QLNN) – Trong sự nghiệp xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Hồ Chí Minh luôn chú trọng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ này. Một trong những vấn đề mà Người hết sức chú trọng, đó là việc sử dụng văn bản, thông tin như một thứ công cụ, vũ khí chiến đấu của người cán bộ trong công tác quản lý hành chính, công tác tuyên truyền, vận động… Bài viết đi sâu nghiên cứu về nội dung: công tác viết bài, thông tin, báo cáo trong các bài viết của Hồ Chí Minh.
Về công việc viết bài, Hồ Chí Minh lưu ý về yêu cầu đối với nội dung bài viết, quy trình soạn thảo, biên tập văn bản, công tác bảo mật. Đặc biệt, Người chú trọng hướng tới tính mục đích, hiệu quả sử dụng văn bản phù hợp với yêu cầu cách mạng, hướng tới đối tượng chính là giai cấp nông dân, công nhân, tầng lớp lao động. Trong bài “Cách viết”, Người luôn nhắc nhở cán bộ làm gì cũng phải có tính mục đích, phải gắn với gốc rễ của nhiệm vụ là “vì nhân dân”. Người đưa ra yêu cầu viết ngắn gọn, súc tích do trình độ của đại đa số đồng bào và do yêu cầu của thời chiến không có nhiều thời gian. Người phê phán cách viết trong các báo: “Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như là rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì”1. Người yêu cầu viết phải đúng trọng tâm, giúp người đọc nhớ được, hiểu được. Viết ngắn, song nội dung phải đầy đủ “Viết vắn tắt không có nghĩa là cụt đầu, cụt đuôi”2.
Người đặt ra yêu cầu đối với nội dung bài viết phải khách quan, cần nêu cả cái xấu, cái tốt, nhưng cần giữ vững lập trường, giữ chừng mực, không phóng đại. Nội dung cần phù hợp thực tiễn, thiết thực, có căn cứ. Các luận chứng đưa ra phải thuyết phục: “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào? Kết quả thế nào?”3 có số liệu cụ thể, viết phải thật thà, chân thành, đúng đắn. Những việc có nội dung vạch trần bản chất kẻ địch thì cần phân tích rõ mâu thuẫn giữa việc làm bên ngoài và với bản chất bên trong.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng ngôn ngữ và hình thức thể hiện trong bài viết, coi đó cũng là yếu tố cơ bản giúp cho bài viết đạt mục tiêu, phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Viết cần dễ hiểu, có tính phổ thông, đại chúng, chú trọng giữ gìn bản sắc tiếng Việt, sử dụng từ tiếng Việt và từ nước ngoài một cách nhuần nhuyễn “chớ ham dùng chữ, những chữ tiếng ta có mà lại không dùng”4. Về chữ viết, Người phê phán khẩu hiệu nhiều nơi lạm dụng chữ viết tắt quá nhiều, hoặc sử dụng cách viết “hoa hòe”, chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N.
Nhằm bảo đảm chất lượng bài viết, Người xác định vấn đề ở chỗ cần tuân thủ các nguyên tắc về quy trình soạn thảo, biên tập. Viết phải dựa trên căn cứ khách quan, bảo đảm quá trình thu thập, kiểm tra thông tin. Thực hiện quy trình biên tập, công tác bảo mật. Cụ thể, cần qua các bước: xác định mục tiêu, mục đích, lập trường tư tưởng: vì ai mà mình viết, viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì; quá trình thu thập thông tin, tư liệu: cần bảo đảm thu thập thông tin thực tiễn, kiểm chứng thông tin. Thông tin thực tiễn cần được thu thập từ quần chúng: “Lấy tài liệu đâu mà viết? Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:
Nghe: Lắng nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.
Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.
Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy.
Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chí nước ngoài.
Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã học được, thì chép lấy để dùng và viết.”5
Về chất lượng thông tin, Người chú trọng: thu thập thông tin cần kiểm tra, tổng hợp, so sánh thông tin để bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của thông tin, tăng tính thuyết phục:“Tìm tài liệu phải chịu khó… Góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số là thành 1 tài liệu. Muốn có tài liệu phải xem cho rộng”.6
Về công tác biên tập, Hồ Chí Minh hướng dẫn chi tiết: viết rồi phải đọc đi đọc lại, thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi… đọc đi đọc lại 4, 5 lần vẫn chưa đủ, mình đọc vẫn chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công nông binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngoắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải sửa lại.
Người còn đưa ra kinh nghiệm bản thân về phương pháp rèn luyện cách viết thời kỳ viết cho tờ báo “Sinh hoạt công nhân” ở Pháp: lúc đầu tập viết ngắn, dần viết dài ra, khi đã viết dài rồi thì lại tập rút gọn viết ngắn lại cho súc tích.
