Phát triển du lịch bền vững tại thành phố Đà Nẵng

(QLNN) – Những năm qua, phát triển du lịch tại thành phố Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Với lượng khách du lịch ngày càng tăng đã cho thấy sức hút du lịch ngày càng mạnh và thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định được vai trò trong phát triển ngành du lịch. 

Núi Ngũ Hành Sơn – Danh thắng nổi tiếng của Đà Nẵng (Ảnh: http://www.dulichdanang.biz.vn).

Một số kết quả phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng thời gian qua 

Những năm qua, phát triển du lịch tại thành phố Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Về khách du lịch, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng năm 2015 đạt 4.680.956 lượt, năm 2016 đạt 5,2 triệu lượt, năm 2017 đạt 6,6 triệu lượt, tăng 19% so với 2016, đạt 104,8% kế hoạch năm 2017, trong đó, khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt, tăng 36,8% so với năm 2016, khách nội địa ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11,3% so với năm 2016.  Tính đến tháng 10/2018, đã có hơn 6,8 triệu lượt (tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2017), trong đó khách quốc tế: 2,5 triệu lượt (tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017), khách nội địa: 4,3 triệu lượt (tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017)1.

Trong năm 2018 đón khoảng 7,66 triệu lượt khách (Ảnh: Hoàng Vinh, nguồn: https://dulich.laodong.vn).

Với lượng khách du lịch ngày càng tăng đã cho thấy sức hút du lịch ngày càng mạnh và thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định được vai trò trong phát triển ngành Du lịch.

Tổng thu du lịch giai đoạn 2011 – 2015 tăng bình quân hằng năm đạt 30,7% (tăng 7,7% so với kế hoạch). Năm 2016, tổng thu du lịch đạt 12.768 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2014 và đạt 108,2% kế hoạch. Năm 2017, tổng thu du lịch đạt 19.403 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016, đạt 104,9% kế hoạch năm 2017. Đến tháng 10/2018, tổng thu du lịch ước đạt 23,661 tỷ đồng (tăng 43,1% so với cùng kỳ)2.  Việc liên tục gia tăng hoạt động thu đã phần nào thể hiện rõ sự logic với sự gia tăng của lượng khách đến tham quan và du lịch. Điều này tạo điều kiện để thành phố Đà Nẵng tiếp tục khẳng định sức hút của mình.

Hoạt động lữ hành và lưu trú cũng có tốc độ phát triển khá nhanh với những con số ấn tượng. Năm 2017, Sở Du lịch đã cấp 1.125 thẻ hướng dẫn viên (HDV) với tổng số 3.223 HDV (trong đó: 2.023 HDV nội địa và 1.200 HDV quốc tế), tổng số đơn vị kinh doanh lữ hành là 318 đơn vị với 1.000 xe đạt chuẩn phục vụ du lịch, 689 cơ sở lưu trú với 28.821 phòng, tăng 114 cơ sở lưu trú với 7.497 phòng so với năm 20163. Có 28 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng (14 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến)3.

Tốc độ phát triển và hạn chế của du lịch Đà Nẵng trong thời gian qua

Tốc độ tăng trưởng và phát triển của Đà Nẵng về du lịch rất nhanh và khá vững chắc là do:

Một là, cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư, nâng cấp cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác quy hoạch, đầu tư cho du lịch được quan tâm, thu hút nguồn vốn đầu tư cho du lịch và tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, như: xây dựng các tuyến đường du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa; nâng cấp Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, hệ thống các bãi tắm công cộng…

Dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch – dịch vụ 9 dự án: Công viên Bách Thảo (Hòa Vang), Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ hành Sơn, Trung tâm mua sắm giải trí ngầm (Ngũ Hành Sơn), Công viên khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi (Hải Châu), Trường quay Đà Nẵng (Hòa Vang), Cầu tàu và bến du thuyền (Sơn Trà, Hải Châu…), với tổng giá trị đầu tư dự án khoảng 10.000 tỷ đồng4 .

Hai là, sản phẩm du lịch thành phố ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách với nhiều sản phẩm mới, như: quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, bán đảo Sơn Trà, các khu du lịch Hòa Phú Thành, Phước Nhơn; Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài… Du lịch văn hóa – lịch sử được khai thác thông qua các tour tham quan các di tích lịch sử, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh và múa Chăm tại bảo tàng Điêu khắc Chăm được định kỳ tổ chức phục vụ du khách.

