Vẻ đẹp ngôn ngữ diễn thuyết trong Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ Tịch

(QLNN) – Tuyên ngôn độc lập – mang âm hưởng của một áng hùng văn hào sảng đã vĩnh viễn khắc ghi vào lịch sử đấu tranh của nhân loại vì hòa bình. Cùng với sự khẳng định những giá trị to lớn về nhiều mặt, chúng ta không thể bỏ qua giá trị về mặt ngôn ngữ của bản Tuyên ngôn bất hủ này. Trong phạm vi bài viết, tác giả đóng góp thêm một sự nhìn nhận về vẻ đẹp ngôn ngữ diễn thuyết của một con người luôn ở giữa mọi người với âm vang sâu lắng từ những lời rất mực giản dị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu).

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập chính thức tuyên bố quyền độc lập, tự do bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Được tiếp nối từ cuộc Cách mạng tháng Tám quật khởi với khí thế bách chiến, bách thắng và niềm hân hoan dâng tràn của một dân tộc trải qua gần trăm năm thực dân đô hộ nay đã giành được độc lập, bản Tuyên ngôn mang âm hưởng của một áng hùng văn hào sảng đã vĩnh viễn khắc ghi vào lịch sử đấu tranh của nhân loại vì hòa bình – thời khắc vinh quang chói sáng của cả dân tộc Việt Nam; là kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Cho tới nay và có lẽ cả sau này, đã và sẽ còn nhiều bình luận về bản Tuyên ngôn Độc lập. Cùng với sự khẳng định những giá trị to lớn về nhiều mặt: chính trị, văn hóa – xã hội, văn học nghệ thuật, thì hiển nhiên người ta cũng không thể bỏ qua giá trị về mặt ngôn ngữ của bản Tuyên ngôn bất hủ này với những đánh giá trên nhiều góc độ: ngôn ngữ diễn thuyết của một nhà văn hóa lớn, một nhà quân sự thiên tài, một nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc, một vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất,…

Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn đóng góp thêm một sự nhìn nhận về vẻ đẹp ngôn ngữ diễn thuyết của một con người luôn ở giữa mọi người, sức lay động mạnh mẽ, âm vang sâu lắng từ những lời rất mực giản dị.

Giản dị là phẩm chất nổi bật ở cốt cách con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một đặc điểm tiêu biểu trong phong cách ngôn ngữ của Người. Đặc điểm này có được là do nhiều lẽ, nhưng trong đó có một nguyên nhân mà chính Người cũng đã từng nhắc nhở chúng ta: “… Phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng”1; “Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được. Vì cách nói của dân chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất giản đơn”2. Nhờ việc học tập cách nói, tiếng nói của quần chúng mà ngôn ngữ của Người luôn trong sáng, giản dị, dễ hiểu và hết sức sinh động, hấp dẫn. Sự giản dị không mâu thuẫn mà ngược lại càng tôn vinh tầm vóc vĩ đại của một vị lãnh tụ đã sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam. Điều đó đã được bộc lộ khi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Trước hết cần lưu ý rằng, Tuyên ngôn Độc lập là văn bản chính luận có ý nghĩa chính trị quốc gia và quốc tế được Hồ Chí Minh, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, diễn thuyết trên khán đài của Quảng trường Ba Đình trước hàng chục vạn công chúng trong và ngoài nước. Trong không khí vô cùng long trọng, trang nghiêm ấy, Người đã bắt đầu bằng một lời hô gọi như thông lệ của bài diễn thuyết trước công chúng:

Hỡi đồng bào cả nước!

