(QLNN)- Cùng với sự góp sức tổng lực của cả dân tộc, của nhiều lực lượng, binh chủng, công tác tuyên truyền cổ động đã góp phần đặc biệt quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Những kinh nghiệm tuyên truyền, cổ động đầy sáng tạo trong điều kiện chiến tranh ác liệt vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, cần được tiếp tục kế thừa và phát huy.
Công tác tuyên truyền, cổ động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 trải dài 56 ngày đêm (từ 04/3 – 30/4/1975), qua 3 chiến dịch: Tây Nguyên, Huế – Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam đã giành chiến thắng trước Mỹ – ngụy không chỉ bằng lực lượng vật chất, mà còn ở tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá vào mục tiêu thống nhất Tổ quốc: “Bắc – Nam sum họp một nhà”. Công tác tuyên truyền, cổ động (TTCĐ) đã góp phần hết sức quan trọng làm nên mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác TTCĐ trong việc xây dựng nhân tố chính trị tinh thần – nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta, Đảng và quân đội ta đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức TTCĐ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Trên chiến trường miền Nam, ngay từ ngày 23/01/1961, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được thành lập với nhiệm vụ là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, chịu sự chỉ đạo trực tiếp và được Trung ương Cục miền Nam giao phụ trách mảng công tác chính trị tư tưởng, văn hóa – văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng bộ miền Nam để phát động quân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. “Ban Tuyên huấn có nhiệm vụ tham mưu, nghiên cứu, giúp Trung ương Cục thống nhất chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện về công tác chính trị tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền hướng dẫn đường lối của Đảng về cách mạng giải phóng miền Nam và hoà bình thống nhất đất nước” 1. Ở miền Bắc, công tác TTCĐ được các cấp, các ngành đẩy mạnh, với sự chủ trì của các ty, phòng, ban văn hóa.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, công tác TTCĐ đã đáp ứng rất tốt các yêu cầu của các chiến dịch trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Với cán bộ, chiến sĩ tham gia các chiến dịch, công tác TTCĐ đã tập trung động viên, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, làm cho bộ đội đánh giá đúng tình hình địch – ta, từ đó nhận rõ thời cơ chiến đấu, có quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; lấy thắng lợi của ta và sự suy sụp của quân địch ở chiến dịch trước và ngay trong chiến dịch làm nội dung sống động, liên tục cổ vũ, động viên bộ đội, khắc phục tâm trạng băn khoăn, thiếu tự tin, ngại ác liệt, hy sinh trước giờ chiến thắng. Nhờ vậy, việc “đem kết quả thực tế đạt được trên chiến trường để giáo dục, thuyết phục đã làm cho hoạt động công tác chính trị có hiệu quả lớn, phong phú, linh hoạt và thật sự có sức sống”2.
Đối với nhân dân các vùng mới giải phóng trong các chiến dịch, công tác TTCĐ đã tập trung giúp nhân dân nhận thức rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn hành động tàn bạo của địch hòng kìm kẹp, bưng bít nhân dân, nhồi nhét nọc độc của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, vu khống, nói xấu chính quyền cách mạng và quân giải phóng. Lực lượng làm công tác TTCĐ của ta đã kiên trì, bền bỉ, tận tình, chân thật với tinh thần tôn trọng yêu thương và sẻ chia sâu sắc đối với hoàn cảnh của nhân dân sống trong vòng kiềm tỏa của địch.
Vì lẽ đó, nhân dân địa phương đã ngày càng hiểu biết, tin yêu bộ đội, biết ơn và tin phục cách mạng, nâng cao dần sự giác ngộ chính trị, tham gia phát triển phong trào cách mạng từng bước vững chắc ở vùng mới giải phóng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền của Đảng và Quân Giải phóng cũng góp phần nhanh chóng ổn định tình hình xã hội, trước hết là ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, bảo đảm kinh tế trước mắt và lâu dài; động viên nhân dân tích cực giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ chính quyền giải phóng. Từ đó, xây dựng và củng cố hậu phương trực tiếp của các chiến dịch.
Một số bài học kinh nghiệm từ công tác tuyên truyền, cổ động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Một là, đã động viên được một lực lượng đông đảo, tinh nhuệ, giàu nhiệt huyết tham gia công tác TTCĐ.
Lực lượng tuyên truyền trong giai đoạn này không bó hẹp ở đội ngũ báo cáo viên, cán bộ, đảng viên của Đảng mà được mở rộng trong quần chúng nhân dân, kể cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đặc biệt, Đảng ta đã tập hợp được một đội ngũ đông đảo những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ, nghệ sỹ tài năng tỏa đi khắp các chiến trường, vừa chiến đấu, vừa tham gia TTCĐ xây dựng và củng cố niềm tin tất thắng cho bộ đội giải phóng và đồng bào miền Nam.
