Xây dựng khung năng lực lãnh đạo, quản lý đối với chủ tịch ủy ban nhân dân xã

(QLNN) – Phát triển năng lực cho cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt đối với chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là một trong những yêu cầu quan trọng để quản trị xã hội hiệu quả và cung cấp dịch vụ công chất lượng cao. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành những văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn, vị trí, chức danh chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp song chưa có quy định khung năng lực lãnh đạo, quản lý phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu những văn bản pháp luật có liên quan, tác giả đề xuất xây dựng khung năng lực lãnh đạo, quản lý chủ tịch Ủy ban nhân dân xã ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đoàn công tác tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu mô hình xây dựng NTM kiểu mẫu tại Quảng Ninh.
1. Năng lực và khung năng lực lãnh đạo, quản lý

Hiện nay, có khá nhiều quan niệm khác nhau về năng lực. Theo Từ điển tiếng Việt: “Năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó; là phẩm chất tâm lý và sinh lý tạo cho con người khả năng hoàn thành một loại hoạt động nào đó với chất lượng cao”1.

Với cách hiểu thông thường thì năng lực là khả năng tập hợp cùng lúc các thái độ, kỹ năng và kiến thức liên quan, cho phép một người hành động hiệu quả trong tình huống công việc cụ thể. Qua cách tiếp cận về năng lực, tác giả cho rằng: năng lực là tập hợp các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ của mỗi cá nhân, được thể hiện ra bằng hành vi/hành động và kết quả công việc, có tác động đến việc hoàn thành các nhiệm vụ của mỗi cá nhân theo từng vị trí công việc.

Về thành tố tạo nên năng lực, có thể tiếp cận lý thuyết “Bàn tay năng lực” của  Kirsten Keen – chuyên gia của tổ chức SIPU2. Theo cách tiếp cận này, năng lực của con người gồm 6 thành tố tạo thành: kỹ năng (ngón tay cái), kiến thức (ngón tay trỏ), kinh nghiệm (ngón tay giữa), thông tin và quan hệ (ngón giáp út), đạo đức và giá trị (ngón út), nhiệt huyết và đam mê (lòng bàn tay).

Quản lý nhân sự theo khung năng lực (KNL) là phương pháp quản lý năng lực theo chức danh, thường được gắn liền với 2 khái niệm: KNL – bộ tiêu chuẩn năng lực cho một vị trí và Từ điển năng lực – tập hợp các định nghĩa và thước đo năng lực thuộc các ngành nghề liên quan tới chức năng của các vị trí việc làm. KNL lãnh đạo, quản lý (LĐQL) bao gồm năng lực chung, năng lực LĐQL và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi chức vụ LĐQL cần có một KNL cụ thể đáp ứng vai trò lãnh đạo trong từng cơ quan, đơn vị.

2. Một số quy định về năng lực lãnh đạo, quản lý của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã

Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã là một vị trí LĐQL trong hệ thống chức danh LĐQL của chính quyền địa phương. Hoạt động LĐQL của chủ tịch UBND xã là quá trình tương tác giữa người LĐQL với cấp dưới trong một tình huống hay môi trường hoạt động cụ thể thông qua hệ thống các công cụ, phương pháp LĐQL.

Với năng lực LĐQL của bản thân, chủ tịch UBND xã nhận thức và chịu trách nhiệm chính trong việc quyết định những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương phù hợp với từng giai đoạn. Đồng thời, sử dụng các nguồn lực hiện có để thực hiện mục tiêu đạt kết quả cao nhất. Năng lực LĐQL của chủ tịch UBND xã chính là sự tập hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, phẩm chất cá nhân của chủ tịch UBND xã cùng với sự tương tác qua lại với cấp dưới và môi trường được thể hiện ra bằng hành vi/hành động và kết quả thực thi công vụ nhằm đạt mục tiêu quản lý nhà nước ở chính quyền cơ sở.

