Thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại tỉnh An Giang

(QLNN) – Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trực tiếp là sự quản lý của Ban Tôn giáo tỉnh, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ổn định, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam mỗi năm vấn hàng triệu lượt du khách trên mọi miền đất nước.

An Giang là tỉnh biên giới nằm về phía Tây Nam Tổ quốc, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, là điểm trung chuyển kinh tế thương mại giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ của Việt Nam và Phnôm Pênh của Vương quốc Cam-pu-chia, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế của vùng Tứ giác Long Xuyên. Dân số toàn tỉnh trên 2,15 triệu người, với 524.159 hộ. Trong đó, có 28 dân tộc thiểu số, với 119.219 người (28.481 hộ), chiếm 5,26% dân số cả tỉnh1.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), An Giang có trên 1,8 triệu người theo 10 tôn giáo khác nhau được Nhà nước công nhận pháp nhân, bao gồm: Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo Việt Nam, Cao Đài (4 hệ phái), Công giáo, Tin lành (2 hệ phái), Tịnh độ Cư sĩ, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hồi giáo (Islam) và Phật giáo Hiếu nghĩa Tà lơn; có 938 chức sắc, 3.359 chức việc và 507 cơ sở thờ tự hợp pháp2.

Một số kết quả đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tỉnh An Giang

Một là, việc ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (TNTG).

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về TNTG, như: Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo; Luật TNTG năm 2016; Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh TNTG; Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNTG…

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang đã xây dựng và ban hành các văn bản nhằm thể chế hóa và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về TNTG như Quyết định số 43/2006/QĐ-UBND ngày 13/11/2006 quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thực hiện quản lý hoạt động TNTG; Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 18/3/2013 về việc ban hành quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thực hiện quản lý hoạt động TNTG trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch số 196/KH-UBND  ngày 11/4/2017 của UBND tỉnh An Giang về việc triển khai thi hành Luật TNTG.

Song song với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Ban Tôn giáo tỉnh và chính quyền cấp huyện thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về TNTG với nhiều hoạt động đa dạng (lồng ghép với các buổi báo cáo tại các lớp bồi dưỡng giáo lý do các tổ chức tôn giáo, các cuộc họp, hội nghị thường niên của các tổ chức tôn giáo…). Việc phổ biến pháp luật về TNTG đã nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; tạo sự đồng thuận, niềm tin của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hai là, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp liên quan đến TNTG.

Để thực hiện có hiệu quả công tác tôn giáo của tỉnh, Ban Tôn giáo tỉnh tích cực, chủ động tham mưu và thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo tỉnh An Giang đối với những vấn đề nổi cộm, nảy sinh liên quan đến TNTG trên địa bàn thông qua các phiên họp định kỳ hoặc đột xuất.

Các sở, ngành, chính quyền các cấp và Ban Tôn giáo tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xem xét cho phép thành lập cơ sở tôn giáo, tổ chức tôn giáo cơ sở trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường, chính quyền cấp huyện thu hồi, giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo… Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các địa phương về các đoàn công tác của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước… đến thăm và làm việc tại An Giang. Trong đó có, Lãnh sự quán Mỹ, Đại sứ quán Pháp, Đài phát thanh BBC, các đoàn sinh viên Mỹ, đoàn phóng viên của các nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a… đến tìm hiểu và nghiên cứu về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và hoạt động từ thiện.

Đối với người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại An Giang, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài sinh hoạt TNTG theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, dễ bị các thế lực chống phá lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã chủ động tạo điều kiện mở rộng đối ngoại tôn giáo trên nguyên tắc tôn trọng, phù hợp với pháp luật mỗi bên và thông lệ quốc tế.

UBND tỉnh cũng tạo điều kiện cho các chức sắc, chức việc, tín đồ Hồi giáo Islam đi hành hương Mecca theo nguồn tài trợ hằng năm của Tổng lãnh sự quán các nước Hồi giáo…

Ba là, công tác quản lý đối với hoạt động TNTG trên địa bàn tỉnh.

Với sự nỗ lực, cố gắng của Ban Tôn giáo tỉnh và chính quyền các cấp, tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn những năm gần đây khá ổn định. Hằng năm các tổ chức tôn giáo đều đăng ký sinh hoạt, lễ hội tôn giáo với chính quyền địa phương; các thủ tục liên quan đến thành lập, chia tách, sáp nhập các tổ chức tôn giáo đều được chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi.

Tỉnh cũng đã chấp thuận cho các cơ sở thờ tự gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng ý cho tách 1 giáo xứ và xây dựng 2 nhà nguyện của Công giáo; cho phép thành lập 1 hội nhánh và 2 điểm sinh hoạt Tin lành ngoài cơ sở thờ tự; công nhận 16 Ban Trị sự cơ sở Phật giáo Hòa Hảo; công nhận Đạo hội Ban Đại diện và 37 cơ sở thờ tự của đạo Tứ ân Hiếu nghĩa; 5 hội quán của Tịnh độ cư sỹ; cấp đăng ký hoạt động và 2 cơ sở thờ tự cho Bửu Sơn Kỳ hương3.

Là địa phương có đông chức sắc, nhà tu hành nên UBND tỉnh đã chủ động ban hành các quy định hướng dẫn hoạt động phong phẩm, phong chức, bầu cử, suy cử, cách chức, bãi nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, nhà tu hành, vì vậy, việc quản lý khá thuận lợi, được các tôn giáo ủng hộ. Tính từ năm 2004 đến nay, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tạo điều kiện cho việc thuyên chuyển công tác cho chức sắc trên địa bàn gần 300 trường hợp, chấp thuận việc phong phẩm, bổ nhiệm gần 400 trường hợp4.

Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng các chức sắc tôn giáo.

Năm 2007, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã cấp quyết định thành lập Trường Trung cấp Phật học tỉnh An Giang, trực thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang (nay là Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang), đến nay đã khai giảng 3 khóa, có trên 150 học viên đã tốt nghiệp và 67 học viên đang tu học5.

Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo, bao gồm:  thuyết giảng đạo, bồi dưỡng giáo lý căn bản, lớp đạo sự hành chính, bồi dưỡng trụ trì… cho các chức sắc, chức việc. UBND tỉnh cũng tạo điều kiện cho các tôn giáo cử các tu sỹ, tăng, ni trẻ tham dự các khóa đào tạo tôn giáo tại các trường của các tổ chức tôn giáo như: Học viện Phật giáo, Viện Thánh kinh Thần học, Đại Chủng viện…, kể cả đi đào tạo ở nước ngoài thông qua con đường nhận tài trợ để nâng cao trình độ.

Những hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở An Giang

Mặc dù việc triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG, đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít hạn chế:

– Việc phân cấp thẩm quyền trong các quy định của Pháp lệnh TNTG chưa phù hợp, chưa tương xứng với điều kiện, năng lực thực hiện của các chủ thể, chưa tính tới yếu tố đặc thù, nhạy cảm của các hoạt động TNTG. Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn với trách nhiệm và các chế tài xử lý.

Chẳng hạn, cấp phép xây mới, cải tạo lại, nâng cấp các công trình kiến trúc TNTG vẫn chưa phân cấp cho Sở Xây dựng và UBND cấp huyện; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; quản lý công trình kiến trúc tôn giáo được công nhận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh chưa phân cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Quy định về phân cấp thẩm quyền chưa gắn với trách nhiệm và các chế tài xử lý vì hiện nay không có chế tài xử phạt hành chính trong lĩnh vực TNTG.

– Việc áp dụng pháp luật trong quản lý hoạt động tôn giáo của cơ quan có thẩm quyền chưa thống nhất. Tình trạng xây dựng cơ sở thờ tự không xin cấp phép vẫn diễn ra, chưa có biện pháp chế tài, chỉ lập biên bản. Một số tu sĩ đi nước ngoài với lý do du lịch, thăm thân, chữa bệnh… nhưng thực chất là hoạt động tôn giáo, hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, như:

– Việc hoàn thiện thể chế về thực hiện pháp luật vẫn còn chậm, sự tham gia, kết hợp giữa các cơ quantổ chức chưa chặt chẽ, việc xử lý, giám sát chưa kịp thời, triệt để.

– Một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, nhưng chưa có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bên cạnh đó, một số văn bản được ban hành nhưng chưa tập trung vào nội dung hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc mà chỉ giao nhiệm vụ chung chung, chưa phân định rõ ràng.

– Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật chậm được kiện toàn, bổ sung và chưa được tổ chức thống nhất, đồng bộ.

– Bản thân một số tổ chức tôn giáo chưa có sự đoàn kết gắn bó trong nội bộ, nên xảy ra những mâu thuẫn, nhất là đối với các tôn giáo nội sinh chưa có hệ thống bộ máy tổ chức, hệ thống giáo luật hoàn chỉnh.

– Đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) làm công tác tôn giáo của An Giang chủ yếu được đào tạo từ các chuyên ngành gần với công tác QLNN về tôn giáo, rất ít trường hợp được đào tạo từ chuyên ngành triết học, tôn giáo học hoặc quản lý công. Vì vậy, để từng bước nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCC làm công tác tôn giáo các cấp, Ban Tôn giáo tỉnh cần rà soát chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ CBCC, từ đó, xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCC làm công tác tôn giáo của địa phương.

Một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở An Giang trong thời gian tới

Để thực hiện có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật về TNTG, các cơ quan chức năng tỉnh An Giang cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về TNTG trong thời kỳ đổi mới đến CBCC làm công tác tôn giáo trong hệ thống chính trị của tỉnh; tăng cường công tác tuyên truyền và vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo hoạt động TNTG theo đúng quy định pháp luật. Ban Tôn giáo tỉnh An Giang tiếp tục tham mưu cho Sở Nội vụ, UBND tỉnh thể chế hóa các chủ trương của Tỉnh ủy đối với tôn giáo và công tác tôn giáo để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về tôn giáo trên địa bàn.

Hai là, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo theo hướng ứng dụng công nghệ, thông tin truyền thông vào công tác tuyên truyền. Chú trọng xây dựng gương điển hình, tiên tiến, người tốt, việc tốt trong cộng đồng tín đồ các tôn giáo, tham gia các phong trào xã hội, như: xây dựng nông thôn mới, bảo trợ xã hội, phát triển kinh tế, doanh nhân thành đạt… để các chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia, nhất là đối với các tôn giáo nội sinh chưa có hệ thống bộ máy tổ chức, hệ thống giáo luật hoàn chỉnh.

Ba là, tăng cường các hoạt động thăm hỏi, tiếp xúc với các chức sắc, tín đồ các tôn giáo, nhất là các ngày lễ quan trọng trong năm, như: Ngày lễ Phật đản, Lễ Giáng sinh…, thông qua gặp gỡ, tiếp xúc với chức sắc tôn giáo để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, tín đồ, nắm vững diễn biến tâm lý của chức sắc, tín đồ, từ đó giúp chính quyền chủ động trong mọi tình huống phát sinh. Chủ động đối thoại với chức sắc, tín đồ tôn giáo, nhất là trong các vấn đề nhạy cảm liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại, vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự để có biện pháp giải quyết.

Bốn là, hoàn thiện thể chế về theo dõi thi hành pháp luật của tỉnh; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tổ chức có liên quan trong việc tổ chức, thực thi pháp luật về TNTG, tăng cường sự giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC làm công tác tôn giáo các cấp. Chủ động mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về theo dõi thi hành pháp luật cho lực lượng CBCC ở địa phương.

Sáu là, tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh và Ban Tôn giáo Chính phủ phương án kiện toàn tổ chức bộ máy QLNN về tôn giáo cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng tách cơ quan QLNN về tôn giáo ra khỏi Sở Nội vụ và sát nhập với Ban Dân tộc của tỉnh; Phòng công tác Dân tộc của huyện trở thành Phòng Dân tộc, Tôn giáo cấp huyện. Với mô hình tổ chức như trên, cơ quan QLNN về tôn giáo có được vị thế và sự độc lập tương đối là điều kiện thuận lợi cho việc QLNN về tôn giáo trên địa bàn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ CBCC làm công tác tôn giáo phù hợp trong tình hình mới./.

Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê năm 2017.
2, 3, 5. Ban Tôn giáo tỉnh An Giang. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tôn giáo của tỉnh An Giang từ năm 2014 – 2018.
4. Ban Tôn giáo tỉnh An Giang. Báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
2. Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
TS. Vũ Thế Duy
Học viện Hành chính Quốc gia