Quản lý biên chế trong đơn vị sự nghiệp công

(QLNN) – Vấn đề quản lý biên chế công chức, biên chế sự nghiệp, số lượng người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập hiện đang được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương tự cân đối, sắp xếp trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với đơn vị thành lập mới hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ảnh: https://giaoduc.net.vn
Về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công

Hiện nay, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL), với 2,5 triệu biên chế (chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước)1. Đây là lực lượng giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, như: dịch vụ y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể dục – thể thao…

Mạng lưới các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao đã phủ kín hầu hết các lĩnh vực, địa bàn, đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước. Hệ thống ĐVSNCL đã và đang giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội, tạo cơ hội tiếp cận dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng cho mọi người dân với chất lượng ngày càng cao và chi phí hợp lý hơn.

Từ năm 2003 – 2015, thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Nghị định số 71/2003/NĐ-CP ngày 19/6/2003 của Chính phủ phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước và Nghị định số 112/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý biên chế đối với ĐVSNCL, số lượng người làm việc trong ĐVSNCL đã được phân cấp để bộ, ngành và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định.

Từ năm 2016, thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc quản lý số lượng người làm việc trong ĐVSNCL đã được thực hiện thống nhất theo quy định. Trường hợp tăng thêm số lượng so với tổng số người làm việc được cấp có thẩm quyền giao năm 2015, bộ, ngành, địa phương sẽ gửi Bộ Nội vụ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Tổng số người làm việc trong các ĐVSNCL của bộ, ngành, địa phương được giao qua các năm là: năm 2011 được giao 1.971.577 người (trong đó trung ương: 193.286 người, địa phương 1.778.291 người);  năm 2014: 2.062.204 người (trung ương: 204.226 người, địa phương: 1.857.978 người); năm 2015: 2.087.912 người (trung ương: 201.717 người, địa phương: 1.886.195 người); năm 2016: 2.093.313 người (trung ương: 201.901 người, địa phương: 1.891.412 người);  năm 2017: 1.968.382 người (trung ương: 157.951, địa phương: 1.810.431 người)2.

Về hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/01/2000 của Chính phủ do bộ, ngành, địa phương tự quyết định. Trong đó, đối với ĐVSCNL tại các bộ, ngành, năm 2015: 11.434 người, năm 2017: 11.885 người; ĐVSNCL tại các địa phương năm 2015: 74.010 người, năm 2017: 82.814 người3.

Về hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ không đúng quy định. Theo thống kê, đối với ĐVSCNL tại các bộ, ngành, năm 2015: 48.294 người, năm 2017: 42.268 người; ĐVSNCL tại các địa phương năm 2015: 84.584 người, năm 2017: 170.070 người4.

Về tinh giản biên chế (TGBC) theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ. Tổng số người TGBC theo Nghị định số 108/2014/ NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ năm 2015 đến ngày 31/3/2018 là 34.819 người, trong đó năm 2015: 5.778 người, năm 2016: 11.923 người và 3 tháng đầu năm 2018: 4.458 người. Đối tượng thuộc các ĐVSNCL là 23.602 người5.

Đánh giá thực trạng và nguyên nhân

Nhìn chung, biên chế sự nghiệp đã được quản lý chặt chẽ và thực hiện đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương đã tự cân đối, sắp xếp trong tổng số biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao để bố trí đối với các tổ chức, ĐVSNCL thành lập mới hoặc được bổ sung nhiệm vụ mới, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cơ bản đã tách rõ hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP với biên chế sự nghiệp; số lượng các ĐVSNCL tự bảo đảm về tài chính tăng lên, theo đó, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã giảm xuống.

Kết quả thực hiện TGBC không chỉ góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ viên chức, giải quyết chính sách mà còn giúp  đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất; tuyển chọn được những người có đủ sức khỏe, có đủ trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và vị trí công việc.

Quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề TGBC, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức là rất rõ ràng (mới đây nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ biên chế sự nghiệp, bảo đảm không làm tăng tổng biên chế đã được cấp có thẩm quyền giao. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương không thực hiện đúng quy định; có tình trạng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt tổng số người làm việc trong ĐVSNCL hằng năm chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến tăng số lượng người làm việc trong ĐVSNCL.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với ĐVSNCL theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với ĐVSNCL và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, theo đó, việc chuyển các ĐVSNCL có nguồn thu sự nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động cung ứng dịch vụ công trong các lĩnh vực sự nghiệp còn hạn chế.

