Quản lý thu ngân sách nhà nước tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

(QLNN) – Quản lý thu ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực tài chính của quốc gia để thực hiện các nhiệm vụ chi tiêu, điều tiết một cách hiệu quả các hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nền kinh tế. Trong quá trình cải cách hành chính hiện nay, quản lý thu ngân sách nhà nước ở các cấp chính quyền địa phương đã từng bước thay đổi để thực hiện tốt nhiệm vụ tập trung nguồn thu cho ngân sách nhà nước .

Một góc thị trấn Hậu Lộc, huyện Hậu Lộc (nguồn: internet).

Hậu Lộc là huyện ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, bao gồm 1 thị trấn và 26 xã, có đầy đủ ba dạng địa hình: đồng bằng, vùng đồi núi và ven biển.

Những năm qua, huyện Hậu Lộc đã đạt được những thành tựu tương đối toàn diện về kinh tế – xã hội, nhiều công trình kinh tế, hạ tầng quan trọng của địa phương được hoàn thành, đưa vào khai thác hiệu quả đã góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hóa, đó là, tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh, sản xuất kinh doanh (SXKD) phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, công nghiệp và chế biến thủy sản. Có được kết quả này là do huyện đã làm tốt công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, đáp ứng được nhiệm vụ chi thiết yếu cho bộ máy quản lý nhà nước, chi sự nghiệp kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng và bổ sung cân đối ngân sách xã cũng như chi đầu tư phát triển, chỉnh trang đô thị của huyện.

Nhìn chung, thu ngân sách trên địa bàn huyện Hậu Lộc giai đoạn 2015 – 2018 đều vượt dự toán đầu năm. Với số liệu 6 tháng đầu năm 2019, ước tính thu ngân sách trên địa bàn huyện Hậu Lộc cũng sẽ vượt dự toán đầu năm. Tốc độ tăng thu ngân sách hằng năm trong giai đoạn 2015 – 2018 cao, trung bình đạt 14,3%/năm, trong đó tốc độ tăng thu địa phương là 22,26%/năm, tốc độ tăng thu ngân sách tỉnh bổ sung là 10,83%/năm1.

Trong nội dung thu tại địa phương thì thu tiền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 59,27% và tăng dần qua các năm, trung bình tăng 16,55% mỗi năm2. Đây là nội dung góp phần quan trọng vào thu cho ngân sách của huyện. Tuy nhiên, thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn cũng thể hiện địa phương chưa phát triển được kinh tế. Việc thu từ tiền sử dụng đất quá lớn là không bền vững cho ngân sách do đất đai là nguồn tài nguyên có hạn. Các nguồn thu hưởng tỷ lệ % khác (lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng…) là những nguồn thu mang tính chất ổn định, lâu dài cho ngân sách nhưng lại chiếm tỷ trọng tương đối thấp. Đây là những nội dung thu có thể phản ánh được một phần quy mô, mức độ SXKD của địa phương còn hạn chế.

Hằng tháng, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hậu Lộc phối hợp với Chi cục Thuế huyện, Kho bạc nhà nước huyện để đối chiếu số liệu, kiểm tra tính chính xác của việc hạch toán các khoản thu theo mục lục NSNN để điều chỉnh kịp thời khi có sai sót. Cuối năm, Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện tổng hợp báo cáo quyết toán thu ngân sách để trình Hội đồng nhân dân huyện phê chuẩn. Sau khi Hội đồng nhân dân huyện ban hành nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, Phòng Tài chính – kế hoạch sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) huyện ban hành quyết định công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách theo quy định của Luật NSNN.

 Về công tác quản lý NSNN, trong những năm qua, huyện Hậu Lộc đã đạt được một số kết quả khả quan:

Thu ngân sách năm sau đều cao hơn năm trước, tốc độ tăng thu cao qua các năm. Thu ngân sách đã góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp địa phương nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

Công tác quản lý điều hành và thực hiện tài chính – ngân sách được nâng lên. Các khoản thu được phân bổ và phản ánh qua Kho bạc nhà nước; UBND huyện điều hành, quản lý ngân sách theo dự toán và theo các quy định, tiêu chuẩn, định mức, từ đó giúp hạn chế và ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực. Hầu hết các đơn vị, cá nhân nộp ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách đã nhận thức được trách nhiệm thực hiện tài chính – ngân sách theo luật định. Chính sách xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xây dựng hạ tầng (như: điện, đường, trường, trạm y tế ở các xã) đã được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương, phát huy nội, lực góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội.