Trong hàng ngũ quân giải phóng tham gia các chiến dịch, một bộ phận lớn là những sinh viên, trí thức “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Họ vừa là những chiến sĩ dũng cảm, đồng thời cũng là những người có trí tuệ và khả năng thuyết phục, cảm hóa tốt; vừa là lực lượng tham gia tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của các đơn vị; đồng thời, cũng làm nòng cốt để thực hiện chức năng đội quân công tác, tuyên truyền, vận động nhân dân các vùng mới được giải phóng đạt hiệu quả cao.
Hai là, xây dựng nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn chiến trường, phục vụ tốt cho nhiệm vụ của các chiến dịch và sử dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức TTCĐ trong điều kiện chiến tranh.
Về mặt nội dung, công tác TTCĐ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tích cực thông tin về thắng lợi của quân và dân ta trên khắp các chiến trường; khơi dậy và phát huy cao độ những giá trị tinh thần của dân tộc Việt Nam, trong đó nổi bật là tinh thần yêu nước, dốc toàn lực cho cuộc quyết chiến chiến lược cuối cùng, thống nhất đất nước. Trong đó, đã động viên miền Bắc tiếp tục phát huy cao độ vai trò của hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho các đoàn quân nam tiến; động viên đồng bào miền Nam nhất tề nổi dậy, phối hợp với những cánh quân chủ lực giải phóng từng địa phương, từng bộ phận, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Điểm nổi bật trong công tác TTCĐ giai đoạn này là Đảng đã chỉ đạo sử dụng các hình thức TTCĐ hết sức đa dạng, phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Trong tuyên truyền miệng, việc quán triệt một nghị quyết, một nhiệm vụ chiến đấu có khi tổ chức đơn giản, ngắn ngày, vừa hành quân vừa sinh hoạt, người đi trước nói với người đi sau, quần chúng tuyên truyền cho quần chúng.
Trong các đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam và các lực lượng vũ trang hoạt động bí mật tại địa phương hoặc nội đô Sài Gòn, nội dung tuyên truyền được đi vào bộ đội và quần chúng bằng phương pháp “rễ chuỗi”. Đây là hệ thống tuyên truyền theo kiểu “rỉ tai”, từ cấp trên lan tỏa xuống cấp dưới và đến từng cá nhân giống như từ rễ cái đến các rễ chùm, rễ nhánh. Nhờ hệ thống này mà chủ trương, biện pháp đấu tranh của Đảng đi sâu vào quần chúng, nhanh chóng thống nhất hành động, tạo khí thế sục sôi, bền bỉ trong quần chúng.
Công tác cổ động trực quan được quân và dân ta thực hiện trên mọi địa hình, mang lại hiệu quả cao. Các khẩu hiệu tuyên truyền cách mạng, như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”… được viết bằng khổ chữ lớn trên các vách núi, hàng cây, con đường, ở mọi nơi, trở thành quen thuộc, thấm vào tâm trí của mọi người, là phương hướng hành động của người dân miền Bắc trong giai đoạn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Điểm đặc sắc nữa là những bức tranh cổ động cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy được những họa sĩ tài năng thực hiện, có giá trị thẩm mỹ rất cao, sinh động, hấp dẫn, có tác dụng định hướng rất tốt trong thực tiễn.
Ba là, phát huy cao độ vai trò của báo chí và văn học – nghệ thuật trong công tác TTCĐ.
Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam và Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí của Đảng và quân đội, như: Báo Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Báo Quân Giải phóng, Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, Chương trình phát thanh Quân Giải phóng miền Nam,… đã được thành lập ngay từ rất sớm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lực lượng báo chí cách mạng đã có sự phối kết hợp với nhau chặt chẽ, tạo ra mặt trận thông tin mạnh mẽ, tạo dư luận đồng tình cả trong nước và quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân ta.
Bên cạnh đó, trên lĩnh vực văn hóa – văn nghệ, nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật xuất sắc đã ra đời trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và trước, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nói riêng. Có thể nói, chính khí thế sục sôi của khát vọng thống nhất đất nước thời gian này đã trở thành cảm hứng lớn lao để làm nên những thành tựu nổi bật của văn học – nghệ thuật, tạo nên những cột mốc khó có thể vượt qua của nền văn học – nghệ thuật Việt Nam sau này. Để rồi ở chiều ngược lại, những tác phẩm văn học – nghệ thuật đã nhanh chóng thấm sâu vào đời sống chiến đấu của bộ đội và nhân dân, cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu hy sinh vì lý tưởng thống nhất Tổ quốc thiêng liêng và cao đẹp.
Vận dụng kinh nghiệm hoạt động tuyên truyền, cổ động trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vào thực tiễn công tác tuyên giáo hiện nay
Vai trò, hiệu quả của công tác TTCĐ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 nói riêng đã để lại những kinh nghiệm quý báu trong công tác xây dựng Đảng. Từ những kinh nghiệm ấy, trong thực tiễn công tác tuyên giáo hiện nay, cần nắm vững những định hướng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác tuyên truyền của Đảng.
Trước hết, cần giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, các lực lượng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ nắm vững các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, phương pháp, cách thức tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy cấp trên về công tác TTCĐ. Đây là cơ sở để làm cho các hoạt động công tác TTCĐ của các địa phương, cơ quan, ban, ngành được tổ chức thực hiện đúng hướng, đạt chất lượng hiệu quả thực sự.