Công tác thống kê, báo cáo về quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm trong ĐVSNCL tại một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời, chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định tại các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với biên chế sự nghiệp, nhiều địa phương tự quyết định khi chưa có ý kiến thẩm định của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến tăng biên chế. Tình trạng tự ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn diễn ra phổ biến ở các bộ ngành, địa phương. Trong khi đó, công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới ĐVSNCL của các bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa bình đẳng giữa ĐVSNCL và ngoài công lập.

Một số đề xuất

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra cho giai đoạn đến năm 2021 là giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% ĐVSNCL; giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các ĐVSNCL (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính). Đồng thời, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các ĐVSNCL so với giai đoạn 2011 – 2015. Đảng và Nhà nước đã xác định rõ yêu cầu kiên trì thực hiện chủ chương TGBC, bảo đảm không làm tăng biên chế của cả hệ thống chính trị6.

Tuy nhiên trên thực tế, vấn đề quản lý biên chế đang được giao cho nhiều cơ quan, dẫn đến việc quản lý biên chế không bảo đảm thống nhất theo quy định tại Điều 96 Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính phủ năm 2015, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng này, vấn đề quản lý biên chế cần giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính (tránh tình trạng phân tán như hiện nay).

Đối với các ĐVSNCL, cần đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và cơ chế hoạt động. Thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng biên chế, số lượng người làm việc trong ĐVSNCL đối với viên chức đã thực hiện TGBC và nghỉ hưu, thôi việc theo quy định (giảm 50% số cán bộ ngành, địa phương theo quy định).

Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL có nguồn thu sự nghiệp và có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, cơ sở dạy nghề, bệnh viện…); khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài Nhà nước.

Trên cơ sở danh mục vị trí làm việc, cơ cấu viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện quản lý biên chế, số lượng người làm việc trong ĐVSNCL, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Tăng cường đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý biên chế, số lượng người làm việc trong ĐVSNCL. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về việc TGBC; nếu không hoàn thành kế hoạch TGBC đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải bị xử lý trách nhiệm. Triển khai việc xây dựng bản mô tả, khung năng lực vị trí việc làm; thực hiện bình đẳng giữa những người làm việc trong các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa và thu hút nhân tài.

Người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng quy định về quản lý biên chế sự nghiệp và TGBC. Trong đó, lưu ý không thực hiện hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong các ĐVSNCL để làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý viên chức. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp viên chức và chức danh lãnh đạo, quản lý. Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng đội ngũ viên chức phù hợp.

Hoàn thành hệ thống chính sách, pháp luật và đổi mới quản lý nhà nước về dân số, lao động việc làm và phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực, việc làm, giáo dục và đào tạo, tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ; chính sách trọng dụng nhân tài, chế độ tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chế độ ưu đãi cho người có trình độ cao,…

Rà soát, sửa đổi một số luật và bộ luật có liên quan; Bộ luật Lao động (sửa đổi năm 2012), Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 làm cơ sở thiết kế thị trường lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội. Cần có biện pháp, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu để tận dụng đội ngũ nhân lực có chất lượng, có sức khỏe. Chú trọng chính sách việc làm cho người cao tuổi thông qua tạo việc làm phù hợp và cải thiện việc làm cho người cao tuổi./.

Chú thích:
1. Đổi mới hệ thống tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. www.tapchicongsan.org.vn, ngày 22/02/2018.
2. Báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016.
3, 4, 5. Báo cáo số 1418/BC-BNV ngày 06/4/2018 của Bộ Nội vụ sơ kết 01 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.
6. Nghị quyết số 39-NQ-TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
2. Đề án: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu gọn đầu mối và tinh giản biên chế khu vực hành chính, sự nghiệp” (kèm theo Tờ trình số 43-TTr/BCSĐ ngày 15/4/2013 của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Nội vụ”.
Ngô Minh Dũng
Sở Nội vụ Bà Rịa – Vũng Tàu