Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước cách mạng ở Việt Nam

(QLNN) – Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là thời kỳ có sự khủng hoảng xã hội sâu sắc. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tỏ ra lỗi thời. Trong xã hội, nhiều tư tưởng mới đã xuất hiện. Ngoài mục đích chống ngoại xâm, lật đổ phong kiến, giành độc lập dân tộc, các nhà tư tưởng và cách mạng còn mong muốn tìm ra và xây dựng một mô hình nhà nước mới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin về nhà nước, qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước cách mạng đã nảy sinh và ngày càng hoàn thiện.

Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955. Ảnh: TL
1. Về nhà nước dân chủ nhân dân
Vấn đề chính quyền nhà nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận là một nội dung cơ bản và đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam, không chỉ trong việc giành chính quyền, mà quan trọng hơn là trong quá trình xây dựng bộ máy nhà nước – bộ máy nhà nước của dân, do dân và bước đầu đã có những định hướng cơ bản của một nhà nước pháp quyền.
Tư tưởng về nhà nước kiểu mới – nhà nước dân chủ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình thành phù hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam với các tiền đề gồm kinh nghiệm xây dựng nhà nước của các thế hệ trước trong lịch sử dân tộc; từ các tư tưởng về nhà nước của phương Đông, thời cổ đại, ảnh hưởng lớn nhất là tư tưởng của Khổng Tử và từ những lý luận về nhà nước trong lịch sử tư tưởng phương Tây, chẳng hạn như lý thuyết và những tư tưởng tiến bộ về mô hình nhà nước của J. Lốc-cơ, J.J. Rút-xô, S.L. Mông-tét-xki-ơ…, đặc biệt là tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin…
Về thực tiễn, trong quá trình tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã khảo sát nhiều mô hình nhà nước trên thế giới. Với nhà nước tư sản ở Mỹ, Pháp, Người cho rằng chính quyền nhà nước vẫn ở trong tay một số ít người, bởi vì: “… cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”1. Khi đến nước Nga, Người đã được thấy một mô hình nhà nước kiểu mới: “… phát ruộng đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền… ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành chủ nghĩa thế giới đại đồng”2. Mô hình này đã cho một gợi ý về kiểu nhà nước sẽ được xây dựng ở Việt Nam trong tương lai và lần đầu tiên được định hình trong Chánh cương vắn tắt của Đảng ta năm 1930: dựng ra Chính phủ công nông binh.
Từ những tiền đề lý luận và thực tiễn đó, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về nhà nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), đặc biệt là từ quan điểm về bản chất giai cấp công nhân của nhà nước và tính dân chủ cao nhất của nhà nước XHCN, Hồ Chí Minh đã xây dựng tư tưởng về nhà nước cộng hòa dân chủ nhân dân – nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chính tư tưởng này đã góp phần lớn nhất cho việc tạo lập một nhà nước dân chủ nhân dân mang bản chất giai cấp công nhân đầu tiên ở Đông Nam Á. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã xây dựng được nhà nước dân chủ nhân dân, nhà nước XHCN, mang tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc, tập trung được sức mạnh toàn dân tộc, đưa lại những thắng lợi to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hồ Chí Minh cho rằng, nếu vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền nhà nước thì vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai, phục vụ cho quyền lợi của ai. Theo đó, sau khi cách mạng thành công, phải thiết lập được chính quyền nhà nước của đại bộ phận nhân dân trong xã hội.
Kế thừa những tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, kết hợp với những tư tưởng truyền thống của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”3. Và “Nước lấy dân làm gốc… gốc có vững cây mới bền, xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”4.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhân dân là người chủ thật sự của đất nước. Chính quyền từ trung ương đến địa phương đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Người luôn luôn giáo dục công nhân, viên chức: phải thương yêu dân, dựa vào dân, gần gũi dân, lắng nghe học hỏi dân, tin tưởng dân. Cán bộ là “đầy tớ” cho dân chứ không phải là “ông quan cách mạng”. Nhà nước là một tổ chức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước do nhân dân làm chủ còn thể hiện ở chỗ, Người cho rằng nhiệm vụ của nhà nước là phải: “Phát huy đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”5. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đều thuộc về nhân dân.

Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân… Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân nếu đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình”6.

Mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước và nhân dân đã thể hiện rõ tư tưởng do dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh: không có ai khác ngoài nhân dân là chủ thể xây dựng nhà nước XHCN; nhân dân là người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Nhà nước phải có nghĩa vụ và trách nhiệm làm cho điều đó trở thành hiện thực. Người nói: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân… làm cho mọi công dân Việt Nam thật sự tham gia vào công việc nhà nước”7.

