Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

(QLNN) – Phong Thổ là một huyện miền núi cao có nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện; sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện nên các mục tiêu kinh tế – xã hội cơ bản hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng nằm ở xã Ma Li Po, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây được coi là mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế của huyện đi lên (Nguồn: https://nemtv.vn).

Thực trạng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Phong Thổ

Phong Thổ là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu. Toàn huyện có 17 xã và 1 thị trấn, trong đó có 13 xã giáp huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới dài 98,95 km và cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng.

Với đặc điểm của một huyện miền núi cao có nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, HĐND và UBND huyện; sự phấn đấu nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong huyện nên các mục tiêu kinh tế – xã hội cơ bản hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội có bước phát triển tốt. Công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có chuyển biến tích cực. Đời sống tinh thần, trình độ dân trí của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Đạt được những thành tích chung đó, có phần đóng góp trực tiếp, tích cực của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã (CBCCCX) trong huyện. Tính đến tháng 12/2018, tổng số CBCCCX ở huyện Phong Thổ (bao gồm: bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND và trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội) là 211 người, biên chế cho 17 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã có biên chế 13 cán bộ chủ chốt/xã; 5 xã, thị trấn có biên chế 10 cán bộ chủ chốt/xã; 6 xã có biên chế 12 cán bộ chủ chốt/xã; 1 xã biên chế 11 cán bộ chủ chốt.

Trong số 18 bí thư đảng ủy cấp xã, có 3 người kiêm chủ tịch HĐND; trong số 25 phó bí thư đảng ủy cấp xã có 3 người kiêm chủ tịch HĐND; 18 phó bí thư đảng ủy – chủ tịch UBND; 7/18 xã, thị trấn có 3 phó bí thư đảng ủy (1 phó bí thư, chủ tịch UBND, 1 phó bí thư thường trực và 1 phó bí thư phụ trách công tác xây dựng Đảng).

– Về trình độ văn hóa: theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy Phong Thổ, tính đến tháng 12/2018, trong số 211 CBCCCX, có trình độ trung học phổ thông là 64 người, chiếm tỷ lệ 30,33%; trung học cơ sở 139 người, chiếm tỷ lệ 65,87%; tiểu học 8 người, chiếm tỷ lệ 3,8%.

– Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: đại học có 28 người, chiếm tỷ lệ 13,3%; cao đẳng 7 người, chiếm tỷ lệ 3,3%; trung cấp 139 người, chiếm tỷ lệ 65,87%; sơ cấp 1 người, chiếm tỷ lệ 0,47%; số chưa qua đào tạo là 36 người, chiếm tỷ lệ 17,06%.

– Về trình độ lý luận chính trị: sơ cấp 51 người, chiếm tỷ lệ 24,17%; trung cấp 125 người, chiếm tỷ lệ 59,24%; cao cấp, cử nhân 4 người, chiếm tỷ lệ 1,89%; có 31 người chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 14,70%1.

 Hội thảo khoa học “Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu” tổ chức sáng 27/10 /2019 (Nguồn: http://laichau.dcs.vn).

Từ số liệu thống kê cho thấy, đội ngũ CBCCCX của huyện Phong Thổ còn có những hạn chế, bất cập, như: người có trình độ đại học và cao đẳng còn ít (13,3% và 3,3%); số người chưa qua đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị còn nhiều (17,06% và 14,70%), đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác tại địa phương2. Để các xã trong huyện phát triển đồng đều, toàn diện, rất cần một đội ngũ CBCCCX được đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cơ bản về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Muốn như vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để ĐTBD đội ngũ CBCCCX đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Một số kiến nghị nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ở huyện Phong Thổ

Một là, cụ thể hóa tiêu chuẩn chức danh CBCCCX.

Tiêu chuẩn cán bộ là hệ thống các chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực mà người cán bộ cần phải có, là sự thống nhất giữa đức và tài của người cán bộ. Tiêu chuẩn cụ thể của CBCCCX là căn cứ để Huyện ủy Phong Thổ thực hiện các quy hoạch, kế hoạch bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, ĐTBD, xếp lương, nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác.

Đảng ủy các xã cần tiến hành cụ thể hóa tiêu chuẩn từng chức danh cán bộ, công chức của hệ thống chính trị cấp xã dựa vào tiêu chuẩn, quy định của Trung ương, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy Lai Châu và Huyện ủy Phong Thổ để xác định các tiêu chuẩn, như: về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, về độ tuổi, về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, về năng lực, uy tín, sức khỏe… để có kế hoạch chọn lựa, ĐTBD.

Hai là, thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ.

Làm tốt công tác quy hoạch đội ngũ CBCCCX. Công tác quy hoạch CBCCCX ở huyện Phong Thổ trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm quy hoạch “mở” và “động”. Quy hoạch “mở” phải dân chủ, công khai, thực hiện đúng quy trình nhằm tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phát hiện, giới thiệu và giám sát cán bộ, ngăn ngừa những sai phạm, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy hoạch “động” bảo đảm mỗi chức danh chủ chốt cấp xã của huyện có ít nhất từ 2 – 3 nhân sự  và được quy hoạch từ 2 – 3 chức danh. Công tác quy hoạch cần bảo đảm hài hòa cơ cấu dân tộc, giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm, năng lực công tác.