Theo Điều 36 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: chủ tịch UBND xã là người đứng đầu UBND xã và có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Chẳng hạn như: lãnh đạo và điều hành công việc của UBND xã, các thành viên UBND xã; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và UBND xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật…

Chủ tịch UBND xã có vai trò lãnh đạo, đồng thời cũng có vai trò quản lý. Trong vai trò lãnh đạo, chủ tịch UBND xã là người định hướng các hoạt động thực thi pháp luật; động viên, khích lệ, tạo động lực cho cán bộ, công chức (CBCC) UBND xã và nhân dân trên địa bàn xã; là người đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa công sở, phát huy truyền thống ở địa phương. Đối với vai trò quản lý, chủ tịch UBND xã sử dụng các nguồn lực (người, tiền, cơ sở vật chất, thời gian) để hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương qua sự phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Một trong những hoạt động của chủ tịch UBND xã là trực tiếp làm việc và tiếp xúc với nhân dân; trực tiếp lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương. Chủ tịch UBND xã đưa ra những quyết định, giải pháp tổ chức thực hiện; lãnh đạo toàn diện, mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội (kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…), đồng thời, trực tiếp kiểm chứng tính đúng đắn của chủ trương, giải pháp, kết quả LĐQL. Công việc của chủ tịch UBND xã là lãnh đạo tổng hợp nhiều phương diện, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thông qua đội ngũ CBCC UBND xã, giải quyết nhiều mối quan hệ phức tạp theo chiều dọc (trung ương – tỉnh – huyện – xã) và theo chiều ngang với mọi đối tượng trên địa bàn xã.

Chủ tịch UBND xã có năng lực LĐQL cao sẽ tạo ra một tổ chức có những biểu hiện tốt. Đó là: tinh thần tự quản, tính tự giác và kỷ luật lao động cao của CBCC làm việc tại công sở; bầu không khí làm việc trong công sở thân thiện, mọi người có tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ nhau; góp phần tạo nề nếp làm việc khoa học, có kỷ cương, dân chủ, tạo được sự đoàn kết và chống bệnh quan liêu, cửa quyền; các xung đột nội bộ ít xảy ra và nếu xảy ra sẽ được giải quyết thỏa đáng; tạo được niềm tin, sự hài lòng của nhân dân đối với cơ quan công quyền, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, công tác cải cách hành chính; giúp CBCC hoàn thiện bản thân, phát huy năng lực, khuyến khích họ hăng say với công việc. chủ tịch UBND xã có năng lực LĐQL ở mức độ cao thì chính quyền cơ sở hoạt động có hiệu quả cao, phục vụ người dân tốt hơn, dân hài lòng hơn.

Tuy nhiên, năng lực của chủ tịch UBND xã hiện nay cũng còn một số vấn đề cần phải xem xét. Chẳng hạn như: năng lực giải quyết các mối quan hệ LĐQL trong công vụ do ảnh hưởng của văn hóa địa phương; năng lực quản lý, điều hành yếu kém nên một số nơi UBND cấp xã không kiểm soát được tình hình, để cho thôn xóm tự đề ra quy chế, hương ước trái với quy định của pháp luật; năng lực công tác, tính chủ động trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chưa cao. Bên cạnh đó, việc giải quyết công việc còn chịu ảnh hưởng bởi mối quan hệ họ mạc, làng xóm, quen biết nên làm cho nội bộ của UBND cấp xã một số nơi mất ổn định, sinh ra bè phái, làm giảm hiệu quả điều hành và làm mất lòng tin của nhân dân.

Việc phát triển năng lực của chủ tịch UBND xã cũng gặp khó khăn nhất định. Bởi, hiện nay năng lực của chủ tịch UBND xã nói chung được phát triển chủ yếu thông qua công việc, qua kinh nghiệm; chưa được đào tạo phát triển năng lực LĐQL một cách bài bản, có hệ thống. Chính vì vậy, xây dựng KNL LĐQL của chủ tịch UBND xã ở Việt Nam hiện nay là cần thiết.