Cùng với đó, phải tổ chức giáo dục, quán triệt để các tổ chức, các lực lượng nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp TTCĐ trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ truyền thông cũng như sự thịnh hành của mạng xã hội hiện nay. Quá trình giáo dục đồng thời cũng là quá trình truyền thụ kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác TTCĐ. Coi trọng giáo dục ý thức nêu gương của các lực lượng làm công tác tuyên truyền, “nói đi đôi với làm”, bảo đảm tính mô phạm để các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo.
Giáo dục, quán triệt cho các tổ chức, các lực lượng nắm vững đặc điểm tâm sinh lý của từng đối tượng của công tác TTCĐ; những tác động của môi trường bên ngoài và những hành động chống phá của các thế lực thù địch, các đối tượng cơ hội về chính trị trong việc tác động vào tâm tư, tình cảm, làm lung lay niềm tin của nhân dân. Đây là cơ sở quan trọng để cấp ủy Đảng, cơ quan và cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức TTCĐ phù hợp.
Thứ hai, xây dựng lực lượng làm công tác TTCĐ thực sự tinh nhuệ, nhạy bén, sáng tạo.
Cấp ủy Đảng các cấp cần nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác TTCĐ đối với công tác lãnh đạo của Đảng và trong đời sống xã hội. Trong đó, công tác TTCĐ góp phần phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là tuyên truyền, cổ động nhân dân phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phòng, chống thiến tai, dịch bệnh,…
Cấp ủy các cấp cần động viên được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia công tác TTCĐ. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích những cán bộ, đảng viên, trí thức có trình độ lý luận sắc sảo và kỹ năng viết, diễn thuyết tốt để tham gia vào đội ngũ tuyền truyền viên, báo cáo viên. Bên cạnh đó, cần thường xuyên bồi dưỡng cả về nội dung và phương pháp TTCĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp để lực lượng này phát huy được vai trò nòng cốt trong mặt công tác này. Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng nội dung TTCĐ phù hợp với nhiệm vụ của địa phương, bộ, ban, ngành trong từng giai đoạn, thời điểm đi đôi với sử dụng đa dạng các hình thức TTCĐ cả truyền thống và hiện đại trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Thứ ba, làm tốt công tác rèn luyện, phát triển kỹ năng TTCĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.
Kỹ năng TTCĐ là một trong những “kỹ năng cứng” mà người làm công tác tuyên giáo cần phải có và thường xuyên được sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, trong quá trình lãnh đạo công tác TTCĐ, cấp ủy các cấp cần quan tâm rèn luyện, phát triển kỹ năng TTCĐ cho lực lượng này.
– Về mặt nội dung: cần hướng vào rèn luyện các kỹ năng: tuyên truyền miệng (soạn đề cương tuyên truyền và sử dụng ngôn ngữ nói); viết tin, bài để đưa tin và phản ánh gương người tốt, việc tốt, bước đầu biết tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện báo chí, phát thanh, truyền hình; thực hành tổ chức các hoạt động giao lưu, văn hóa – văn nghệ phục vụ công tác TTCĐ; biết khai thác và sử dụng mạng xã hội trên internet để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; biết thực hiện các nội dung cổ động trực quan tại điểm công cộng,…
– Về phương pháp bồi dưỡng, rèn luyện: tổ chức tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các nội dung thực hành công tác TTCĐ. Bên cạnh đó, cần tích cực đưa cán bộ làm công tác tuyên giáo về cắm địa bàn, bám sâu nắm chắc, sát tình hình thực tiễn đời sống nhân dân và đi vào thực tiễn hoạt động TTCĐ để rèn luyện kỹ năng cho bản thân.
Thứ tư, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể trong công tác TTCĐ hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Tuyên giáo cần tham mưu cho cấp ủy Đảng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác TTCĐ một cách nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn địa bàn và phù hợp với sự phát triển trình độ nhận thức của nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến nhân dân, giải quyết kịp thời những bức xúc trong đời sống xã hội, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với công tác vận động quần chúng. Tham mưu, đề xuất để địa phương xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong quá trình thực hiện nhiệm vụ TTCĐ, nhất là khi giải quyết các “điểm nóng” phát sinh trên địa bàn.
Xây dựng các tổ công tác dân vận ở các khu phố, làng, bản và phát huy vai trò “cánh tay nối dài” ngành Tuyên giáo của các tổ chức, như Hội cựu chiến binh, câu lạc bộ hưu trí,… Mặt khác, thường xuyên trao đổi, cung cấp nội dung TTCĐ để các tổ chức nói trên trực tiếp tham gia phổ biến đến toàn thể nhân dân trong phạm vi hoạt động được đảm nhiệm.
Chú thích:
1. Đỗ Văn Biên. Hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn, Trung ương cục Miền Nam. Tập 17. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, 2014, tr. 15.
2. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945 – 1975. H. NXB Quân đội nhân dân, 1998, tr. 643.
TS. Nguyễn Minh Cường
Trường Đại học Chính trị – Bộ Quốc phòng