(QLNN) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa đã khiến ngoại ngữ không chỉ giữ vai trò là công cụ giao tiếp thông thường mà còn được nâng lên như một năng lực, phẩm chất cần thiết của con người Việt Nam hiện nay nói chung, của cán bộ, công chức nói riêng. Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, làm việc trong môi trường quốc tế hiệu quả, đòi hỏi cán bộ, công chức bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn phải đáp ứng được tiêu chuẩn và phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ năng lực về ngoại ngữ.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc dạy và học ngoại ngữ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008 phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” với mục tiêu: “Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo; cụ thể đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là đến năm 2020, 40% cán bộ, công chức, (CBCC) viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Năm 2025, tỷ lệ tương ứng là 60% và 40%”1.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, trình độ, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ CBCC của chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu: “Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế”2.
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém về trình độ, năng lực ngoại ngữ của đội ngũ CBCC, việc hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ cũng như về đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC có ý nghĩa hết sức quan trọng.
1. Quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực ngoại ngữ và đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức
+ Về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức
Tiêu chuẩn, trình độ, năng lực ngoại ngữ đối với CBCC được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật CBCC năm 2008; Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức (NCC) của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/ 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số qui định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng NCC, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam… và các văn bản quy định về chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các NCC.
Về tiêu chuẩn ngoại ngữ, đối với từng NCC tương ứng với từng tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ đào tạo tiếng dân tộc thiểu số do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp đối với công chức đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể: bậc 1 – ngạch cán sự và tương đương; bậc 2 – ngạch chuyên viên và tương đương; bậc 3 – ngạch chuyên viên chính và tương đương; bậc 4 – ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương.
Về thi môn ngoại ngữ khi tuyển dụng và nâng NCC, pháp luật quy định: công chức có chứng chỉ ngoại ngữ theo đúng quy định, đồng thời còn phải thi môn ngoại ngữ khi thi tuyển và thi nâng NCC. Môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm được thực hiện bằng hình thức thi trên máy vi tính gồm 30 câu hỏi, thời gian thi 30 phút. Nội dung thi ngoại ngữ là một trong năm thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, hoặc ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định. Đối với vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn là ngoại ngữ thì người dự tuyển không phải thi ngoại ngữ tại vòng 1. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cho phép miễn phần thi ngoại ngữ (vòng 1) đối với các trường hợp cụ thể theo quy định.
Như vậy, đối với thi tuyển công chức; thi nâng NCC, người dự thi đều phải thi môn ngoại ngữ là môn điều kiện và phải trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên mới đủ điều kiện dự thi vòng 2. Quy định này bảo đảm cho công chức, đáp ứng yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ của vị trí việc làm. Thực hiện việc thi nghiêm túc, khách quan, góp phần xây dựng đội ngũ công chức có khả năng thực hiện nhiệm vụ hiệu quả trong môi trường làm việc quốc tế.
+ Về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đối với cán bộ, công chức
Về cơ sở pháp lý, ĐTBD ngoại ngữ đối với CBCC được quy định chủ yếu trong các văn bản như: Luật CBCC năm 2008; Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCC, viên chức; Thông tư số 01/2018/TT-BNV ngày 08/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về ĐTBD CBCC, viên chức.
Về nội dung quy định, đào tạo ngoại ngữ được quy định chung trong đào tạo CBCC với yêu cầu thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo, phù hợp với kế hoạch ĐTBD, đáp ứng quy hoạch nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị. Nội dung bồi dưỡng CBCC được quy định tại Điều 16 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về ĐTBD CBCC, viên chức; loại hình tổ chức bồi dưỡng đối với ngoại ngữ gồm: tập trung, bán tập trung, từ xa; phương pháp bồi dưỡng: bằng phương pháp tích cực phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên.
2. Đánh giá hệ thống các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ và về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ, công chức
Hệ thống các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ và về ĐTBD ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC được ban hành tương đối đầy đủ, từ quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với từng NCC, thi ngoại ngữ trong thi tuyển công chức, thi nâng NCC, ĐTBD ngoại ngữ cho CBCC. Quy định tiêu chuẩn về trình độ, năng lực ngoại ngữ cho từng NCC, với mô tả về trình độ ngoại ngữ của từng bậc, tương ứng với từng loại chứng chỉ ngoại ngữ quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT khá phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của các NCC, đáp ứng được yêu cầu cơ bản của thực thi nhiệm vụ, làm việc trong môi trường quốc tế.
Hình thức, nội dung môn thi ngoại ngữ khi thi tuyển công chức, nâng NCC được quy định chi tiết, cụ thể, thuận lợi cho việc thực hiện thống nhất trong thực tế. ĐTBD ngoại ngữ cho đội ngũ CBCC được quy định chung đối với hoạt động ĐTBD CBCC, viên chức từ nội dung, phương pháp hình thức, đánh giá kết quả bồi dưỡng… và khá đầy đủ.
Bên cạnh những ưu điểm thì hệ thống các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ và về công tác ĐTBD ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC trong thực tế còn tồn tại những điểm hạn chế. Cụ thể như:
Thứ nhất, chưa quy định tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với chức danh cán bộ mặc dù đội ngũ này đảm nhiệm hoạt động lãnh đạo, quản lý, có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta.
Thứ hai, thi tuyển công chức cũng như thi nâng NCC, môn ngoại ngữ thi trắc nghiệm với 30 câu hỏi chưa thể kiểm tra được toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc viết, nhất là kỹ năng nghe, nói rất quan trọng trong sử dụng ngoại ngữ.
