Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ở Tỉnh Savannakhet, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(QLNN) – Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ, công chức (CBCC) luôn được tỉnh Sanavakhet (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào) coi trọng. Hằng năm, tỉnh đều ban hành các kế hoạch ĐTBD CBCC, từ đó, các khóa ĐTBD được tổ chức thường xuyên, giúp đội ngũ CBCC của tỉnh cập nhật kiến thức, kỹ năng cần thiết phục vụ cho công việc theo vị trí việc làm. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra thì vẫn còn có những bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải có những giải pháp khắc phục.

Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam tiếp và làm việc với đoàn Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước CHDCND Lào.
1. Thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Savanakhet

Nằm cách Thủ đô Viêng Chăn 487 km về phía Nam, thuộc vùng Trung Lào, Savannakhet là tỉnh lớn thứ hai và được xem như “thủ phủ” kinh tế của Lào với diện tích 21.774 km², trong đó diện tích đồng bằng chiếm 59% và miền núi 41%1.

Savannakhet có nhiều lợi thế về giao thương đường bộ với Thái Lan, Việt Nam và các tỉnh lân cận của Lào. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, Savannakhet đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế – xã hội với nhịp độ phát triển kinh tế khá, “GDP tăng trưởng trung bình 10%/năm”2.

– Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Số lượng CBCC của Savannakhet tính đến năm 2017 là 16.136 người. Nhìn chung số lượng CBCC có trình độ cao đẳng, đại học chiếm đa số, với trên 50%; tiếp theo là đến tỷ lệ CBCC có bằng trung cấp dao động từ 23,1% – 42,6%. Nhóm có tỷ lệ thấp nhất là sau đại học với tỉ lệ số lượng CBCC dao động từ 6,5% – 11,1%3.

– Về trình độ lý luận chính trị.

Năm 2017, toàn tỉnh có 694 người có trình độ lý luận cao cấp chính trị, cử nhân chuyên ngành chính trị, chiếm 4,3%; có 4.453 có trình độ trung cấp chính trị, tương đương 27,6%. Như vậy, từ năm 2010 – 2017, số lượng CBCC có trình độ trung cấp và cao cấp lý luận ngày càng tăng, chiếm 31,9% CBCC tỉnh Sanavakhet4.

2. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức ở tỉnh Savannakhet

Xác định công ĐTBD CBCC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Sanavakhet đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện tốt công tác ĐTBD CBCC.

Mục tiêu của hoạt động ĐTBD CBCC tỉnh Sanavakhet là nâng cao kiến thức chuyên môn, năng lực quản lý, kỹ năng điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ CBCC trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đối tượng ĐTBD bao gồm CBCC đang công tác trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Hoạt động ĐTBD CBCC của tỉnh Sanavakhet hiện nay chia ra thành 2 mảng là bồi dưỡng và đào tạo.

– Về bồi dưỡng, bao gồm: (1) Bồi dưỡng về lý luận chính trị theo tiêu chuẩn quy định cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cho các chức danh công chức, viên chức và CBCC cấp xã. (2) Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước (QLNN) theo tiêu chuẩn chức danh công chức; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp QLNN, pháp luật, văn hóa công sở. (3) Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh theo các chương trình quy định cho CBCC. (4) Cập nhật và nâng cao kiến thức, năng lực hội nhập quốc tế. (5) Bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quy định; tiếng dân tộc cho CBCC công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

– Về đào tạo: đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học cho CBCC phù hợp với vị trí việc làm cho đội ngũ CBCC toàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một số kết quả đạt được khi triển khai thực hiện công tác ĐTBD CBCC trên địa bàn tỉnh Sanavakhet, như sau:

– Về bồi dưỡng lý luận chính trị: trong giai đoạn từ 2010 – 2017, toàn tỉnh đã có 376 CBCC được tham gia các khóa học bồi dưỡng lý luận cao cấp, nâng tổng số CBCC có trình độ lý luận chính trị cao cấp lên 694 người (chiếm 4,3% CBCC, năm 2017). Trung bình mỗi năm có khoảng 50 CBCC được tham gia lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cao cấp. Đối với các lớp trung cấp chính trị, nếu năm 2010 chỉ có 150 CBCC được tham dự khóa bồi dưỡng, trình độ trung cấp lý luận chính trị5, thì đến năm 2017, nhờ chính sách ĐTBD mỗi năm có khoảng 235 người được tham gia lớp bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị, nâng tổng số CBCC trình độ trung cấp lý luận chính trị 4.445 người6.

