Tìm kiếm, gây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, bản lĩnh

(QLNN) – Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương NGUYỄN THỊ NGỌC BÍCH, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và vai trò chủ động của Thường trực HĐND trong công tác quy hoạch, bố trí cán bộ đặc biệt quan trọng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đại biểu, nhất là đại biểu giữ chức danh chủ chốt phải được thực hiện trong quy trình công tác cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị. Qua đó, mới có thể tìm kiếm, gây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ có năng lực, bản lĩnh trách nhiệm với hoạt động của HĐND.

Sớm quan tâm công tác phát hiện, quy hoạch.

 

– Thưa bà, để HĐND hoạt động thực sự hiệu lực, hiệu quả, bà đánh giá như thế nào về vai trò của công tác quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự, nhất là những vị trí chủ chốt cho cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương nhiệm kỳ tới?

Để hoạt động của HĐND thực sự hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được mong đợi của cử tri cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND và Văn phòng HĐND. Suy cho cùng chính là công tác cán bộ, vì vậy việc quy hoạch, bồi dưỡng nguồn nhân sự, nhất là các vị trí chủ chốt của HĐND các cấp đặc biệt quan trọng, cần quan tâm thường xuyên, liên tục để xây dựng đội ngũ đại biểu HĐND các cấp ngày càng xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương phối hợp TXCT xã Cộng Hòa, huyện Nam Sách sau Kỳ họp thứ 8 của HĐND tỉnh và Kỳ họp thứ 7 HĐND huyện Nam Sách

Ở Hải Dương, không chỉ để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới mà trong nhiều nhiệm kỳ qua, HĐND các cấp đã luôn sớm quan tâm đến công tác phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho nhiệm kỳ kế tiếp. Đặc biệt là chú trọng đến tiêu chuẩn, năng lực thực tiễn, cơ cấu của đại biểu cho phù hợp, việc phát hiện các nhân tố đảm nhận các vị trí chủ chốt của HĐND được thực hiện cùng với quy hoạch các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền các cấp nên công tác chuẩn bị cán bộ của HĐND tương đối chủ động, kịp thời khi có biến động về công tác cán bộ.

Đơn cử như mô hình Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh, theo con số thống kê, đối chiếu với hướng dẫn cho thấy các địa phương trong cả nước mới chỉ thực hiện đạt 46%, một Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh tham gia Ban Thường vụ  đạt 94%, trong khi theo quy định phải là 100%.

Ở Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND đã thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ. Tương tự, mô hình này cũng đã được thực hiện với tỷ lệ cao ở cấp huyện và cấp xã. Trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND các cấp trong tỉnh đều quán triệt tinh thần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Trong đó, nhấn mạnh nâng cao chất lượng đại biểu dân cử thông qua thực hiện các Đề án của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp bộ máy tổ chức; lựa chọn, bố trí cán bộ đủ năng lực để nhất thể hóa Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND hoặc Chủ tịch UBND, hiện mô hình chủ yếu là Chủ tịch HĐND.

– Quy hoạch cán bộ có tầm quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của một địa phương, một cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, theo phản ánh, công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ HĐND ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Việc quy hoạch, sử dụng cán bộ ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức như câu hỏi đã nêu có thể xuất phát từ nguyên nhân nhận thức cấp ủy, chính quyền nơi đó chưa thực sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của HĐND, chưa thấy hết vai trò tầm quan trọng của HĐND, nhất là việc lựa chọn bố trí cán bộ đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo của HĐND; hoặc do xuất phát từ tình hình thực tiễn trong công tác cán bộ của nơi đó.

Ví dụ có sự phân công, luân chuyển công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, vì đại biểu HĐND chỉ được bầu ra từ đầu nhiệm kỳ, hầu như không có việc bầu bổ sung, quy định cho phép Phó cấp ủy có thể giữ chức danh Chủ tịch HĐND. Hơn nữa nhiệm kỳ này, quy định không quá ba chức danh đối với Bí thư Tỉnh ủy (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh) cũng là nguyên nhân làm cho tỷ lệ Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND chưa cao.

Cần hướng dẫn cụ thể hơn

– Để thực sự bố trí cán bộ đúng và đủ về cơ cấu, số lượng theo quy định, nhất là lựa chọn người không những có năng lực thực sự mà phải có tố chất làm đại biểu, là dám nói, nói thẳng, không sợ mất lòng và nói trên tinh thần xây dựng, theo bà, cần những giải pháp gì?

Trước hết, sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và vai trò chủ động của Thường trực HĐND trong công tác quy hoạch, bố trí cán bộ là đặc biệt quan trọng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đại biểu, nhất là đại biểu giữ chức danh chủ chốt phải được thực hiện trong quy trình công tác cán bộ của Đảng, của hệ thống chính trị. Qua đó, mới có thể tìm kiếm, gây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, đại biểu có năng lực, bản lĩnh trách nhiệm với hoạt động của HĐND. Mặt khác, như tôi đã đề cập, Thường trực và các Ban HĐND các cấp phải không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhằm thu hút, sử dụng, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, đại biểu HĐND.

Về vấn đề này, tôi thấy vai trò của Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH rất quan trọng, tham mưu cho UBTVQH ban hành quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu HĐND, vấn đề quy hoạch, bồi dưỡng năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động của đại biểu. Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể hơn đối các địa phương về quy hoạch đại biểu HĐND, nhất là đại biểu giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND và cơ quan tham mưu, giúp việc…

– Có một thực tế đáng lưu ý hiện nay, có nơi, những đại biểu thẳng thắn, dám nói, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân lại không được xem xét đưa vào quy hoạch nhiệm kỳ tới, bà nhìn nhận như thế nào về thực trạng này?

Đại biểu HĐND được lựa chọn qua công tác bầu cử theo số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu quy định của Trung ương, trên cơ sở đó Ủy ban MTTQ phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp chuẩn bị. Do đó, để khẳng định khả năng, năng lực làm đại biểu, mỗi cá nhân phải có chương trình hành động trình bày thuyết phục với nhân dân, cử tri nơi mình ứng cử.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt đối với những đại biểu thẳng thắn, dám nói, dám làm, vai trò của Thường trực, các Ban HĐND hết sức quan trọng. Thường trực HĐND vừa tạo diễn đàn để đại biểu bày tỏ ý kiến của mình, vừa bồi dưỡng kỹ năng hoạt động đại biểu, rất thẳng thắn cởi mở, song với thái độ xây dựng, đúng mực, xem xét vấn đề một cách toàn diện khách quan vì cái chung thì sẽ hạn chế tình trạng như câu hỏi nêu ở trên. Bởi, hoạt động của cơ quan dân cử rất cần những đại biểu có năng lực, bản lĩnh, dám nói lên ý kiến của mình. Có như vậy, HĐND mới thể hiện vai trò giám sát thực chất, đại diện cho ý kiến cử tri và ban hành có chất lượng các nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

– Xin cảm ơn bà!

THÁI HÒA thực hiện
(Theo: daibieunhandan.vn)