xuyên cập nhật những kiến thức và kỹ năng mới hiện đại để đổi mới tư duy, tác phong làm việc, hình thành những kỹ năng chuyên sâu phù hợp với nền văn minh công nghiệp và đa dạng hóa các kết nối quốc tế.
Hiểu về thuật ngữ “Bồi dưỡng” và “Đào tạo” ở Việt Nam
Bồi dưỡng
Bồi dưỡng được hiểu là “tăng thêm năng lực và phẩm chất”1. Từ góc độ văn bản pháp luật, theo Điều 2 của Quy chế Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ, bồi dưỡng được hiểu là “Hoạt động trang bị, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc”2. Bên cạnh đó, công chức, viên chức cũng được bồi dưỡng theo chuẩn ngạch, bồi dưỡng theo chức vụ lãnh đạo quản lý, bồi dưỡng theo vị trí việc làm. Cụ thể như sau:
“Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch đối với công chức và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức là trang bị kiến thức, kỹ năng hoạt động theo chương trình quy định cho ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức”; “Bồi dưỡng theo chức danh lãnh đạo, quản lý là trang bị kiến thức, phương pháp làm việc theo từng chức danh lãnh đạo, quản lý”3.
Đào tạo
Tiếp cận từ góc độ chung nhất, đào tạo là đề cập đến việc dạy kỹ năng thực hành, nghề nghiệp hay kiến thức liên quan đến một lĩnh vực cụ thể, để người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp một cách có hệ thống để chuẩn bị cho người đó thích nghi với cuộc sống và khả năng đảm nhận được một công việc nhất định.
Khái niệm đào tạo thường có nghĩa hẹp hơn khái niệm giáo dục, thường đào tạo đề cập đến giai đoạn sau, khi một người đã đạt đến một độ tuổi nhất định, có một trình độ nhất định. Vì vậy, thường chúng ta nói “giáo dục phổ thông” và “đào tạo trung cấp, cao đẳng hay đại học”4.
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, theo Điều 2 của Quy chế Đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ đào tạo được hiểu là “Quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kỹ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học”5.
Từ những cách tiếp cận khái niệm bồi dưỡng, đào tạo ở trên chúng ta thấy có sự khác biệt rất cơ bản về cách hiểu của hai thuật ngữ.
Đào tạo là muốn nói đến cung cấp tri thức, kỹ năng, nghề nghiệp mang tính hệ thống, trong thời gian dài, giúp mỗi người có thêm sự hiểu biết mới, nghề nghiệp mới để có thể lao động trong một lĩnh vực mới.
Bồi dưỡng được hiểu khác so với đào tạo, nói đến bồi dưỡng là muốn nói đến việc bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng về một lĩnh vực mà người học đã có từ trước, mang tính chất cập nhật các thông tin và kỹ năng; giúp người học nâng cao hiểu biết và kỹ năng mình đã có. Bồi dưỡng được thực hiện trong ngắn hạn, thường là bổ sung những gì người học cần trong quá trình làm việc. Bản chất của bồi dưỡng và đào tạo là không giống nhau nên khi thiết kế một chương trình bồi dưỡng sẽ có những yêu cầu, căn cứ khác với thiết kế chương trình đào tạo.
Căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng
Mọi hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống giáo dục của Việt Nam đều phải bảo đảm có căn cứ pháp lý. Căn cứ pháp lý bảo đảm chương trình bồi dưỡng kỹ năng không đi lệch hướng chiến lược phát triển chung của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) từ trung ương đến địa phương.
Chương trình bồi dưỡng kỹ năng cho CBCCVC cần tuân thủ các căn cứ pháp lý như sau: Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015; Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Luật Viên chức năm 2010; Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ, ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-BNV ngày 22/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC…
Trong đó, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất cụ thể về hoạt động bồi dưỡng. Nghị định này thay thế Nghị định số 18/2010/NĐ-CP và đồng thời bãi bỏ các điều từ 32 – 36 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Tại Điều 2 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định rất rõ mục tiêu của bồi dưỡng CBCCVC là “Trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức và hoạt động nghề nghiệp của viên chức, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước”.