Về công tác soạn thảo văn bản, Hồ Chí Minh rất chú trọng tính chuyên nghiệp. Người phê phán nạn quan liêu: giấy tờ quá nhiều, quá dài, luộm thuộm, gửi quá chậm, sai nguyên tắc, ký sai thẩm quyền, kém giữ bí mật: “Từ các bộ ở Trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: Một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang, v.v.
… Bộ Canh nông: Là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:
– Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.
– Quá chậm trễ: Chỉ thị về việc giữ gìn trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.
– Không đúng nguyên tắc: Có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.
– Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được phải gửi trả lại.
– Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển mà nói cả những điều cần phải giữ bí mật.”7
Nhiều cán bộ còn phạm khuyết điểm: “không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật; mang văn kiện bí mật về nhà xem; xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người; ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình; hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn; ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc… cũng đưa việc trong cơ quan ra nói; khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật… Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ăn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch”8.
Người chỉ rõ nguyên nhân sai sót trong ban hành, giải quyết văn bản là do không sát thực tế, chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị thông tư… không lo việc làm phải ăn khớp lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành.. . nhầm tưởng gửi nhiều thông tư, chỉ thị là xong việc, không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế. Theo Hồ Chí Minh, cách chống lại biểu hiện quan liêu xa rời thực tế là: “mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công vǎn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên… các Bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ…”9. Về công tác bảo mật, theo Người cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nêu cao tính cảnh giác trong đội ngũ cán bộ.
Đối với công tác thông tin, tham mưu, ban hành quyết định, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm rất lớn. Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác thông tin đối với quản lý hành chính, Người phê phán thói mơ hồ, xa rời thực tế của các nhà quản lý như một biểu hiện của quan liêu, kiểu thông tin “không có thông tin”. Theo Hồ Chí Minh, công tác thu thập, xử lý thông tin, cũng là phương pháp để người lãnh đạo thực hiện dân chủ, nhằm làm tốt công việc kiểm soát mình, kiểm soát cấp dưới, bao quát công việc, tạo động lực phấn đấu cho quần chúng, tạo sự thống nhất, tích cực trong hành động của tập thể, tạo hiệu quả thực sự cho công việc.
Để bảo đảm thông tin phục vụ yêu cầu của quản lý, Hồ Chí Minh quan tâm hướng dẫn cách thức xây dựng kênh thông tin, xử lý, sắp xếp, phổ biến, cung cấp tin. Đặc biệt, Người chú trọng công tác tham mưu, tư vấn, lấy ý kiến đóng góp. Người rất chú trọng xây dựng kênh thông tin, xác định tầm quan trọng của thông tin thô, chưa qua xử lý (thông tin cấp 1) để làm nguồn tin phục vụ quản lý nhằm tạo sự liên hệ mật thiết với thực tiễn quần chúng, bảo đảm sự kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, người xác định rõ thông tin cho quản lý phải là thông tin được nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đã qua xử lý (thông tin cấp 2).
Về công tác xử lý, sắp xếp, cung cấp, phổ biến tin: “gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó”10.
Vấn đề sáng tạo, đối với Hồ Chí Minh, là ở chỗ: sử dụng ý kiến quần chúng, nhưng sắp đặt tổ chức lại theo mục tiêu, định hướng của lãnh đạo và đem tuyên truyền giải thích. Như vậy, sẽ tạo được tính dân chủ, đưa quần chúng vào thành chủ thể của hoạt động lãnh đạo mà vẫn khéo léo giữ chính kiến của mình. Có như vậy, quần chúng càng tích cực tự giác, hăng hái thực thi và đóng góp ý kiến xây dựng chính sách.
Đối với cán bộ phụ trách cấp dưới, người chỉ ra nhiệm vụ tham mưu tư vấn là phải biết chủ động, sáng tạo, chịu trách nhiệm trước dân. Cán bộ cấp dưới cần biết đề xuất, tư vấn, tham mưu cho cấp trên một cách kịp thời những mắc mớ, đề nghị những chỗ nên sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp, không mù quáng nhất nhất tuân lệnh. Việc ra quyết định cần bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp lòng người nhưng vẫn phải có tính quyết đoán, đón đầu, đi trước thời đại, “học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng…Làm việc với dân chúng có hai cách:
(1) Làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra cột vào cổ dân chúng, bắt dân chúng theo. Có nhiều cán bộ theo cách đó. Họ còn tự đắc rằng: làm như thế, họ vẫn “làm tròn nhiệm vụ”, làm được mau, lại không rầy rà. Họ quên rằng: Đảng ta và Chính phủ ta làm việc là làm cho dân chúng. Việc gì, cũng vì lợi ích của dân mà làm. Làm theo cách quan liêu đó, thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại.