Nhà nước vì dân là nhà nước coi việc đem lại quyền lợi chính đáng cho nhân dân là mục tiêu hoạt động của mình. Mọi hoạt động của nhà nước đều phải hướng tới phục vụ nhân dân. Người viết: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”8. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập, Người đã nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp – Nhật”9. Một nhà nước vì dân phải là một nhà nước trong sạch, luôn chống lại những tiêu cực từ trong bộ máy của nhà nước ấy. Người đã chỉ rõ sáu căn bệnh thường gắn với bản chất của nhà nước nói chung như: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo.

2. Về bản chất và tính pháp quyền của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước ta là nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời có đặc thù là nhà nước của khối đại đoàn kết toàn dân, mang tính chất nhân dân. Điều này được giải thích bởi những lý do sau đây:

Một là, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thực chất là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, nghĩa là Đảng lãnh đạo chính quyền nhà nước. Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta chính là ở chỗ bảo đảm và tăng cường thực hiện sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền.

Hai là, Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mặc dù là đại diện cho ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam nghĩa là đại diện cho một tập hợp rất rộng rãi các lực lượng xã hội (đó chính là biểu hiện rõ nhất cho thấy, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân), là Nhà nước dân chủ nhân dân, nhưng nòng cốt, xương sống của Nhà nước đó không thể là cái gì khác hơn là khối liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức do giai cấp công nhân lãnh đạo. Vì thế, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tính nhân dân và bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước XHCN Việt Nam là thống nhất tạo nên bản sắc riêng của Nhà nước XHCN Việt Nam.

Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý vấn đề tiêu chuẩn cán bộ, công chức nhà nước và chức năng của bộ máy nhà nước. Cán bộ, công chức nhà nước phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân nhằm mục đích bảo đảm cho Nhà nước ta luôn luôn là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Như vậy, quan điểm về Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam của Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo quan điểm về nhà nước vô sản, Nhà nước XHCN của chủ nghĩa Mác – Lênin. Về bản chất, Nhà nước đó vẫn là Nhà nước của giai cấp công nhân vì do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng Nhà nước ấy phải thể hiện tính dân chủ cao nhất. Tính dân chủ trong điều kiện của Việt Nam về thực chất là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều này không chỉ thể hiện ở cơ cấu của Nhà nước mà căn bản là ở chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, ở cơ sở xã hội của Nhà nước. Tính giai cấp công nhân và tính nhân dân của Nhà nước Việt Nam không tách rời nhau. Tính chất giai cấp công nhân càng cao thì dân chủ phải càng được mở rộng.

Trong điều kiện của một quốc gia vừa phải bảo vệ nền độc lập, vừa xây dựng đời sống mới từ một xã hội nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng phong kiến, tư tưởng của người sản xuất nhỏ, tư tưởng về Nhà nước của dân, do dân, vì dân của Hồ Chí Minh là sự vận dụng hết sức sáng tạo lý luận về nhà nước vô sản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chính việc xây dựng một nhà nước như vậy mới có thể phát huy được mọi tiềm lực của nhân dân để phát triển kinh tế – xã hội, từng bước tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho việc phát triển đất nước theo con đường XHCN và chủ nghĩa cộng sản.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam là một quốc gia nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Bản chất nhà nước là sự kết hợp giữa bản chất nhà nước phong kiến tay sai với bản chất nhà nước thực dân xâm lược, nên không có và không thể có nhà nước pháp quyền, lại càng không có nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, đa số người dân Việt Nam chưa được tiếp xúc, làm quen nhiều và sớm với tập quán dân chủ (dù là dân chủ tư sản như ở các nước phương Tây) – cái đã được hình thành và phát triển từ rất lâu trong nền dân chủ tư sản. Điều này gây cho chúng ta không ít khó khăn.

Đời sống chính trị và xã hội của Việt Nam chưa trải qua nền dân chủ tư sản; tập quán, lối sống theo kiểu “phép vua thua lệ làng”, cộng với “ác cảm” đối với nhà nước và pháp luật thực dân, phong kiến còn rất nặng nề. Lênin cho rằng sự ác cảm đối với bất cứ cái gì thuộc về nhà nước và pháp luật ở người lao động trong xã hội cũ là điều dễ hiểu, và điều đó đã tạo ra tâm lý coi thường pháp luật trong đặc điểm tâm lý dân tộc. Đây có thể nói là một sự cản trở lớn đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

Trong bối cảnh và tình hình thực tiễn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đã vận dụng tư tưởng về nhà nước pháp quyền cùng với tư tưởng về nhà nước XHCN vào tổ chức xây dựng bộ máy nhà nước Việt Nam mới. Ngay từ năm 1919, khi đưa ra bản Yêu sách 8 điểm (Yêu sách của nhân dân An Nam) đòi các quyền tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam, Người đã đòi thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế các sắc lệnh bằng các đạo luật.