Điều 3 của Nghị định cũng quy định nguyên tắc trong bồi dưỡng cán bộ, công chức: phải căn cứ vào tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý CBCCVC, phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; kết hợp phân công và cạnh tranh trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm; đề cao ý thức tự học và việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm của CBCCVC; bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Nội dung bồi dưỡng và chương trình, tài liệu bồi dưỡng cũng được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 16 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là những kiến thức quản lý chuyên ngành, chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp; kiến thức hội nhập quốc tế. Điều 17 quy định cụ thể về chương trình tài liệu bồi dưỡng, thời gian bồi dưỡng của từng khóa bồi dưỡng cụ thể như bồi dưỡng theo ngạch công chức, theo chức danh nghề nghiệp viên chức hoặc trước khi bổ nhiệm lãnh đạo…
Điều 20 quy định về việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng, Điều 21 quy định rõ ràng về thẩm định, phê duyệt chương trình, tài liệu bồi dưỡng, Điều 22 quy định về Hội đồng thẩm định chương trình, tài liệu bồi dưỡng. Điều 28 quy định về phương pháp bồi dưỡng, bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.
Từ những căn cứ pháp lý trên, khi xây dựng chương trình bồi dưỡng kỹ năng hành chính cho CBCCVC cần bám sát quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chương trình phù hợp với yêu cầu chung về bồi dưỡng CBCCVC hiện hành.
Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn
Như trên đã phân tích, học viên của các chương trình bồi dưỡng là những người đã có kinh nghiệm làm việc, họ cần bổ sung các kiến thức mới, cập nhật thông tin để hoàn thiện kỹ năng cho phù hợp với yêu cầu của công việc. Do vậy, khi thiết kế chương trình bồi dưỡng, các nhà khoa học không chỉ bám sát các căn cứ pháp lý mà còn cần bám sát vào thực tiễn. Cần có những khảo sát về nhu cầu bồi dưỡng của từng loại hình bồi dưỡng trong giai đoạn hiện nay để cung cấp trúng các kiến thức và kỹ năng người học cần cho công việc.
Hiện nay, có nhiều nghiên cứu về thực trạng bồi dưỡng CBCCVC ở Việt Nam, có nhiều phân tích về ưu điểm và nhược điểm của hoạt động này trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, có những phân tích thuyết phục và đưa ra một số hạn chế trong bồi dưỡng CBCCVC mà khi xây dung chương trình chúng ta cần lưu ý tham khảo. Đó là: thiếu các chương trình bồi dưỡng CBCC theo vị trí việc làm; một số chuyên đề kỹ năng trong chương trình chưa thật sự phù hợp, còn có sự trùng lặp nhau; chương trình bồi dưỡng chưa có các chuyên đề gắn với việc xử lý các vấn đề mang tính quốc tế trong thực thi công vụ của CBCC 6.
Để có căn cứ từ nhu cầu thực tiễn, cơ sở đào tạo cần có khảo sát nghiên cứu nghiêm túc về nhu cầu bồi dưỡng của từng tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm. Muốn xác định được nhu cầu của người học, cần có mô tả cụ thể về nhiệm vụ, công việc của từng tiêu chuẩn CBCCVC… có nghiên cứu đánh giá mỗi ngạch, bậc, vị trí việc làm đang thiếu hụt những kiến thức gì, kỹ năng gì. Từ đó, các nhà khoa học có căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng giúp CBCCVC đáp ứng được những yêu cầu của công việc được giao.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần có tầm nhìn chiến lược khi xây dựng chương trình bồi dưỡng. Tránh việc xây dựng một chương trình chắp vá, thiếu đâu bù đó. Chương trình cần được xây dựng đa dạng, phong phú, cập nhật các chương trình của các nước có nền hành chính tiên tiến. Chương trình cần có nhiều chuyên đề chuyên sâu để học viên có nhiều lựa chọn. Nội dung mỗi chuyên đề cần bảo đảm không có sự trùng lặp, gồm các kiến thức mới giúp học viên hoàn thiện kỹ năng, tránh sử dụng nội dung trong đào tạo dài hạn đưa vào hoạt động bồi dưỡng.
Chú thích:
1. Từ điển Tiếng Việt phổ thông. H. NXB Giáo dục, 1998.
2, 3, 5. Bộ Nội vụ. Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ (ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-BNV ngày 22/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ).
4. Bách khoa toàn thư mở. Wikipedia Tiếng Việt, ngày 15/7/2019.
6. Hoàn thiện chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 14, kỳ 2 tháng 7/2018.
TS. Trịnh Thanh Hà
Học viện Hành chính Quốc gia