3. Một số đề xuất trong xây dựng khung năng lực lãnh đạo, quản lý của chủ tịch Ủy ban nhân dân xã hiện nay

Tại Việt Nam, KNL được chính thức ứng dụng vào khu vực công năm 2013 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Ngày 25/6/2013, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Tuy nhiên, KNL theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ chưa đưa ra cách tiếp cận tổng thể và chưa đề xuất KNL cụ thể cho công chức LĐQL cấp cơ sở. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của vị trí chức danh chủ tịch UBND xã, cùng với tiêu chuẩn năng lực của CBCC do các văn bản của Đảng, Nhà nước Việt Nam quy định, tác giả đề xuất 3 nhóm năng lực cấu thành KNL LĐQL của chủ tịch UBND xã bao gồm:

Một là, nhóm năng lực chung thể hiện quan điểm, lập trường, tố chất cá nhân trước những cơ hội và thách thức trong thực tiễn cũng như tương lai. Cụ thể: có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu; có tâm, liêm chính, trung thực, khách quan, không thiên vị; có tố chất lãnh đạo; thông minh, năng động, quyết đoán, sáng tạo; tâm huyết, yêu nghề, có trách nhiệm với công việc; nói đi đôi với làm, biết trọng dụng người tài. Có ý thức tự học hỏi không ngừng vươn lên và tôn trọng pháp luật.

Hai là, nhóm năng lực LĐQL thể hiện ở phương pháp, cách thức điều hành, xử lý tình huống như: kỹ năng nhận thức, dự đoán, xác định tầm nhìn; kỹ năng thiết lập mục tiêu, ra quyết định, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch; kỹ năng điều hành công sở, xử lý xung đột, giải quyết tình huống nóng; kỹ năng giao tiếp, động viên, thuyết phục, tạo động lực cho cấp dưới; kỹ năng tiếp công dân; kỹ năng quản lý các nguồn lực (nhân lực, vật lực), sử dụng công nghệ thông tin; kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm tra, kiểm soát.

Ba là, nhóm năng lực chuyên môn thể hiện ở tri thức, sự hiểu biết, khả năng tiếp nhận, phân tích, tổng hợp các vấn đề về xu hướng phát triển, những cơ hội và thách thức trong tương lai. Cụ thể: có kiến thức về khoa học LĐQL; trình độ lý luận chính trị; kiến thức quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; kiến thức, hiểu biết về pháp luật; kiến thức về kinh tế, quản lý đất đai, khuyến nông, quản lý doanh nghiệp; kiến thức, hiểu biết tâm lý học để biết người, dùng người, quản người;…

Mặc dù KNL LĐQL được chia 3 nhóm năng lực thành phần, song giữa các nhóm năng lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tương hỗ nhau, tạo nên một KNL LĐQL thống nhất cho vị trí chức danh chủ tịch UBND xã ở Việt Nam. Đồng thời, khi đánh giá mức độ thực trạng của mỗi thành tố năng lực ở cả 3 nhóm năng lực thành phần nên phân chia thành 5 cấp bậc: từ thấp nhất – mức độ 1 đến cao nhất – mức độ 5.

Trên cơ sở KNL LĐQL cần có của vị trí chức danh cùng với mức độ đánh giá năng lực do chính chủ tịch UBND xã tự đánh giá và CBCC cấp dưới đánh giá sẽ cho biết thực trạng năng lực LĐQL của chủ tịch UBND xã hiện ở mức độ nào, những năng lực nào còn thiếu. Từ đó, họ có phương hướng đào tạo, bồi dưỡng và tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nhằm nâng cao năng lực LĐQL. Bằng phẩm chất và năng lực LĐQL (tâm – tầm – tài), chủ tịch UBND xã sẽ tạo được ảnh hưởng tích cực đến CBCC và người dân, tổ chức tốt các quá trình xã hội và cung cấp dịch vụ công có chất lượng cao nhất cho người dân địa phương, làm cho dân tin và tự nguyện tham gia vào quá trình quản trị xã hội. Đồng thời, tạo nên văn hóa công sở tích cực thông qua thái độ trách nhiệm trước công việc của chủ tịch UBND xã cũng như cải thiện bầu không khí làm việc, tăng cường tính kỷ cương trong hoạt động công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở./.

Chú thích:
1. Từ điển tiếng Việt. H. NXB Từ điển Bách khoa, 2010, tr. 656.
2. SIPU là một trong 4 tổ chức quốc tế tham gia thiết kế và giảng dạy trong chương trình đào tạo Thạc sỹ Quản lý công liên kết giữa Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội với Đại học Uppsala (Thụy Điển).
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
3. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
ThS. Hà Thị Thoa
  Học viện Hành chính Quốc gia