Theo quy định, CBCCCX ở huyện Phong Thổ do Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, sử dụng, quản lý thuộc thẩm quyền của Huyện ủy, nhưng các khâu đó chỉ được làm tốt khi có đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin về đội ngũ CBCC do cơ sở cung cấp. Vì vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đảng uỷ các xã, thị trấn và Huyện ủy trong công tác quy hoạch cán bộ. Để công tác quy hoạch CBCCCX ở huyện Phong Thổ được bảo đảm chất lượng, Huyện ủy cần tăng cường chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ ở xã, thị trấn.

Ba là, tăng cường công tác ĐTBD CBCCCX.

Việc ĐTBD phải chú ý trên các mặt, như: lý luận chính trị, văn hóa, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và nghiệp vụ. Khắc phục tình trạng xem nhẹ việc bồi dưỡng phong cách làm việc, phương pháp lãnh đạo, quản lý, chế độ làm việc và lãnh đạo điều hành công việc. Cán bộ nói chung, CBCCCX nói riêng phải có tầm hiểu biết rộng về lý luận chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và kiến thức khoa học – kỹ thuật cũng như khoa học về tổ chức quản lý. Do đó, nội dung ĐTBD cần phải đi sâu và đề cập đủ các nội dung nêu trên để sau quá trình ĐTBD, CBCCCX có đủ kiến thức, năng lực đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Công tác ĐTBD CBCCCX ở huyện Phong Thổ hiện nay cần phải đa dạng hóa và  cải tiến nội dung, phương thức ĐTBD, bảo đảm tính hợp lý, thiết thực, có chất lượng.

Bốn là, bố trí, sử dụng và luân chuyển CBCCCX.

Bố trí, sử dụng CBCCCX phải đúng tiêu chuẩn, phù hợp với sở trường. Phải tìm được cán bộ có phẩm chất, năng lực thật sự và bố trí, sắp xếp vào cương vị công tác xứng đáng với tài năng, năng lực, sở trường của họ.

Sau khi bố trí, phân công công tác cho CBCCCX phải luôn theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra công tác của cán bộ, nhất là cán bộ mới được bố trí lần đầu vào cương vị chủ chốt. Huyện ủy cần luân chuyển cán bộ từ huyện về xã, từ xã sang xã để cán bộ có điều kiện nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc; đồng thời cũng tránh được tình trạng ưu ái, thiên lệch với những mối quan hệ thân quen, dòng họ, làng xóm…

Năm là, thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với CBCCCX miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Do đặc thù về điều kiện địa lý, tự nhiên của huyện miền núi và phong tục canh tác, định cư của đồng bào các dân tộc thiểu số nên phạm vi lãnh thổ của một xã, bản ở huyện Phong Thổ thường rất rộng. Các bản, khu dân cư thường cách xa nhau và xa trung tâm hành chính xã, gây khó khăn trong công tác quản lý địa bàn của đội ngũ CBCCCX. Vì vậy, cần nghiên cứu, điều chỉnh tăng chế độ đãi ngộ đối với CBCCCX về phụ cấp, về công tác phí… để họ toàn tâm, toàn ý cho thực hiện công việc được giao. Đồng thời, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn nên rất cần được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như đường liên thôn, bản; hệ thống điện lưới…

Sáu là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc giám sát, đánh giá CBCCCX.

Cần định kỳ đánh giá toàn bộ hoạt động của đảng bộ xã trong từng thời gian nhất định, từ đó rút ra những mặt làm được, chưa làm được, trách nhiệm để xảy ra hạn chế, yếu kém thuộc về ai, trách nhiệm của CBCCCX với tư cách là người đứng đầu ở mức độ nào. Định kỳ hằng tháng, hằng quý, CBCCCX báo cáo tiến độ công việc thực hiện, triển khai nghị quyết của Đảng, cấp ủy cấp trên; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, coi đây là chế độ bắt buộc để họ thấy được những nhiệm vụ đã hoàn thành, chưa hoàn thành, qua đó, có kế hoạch cụ thể để thực hiện trong thời gian tới.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở dựa vào dân, mọi công việc của chính quyền xã, của thôn, bản người dân đều được biết, được bàn và kiểm tra. Coi việc quản lý, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trong xã đối với hoạt động công tác của CBCCCX là việc làm thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn những hành vi, biểu hiện sai lệch của CBCCCX.

Chú thích:
1, 2. Báo cáo của Ban Tổ chức Huyện ủy Phong Thổ về tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Phong Thổ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
2. Báo cáo của Huyện ủy Phong Thổ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
ThS. Lê Thế Đại
Trường Chính trị tỉnh Lai Châu