– Từ năm 2010 – 2017: tỉnh Sanavakhet phối hợp với Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào khai giảng 8 lớp cao cấp lý luận chính trị – hành chính (376 học viên, trong đó: 288 học viên đã tốt nghiệp); 58 lớp trung cấp lý luận chính trị – hành chính7. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức 15 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên và 7 lớp bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên chính. Bên cạnh đó, tỉnh đã cử 45 cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương bồi dưỡng kiến thức QLNN chương trình chuyên viên cao cấp do Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Lào tổ chức tại thành phố Viêng Chăn.

– Về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng: hằng năm, tỉnh phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho đối tượng là trưởng, phó phòng và tương đương các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã. Từ năm 2010 – 2017, tỉnh Sanavakhet đã cử 2.445 lượt cán bộ, công chức tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh.

– Đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ: bên cạnh việc ĐTBD lý luận chính trị, kỹ năng QLNN, tỉnh Sanavakhet cũng rất quan tâm đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ để chuẩn hóa đội ngũ CBCC theo tiêu chuẩn từng ngạch công chức. Đối với công tác đào tạo CBCC ở trình độ cao, như tiến sỹ, thạc sỹ, chuyên khoa I, chuyên khoa II trong và ngoài nước, tính đến tháng 12/2017 có 281 trường hợp được tỉnh cử đi đào tạo sau đại học trong nước, 18 trường hợp đi đào tạo sau đại học ngoài nước ở Việt Nam, Thái Lan, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc… và 29 trường hợp đi học đại học theo diện cử tuyển8.

Thêm vào đó, các sở, ban, ngành trong tỉnh hằng năm cũng đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm cập nhật thông tin, kiến thức về chuyên ngành, như lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cho CBCC thanh tra các cơ quan, đơn vị do Thanh tra tỉnh tổ chức; lớp dành cho công chức làm nghiệp vụ văn thư – lưu trữ…

Công tác gửi CBCC đi ĐTBD ở nước ngoài cũng được tỉnh hết sức quan tâm, đã cử nhiều lượt CBCC tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, như: Ấn Độ, Ốt-xtrây-li-a, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a…

3. Những khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực mà tỉnh Sanavakhet đã đạt được, trong công tác ĐTBD CBCC trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, đó là:

Thứ nhất, nội dung, tài liệu ĐTBD một số lĩnh vực chưa sâu, còn nặng về lý thuyết, nhẹ kiến thức thực tiễn; thiếu và yếu về rèn luyện kỹ năng, trong đó có thể kể đến phần thảo luận xử lý tình huống thực tiễn và kỹ năng thực hành của học viên trong các khóa ĐTBD chưa được quan tâm đúng mức.

Chương trình bồi dưỡng còn trùng lặp và mang tính khái quát, chung chung; việc ĐTBD đội ngũ CBCC chưa được thực hiện đồng bộ, mới chỉ đào tạo về lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ mà chưa chú trọng ĐTBD kỹ năng thực thi nhiệm vụ, công vụ.

Nội dung và thời lượng khung cho các chương trình ĐTBD liên tục thay đổi và cải cách, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng ngành, từng địa phương. Đặc biệt là chưa phù hợp với điều kiện đặc thù, tính chất, trình độ phát triển rất khác nhau của các muang/huyện trên địa bàn tỉnh.

Phương pháp giảng dạy của nhiều giảng viên còn nặng về thuyết trình, theo kiểu truyền thống: giảng viên giảng bài – học viên nghe và ghi chép khiến học viên khó tập trung lĩnh hội kiến thức; đồng thời, gây ra cảm giác nhàm chán, khô khan, ít hứng thú đối với CBCC tham gia khóa học. Mô hình giảng viên lựa chọn được phương thức truyền thụ kiến thức hai chiều giảng viên – học viên để đạt được mục đích ĐTBD CBCC của tỉnh Sanavakhet còn rất ít.