Người dùng từ đồng bào chứ không dùng từ nhân dân, mặc dù từ nhân dân mang màu sắc hành chính, trang trọng thường xuất hiện trong những bối cảnh tương tự. Bởi lẽ, từ đồng bào, vốn đã ăn sâu trong tiềm thức nguồn cội của người dân Việt Nam, khi cất lên đã lập tức mang lại một sự truyền cảm mạnh mẽ, lay động sâu sắc tình cảm của người nghe. Đồng bào theo nghĩa gốc là “cùng một bọc”, gắn liền với truyền thuyết Trăm trứng, khơi dậy và quy tụ niềm tự hào, tình thân thương ruột thịt của muôn người Lạc Việt do cha Rồng, mẹ Tiên đã sinh ra trong cùng một bọc trứng. Chỉ một từ giản dị mà rất đỗi thiêng liêng này đã xóa bỏ khoảng cách, ranh giới giữa lãnh tụ và quần chúng nhân dân, tạo ra sự đồng cảm, mối liên kết thâm tình đầy xúc động giữa người nghe và người nói. Từ khoảnh khắc này, vị lãnh tụ vĩ đại đã đến với tất cả quần chúng nhân dân như một người thân ruột thịt.

Liền đó là cụm từ cả nước, một cụm từ thuần Việt cũng hết sức bình thường, dễ hiểu mà đằm thắm ân tình, thay vì dùng cụm từ toàn quốc vốn mang sắc thái trang trọng như thường thấy trong những văn bản chính luận có tính chất quốc gia và quốc tế. Tiếng nói của vị lãnh tụ vĩ đại đã vang thấu hàng triệu trái tim người dân chính từ những lời bình dị này.

Vào phần chính văn, mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, để nêu cơ sở pháp lý và tính chất chính nghĩa cho sự khẳng định quyền tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc của mọi dân tộc, Người đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Đây là hai văn kiện lập quốc nổi tiếng thế giới, các tuyên bố trong hai văn bản này đã được cả thế giới công nhận bởi đó là những chân lý đã được chứng minh bằng thực tế lịch sử, đã trải nghiệm bằng xương máu qua hai cuộc cách mạng dân tộc dân chủ điển hình của nhân loại.

Việc trích dẫn hai văn bản này là hết sức cần thiết và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đặc biệt, đó là một chiến thuật tài tình trong lập luận để thuyết phục thế giới và buộc dư luận của Pháp, Mỹ – những đế quốc xâm lược nước ta bấy giờ – phải công nhận chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, một vấn đề không đơn giản và không thể coi nhẹ là cần dịch các đoạn trích dẫn của hai văn bản trên như thế nào để vừa thể hiện đúng nội dung tư tưởng của văn bản gốc vừa giúp quần chúng nhân dân ta (lúc bấy giờ vốn còn rất xa lạ với ngôn ngữ và văn hóa của các nước Âu – Mỹ) cũng có thể dễ dàng hiểu được. Có lẽ vì thế, Người đã dịch từ “God” hết sức linh hoạt là tạo hóa, hay và sáng tạo hơn nhiều thay vì cách dịch sát nghĩa đen là “Chúa Trời” hay “Thượng Đế”! Từ tạo hóa vừa gần gũi, quen thuộc với tư duy ngôn ngữ – văn hóa, tâm linh người Việt, đồng thời cũng thể hiện được quan điểm của người viết theo thế giới quan duy vật biện chứng.

Như đã nêu trên, Tuyên ngôn Độc lập là tuyên bố của Nhà nước, một văn kiện chính trị của Quốc gia hướng vào đối tượng tiếp nhận rộng lớn là “Quốc dân và Thế giới”. Nội dung bố cáo rất trọng đại liên quan đến vận mệnh của Quốc gia và Dân tộc, cho nên theo chuẩn mực chung, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản trang trọng, mang tính gọt giũa, văn hóa cao. Các yếu tố được Người lựa chọn một cách đầy cẩn trọng và tỉ mỉ, lớp từ ngữ chính trị và hành chính – luật pháp được vận dụng triệt để, sự súc tích, chặt chẽ trong hành văn, câu từ, lập luận, bố cục văn bản… đều đạt đến tính khoa học mẫu mực.

