Về sử dụng nguồn viện trợ phát triển cho các vùng khó khăn ở Việt Nam hiện nay

(QLNN) – Với ưu điểm là lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại, thời gian cho vay, ân hạn dài, phần viện trợ không hoàn lại chiếm tỷ lệ hấp dẫn, Việt Nam đánh giá ODA là nguồn vốn quan trọng cho xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp thu thành tựu khoa học, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực. Do đó, việc cắt giảm ODA sẽ tạo nên áp lực không nhỏ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngân sách nhà nước, nhưng cũng là động lực thúc đẩy phát triển.
Chính sách của Nhà nước đã tạo điều kiện cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số phát triển. Ảnh: CTV
Chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài nhằm hỗ trợ vùng khó khăn, giảm nghèo

Theo đánh giá của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đối tác Việt Nam, viện trợ PCPNN cho Việt Nam trong những năm qua về cơ bản được sử dụng hiệu quả, phù hợp định hướng và ưu tiên của Việt Nam. Viện trợ của các tổ chức góp phần giảm bớt các khó khăn về kinh tế – xã hội ở nhiều vùng, miền, đồng thời góp phần giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả và nâng cao năng lực cán bộ, cộng đồng. Các chương trình, dự án góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và phát triển.

Trong giai đoạn 2012-2018, Việt Nam đã ký kết với Ngân hàng Thế giới (WB) 4 hiệp định vay cho lĩnh vực giảm nghèo:

(i) Hiệp định vay cho Dự án giảm nghèo miền núi phía Bắc giai đoạn II (Hiệp định được ký ngày 25/5/2010, giải ngân trong giai đoạn 2010-2015, tổng giá trị Hiệp định là 135,2 triệu USD). Dự án được thực hiện tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình;

(ii) Hiệp định vay tài trợ bổ sung cho Dự án giảm nghèo miền núi phía Bắc giai đoạn II (Hiệp định được ký ngày 09/7/2015, giải ngân trong giai đoạn 2015-2018, tổng giá trị Hiệp định là 100 triệu USD). Dự án cũng được thực hiện tại các tỉnh mà giai đoạn trước đã triển khai, bao gồm 6 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La và Hòa Bình;

(iii) Hiệp định vay cho Dự án giảm nghèo các tỉnh Tây Nguyên (Hiệp định được ký ngày 24/4/2014, giải ngân trong giai đoạn 2014-31/12/2019, tổng giá trị Hiệp định là 140 triệu USD). Dự án được thực hiện tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Quảng Ngãi;

(iv) Hiệp định vay cho Chương trình Hỗ trợ thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (Hiệp định được ký ngày 28/12/2018, giải ngân trong giai đoạn 2019-2021, tổng giá trị Hiệp định là 153 triệu USD). Dự án dự kiến thực hiện tại 18 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng và Trà Vinh.

Việt Nam cũng ký kết Hiệp định vay với nhà tài trợ IFAD cho 2 dự án thuộc lĩnh vực giảm nghèo là: (i) Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) Hà Giang (Hiệp định ký năm 2015, giải ngân trong giai đoạn 2015-2020, trị giá 20 triệu USD) và (ii) Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh, Quảng Bình (Hiệp định ký năm 2014, giải ngân trong giai đoạn 2014-2018, trị giá 16,48 triệu USD).

Các dự án về giảm nghèo được thực hiện tại các tỉnh có nhiều xã đặc biệt khó khăn, có nhiều xã đạt dưới 5 tiêu chí nông thôn mới, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã biên giới, xã thuộc Chương trình 135 và bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; trong đó bao gồm các địa phương có đề án đặc thù về xây dựng nông thôn mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc ký kết các hiệp định vay góp phần hỗ trợ thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, qua đó góp phần đạt mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí và tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm trung bình từ 1-1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; thu hẹp khoảng cách xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền, hỗ trợ các xã biên giới, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển hạ tầng và tạo sinh kế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, nhất là hộ nghèo và cận nghèo.

Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại cho lĩnh vực giảm nghèo. Trong giai đoạn 2012-2018, Cục QLN&TCĐN tiếp nhận thông tin của 48 khoản viện trợ không hoàn lại cho lĩnh vực giảm nghèo. Các khoản viện trợ này do các cơ quan và địa phương chủ quản trực tiếp quản lý và giải ngân.

Trong hơn 20 năm qua, thế giới chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các tổ chức nhân dân, nhất là các tổ chức phi chính phủ tại các nước. Quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) được Việt Nam coi là một phần trong công tác đối ngoại nhân dân, gắn liền với đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng, Nhà nước và tình hình phát triển qua từng giai đoạn của đất nước.