Ba là, thủ tục hành chính cũng được cải cách rút ngắn thời gian, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; an ninh trật tự được bảo đảm và ngày càng cải thiện về chất lượng dịch vụ, tạo được môi trường sạch đẹp, gây ấn tượng tốt trong mắt khách du lịch.

Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý trong hoạt động sai phạm được triển khai thường xuyên. Công tác tuyên truyền cho người dân cùng giữ gìn môi trường du lịch Đà Nẵng được quan tâm thực hiện.

Năm là, công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch; Famtrip, quảng bá đến các thị trường quốc tế với quy mô ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; tổ chức nhiều sự kiện lớn như: Thi trình diễn pháo hoa quốc tế, thi ma-ra-tông quốc tế, dù lượn quốc tế… Do đó, điểm đến Đà Nẵng đã được nhiều du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới bình chọn và đánh giá cao, từng bước khẳng định thương hiệu của du lịch Đà Nẵng đến thị trường trong nước và quốc tế.

Sáu là, nguồn nhân lực du lịch từng bước được bổ sung và tăng cường qua việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch với trình độ ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu tăng cao của du lịch cả về vui chơi, giải trí lẫn tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng.

Tuy đạt được những kết quả tích cực, song du lịch Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế:

(1)  Các sản phẩm du lịch chủ yếu phục vụ khách du lịch nội địa, chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng hướng tới thị trường khách quốc tế. Sản phẩm lưu niệm chưa mang tính đột phá, biểu trưng cao cho du lịch thành phố để tạo nét riêng, lôi cuốn du khách, đặc biệt là với du khách trong nước.

(2) Nhiều dự án đầu tư ven biển và trung tâm thành phố triển khai chậm, thiếu quỹ đất để hình thành các cụm mua sắm, vui chơi giải trí, nhất là giải trí về đêm như: chợ đêm, phố đi bộ; thiếu hệ thống cầu tàu, bến neo đậu để phát triển du lịch đường sông,… Các dịch vụ giải trí, thể thao biển tuy có nhưng khó thu hút khách du lịch do giá thành cao, công tác quảng bá chưa thu hút du khách, nhân viên hướng dẫn còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng…

(3) Chất lượng phục vụ và dịch vụ du lịch tại một số nhà hàng, khu, điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt khách quốc tế. Mặc dù đã có sự kiểm soát khá chặt chẽ của các cơ quan có chức năng nhưng tình trạng nâng giá vào mùa cao điểm, lễ tết vẫn diễn ra đã tạo hình ảnh chưa đẹp cũng như sự hài lòng, tin tưởng vào chất lượng dịch vụ trong lòng du khách.

(4) Doanh nghiệp lữ hành bị hạn chế năng lực do quy mô nhỏ và vừa, khả năng cạnh tranh thấp, tính chủ động kết nối giữa các doanh nghiệp chưa có. Nguồn nhân lực du lịch mặc dù đã được cải thiện thông qua việc triển khai các lớp tập huấn về nghiệp vụ, tổ chức các khóa bồi dưỡng song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và chưa chuyên nghiệp.

(5) Công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh Đà Nẵng ra thị trường nước ngoài còn hạn chế. Yếu tố phát triển bền vững đang bị xem nhẹ. Đà Nẵng có một lợi thế rất lớn, đó là có thiên nhiên hùng vĩ, có nơi còn nguyên sơ như: Bà Nà Núi Chúa, làng cổ Nam Ô, bán đảo Sơn Trà, Sông Cổ Cò, cùng hàng trăm km bờ biển… Điều này thúc đẩy mong muốn bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua việc tạo ra các vườn quốc gia, bảo tồn động vật hoang dã và công viên biển.

Giải pháp phát triển du lịch tại thành phố Đà Nẵng

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về du lịch để tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển du lịch; tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định của Nhà nước. Tăng cường phối hợp quản lý hoạt động của người nước ngoài trong hoạt động du lịch, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh an toàn cho khách du lịch; đưa phần mềm thống kê vào sử dụng để theo dõi số lượng cũng như bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự khách sạn.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển.