Song không thể không thừa nhận vai trò của những khẩu ngữ tự nhiên, những cách ví von giầu hình ảnh rất gần gũi với lời ăn tiếng nói của người dân. Tuy chúng xuất hiện không nhiều trong văn bản, nhưng được sử dụng rất “đắt”, rất đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn, chỉ một từ cướp (bọn thực dân Pháp… đến cướp đất nước ta) đã đủ lột trần dã tâm của quân xâm lược; một từ tắm (Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu) đã hiện hình cả một thảm cảnh rùng rợn, đau thương của dân tộc và tội ác man rợ của kẻ thù. Một cụm từ quỳ gối (thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật) mà hiển lộ đầy đủ sự ươn hèn, nhục nhã của những kẻ vốn huyênh hoang cái danh đi “bảo hộ”!

Qua những từ ngữ rất “đời thường” ấy, lớp ngôn từ có khả năng “vẽ” nên những bức tranh, khuấy động mạnh mẽ các giác quan ấy, người nghe như tự mình trải nghiệm tất cả những gì người nói đang nói tới: tội ác tày trời của quân xâm lược, nỗi thống khổ tột cùng của một dân tộc nô lệ bị mất tự do… tất cả nhức nhối, hờn căm, sôi trào. Cảm xúc đã hòa quyện cùng lý lẽ, tạo nên sự sinh động, sức thu hút truyền cảm mãnh liệt cho bản tuyên ngôn bất hủ.

Thêm một chi tiết nữa cũng hết sức tự nhiên, bình dị khiến người nghe vô cùng xúc động. Đó là khi đang đọc giữa chừng bản Tuyên ngôn, Người bỗng dừng lại hỏi: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Một câu hỏi không được sắp sẵn trong văn bản chuẩn bị trước, nó được thốt lên hết sức tự nhiên từ trái tim của Người tại những cuộc đối thoại thông thường mà người nói thể hiện sự ân cần, luôn quan tâm, chú ý tới người nghe. Nhưng khi câu hỏi ấy được cất lên trong một buổi đại lễ hết sức long trọng, trang nghiêm từ vị lãnh tụ được nhân dân hằng ngưỡng vọng như một vị thánh nhân thì người nghe không khỏi ngỡ ngàng và càng nghiệm thấy một điều chí lý: Bác thật bình dị là thế và cũng thật vĩ đại là thế! Từ trên cao Bác đã “bước xuống” để cùng hòa vào muôn dân.

Và bản Tuyên ngôn của Người cũng không còn là những phát ngôn “đánh máy” trên bục diễn thuyết. Cũng thật không ngờ, hiệu ứng tâm lý từ câu hỏi rất đỗi đời thường ấy lại vô cùng mạnh mẽ. Sau phút im lặng sững sờ, cả Quảng trường Ba Đình lịch sử, cả non sông Việt Nam rộng lớn dậy lên tiếng đáp đồng thanh, đồng sức, đồng tâm: Có!

Từ đó đến nay, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng âm vang của những lời bình dị mà hết sức thiêng liêng ấy vẫn vọng mãi trong muôn triệu trái tim Việt Nam./.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 341.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011.
2. Lê Bá Miên. Những yếu tố thuộc phong cách khẩu ngữ trong văn chính luận tiếng Việt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ yếu hội thảo “Những vấn đề ngôn ngữ học: Học tập ngôn ngữ Hồ Chí Minh – Tiếng Hà Nội với ngôn ngữ và văn hóa”. H. NXB Đại học Quốc gia, 2007.
3. Nguyễn Văn Khang. Học tập tấm gương sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ gìn, phát triển nét đẹp truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn hóa thủ đô.Tạp chí Ngôn ngữ, số 5/2008.
4. Phan Mậu Cảnh. Một số cách tổ chức ngôn ngữ thể hiện tính rõ ràng, logic và biểu cảm trong văn chính luận của Hồ Chí Minh. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5/2008.
5. Tuyên ngôn Độc lập và nghệ thuật viết văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. https://sggp.org.vn, ngày 01/9/2009.
6. Đỗ Hoàng Linh. Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (giai đoạn 1941 – 1945). NXB Hồng Bàng, Gia Lai, 2013.
TS. Phạm Thị Ninh
Học viện Hành chính Quốc gia