Công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng được thực hiện khá thường xuyên, có tác dụng tích cực trong quản lý thu, chi ngân sách. Qua các đợt thẩm định quyết toán của cơ quan tài chính và thanh tra, kiểm toán chưa phát hiện tham ô, biển thủ công quỹ, tạo lập quỹ trái quy định. Đồng thời, luôn chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là trong điều kiện các doanh nghiệp (DN) chuyển dần sang hình thức tự khai, tự nộp. Đây là biện pháp quan trọng để một mặt chống thất thu, vi phạm luật thuế, mặt khác, để chấn chỉnh uốn nắn cho các DN trong công tác ghi chép sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn chứng từ theo đúng quy định. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để phát hiện các sai phạm về thuế nhằm xử lý và có các biện pháp đổi mới trong quản lý, bảo đảm ngăn chặn các hành vi này không để tái diễn và phát triển.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quản lý thu NSNN của huyện Hậu Lộc trong thời gian qua còn một số hạn chế, như: công tác lập dự toán chưa có cơ sở vững chắc; tình trạng nợ thuế, thất thu, gian lận và trốn thuế còn phổ biến; tập trung các khoản thu chưa kịp thời vào ngân sách địa phương; quyết toán ngân sách còn chậm và mang tính hình thức.

Ảnh minh họa (nguồn: internet).

Để công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn ngày một tốt hơn, Hậu Lộc cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện quy trình lập dự toán và quyết toán thu NSNN, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý thu NSNN.

Công tác dự toán thu NSNN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần được thường xuyên chú trọng đầu tư để nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phân tích, dự báo NSNN. Do đó, UBND huyện cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2019 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019. Thực hiện các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển SXKD trên địa bàn, tạo nguồn thu lớn, ổn định và bền vững cho ngân sách địa phương, trong đó tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án SXKD dịch vụ, cụm công nghiệp, làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các chủ đầu tư về các thủ tục đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự…

Phòng Tài chính – Kế hoạch tiếp tục rà soát, kiểm tra, đối chiếu những hộ được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, đưa các hộ mới phát sinh vào quản lý thu thuế. Đồng thời, đề nghị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các hộ, cá nhân xin giấy phép quá 6 tháng mà không có hoạt động kinh doanh. Phối hợp với cơ quan thuế triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức dự toán hằng năm. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của các DN, các chi nhánh, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về thuế và thu hồi các khoản nợ thuế.

Đối với ngành Thuế của huyện, cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định, chính sách thuế, phát hiện những vi phạm về thuế và chống thất thu thuế. Rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập DN và lợi nhuận hằng quý, đôn đốc các DN nộp sát số thuế thu nhập doanh nghiệp theo kết quả SXKD để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế, chuyển giá, xử lý hóa đơn bất hợp pháp; đẩy mạnh công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu NSNN, nhất là các khoản thu theo hình thức khoán; kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan.

Đối với công tác kiểm tra, Chi cục Thuế kết hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện có chương trình kiểm tra thường xuyên theo một lịch trình cụ thể để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các đối tượng nợ thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, khai man, trốn thuế, nợ đọng thuế kéo dài…

Thứ ba, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu ngân sách, khuyến khích tăng thu.

Chi cục Thuế huyện thực hiện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan để rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Để bảo đảm thu đúng, thu đủ, cơ quan thuế cần phải tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, kê khai nộp thuế, tình hình nộp thuế trên địa bàn huyện để có biện pháp đôn đốc, tháo gỡ khó khăn kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá nhằm chống gian lận thương mại, chống buôn lậu, chống chuyển giá.

Thứ tư, nâng cao chất lượng cán bộ và bộ máy quản lý thu thuế.

Hằng năm, cần bố trí các lớp tập huấn nghiệp vụ, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ, công chức học sau đại học về quản lý thu NSNN. Nội dung đào tạo cần phải đưa ra các tình huống thực tế gắn liền với chức danh và công việc của từng người; đồng thời, mở rộng cả đào tạo về kiến thức chuyên môn với các kiến thức và kỹ năng bổ trợ khác, như tin học, ngoại ngữ, kỹ năng tuyên truyền… Xây dựng chiến lược quy hoạch cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về quản lý NSNN ngày càng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và đạt hiệu quả cao hơn. Mặt khác, cần xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền các chính sách, chế độ tới từng người dân một cách thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Chú thích:
1, 2. Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc. Dự toán và báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước huyện từ năm 2015 đến tháng 6/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính. Luật Ngân sách nhà nước và hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện. H. NXB Tài chính, 2015.
2. Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu, chi ngân sách địa phương năm 2019, tỉnh Thanh Hóa.
3. Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Hậu Lộc. Báo cáo thu – chi ngân sách nhà nước huyện các năm từ 2015 – 2018 và đến ngày 30/6/2019.
4. Lê Toàn Thắng. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ Quản lý công, Học viện Hành chính, 2013.

 Nguyễn Phương Anh
Ngân hàng Công thương Việt Nam, chi nhánh Hoàng Mai, Hà Nội