Trang chủ Phỏng vấn nhà quản lý

Khát vọng về một Việt Nam hùng cường

(QLNN) – Năm 2019, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực đã góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng. Sang năm 2020, động lực tăng trưởng kinh tế dần được cải thiện qua các năm cả từ phía cung và phía cầu, dần trở thành những yếu tố nền tảng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI)

Hòa vào không khí mừng Đảng, mừng xuân mới, bên thềm Tết Canh Tý 2020, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản về những triển vọng và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Bộ, của ngành trong năm mới.

Tiếp tục củng cố chất lượng tăng trưởng, duy trì nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Phóng viên (PV): Năm 2019, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng rực rỡ. Nhiều tổ chức quốc tế, trong nước và các chuyên gia cũng đánh giá kinh tế nước ta năm 2019 đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ. Là người đứng đầu ngành kế hoạch – đầu tư, Bộ trưởng ấn tượng với thành tựu nào nhất trong năm qua?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Không thể phủ nhận những thành tựu vượt trội của nền kinh tế nước ta trong năm qua, nhất là mức tăng trưởng đạt hơn mục tiêu kỳ vọng với chỉ số 7,02%. Có nhiều thành tựu đáng chú ý, trong đó phải kể đến việc duy trì nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khá cao (mức cao do Quốc hội giao), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao của khu vực và thế giới; củng cố và mở rộng các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ đến là chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn; trong bối cảnh khó khăn các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực; sản xuất công nghiệp tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực tăng trưởng kinh tế; nông nghiệp phát triển ổn định, trong đó xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc; khu vực dịch vụ duy trì đà tăng khá cao.

Tiếp đó là môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường và các nguồn lực, phát huy tinh thần khởi nghiệp, phát triển mạnh mẽ các mô hình đổi mới, sáng tạo, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam lần đầu tiên vươn lên trong nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2018), xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).

Song song là phát triển kinh tế đi đôi với phát triển các lĩnh vực xã hội. Việc thực hiện thành công 2 mục tiêu vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội,… góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Đồng thời, vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định và nâng cao, ngày càng giành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích của đất nước.

PV: Vậy Bộ trưởng lý giải ra sao về nguyên nhân của những thành tựu kinh tế nói trên?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thực chất, nguyên nhân của các kết quả được phân tích đầy đủ trong Báo cáo của Chính phủ. Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh 3 nguyên nhân chủ yếu, bao gồm:

Thứ nhất, phải kể đến yêu tố đầu tiên là từ việc kiên quyết, kiên trì bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; kế thừa và phát huy những thành tựu to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đã đạt được trong 3 năm 2016, 2017 và 2018.

Thứ hai, không thể không nhắc tới sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả hơn của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đáp ứng mong đợi của xã hội.

Thứ ba, đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Việt Nam nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, tranh thủ được các cơ hội mang lại trong quá trình hội nhập và hạn chế những rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình phát triển đất nước.

PV: Thưa Bộ trưởng, vẫn phải thẳng thắn thừa nhận bên cạnh thành tựu, chúng ta vẫn còn không ít thách thức, hạn chế? Theo quan sát của Bộ trưởng, là tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, theo ông, chúng ta còn những thách thức và khó khăn nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng vậy, bên cạnh các kết quả đạt được về kinh tế xã hội năm 2019 thì nền kinh tế nước ta vẫn còn có những tồn tại, hạn chế đã được Chính phủ chỉ ra trong các báo cáo, một số vấn đề tích tụ, tồn đọng từ lâu, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được. Nổi lên là:

Một là, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy đạt được một số kết quả nhưng đang bị hạn chế bởi hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển của đất nước còn chưa tốt… Mô hình tăng trưởng hiện nay chưa là động lực để tạo phát triển bứt phá, đưa kinh tế nước nhà tiến nhanh, tiến kịp các quốc gia trên trường quốc tế và khu vực.

Hai là, cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng đi sâu vào thì vẫn còn có những yếu tố thiếu bền vững.

Ba là, kết quả thực hiện các đột phá chiến lược mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn hạn chế, không theo kịp yêu cầu phát triển, tác động trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội của đất nước giai đoạn 2016-2020;

Bốn là, những hạn chế, yếu kém về mặt văn hóa và con người đang cản trở sự phát triển đất nước như: tình trạng tha hóa đạo đức, tệ nạn xã hội, những vi phạm trong một số lĩnh vực xã hội đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn, cần phải được quan tâm, ưu tiên giải quyết trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật và bảo đảm tính nghiêm minh trong quá trình thực thi;

Năm là, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, sạt lở bờ sông, ven biển ngày càng xảy ra nghiêm trọng, quản lý môi trường tại các đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông còn tồn tại, hạn chế.

Có thể thấy, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên là không đơn giản, cần có sự kết hợp giữa những giải pháp ngắn hạn và dài hạn trong thời gian tới và cần có những giải pháp căn cơ và có sự phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc cùng sự đồng thuận, chung tay của toàn thể nhân dân để cùng khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí, bản lĩnh, khát vọng con người Việt Nam để vượt lên khó khăn, thực hiện thành công kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016-2020, tạo đà xây dựng đất nước phát triển, giàu mạnh và thịnh vượng trong những năm tới, thể hiện khát vọng hùng cường của dân tộc ta.

“Khơi thông điểm nghẽn – Giải phóng nguồn lực – Hành động hiệu quả”

PV: Bước sang năm 2020, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 6,8%. Theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực cho năm 2020?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhìn chung từ đầu nhiệm kỳ, tình hình kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản duy trì ổn định, lạm phát thấp, thu nhập tăng, tầng lớp trung lưu tăng đã tiếp tục duy trì, củng cố tổng cầu và sức mua tích cực cho nền kinh tế.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả tích cực đã góp phần cải thiện chất lượng tăng trưởng thể hiện qua: i) việc cơ cấu lại ngành, lĩnh vực đạt kết quả khích lệ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng cao, công nghiệp chế biến chế tạo là đầu tàu phát triển, xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ mới, hiện đại, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; ii) tăng trưởng giảm dần dựa vào khai khoảng và tăng trưởng tín dụng; đóng góp của TFP hằng năm trên 40%, cao hơn giai đoạn trước (33,58%), vượt mục tiêu đề ra (30-35%); iii) năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm vượt mục tiêu 5 năm là 5,5%/năm.

Qua đó cho thấy, động lực tăng trưởng kinh tế dần được cải thiện qua các năm cả từ phía cung và phía cầu, dần trở thành những yếu tố nền tảng thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Năm 2020 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, rủi ro gia tăng, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh ngày càng phức tạp, gay gắt. Với độ mở kinh tế lớn, các tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đến kinh tế trong nước nhanh và mạnh hơn.

Tuy nhiên, với những biện pháp đề ra tập trung vào các nhiệm vụ, như: Quyết liệt đổi mới và cải cách hiệu quả hơn nữa để khơi thông thể chế, nguồn lực cho phát triển; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh; tập trung giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phấn đấu hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò đầu tàu của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn;… sẽ giúp cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực.

Bên cạnh đó, với nền tảng vĩ mô ổn định, với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và sự nỗ lực không ngừng của các cơ quan để cải cách, đổi mới, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, là điều kiện thuận lợi khuyến khích các thành phần kinh tế phấn khởi, gia tăng đầu tư, sản xuất, tạo ra những năng lực mới tăng thêm cho nền kinh tế.

Trên tinh thần này, riêng với hoạt động xúc tiến đầu tư, Bộ xác định phương châm “Khơi thông điểm nghẽn – Giải phóng nguồn lực – Hành động hiệu quả”. Thời gian qua, trong việc hoạch định chính sách và việc thực thi, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và luôn cập nhật các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng và kính chúc Bộ trưởng nói riêng và ngành kế hoạch đầu tư nói chung một năm mới an khang, thịnh vượng!

Lê Giang
(Nguồn: dangcongsan.vn)