Đắk Lắk tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh

(QLNN) – Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ, thời gian qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp mang tính đổi mới, sáng tạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ các cấp theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Buôn Ma Thuột là thành phố của tỉnh Đăk Lăk (Ảnh: internet).

Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế – chính trị, quốc phòng – an ninh của khu vực Tây Nguyên. Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.125km2 và 73,4 km đường biên giới với Vương quốc Cam-pu-chia. Dân số hơn 1,8 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm 31,69% dân số toàn tỉnh (trong đó dân tộc thiểu số tại chỗ là 20,4%)1.

Xây dựng đội ngũ cán bộ – nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp

Đến năm 2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong toàn tỉnh (kể cả xã, phường, thị trấn) là 46.879 người. CBCCVC khối Đảng, đoàn thể 1.450 người, trong đó cán bộ nữ 560 người, chiếm 38,62%, cán bộ người dân tộc thiểu số 206 người, chiếm 14,21%. CBCCVC khối hành chính và sự nghiệp 41.164 người, trong đó cán bộ nữ 27.621 người, chiếm 67,1%; cán bộ người dân tộc thiểu số 4.981 người, chiếm 12,1%. Cán bộ, công chức cấp xã của tỉnh hiện có 4.265 người (cán bộ là 2.098 người và công chức là 2.167 người), trong đó nữ 1.232 người, chiếm 28,9%, dân tộc thiểu số 832 người, chiếm 19,5%2.

Để triển khai thực hiện đổi mới công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng, sửa đổi ban hành lại một số quy định, quy chế về công tác cán bộ và chính sách cán bộ, như: Quyết định số 452/QĐ-TU ngày 09/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; Quyết định số 453/QĐ-TU ngày 09/02/2017 về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; các văn bản về xây dựng chương trình, kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (LĐQL); kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… để các cấp, các ngành, các địa phương trong phạm vi toàn tỉnh triển khai thực hiện.

Đặc biệt, trong quá trình kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm điểm sâu sắc những khuyết điểm, hạn chế về công tác cán bộ, từ đó, xây dựng chương trình khắc phục, quy định các chương trình, kế hoạch về công tác cán bộ của các cấp từng bước được thực hiện theo hướng đổi mới, dân chủ, công khai, minh bạch; quy trình về công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, phân cấp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ được phổ biến, quán triệt sâu sắc đến đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Kết quả thực hiện một số chủ trương mới về công tác cán bộ 

Thứ nhất, về thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp sở, cấp phòng.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về thí điểm đổi mới cách tuyển chọn LĐQL cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 19/10/2017 thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh LĐQL. Theo Đề án này, tỉnh đã thí điểm thực hiện thi tuyển 1 chức danh Phó Giám đốc Sở Y tế; 2 chức danh trưởng phòng và tương đương cấp sở (Trưởng phòng Tổ chức biên chế, thuộc Sở Nội vụ và Chánh Thanh tra, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ).

Việc thí điểm thi tuyển chức danh Phó Giám đốc Sở Y tế và Trưởng phòng Tổ chức biên chế thuộc Sở Nội vụ đã hoàn thành, tạo được dư luận tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh, người dự thi đã có nhiều cố gắng để khẳng định bản thân mình; không có trường hợp khiếu nại, tố cáo hay phúc khảo bài thi trong quá trình thi tuyển.

Ngay từ đầu năm 2018, Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn tham mưu thực hiện thí điểm việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử giữ chức vụ LĐQL thông qua hình thức thi thuyết trình bảo vệ đề án công việc và được thực hiện đối với 2 chức danh (bổ nhiệm 1 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và giới thiệu nhân sự để bầu cử bổ sung 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015 – 2020). Kết quả điểm trình bày báo cáo Đề án của người dự tuyển là điểm trung bình cộng của các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham gia chấm điểm; người được lựa chọn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức danh LĐQL là người có số điểm trình bày báo cáo đề án cao nhất3.

Ở cấp huyện, điển hình là huyện Cư M’ Gar đã thực hiện thí điểm việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức ứng cử các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý thông qua hình thức báo cáo trình bày đề án công việc trước Ban Thường vụ Huyện ủy (từ năm 2017 đến nay, huyện Cư M’ Gar đã bổ nhiệm, đề bạt 27 chức danh thông qua hình thức báo cáo trình bày đề án công việc)4.

Tiếp tục triển khai Đề án số 06-ĐA/TU, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành thi tuyển 5 chức danh là trưởng phòng và tương đương ở các đơn vị cấp sở trong năm 2018 (gồm: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại, Sở Ngoại vụ; Trưởng phòng Tổ chức – Pháp chế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng, Sở Xây dựng; Giám đốc Trung tâm Kiểm định xây dựng, Sở Xây dựng và Trưởng phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ). Từ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét mở rộng phạm vi, quy mô, đối tượng tham gia thi tuyển chức danh LĐQL các cấp trong toàn tỉnh thời gian tới.

Thứ hai, về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC.

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2021.

Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và vị trí theo quy định của các cấp có thẩm quyền, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình và Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc đã tham mưu, thẩm định và xây dựng Đề án số 05-ĐA/TU ngày 30/3/2017 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2021. Trên cơ sở đó, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh; bảo đảm đến năm 2021, tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC, đã giảm được 945 biên chế, trong đó khối Đảng, đoàn thể: 34 người; khối quản lý nhà nước: 102 người; khối sự nghiệp: 809 người, đạt 19,79% kế hoạch so với số biên chế phải tinh giản đến năm 2021. Kế hoạch từ nay đến năm 2021 giảm 3.830 người, trong đó khối quản lý nhà nước giảm 227 người; khối sự nghiệp giảm 3.480 người; khối Đảng, đoàn thể giảm 123 người5.

Thứ ba, về công tác luân chuyển cán bộ và thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải là người địa phương.

Công tác luân chuyển được thực hiện cả hai chiều từ tỉnh về huyện và ngược lại, luân chuyển giữa các khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan nhà nước; luân chuyển từ cấp huyện về xã và ngược lại. Đối với cán bộ trong quy hoạch chức danh LĐQL, nếu từ trước đến nay chỉ công tác ở một ngành thì luân chuyển về giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương hoặc ở ngành khác; ngược lại, trường hợp công tác đã lâu ở cơ sở, ở cấp dưới, có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn và có triển vọng phát triển thì luân chuyển về công tác ở cơ quan cấp trên; thực hiện có hiệu quả chủ trương bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy không phải là người địa phương.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, trong nhiệm kỳ 2011 – 2015, luân chuyển từ tỉnh về cấp huyện là 23 đồng chí; từ cấp huyện về tỉnh là 10 đồng chí; từ huyện này sang huyện khác là 5 đồng chí, từ ngành này sang ngành khác 398 đồng chí, từ huyện về xã 127 đồng chí, từ xã về huyện 104 đồng chí, xã này sang xã khác 30 đồng chí.

Đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, từ tháng 11/2015 đến nay, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển 50 đồng chí, trong đó khối quản lý nhà nước: 22 đồng chí, khối Đảng – Mặt trận – đoàn thể: 28 đồng chí, luân chuyển trong các cơ quan cấp tỉnh từ tỉnh xuống huyện: 9 đồng chí, từ huyện lên tỉnh và luân chuyển ngang từ huyện này sang huyện khác: 2 đồng chí, từ khối Đảng – Mặt trận – đoàn thể sang khối quản lý nhà nước và ngược lại: 16 đồng chí6.

Đến nay, đã có 12/15 đồng chí bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy không phải là người địa phương, chỉ còn lại 3 đơn vị bí thư huyện ủy là người địa phương (huyện Ea Kar, Lắk, Buôn Đôn). Theo kế hoạch, đến đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, 100% bí thư các huyện ủy, thị ủy, thành ủy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ không phải là người địa phương7.

Thứ tư, về công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn và năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt.

Số CBCCVC toàn tỉnh có trình độ trên đại học chiếm 2,17% (tăng 1,27% so với năm 2010); có trình độ đại học 51,53%; cao đẳng 18,76%; trung cấp 2,89% (năm 2010, tỷ lệ tương ứng là 33,64%, 23,69% và 35,09%). Về lý luận chính trị: cử nhân, cao cấp 3,16%; trung cấp 4,42% (năm 2010 tỷ lệ tương ứng là 2,32% và 3,62%)8.

Nhìn chung, công tác cán bộ thời gian qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nội dung, phương pháp, cách làm có nhiều đổi mới và tiến bộ trong từng khâu, từng việc, bảo đảm các bước theo quy định của Trung ương.

Tuy nhiên, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới thì công tác cán bộ của tỉnh vẫn còn những hạn chế: một số cấp ủy chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ, chưa chủ động trong công tác cán bộ, chưa xây dựng chiến lược cán bộ lâu dài, hiệu quả, thiếu quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ.

Thực hiện quy trình công tác cán bộ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, thiếu khách quan, dân chủ, minh bạch, chưa phát huy hết trách nhiệm của tổ chức đảng, cá nhân người đứng đầu.

Việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức có nơi chưa phù hợp giữa chuyên môn đào tạo với ngành nghề, vị trí việc làm. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số địa phương, đơn vị chưa gắn liền với quy hoạch. Trong công tác đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có lúc còn nặng về cơ cấu, chưa chú trọng tiêu chuẩn chức danh cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn của cán bộ…

Giải pháp tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới

Một là, các cấp ủy địa phương, đơn vị tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến đội ngũ CBCCVC về mục đích, ý nghĩa của chủ trương tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá cán bộ để sắp xếp, bố trí lại các chức danh LĐQL cho phù hợp.

Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo của từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể về công tác cán bộ, triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị mình; tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

Ba là, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc kế hoạch tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2015, cùng với việc thực hiện giảm số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tình hình thực tế tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, cần đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, phấn đấu xây dựng thành công chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, đáp ứng các điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Chú thích:
1, 2, 5, 6, 7, 8. Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk. Báo cáo về triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đắk Lắk, tháng 8/2018.
3. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Đề án số 06-ĐA/TU ngày 19/10/2017 của về việc thực hiện thí điểm thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý.
4. Huyện Cư M’ Gar thực hiện theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 19/10/2017 của Tỉnh ủy Đắk Lắk từ cuối năm 2017 đến hết tháng 7/2018.

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
 Trường Đại học Luật Hà Nội