Thứ hai, sự gắn kết giữa công tác ĐTBD với việc quy hoạch, bố trí, sử dụng CBCC còn thiếu chặt chẽ; đôi khi việc cử đối tượng đi ĐTBD vẫn chưa chuẩn xác. Công tác ĐTBD có xu hướng chạy theo số lượng nhưng chưa chú trọng tới ĐTBD theo chức danh, vị trí việc làm và bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể.

Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa cử đúng đối tượng đào tạo, học chưa đúng chuyên ngành cần ĐTBD, vì thế chưa đáp ứng được nhu cầu công việc của cơ quan, tổ chức. Nói cách khác, trong xây dựng kế hoạch ĐTBD CBCC vẫn chưa đánh giá đúng nhu cầu và thực trạng năng lực, trình độ của đội ngũ CBCC. Do vậy, công tác ĐTBD nhiều khi xảy ra tình trạng được cử đi đào tạo nhưng không bố trí công việc theo chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp.

Thứ ba, hệ thống cơ sở ĐTBD CBCC của tỉnh Sanavakhet đã có nhưng chưa đủ mạnh. Cơ sở vật chất trang bị cho các cơ sở ĐTBD còn hạn chế, chưa thực sự giúp giảng viên cập nhật trang bị kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc cho CBCC.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức tại tỉnh Savanakhet

Để công tác ĐTBD CBCC của tỉnh Savanakhet đạt được các kết quả mong đợi, thiết nghĩ cần phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về ĐTBD CBCC.

Tỉnh ủy và UBND tỉnh cần quán triệt quan điểm coi ĐTBD là “Giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng và nâng cao năng lực thực thi công vụ của đội ngũ CBCC của tỉnh”. Theo đó, phải coi đầu tư cho ĐTBD CBCC là đầu tư cho phát triển; là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các đoàn thể trong cả nước nói chung và tỉnh Sanavakhet nói riêng. ĐTBD phải được thực hiện đồng bộ với đổi mới quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và thực hiện chính sách đối với CBCC; phải gắn chính sách cán bộ với chất lượng và hiệu quả công việc; là động lực khuyến khích CBCC không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao năng lực công tác.

Tỉnh cần sớm ban hành quy chế ĐTBD CBCC, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn, đối tượng cử đi đào tạo, phân công, phân cấp, hướng dẫn trình tự, thủ tục trong ĐTBD, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định. Xây dựng đề án, kế hoạch… theo từng giai đoạn, hằng năm về ĐTBD đối với đội ngũ cán bộ đương chức, cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Chú trọng đến công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Hai là, có chính sách khuyến khích CBCC học tập.

Cần tiến hành rà soát cơ chế, chính sách hiện hành của tỉnh về hỗ trợ cho CBCC đi học; sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới đáp ứng yêu cầu của công tác ĐTBD, trong đó xác định những chính sách hỗ trợ đối với cán bộ đương chức, cán bộ quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp được cử đi học, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh.

Ba là, cần đẩy mạnh phân công, phân cấp triển khai ĐTBD trên địa bàn tỉnh.

Đối với sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, cần tiến hành xây dựng kế hoạch ĐTBD CBCC thuộc thẩm quyền quản lý, hằng năm gửi về Sở Nội vụ thẩm định, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, thực hiện chế độ báo cáo lên UBND tỉnh về công tác ĐTBD.

Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình ĐTBD.

Xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình ĐTBD cần xuất phát từ việc xác định, khảo sát nhu cầu ĐTBD của đội ngũ CBCC, từ đó mới có thể lựa chọn được những nội dung kiến thức, kỹ năng cần thiết để đưa vào biên soạn chương trình ĐTBD, sao cho phù hợp với từng nhóm đối tượng CBCC.

Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phải gắn liền với việc đổi mới phương pháp dạy và học, trong đó phải chuyển dần vai trò trung tâm từ người giảng sang học viên, tức là phải thực hiện phương pháp giảng dạy, học tập theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học trong việc khai thác các kho tàng tri thức và không bị động trong tiếp thu các tri thức sẵn có, thậm chí chủ động khám phá ra những cái mới; đồng thời, phải thay đổi vai trò truyền đạt sang vai trò hướng dẫn của người giảng viên đối với học viên.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.

Cùng với hình thức gửi đi đào tạo nghiên cứu sinh, thạc sỹ theo các chuyên ngành, tăng cường tham gia tập huấn bồi dưỡng theo các chuyên đề. Hằng năm, cần đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế, tham gia các hoạt động quản lý tại các địa phương, tích lũy vốn sống thực tế, kinh nghiệm để vận dụng vào các bài giảng. Đây chính là điều kiện để chuyển từ “dạy cái giảng viên có sang dạy cái học viên cần” với phương pháp dạy học tích cực.

Đội ngũ giảng viên cần từng bước áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực gắn với phương pháp truyền thống; sử dụng, phối hợp linh hoạt các phương pháp thuyết trình, phát vấn, xử lý tình huống…

Đặc biệt, giảng viên cần áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại. Giảng viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn quá trình học tập nên rút ngắn được thời gian giảng bài, giảng viên có nhiều thời gian đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nghiên cứu các vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, mở rộng kiến thức phục vụ cho việc giảng dạy. Đồng thời, trường chính trị cấp tỉnh và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cần được trao quyền tự chủ hơn trong việc tuyển chọn đội ngũ giảng viên. Cần trao quyền hơn cho các cơ sở đào tạo chủ động trong việc chuẩn bị đội ngũ giảng viên bằng cách được phép lựa chọn nguồn, tiếp tục cho đi đào tạo ở trong và ngoài nước các chuyên ngành theo quy hoạch, kế hoạch của các cơ sở đào tạo.

Sáu là, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo.

Cần quan tâm, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học viên, như: hội trường, phòng học đa chức năng, thư viện điện tử, hệ thống máy chiếu…, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của học viên.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế.

Triển khai tốt các chương trình học bổng với các đối tác như: DAAD, CHUBU Xinh-ga-po, GE, Fulbright… đồng thời, phổ biến thông tin tới đội ngũ CBCC, khuyến khích họ tham gia vào khóa học dài hạn thông qua các kỳ thi tuyển chọn của các trường đại học trên thế giới.

Tích cực xây dựng và triển khai các học bổng đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng cho đội ngũ CBCC sang tham quan, học tập và làm việc tại các quốc gia, như Việt Nam, Xinh-ga-po, Thái Lan…

Tiếp tục phát triển các đối tác Đông Nam Á trong các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên. Chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam, Thái Lan, Cam-pu-chia, Nhật Bản dựa trên những mối quan hệ hợp tác thành công của Đại học Savannakhet với các trường, như Trường Đại học vùng Kyoto, Đại học Okayama, Đại học Champasak…

Chú thích:
1, 2.  Sở Nội vụ tỉnh Savanakhet. Báo cáo tình hình đội ngũ cán bộ, công chức năm 2017 gửi Bộ Nội vụ Lào,ngày 16/01/2018, tr. 1.
3. Sở Nội vụ tỉnh Savanakhet. Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức năm 2017 của Sở Nội vụ, ngày 05/01/2018, tr. 3.
4, 5, 6, 7, 8.  Sở Nội vụ tỉnh Savanakhet. Báo cáo kết quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức trên toàn tỉnh Savanakhet các năm từ 2010 – 2017.tr. 2, tr. 3, tr. 4.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê Sanavakhet. Niên giám thống kê của tỉnh Sanavakhet. Sanavakhet 2017.
2. Tổng cục Thống kê Lào. Số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở 2015. Viêng Chăn 2015.
3. Đinh Văn Tiến, Thái Vân Hà. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức trong tình hình mới. Tạp chí Quản lý nhà nước số 209, tháng 6/2013.
4. Nguyễn Ngọc Hiến. Hành chính công. H. NXB Thống kê, 2003.
NCS. Manivong Bongsouvanh
Học viện Hành chính Quốc gia