Sự phát triển của các tổ chức PCPNN là xu thế khách quan được Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới công nhận. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, các tổ chức PCPNN trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong quan hệ đối ngoại. Vai trò của các tổ chức PCPNN được nâng cao trong cộng đồng quốc tế khi góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, giảm nghèo, tham gia xây dựng chính sách, bảo đảm quyền con người, xây dựng quan hệ thương mại bình đẳng giữa các nước trên thế giới.

Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN (Ủy ban) là cơ chế liên ngành được thành lập với mục đích giúp Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN. Việc thành lập Ủy ban thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo cơ chế riêng để quản lý và hỗ trợ các tổ chức PCPNN. Cơ chế này được các cơ quan quản lý nhiều nước trên thế giới quan tâm, tham khảo và nhận được đánh giá tích cực từ phía các nhà tài trợ, các tổ chức PCPNN.

Kể từ khi thành lập năm 1996, trải qua hơn 20 năm hoạt động, Ủy ban đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhiều chủ trương và quan điểm chỉ đạo trong công tác PCPNN được Ủy ban và các cơ quan tham gia cơ chế Ủy ban đề xuất, mang giá trị thiết thực, lâu dài. Hệ thống các văn bản pháp quy được bổ sung, hoàn thiện, góp phần quán triệt các chủ chương của Ðảng, nâng cao nhận thức về công tác PCPNN. Bộ máy quản lý công tác PCPNN từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố và nâng cao năng lực. Hoạt động cấp mới, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép, giấy đăng ký được Ủy ban tiến hành kịp thời, chặt chẽ. Công tác chia sẻ thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban được các tổ chức PCPNN đánh giá cao.

Số lượng các tổ chức PCPNN có quan hệ với Việt Nam tăng liên tục, từ 400 tổ chức năm 1996 lên hơn 1.100 tổ chức năm 2017. Trong những năm gần đây, do khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới và thực tế Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, một số tổ chức PCPNN chuyển hướng ưu tiên, giảm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có hàng chục tổ chức đăng ký mới tại Việt Nam.

Cùng với sự gia tăng về số lượng tổ chức, giá trị viện trợ PCPNN cho Việt Nam tăng đáng kể qua các năm. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cơ quan thường trực Ủy ban, giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD năm 1996 lên 304,7 triệu USD năm 2011 (năm có giá trị giải ngân cao nhất) và 279,5 triệu USD năm 2017. Tổng giá trị viện trợ PCPNN giải ngân cho Việt Nam trong giai đoạn 1996 – 2017 đạt hơn 4,1 tỷ USD. Hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu, như y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội…

Những kết quả đạt được trong hoạt động của Ủy ban trong những năm qua là nhờ sự nhất quán trong quan điểm chỉ đạo của Ðảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác PCPNN. Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo môi truờng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Những tổ chức PCPNN hay cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả cho các chương trình phát triển và nhân đạo tại Việt Nam được nhân dân và Nhà nước Việt Nam hoan nghênh và ghi nhận.

Quang cảnh cuộc họp – Ảnh: VGP/Lê Sơn
Một số đề xuất

Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Khi nguồn vốn ODA chấm dứt, Việt Nam sẽ buộc phải tăng vay trong nước và vay thương mại. Gánh nặng nợ công sẽ có xu hướng cao hơn, do nguồn vốn này chịu mức lãi suất cao hơn. Thắt lưng buộc bụng, siết chặt ngân sách chi tiêu dành cho bộ máy quản lý là lựa chọn được lưu ý trong tình huống này.

Quan tâm nhiều hơn tới khối Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong thực hiện các dự án ODA cần được lưu ý. DNTN có thể tạo nên động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế nếu được sự quan tâm đúng mực. Khi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, tính công khai, minh bạch, cạnh tranh sẽ cao hơn, tạo ra môi trường bình đẳng hơn.

Tăng cường hình thức hợp tác công tư (PPP) là phương án cần chú trọng để thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời tận dụng được ưu thế sẵn có của khối tư nhân. Trong nội dung này, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế quản lý, cơ chế trả nợ cần được quan tâm nhiều hơn.

Các đơn vị thực hiện dự án ODA, đối tác có liên quan và công chúng cần có được nhận thức chung về sự cần thiết của đòi hỏi không phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài, có mong muốn “tốt nghiệp ODA” càng sớm càng tốt. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy Chính phủ và người dân Hàn Quốc đã rất nỗ lực tham gia phát triển kinh tế, mang đến một thành tựu thần kì khi quốc gia này chính thức ngừng nhận viện trợ sau 30 năm, từ năm 1993,  chuyển từ vai trò quốc gia tiếp nhận sang  tài trợ. Khi có ý thức tốt nghiệp ODA,động lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết cho giai đoạn hậu ODA sẽ được khả thi.

Tài liệu tham khảo:
1. Khánh Huyền (2016), “Nhu cầu vốn ưu đãi giai đoạn 2016-2020 khoảng 39.5 tỷ USD” http://thoibaotaichinhvietnam.vn
ThS. Nguyễn Khánh Duy
Bộ Công an