Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã trao đổi với báo chí về quyết tâm cải cách TTHC, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ trong thời gian qua.
Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, trong thời gian qua, quyết tâm cải cách TTHC cũng như cắt giảm điều kiện kinh doanh được thực hiện một cách mạnh mẽ. Là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, với “cả rừng thủ tục” đã tồn tại từ bao năm nay, khi bắt đầu công việc này, Bộ trưởng có gặp khó khăn gì không?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đúng là khi Thủ tướng giao nhiệm vụ này thì đây là vấn đề rất lớn. Ban đầu khi thành lập Tổ công tác của Thủ tướng, chúng tôi cũng chỉ mới tập trung cho việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhưng bắt đầu từ tháng 7/2017, trên cơ sở tiếp cận với các hiệp hội, ngành hàng thì chúng tôi thấy rừng thủ tục đã bó rễ, đã được tích lũy nhiều năm rồi nên giờ phải xem xét, tháo gỡ. Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng, nếu cải cách tốt thủ tục và môi trường kinh doanh thì đây sẽ là sân chơi rất tốt cho doanh nghiệp trong và ngoài nước có điều kiện phát triển, cũng chính là tạo dư địa cho tăng trưởng. Vì thế, tháng 7/2017, bắt đầu Tổ công tác đi sâu vào vấn đề kiểm tra, đôn đốc, đi sâu vào cắt bỏ các điều kiện kinh doanh.
Trong 3 năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã tiến hành trên 70 cuộc kiểm tra tại 24 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 20 địa phương, trong đó có nhiều bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra từ 2-3 lần.
Và đến nay, cải cách trong nhiệm kỳ này cũng là đột phá. Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành 22 nghị định cắt giảm điều kiện kinh doanh với tổng số 3.645/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt 6.776/9.926 thủ tục chuyên ngành và đã bỏ 30/120 bộ TTHC liên quan kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm, đơn giản hóa.
Khi Ngân hàng Thế giới đánh giá về cải cách năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho một lô hàng giảm 19 USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương với hơn 4.000 tỷ đồng thủ tục thông quan. Tiết kiệm được trên 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu khi giảm từ 58 giờ xuống 55 giờ; tiết kiệm được trên 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu…
Thời gian qua, chúng ta đã cải cách rất quyết liệt, đây là những điểm được đánh giá tốt. Các chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh và các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao cải cách của Việt Nam.
Từng trực tiếp đi kiểm tra nhiều cơ quan đơn vị và địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, có câu chuyện nào về cải cách khiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhớ nhất và coi đó là động lực để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Có câu chuyện ngay trước thời điểm Tết Nguyên đán năm 2019, vào dịp Tết ông Công ông Táo, tôi thấy doanh nghiệp nhắn tin liên tục là giờ tình hình căng lắm, phế liệu nhập về cảng không thông quan, trong khi đó các nhà máy lại thiếu nguyên liệu.
Thời điểm đó tôi đang tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công tác tại nước ngoài, ngày 22/12 âm lịch về nước thì chúng tôi quyết định xuống cảng Hải Phòng ngày 24/12 âm lịch. Lúc đó hơn 24.000 container đang nằm tại Hải Phòng, trong đó có các ngành hàng dệt, nhựa, giấy… trong khi các ngành đang thiếu nguyên liệu.
Sau khi kiểm tra, Tổ công tác báo cáo với Thủ tướng để hủy bỏ Thông tư 01 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy trình kiểm tra phế thải nhập cảng. Việc hủy bỏ Thông tư này để tháo gỡ khó khăn được doanh nghiệp đánh giá là cho doanh nghiệp một món quà ăn Tết, là động lực quan trọng để chuẩn bị sau Tết doanh nghiệp làm việc. Tôi nhớ mãi cuộc kiểm tra ấy.
Hay như câu chuyện khi chúng tôi đi xuống Bình Phước, cả đoàn công tác xuống xem dự án Minh Hưng – Đồng Lương mà 11 năm cũng không tháo gỡ được. Tôi về báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng quyết định luôn cách tháo gỡ cho doanh nghiệp, cởi trói cho doanh nghiệp và giờ họ phát triển bình thường.
Chúng tôi có rất nhiều ấn tượng và những cái đáng nhớ nhưng mình làm được gì mà thấy doanh nghiệp và người dân đánh giá cởi trói được thì đây là niềm vui mang lại cho Tổ công tác chúng tôi.
Thủ tướng quyết liệt, các Bộ trưởng cũng không thể đứng ngoài cuộc”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã từng nhấn mạnh như vậy, vậy sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra động lực cũng như áp lực như thế nào xuống VPCP cùng các cơ quan thuộc Chính phủ?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Khi người đứng đầu Chính phủ có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trong xử lý thì các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các tư lệnh ngành không thể đứng ngoài cuộc được.
Khi Thủ tướng đã quan tâm lĩnh vực nào thì lĩnh vực đó sẽ khác rất nhiều, ngay từ cách nhìn, hoạch định hay thực thi các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đều gợi mở hướng đi và cách làm, lựa chọn để tạo ra sự hiệu quả cao nhất. Thủ tướng đã có tinh thần quyết liệt như vậy thì các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ không có sự né tránh, chậm trễ hay ỷ lại, thờ ơ, thiếu trách nhiệm được.
Người đứng đầu Chính phủ có sự quan sát và tổng hợp, đánh giá rất rõ ràng, nếu như có bộ, ngành nào có khiếm khuyết là Thủ tướng cũng nhắc, ngay cả gặp riêng, gọi điện thoại, trao đổi bằng văn bản hay công khai trong phiên họp Chính phủ. Như vậy thì không thể có Bộ trưởng nào chần chừ hay đứng ngoài cuộc được.
Dù đã rất nỗ lực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá như thế nào khi nhiều doanh nghiệp, người dân khi được hỏi vẫn mong đợi nhiều hơn ở kết quả cải cách của Chính phủ trong thời gian tới?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tôi cho rằng mong muốn của người dân, doanh nghiệp là rất đúng, rất chính đáng. Chúng ta đã cải cách rất nhiều nhưng để khẳng định đáp ứng được kỳ vọng của người dân doanh nghiệp hay chưa thì tôi cho rằng thực sự là chưa.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả mới trong cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, TTHC, điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp và vẫn là rào cản cho doanh nghiệp. Còn tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh này nhưng lại quy định thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác hoặc chỉ mang tính hình thức. Cá biệt có tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng chuyển, lồng ghép vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Cải cách cả một quá trình, nhiều vấn đề ăn sâu, tạo ra những bó buộc từ xây dựng thể chế, chính sách. Cải cách là việc chúng ta phải làm thường xuyên nên không có gì nản lòng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa hương quyết tâm thực hiện.
Để việc rà soát, cắt giảm quy định, TTHC, điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành ngày càng thực chất, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch cắt giảm các quy định liên quan đến hoạt động doanh nghiệp giai đoạn 2020-2025, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc khi ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ một văn bản cũ và phải giảm chi phí thực hiện. Bên cạnh đó, đột phá trong cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế. Phát huy hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận phản ánh, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ vướng vắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Còn 1 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ để bước sang nhiệm kỳ mới, VPCP sẽ thực hiện nhiệm vụ như thế nào để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề cải cách?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Với trách nhiệm là cơ quan giúp việc cho Chính phủ mà trực tiếp là cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, với tâm huyết của Thủ tướng và thông điệp của Thủ tướng trong nhiệm kỳ này, tôi cho rằng VPCP đã tham mưu, giúp việc tích cực cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề cải cách. Cải cách này thể hiện mang tính thực chất. Đó là mình phải dám đương đầu với những bất hợp lý để thúc đẩy cho tăng trưởng.
VPCP sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu, rà soát để cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành; những vấn đề chồng chéo trong vấn đề về quản lý Nhà nước; vấn đề liên quan sự tham gia tháo gỡ cho người dân doanh nghiệp, những vấn đề giúp cho Thủ tướng để đôn đốc các nhiệm vụ, đôn đốc, kiểm tra, phối hợp, điều phối để tháo gỡ để đôn đốc các nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng giao.
Nhiệm vụ này tiếp tục cần sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để cùng làm tốt vai trò, trách nhiệm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đức Huy
Nguồn: VPQH