Khi viết “Tuyên ngôn Độc lập” (năm 1945), Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng việc trích dẫn “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ (năm 1776): “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Cách mạng Pháp (năm 1791): “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”10.

Điều này cho thấy, sự trân trọng đối với những giá trị tư tưởng của loài người – dù đó là tư tưởng của cách mạng tư sản tạo ra nền dân chủ tư sản, nền dân chủ khác về bản chất so với nền dân chủ XHCN. Không tiếp thu một cách máy móc, nguyên xi nên khi vận dụng những tư tưởng trên, Hồ Chí Minh không lấy nền dân chủ tư sản làm khuôn mẫu cho nhà nước Việt Nam. Người cũng không chỉ bó hẹp nhân quyền và dân quyền trong giới hạn về quyền cá nhân của con người và cá nhân công dân, mà nâng lên quyền dân tộc. Từ quyền con người, trong “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”11.

Cùng với nhiều quan điểm khác, Hiến pháp năm 1946do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo đã cho thấy tư tưởng về một nhà nước kiểu mới ở Việt Nam, mặc dù chưa phải nhà nước pháp quyền một cách đầy đủ nhưng bước đầu đã có những yếu tố pháp quyền và thể hiện ý tưởng hướng đến một nhà nước pháp quyền. Trong đó, các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội được ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật của một nhà nước độc lập, tự chủ. Nhân dân không những là người bầu ra mà còn là người kiểm soát nhà nước; nhân dân còn là người có quyền bãi miễn không chỉ quan chức các cấp của nhà nước mà còn có quyền bãi miễn toàn thể Chính phủ: “Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”12.

3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước cách mạng là Nhà nước của dân, do dân và vì dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân, do dân, vì dân mang bản chất giai cấp công nhân và có tính chất của một nhà nước pháp quyền có thể được khái quát ở những điểm sau:

Một là, Nhà nước do dân làm chủ – làm chủ thực tế chứ không phải là làm chủ trên danh nghĩa.

Hai là, tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, tuyệt đối không để cho các quyền đó nằm trong tay một nhóm cá nhân độc quyền và lũng đoạn.

Ba là, để thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, những người làm việc trong bộ máy nhà nước phải luôn luôn ý thức được họ vừa là người lãnh đạo vừa đồng thời là “đầy tớ” của nhân dân.

Bốn là, Nhà nước của dân, do dân, vì dân không phải nhà nước toàn dân mà là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Thực chất tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền lúc đầu mới chỉ là những nhận định, suy nghĩ về vai trò của pháp luật trong việc thực hiện dân chủ cho người dân Việt Nam khi đất nước ta còn chưa giành được độc lập, dân ta không có được các quyền dân chủ và bình đẳng tối thiểu nhất như người Pháp. Cùng với thực tiễn của quá trình xây dựng Nhà nước Việt Nam độc lập, nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dần hình thành và định hình trên cơ sở những lý luận về nhà nước của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và học thuyết về nhà nước pháp quyền mà nhân loại đã từng có trong lịch sử./.

Chú thích:
1, 2.  Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 2. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 270, 280, 270
3, 5. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 276, 294 – 295.
4, 12. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 409 – 410, 60.
6, 7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 9. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 590 – 591, 590.
8, 9. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2009, tr. 57, 56.
10, 11. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB. Chính trị quốc gia, 2009, tr. 555.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo biên soạn lịch sử Chính phủ Việt Nam. Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Tập 1 – 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006.
2. Phạm Văn Đồng. Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam. H. NXB Sự thật, 1964.
3. Võ Nguyên Giáp. Thế giới sẽ còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn sống mãi. Hội nghị quốc tế Hồ Chí Minh – Việt Nam – Hòa bình thế giới, tổ chức tại thành phố Can-cút-ta (Ấn Độ), 1991.
4. Hoàng Văn Hảo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới – sự hình thành và phát triển. H. NXB Chính trị quốc gia, 1995.
Trương Quốc Chính*
Trương Thị Quỳnh Hoa**
*PGS.TS, Học viện Chính trị khu vực I
** ThS, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn