Công tác quản lý nhà nước trong phòng chống dịch nCoV hiện nay

(QLNN) – Trong mọi hoàn cảnh, trước diễn biến bất thường của dịch bệnh hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều khẳng định tinh thần bàn tiến chứ không bàn lùi, chủ động, sáng tạo, đề ra các giải pháp phù hợp với mục tiêu là biến nguy thành cơ, biến bại thành thắng, vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển vững chắc, tạo dựng niềm tin và đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, trước tác động của dịch vi rút Corona mới (nCoV) đối với việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 05/01, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đã thành lập các đội phản ứng nhanh để chống dịch nCoV thì chúng ta cũng phải phản ứng nhanh về kinh tế, tài chính, sản xuất để bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh. Vì vậy, cần phải có một tinh thần thép để thích ứng, để “biến bại thành thắng”, vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phát triển, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn cần có niềm tin, có sự đồng thuận của xã hội và một sức mạnh tổng hợp

Quốc tế đánh giá về tình hình dịch nCoV là khá nghiêm trọng. Dịch nCoV có tác động trực tiếp đến Việt Nam làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, hàng điện thoại các loại và linh kiện; lượng khách quốc tế giảm mạnh, trong đó, khách Trung Quốc không được cấp visa đến Việt Nam trong thời gian có dịch; hoạt động vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Dịch bệnh cũng tác động gián tiếp đến các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư, trong đó tác động lên ngành Nông nghiệp là nặng nề nhất, đặc biệt là nhóm hàng rau quả, nông sản, thủy sản là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách nhà nước, thị trường chứng khoán, lao động, việc làm, đời sống, sinh hoạt và tâm lý của người dân.

Để ứng phó với dịch bệnh, ổn định sản xuất – kinh doanh, bảo vệ sức khỏe và tâm lý người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị 02 nhóm giải pháp chủ yếu.

Một là, trong giai đoạn phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, các bộ, ngành và địa phương cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan rộng và tiến tới dập dịch thành công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và số 06/CT-TTg; chú trọng truyền thông, khuyến cáo cách phòng, chống dịch bệnh nhằm nâng cao hiểu biết, ổn định tâm lý của người dân; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thất thiệt, thiếu chính xác, nhất là trên môi trường mạng để củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng lòng, tham gia phòng, chống, kiểm soát thành công dịch bệnh.

Hai là, giai đoạn sau khi kiểm soát, dập dịch bệnh thành công, cần tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, ổn định giá cả hàng hóa, ổn định đời sống nhân dân và thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giáp pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chủ động ứng phó với từng tình huống

Dịch bệnh khởi phát từ Trung Quốc, là nước có chung biên giới trên bộ, trên biển và quan hệ hợp tác, giao thương trên nhiều mặt (thương mại, đầu tư, du lịch, xuất nhập cảnh…) với mức độ và quy mô lớn nên Việt Nam khó tránh khỏi những tác động cả trực tiếp và gián tiếp, trên diện rộng của dịch. Mức độ tác động của dịch nCoV tới các mặt của nền kinh tế phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch và dự báo sẽ là nghiêm trọng.

Bộ Công Thương dự kiến nhiều kịch bản để ổn định và phát triển ngành xuất – nhập khẩu của Việt Nam. Trong trường hợp dịch sớm được kiểm soát trong ngắn hạn (dưới 3 tháng), dự kiến trong quý I/2020, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 400 triệu USD đến 600 triệu USD, tương đương mức giảm khoảng 5-8%, tùy theo diễn biến của dịch. Bộ Công Thương kiến nghị, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ, biện pháp, giải pháp ứng phó tương ứng với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan trong thời gian tới. Trong đó, theo dõi, đánh giá thường xuyên tình hình thị trường để xây dựng kịch bản, tham mưu phương án sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, sức mua thực phẩm, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế dùng cho công tác phòng, chống lây nhiễm dịch tăng đột biến do người tiêu dùng Trung Quốc lo ngại thiếu hụt, tăng cường mua sắm, tích trữ đề phòng hoặc giai đoạn sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tăng trưởng về tiêu dùng, mua sắm hồi phục nhanh.

Cần bình tĩnh và chủ động, có những giải pháp triển khai cả trong ngắn hạn và dài hạn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo dịch viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông – lâm – thủy sản hai nước. Theo đánh giá ban đầu, tình hình sản xuất nông nghiệp các ngành thủy sản, gỗ, rau quả, gạo, nhất là ngành hàng rau quả (trong đó đối tượng chính là một số loại trái cây như thanh long ruột đỏ, dưa hấu) sẽ bị ảnh hưởng trực diện từ các diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp từ Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ động có những giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Về phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, Bộ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công Thương các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản. Tập trung chỉ đạo phối hợp với các địa phương, nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

Chưa điều chỉnh các chỉ tiêu điều hành tiền tệ

Trước tình hình của dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, công tác điều hành chính sách tiền tệ không chủ quan nhưng cũng không nên xử lý “nóng vội” (như khuyến cáo của IMF), cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch bệnh và các tác động đến kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước để có biện pháp đối phó phù hợp.

Hiện chưa có các thống kê chính xác về tác động của dịch bệnh lên kinh tế, lạm phát trong khi thị trường tiền tệ vẫn khá ổn định, do đó chưa nên điều chỉnh các chỉ tiêu điều hành. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát định hướng điều hành tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2020 nhằm kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát các diễn biến, căn cứ trên các thông tin thống kê chính thức để có đánh giá kỹ hơn về tác động của dịch bệnh và triển vọng lạm phát, tăng trưởng, điều chỉnh quan điểm điều hành nếu cần.

Để phòng, chống dịch bệnh đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo dự báo, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút nCoV gây ra sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân tập trung phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc”, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; không chủ quan, lơ là, đồng thời không hoang mang; tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, chủ động ứng phó bằng các giải pháp phù hợp, toàn diện các lĩnh vực, không để dịch lan rộng, chấp nhận các thiệt hại về kinh tế song cần chủ động có phương án ứng phó, bảo đảm ổn định, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế.

Phun khử trùng xe trước khi vận chuyển người bệnh tới khu cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Báo Nhân dân

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, sẵn sàng chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp về y tế theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly y tế, sàng lọc và điều trị, tập huấn chuyên môn trên toàn hệ thống, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo. Chỉ đạo và có hỗ trợ cần thiết để các tỉnh biên giới tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có nhiều người thường xuyên qua lại biên giới; phát hiện và có giải pháp kịp thời đối với các trường hợp có biểu hiện cúm, ho sốt…

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì cùng các địa phương bố trí các địa điểm cách ly tập trung. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo tập trung sản xuất khẩu trang và các loại vật tư thiết yếu phòng, chống dịch.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định (Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh) đưa giường bệnh vào khu vực Bệnh viện dã chiến. Ảnh: TTXVN

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội đang diễn ra tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; các khu di tích, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp liên quan có lao động Trung Quốc cách phòng ngừa dịch bệnh.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh động viên người lao động nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH JY Hà Nam.

Bộ Tài chính chỉ đạo cho phép giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu và thực hiện nghiêm việc kiểm dịch hàng hóa bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định.

Bộ Tài chính ban hành quyết định công bố danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCoV gây ra. Theo đó, từ ngày 7/2 cho đến ngày cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch, các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu gồm: khẩu trang y tế; nước rửa tay khô sát trùng; nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế (gồm vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun, thanh nẹp mũi); nước sát trùng; bộ trang phục phòng, chống dịch (gồm quần áo, kính, mũ bảo hộ, giày, găng tay, khẩu trang y tế) và các vật tư y tế cần thiết khác. Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, bảo đảm việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020, bảo đảm tập trung ứng phó với dịch bệnh, đồng thời đề xuất các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp giảm thiểu tác động bất lợi đối với nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các mục tiêu phát triển và tăng trưởng.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp tập trung chỉ đạo việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, tiêu độc, khử trùng một số nơi đông người, nhất là những nơi bị ô nhiễm; tập trung tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thực hiện một số nội dung: chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế được kịp thời khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV; Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thực hiện việc giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo đúng quy định cho các đối tượng này. Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh đặc biệt là các tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… phải thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Bộ Ngoại giao chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc quản lý nghiêm ngặt việc xuất, nhập cảnh, đi lại ở cửa khẩu. Chỉ đạo bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, việc dọn vệ sinh tất cả các trường học, hướng dẫn học sinh khi đi học trở lại thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trường THCS Việt Nam-Angiêri – quận Thanh Xuân tổng vệ sinh phòng chống dịch bệnh do chủng mới của Virus Corona (2019 – NcoV) gây ra

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc không để người Việt Nam di chuyển đến vùng có dịch của Trung Quốc, tạo điều kiện để đưa người Trung Quốc ra khỏi Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ với Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế để đón người Việt Nam từ Trung Quốc về nước một cách chặt chẽ và cách ly. Có phương án xử lý phù hợp trong việc chống dịch đối với hoạt động vận tải đường sắt với Trung Quốc tương tự như với đường bộ, hàng không.

Hành khách được giám sát chặt chẽ ngay tại nơi làm thủ tục nhập cảnh. Ảnh: TTXVN

Ban Chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư. Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.

Các địa phương theo nhiệm vụ, chức năng được giao kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. UBND các địa phương phải làm tốt việc này, kể cả việc tuyên truyền, nêu các tấm gương trong phòng, chống dịch,…

Trong dịch bệnh có nhiều tấm gương sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn vì cộng đồng được báo chí, dư luận xã hội đã phản ánh, rất đáng trân trọng, như: để phòng dịch, nhiều bà con đi mua khẩu trang chỉ mua đủ dùng; nhiều cửa hàng không tăng giá mà phát tặng bà con; nhiều người dân, doanh nghiệp, địa phương tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân; hay như ở cửa khẩu Móng Cái, bà con về nước chấp nhận khắc phục khó khăn, hoàn toàn ủng hộ cách ly y tế…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên bà con khắc phục khó khăn, chung sức cùng chính quyền phòng chống nCoV. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Cả hệ thống chính trị vào cuộc, hy vọng dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, dập tắt để cuộc sống người dân trở lại bình thường, ổn định; các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh… bảo đảm như kế hoạch đã đặt ra.

Thuý Vân