Bộ Nội vụ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND phường tại các quận, thị xã của TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026

(QLNN) – Sáng ngày 29/10/2019, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình (Ảnh: quochoi.vn).

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa – xã hội của cả nước. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự… đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế – xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp đối với Thủ đô Hà Nội, ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.

Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xác định: “những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”; tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra việc “tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm những nơi có đủ điều kiện”.

Để thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị có Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019, trong đó đã đề ra việc “thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội” và chỉ đạo “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Quốc hội trong năm 2019 ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026”, “Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết nêu trên”.

Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mở về các mô hình tổ chức chính quyền địa phương khác nhau phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội cũng đã xác định “Đối với những việc mới, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, việc trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026 là cần thiết để từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, tại những phường thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc, Ủy ban nhân dân (UBND) phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 – 2026 được thành lập.

Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.

Để tránh việc xung đột pháp luật khi triển khai thực hiện thí điểm, đồng thời bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn phường, dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.

Nhằm tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn các phường thực hiện thí điểm trong các hoạt động giao dịch, dự thảo Nghị quyết xác định các quy định, quyết định của HĐND phường, UBND phường, Chủ tịch UBND phường tại thành phố Hà Nội được ban hành trước khi thực hiện thí điểm, nếu không trái với các quy định tại Nghị quyết này, các quy định khác của pháp luật và chưa được cơ quan có thẩm quyền thay thế hoặc bãi bỏ thì vẫn được áp dụng tại địa bàn phường nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND.

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, dự thảo Nghị quyết quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành các quy định để kịp thời giải quyết những vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện thí điểm, kể cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội được quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội; Chính phủ ban hành các quy định để hướng dẫn thực hiện thí điểm; HĐND và UBND thành phố Hà Nội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện thí điểm; thực hiện việc sắp xếp, bố trí, giải quyết các chính sách dôi dư đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở phường; sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, trên cơ sở những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

Theo: quochoi.vn