Tiến hành rà soát chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vào các lĩnh vực ưu tiên: phát triển du lịch đường thủy nội địa, các khu vui chơi, mua sắm giải trí; các khu, điểm du lịch…; tạo điều kiện huy động thêm nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Nhà nước cần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng cơ chế phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật đặc biệt, có nét đặc thù riêng để phục vụ khách du lịch nước ngoài…

Thứ ba, hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng.

Đẩy nhanh việc triển khai các dự án về du lịch như: rà soát, đôn đốc các dự án đã được phê duyệt quy hoạch cũng như theo dõi, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư; hoàn thiện hệ thống các bãi tắm công cộng, xây dựng bãi tắm du lịch kiểu mẫu; đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống cầu tàu tại các điểm đi, đến du lịch dọc các tuyến sông, Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, điểm du lịch cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn, hệ thống đèn điện trang trí dọc tuyến biển và sông, hệ thống biển báo du lịch; bản đồ du lịch tại các tuyến đường trung tâm và gần các khu du lịch…

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển du lịch.

Phối hợp khai thác năng lực các tổ chức nghiên cứu và phát triển về du lịch. Đẩy mạnh các mối quan hệ, hợp tác quốc tế với các tổ chức phát triển du lịch như Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (EU-ESRT), Programma Uitzending Managers (PUM)…; thành lập Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại một số nước (Hàn Quốc, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái Lan…) để phối hợp quảng bá xúc tiến du lịch…

Thứ năm là, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng cần ứng dụng công nghệ, thông tin, sử dụng hiệu quả các công cụ là mạng xã hội. Định hướng tốt trong nhận diện thương hiệu du lịch Đà Nẵng dưới nhiều hình thức như đĩa phim, clip, trailer du lịch, tăng cường truyền thông cổ động và xúc tiến, quảng bá du lịch tới các thị trường nước ngoài.

Thứ sáu, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Cần nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và có sức cạnh tranh cao như: du lịch biển cao cấp theo hướng gắn liền nghỉ dưỡng biển với các hoạt động thể thao giải trí biển đẳng cấp quốc tế; phát triển và nâng cao chất lượng các loại dịch vụ gắn với biển: lặn biển ngắm san hô, dù bay, đua thuyền buồm, lướt ván… xây dựng thành phố sự kiện, bổ sung các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm…

Thứ bảy, nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường

Thông qua việc tuyên truyền và làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về vai trò, vị trí của du lịch, tạo ra sự chuyển biến hơn nữa trong việc ban hành chính sách phát triển du lịch và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nghiên cứu lịch sử, thể dục – thể thao, chữa bệnh…, kết hợp phát triển với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và giữ gìn an ninh quốc phòng trên địa bàn thành phố.

Thứ tám, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá dịch vụ, an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo khách du lịch, gây ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm, bãi tắm du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, tạo ra môi trường đầu tư tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động trên lĩnh vực du lịch.

Thứ chín, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch.

Đầu tư nhân lực theo hướng chuyên nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn: nâng cao trình độ quản lý, cập nhật kiến thức và kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức; có kế hoạch đào tạo, thu hút chuyên gia du lịch để bổ sung cán bộ có trình độ chuyên sâu cho ngành Du lịch, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn nghiệp vụ và ngoại ngữ của người quản lý, trưởng bộ phận và nhân viên khách sạn, kiểm tra trình độ của hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xe, lái tàu…

Chú thích:
1, 3. Sở Du lịch. Báo cáo số 413/BC-SDL ngày 20/11/2017 về kết quả hoạt động du lịch năm 2017 của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng và phương hướng nhiệm vụ năm 2018
2. Đà Nẵng, 10 tháng đầu năm 2018, tổng thu du lịch đạt hơn 23.600 tỷ đồng. http://congthuong.vn, ngày 24/10/2018.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Đề án phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 8373/QĐ-UBND ngày 09/11/2015.
5. Phê duyệt danh mục 68 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2017 – 2020. https://danang.gov.vn, ngày 08/8/2017.
6. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Quyết định số 1182/QĐ-UBND ngày 06/3/2017 về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí Đề án Thành lập Khu phố du lịch (24/7) phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

 TS. Nguyễn Thị Linh Giang
 Học viện Chính trị khu vực III