Thứ ba, quy định về ĐTBD ngoại ngữ cho CBCC chưa thể hiện được tính đặc thù của ĐTBD loại kiến thức này bên cạnh những điểm chung với ĐTBD các loại kiến thức khác cần thiết với đội ngũ CBCC.
Ngoại ngữ được coi là một bộ phận của học vấn, là phương tiện giao tiếp trong đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, đòi hỏi đội ngũ CBCC, viên chức phải làm việc trong môi trường quốc tế. Để đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, làm việc trong môi trường quốc tế hiệu quả, đòi hỏi CBCC bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn phải đáp ứng được tiêu chuẩn, và phải được thường xuyên được ĐTBD nhằm nâng cao trình độ năng lực về ngoại ngữ. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ cũng như về ĐTBD ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC có ý nghĩa hết sức quan trọng.
3. Giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ và chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ,công chức
Để hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ và nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTBD ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC, cần thực hiện các giải pháp sau:
Một là, cần quy định về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC, cụ thể là đối với từng chức danh cán bộ trong các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng và các đoàn thể quần chúng như đối với công chức. Trong đội ngũ CBCC, cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến cơ sở có vai trò quan trọng trong việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Việc quy định tiêu chuẩn phù hợp về ngoại ngữ làm cơ sở để bảo đảm các cán bộ có khả năng đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong giai đoạn hiện nay khi mà công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời, quy định tiêu chuẩn về trình độ, năng lực ngoại ngữ đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý phải cao hơn so với các vị trí, chức danh công chức khác. Bởi hơn ai hết, họ là những người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị có tầm ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ công chức và lãnh đạo, quản lý. Giỏi ngoại ngữ cũng có nhiều thuận lợi cho riêng cá nhân và tập thể đơn vị khi CBCC có cơ hội tiếp xúc, làm việc với người nước ngoài.
Hai là, quy định về thi ngoại ngữ khi tuyển dụng công chức, nâng NCC cần phù hợp với đặc thù của kiến thức ngoại ngữ. Thực hiện tốt theo nội dung Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 15/01/2019). Trong đó, vận dụng triệt để những điểm mới trong nội dung, hình thức, quy trình thi tuyển và xét tuyển nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng, gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng công chức và theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Bởi thực tế, không ít CBCC đỗ kỳ thi tuyển và thi nâng NCC nhưng vẫn không giao tiếp, làm việc được với người nước ngoài. Cần thi đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để bảo đảm phản ánh chính xác trình độ, năng lực ngoại ngữ của thí sinh.
Ba là, tăng cường kiểm tra giám sát đối với việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ tại các đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Tiến tới thực hiện giao kiểm định chất lượng đầu vào công chức (trong đó có ngoại ngữ) cho một cơ quan đủ năng lực để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khách quan trong tuyển dụng công chức.
Thực hiện tốt chủ trương của Đảng về việc tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng: “Thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực”3.
Bốn là, cần thống nhất quy định về thời hạn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong các cơ quan, đơn vị tại văn bản pháp luật cụ thể. Không nên để từng cơ quan, đơn vị quyết định về thời hạn, hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ như hiện nay. Cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định: “Thời hạn hiệu lực của chứng chỉ ngoại ngữ do cơ quan, đơn vị sử dụng chứng chỉ quyết định tùy theo mục đích, yêu cầu của từng công việc cụ thể”. Năng lực và trình độ ngoại ngữ của một người có thể tăng lên hoặc mai một theo thời gian. Nếu quy định rõ thời hạn hiệu lực của chứng chỉ sẽ thúc đẩy CBCC thường xuyên trau dồi ngoại ngữ cũng như có ý thức tích cực tham gia ĐTBD về ngoại ngữ.
Năm là, xây dựng, thực hiện cơ chế tổ chức ĐTBD linh hoạt, tạo điều kiện để cơ quan quản lý, sử dụng CBCC và bản thân CBCC có cơ hội được lựa chọn dịch vụ ĐTBD ngoại ngữ có chất lượng; đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở ĐTBD ngoại ngữ chủ động nâng cao hiệu quả ĐTBD ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương pháp ĐTBD ngoại ngữ. Đa dạng hóa các hình thức ĐTBD phù hợp với điều kiện, môi trường làm việc của đội ngũ CBCC. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển các giải pháp học ngoại ngữ trực tuyến cho CBCC. Đồng thời, chú trọng việc đưa CBCC trong diện quy hoạch nguồn đi ĐTBD ở các nước có nền hành chính tiên tiến để kết hợp đào tạo kiến thức chuyên môn sâu với nâng cao năng lực và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ làm việc trong môi trường quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đòi hỏi đội ngũ CBCC phải làm việc trong môi trường quốc tế có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nước ngoài từ cấp cao đến cấp thấp, từ song phương đến đa phương, từ chính thức đến phi chính thức… Ngoại ngữ của CBCC được coi là một bộ phận của học vấn, là phương tiện giao tiếp với các nước và các tổ chức quốc tế, thể hiện quá trình hội nhập quốc tế cũng như khẳng định vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam trước thế giới. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn, trình độ ngoại ngữ đối với đội ngũ CBCC thực hiện nhiệm vụ trong môi trường quốc tế là việc làm cần thiết hiện nay./.