(2) Làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm.
Như thế hơi phiền một chút, phiền cho những người biếng học hỏi và giải thích. Nhưng việc gì cũng nhất định thành công”11. Nguyên tắc làm việc trên có cơ sở mấu chốt và nhất quán trong đường lối Hồ Chí Minh là mọi việc cán bộ đều chịu trách nhiệm trước Đảng và Chính phủ. Nhưng gốc rễ quyền lực và mục tiêu hoạt động của Đảng và chính quyền là từ nhân dân, phục vụ lợi ích của dân. Cán bộ không chịu trách nhiệm trước dân tức là họ không chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Chính phủ.
Để thu nhận được ý kiến có giá trị, theo Hồ Chí Minh, cần thành tâm khích lệ dân chúng đóng góp ý kiến. Tâm lý dân chúng hay so sánh, thấy mâu thuẫn, họ tự kết luận và đề ra cách giải quyết. Dựa theo ý dân tìm hiểu thì sẽ có quyết định sáng suốt. Khi lựa chọn ý kiến phát biểu cần xác định tính điển hình: cần nói chuyện với nhiều tầng lớp khác nhau, xem xét các ý kiến đối lập. Đồng thời cần có sự chủ động khéo léo, giải thích, thuyết phục, phản biện khoa học tạo sự đồng thuận, nhất trí trong cán bộ và dân.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác báo cáo, coi đó là cơ sở để ban hành quyết định đúng đắn, chống nạn quan liêu. Người xác định rõ yêu cầu của báo cáo là ngắn gọn, đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, nội dung báo cáo phải thuyết phục. Theo Hồ Chủ tịch, một trong những sai sót lớn là thói “báo cáo lông bông”, báo cáo không rõ ràng, thiếu chính kiến: “Một là báo cáo giả dối. Thành công ít, suýt ra nhiều. Khuyết điểm thì giấu đi, không nói đến. Thành thử cấp trên không hiểu rõ tình hình mà đặt chính sách cho đúng…Trong báo cáo nhiều khi chỉ thấy 1, 2, 3, 4 hoặc a, b, c,… không nêu rõ vấn đề ra. Không phân tách, không đề nghị cách giải quyết các vấn đề, không nói rõ tán thành hoặc phản đối…”12.
Người hướng dẫn cách nghiên cứu, trình bày giải quyết vấn đề trong báo cáo: Xác định vấn đề: “Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết. Gặp mỗi vấn đề, đều phải kinh qua ba bước: đề nó ra, phân tách nó (điều tra, nghiên cứu, sắp đặt), giải quyết nó”13.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà lý luận vừa là người tổ chức thực hiện những nhiệm vụ cách mạng. Người vừa đưa ra định hướng chiến lược, đồng thời quan tâm sâu sát đưa ra những chỉ dẫn hết sức cụ thể, chi tiết nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ. Người tỏ rõ thái độ, lập trường cách mạng kiên quyết và triệt để đối với sự thiếu hiểu biết, thiếu chuyên nghiệp, là nguy cơ dẫn đến thái độ quan liêu, xa rời thực tiễn của người cách mạng, làm suy yếu đội ngũ cách mạng. Những chỉ dẫn quý báu của Người có giá trị to lớn, giúp đội ngũ cán bộ, công chức non trẻ của ta nhanh chóng trưởng thành, bắt kịp sự tiến bộ của thế giới, đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Hiện nay, trong kỷ nguyên thông tin, đặc biệt là trong thời kỳ cải cách và hội nhập, rất nhiều vấn đề về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, tính thực tiễn, tính dân chủ trong việc thực hiện nghiệp vụ hành chính nói chung và trong công tác văn bản, thông tin, báo cáo nói riêng lại càng đặt ra cấp bách hơn hết. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những hoạt động trên vẫn là lời nhắc nhở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nghiêm khắc xem xét lại mình, không ngừng trau dồi trình độ nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất cách mạng, để xứng đáng là đội ngũ công bộc của dân, thực hiện sứ mệnh nhân dân giao phó, giải quyết các nhiệm vụ đặt ra trong thời đại mới.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, mỗi cán bộ, công chức, viên chức càng nhận thức sâu sắc hơn bài học Người để lại. Gốc rễ của tính chuyên nghiệp vẫn là luôn gắn bó với quần chúng nhân dân. Thực hiện công tác thông tin, văn bản càng phải đi từ thực tiễn, gắn liền với thực tiễn, dựa trên lập trường tư tưởng của giai cấp cách mạng, của quần chúng nhân dân, phát huy dân chủ. Đồng thời, cần không ngừng chủ động sáng tạo, luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, kiên quyết chống lại các biểu hiện quan liêu, cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp.