Thanh Hóa thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường không khí trong các khu công nghiệp

(QLNN) – Hiện nay, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm khí trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên chỉ khống chế được các khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu tạo năng lượng cho hoạt động sản xuất. Còn ô nhiễm không khí do sự rò rỉ chất ô nhiễm từ quá trình sản xuất và tác động gián tiếp từ khí thải tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa được triệt để.

 

Một góc thành phố Thanh Hóa (Ảnh internet).
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước, các khu công nghiệp (KCN) có một vị trí đặc biệt quan trọng

Vận dụng kinh nghiệm thế giới vào thực tế ở Việt Nam, từ năm 1991, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo và triển khai việc xây dựng các KCN. Các KCN được hình thành và phát triển đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực của các KCN đối với nền kinh tế thì quá trình hoạt động của các KCN cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn, đó là ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất công nghiệp gây ra, đặc biệt là ô nhiễm về không khí. Ô nhiễm môi trường làm thiệt hại về kinh tế – xã hội, ảnh hưởng xấu không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Phát triển KCN góp phần tạo ra tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng quản lý như thế nào để vừa có sự tăng trưởng, phát triển kinh tế, đồng thời vừa giữ gìn, bảo vệ môi trường (BVMT) là một thách thức to lớn.

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và nhiều tiềm năng phong phú

Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, những năm gần đây, Thanh Hóa đã và đang là một điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội. Điểm nổi bật đầu tiên trong quá trình phát triển của Thanh Hóa trong thời gian qua đó là sự khởi sắc về lĩnh vực công nghiệp. Theo thống kê, năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp, “giá trị sản xuất ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ, tăng cao nhất từ trước đến nay”1 do có thêm các sản phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn và một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như quần áo may sẵn, xi măng, điện sản xuất, thủy sản đông lạnh chế biến, thuốc lá bao, giầy xuất khẩu…

Hiện nay, cơ sở sản xuất trong các KCN tỉnh Thanh Hóa đã lắp đặt hệ thống xử lý ô nhiễm khí trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên chỉ khống chế được các khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu tạo năng lượng cho hoạt động sản xuất. Còn ô nhiễm không khí do sự rò rỉ chất ô nhiễm từ quá trình sản xuất và tác động gián tiếp từ khí thải tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn chưa được triệt để.

Theo kết quả quan trắc định kỳ, chất lượng môi trường không khí xung quanh các KCN được so sánh với nhiều quy chuẩn khác nhau như quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT, tức là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh; 06:2009, tức là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh; quy chuẩn Việt Nam 26:2010/BTNMT. Từ những quy chuẩn trên, chúng ta thấy được thực trạng môi trường không khí trong một số KCN tỉnh Thanh Hóa hiện nay.

Một là, KCN Bỉm Sơn.

Nhà máy xi măng bỉm Sơn nằm trọng khu công nghiệp Bỉm Sơn (Ảnh internet).

KCN Bỉm Sơn là KCN đa ngành. Các dự án trong KCN có lượng phát thải khí thải công nghiệp không lớn và được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Có thể phân loại theo từng nhóm ngành sản xuất chính tại KCN Bỉm Sơn, đơn cử như các ngành có lò hơi, lò sấy hay máy phát điện đốt nhiên liệu nhằm cung cấp hơi, điện, nhiệt cho quá trình sản xuất với thành phần khí thải bao gồm bụi, CO, SO2, NO2, VOCs, muội khói …; nhóm ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống với thành phần khí thải bao gồm bụi, H2S; nhóm ngành sản xuất các sản phẩm từ kim loại với thành phần khí thải bao gồm bụi kim loại đặc thù, bụi Pb trong công đoạn hàn chì, hơi hóa chất đặc thù, hơi dung môi đặc thù, SO2, NO2… 2.

Theo kết quả phân tích thông số và nồng độ một số chất gây ô nhiễm trong môi trường không khí xung quanh, nồng độ các chất ô nhiễm có trong môi trường không khí khu B (Mẫu K3, K4, thời điểm lấy mẫu từ 8h10 -9h30”, ngày 25/9/2019) cho thấy, tất cả các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN 05: 2013/BTNMT và QCVN 26: 2010/BTNMT3.

Đối với khu A, vị trí lấy mẫu quan trắc: 016.KX0001, 016.KX0002, thời điểm lấy mẫu vào ngày 25/8/2019. Qua kết quả phân tích môi trường không khí tại khu A của KCN Bỉm Sơn, tất cả các chỉ tiêu môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 26:2010/BTNMT 4.

Hai là, khu kinh tế Nghi Sơn.

Hiện nay, khu kinh tế Nghi Sơn có các dự án thuộc đối tượng phát thải khí thải lớn phải lắp đặt quan trắc onlien theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh, nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm các công trình BVMT. Lưu lượng khí thải phát sinh tại các dự án tương đối lớn, dao động từ 8.340 ÷ 2.300.000 m3 khí/giờ. Tất cả các dự án đều trang bị đầy đủ hệ thống thiết bị xử lý bụi, khí thải theo đúng quy định và đang hoàn thiện việc đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc online theo quy định5. Tuy nhiên, việc kết nối kết quả quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục vẫn chưa được kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường do chưa xây dựng và lắp đặt trang thiết bị tiếp nhận.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong khu kinh tế Nghi Sơn (Ảnh internet).

Theo kết quả quan trắc môi trường không khí tại ống khói của các nhà máy, các chỉ tiêu phân tích đều đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đó là QCVN 19:2009/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép của ngành là 200 mg/Nm3. Kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí phát sinh khí thải từ quá trình đốt nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất hoặc xử lý chất thải nguy hại với thành phần trong khí thải tại nhà máy đối với hoạt động sản xuất tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Cụ thể như “Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 ở quý I/2019 là 53 mg/Nm3, quý II/2019 là 50 mg/Nm3, quý III/2019 là 50 mg/Nm3, quý IV/2019 là 53 mg/Nm3; Nhà máy xi măng Nghi Sơn ở quý I/2019 là 17 mg/Nm3, quý II/2019 là 20 mg/Nm3, quý III/2019 là 18 mg/Nm3, quý IV/2019 là 16 mg/Nm3; Nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu Long Hải 1 ở quý I/ 2019 là 52 mg/Nm3, quý II/2019 là 50 mg/Nm3, quý III/2019 là 50 mg/Nm3, quý IV/2019 là 53 mg/Nm3; Nhà máy sản xuất giày ANNORA ở quý I/2019 là 40 mg/Nm3, quý II/2019 là 25 mg/Nm3, quý III/2019 là 20 mg/Nm3, quý IV/ 2019 là 17 mg/Nm3” 6.

Từ kết quả trên cho thấy, các dự án nghiêm túc vận hành hệ thống xử lý khí thải, nồng độ các chất ô nhiễm đặc trưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn QCVN 19:2009/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp.

Như vậy, những năm qua, việc thực hiện pháp luật BVMT không khí ở một số KCN tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến nhiệm vụ BVMT và các tác động về mặt xã hội từ các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Nhận thức về môi trường của các doanh nghiệp được nâng cao, ý thức BVMT đang dần trở thành thói quen, nếp sống của các doanh nghiệp. Bước đầu các KCN đã hạn chế được một phần mức độ gia tăng ô nhiễm, chú trọng khắc phục suy thoái, phục hồi môi trường. Điều kiện vệ sinh môi trường trong các KCN đang từng bước được cải thiện, người dân sống quanh KCN có môi trường ngày càng tốt hơn. Các doanh nghiệp trong các KCN tích cực đầu tư sản xuất, đổi mới trang thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện do những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Việc triển khai những quy định của pháp luật về lĩnh vực BVMT còn thiếu thường xuyên, chỉ đạo tập trung cao khi có kế hoạch chỉ đạo sơ kết, tổng kết và thời gian sau đó thì ít kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở. Pháp luật BVMT thường xuyên thay đổi, song các doanh nghiệp ít tìm hiểu, thiếu chủ động mà hầu như khi có sự đôn đốc nhắc nhở của các cơ quan chức năng mới thực hiện.

Việc thực hiện pháp luật BVMT của các chủ thể thực hiện pháp luật BVMT; cấp ủy Đảng, chính quyền; đội ngũ cán bộ, công chức đã nhận thức tương đối đầy đủ về việc BVMT và quán triệt nội dung BVMT song chưa thực sự có “tâm huyết” đến cùng trong thực hiện các quy định pháp luật về BVMT trong các KCN. Thông tin đến được với các doanh nghiệp hầu như chỉ một chiều, khi các doanh nghiệp thắc mắc thì cán bộ, công chức mới giải đáp. Cán bộ, công chức làm công tác quản lý môi trường chưa thực sự chủ động đến với doanh nghiệp, chưa thực sự coi doanh nghiệp như “khách hàng” của mình để có tinh thần thái độ phục vụ tốt nhất.

Để thực hiện tốt pháp luật BVMT không khí ở một số KCN trên địa bàn quản lý tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và nâng cao năng lực thực thi công vụ cho cán bộ quản lý môi trường trong các KCN.

Về cơ bản, bộ máy quản lý của các KCN tại tỉnh Thanh Hóa đã đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý môi trường trong các KCN, tuy nhiên với số lượng ít so với thực tế đặt ra. Để nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong thời gian tới, Ban Quản lý các KCN cần xem xét, tăng cường đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý việc thực hiện pháp luật môi trường trong các KCN.

Hai là, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các KCN.

Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc quản lý môi trường trong các KCN cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật. Bởi việc thực hiện pháp luật BVMT trong các KCN của các doanh nghiệp phần lớn còn chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật và bất chấp pháp luật để thực hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục để các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường hoàn thiện những quy định pháp luật, kịp thời sửa chữa, bổ sung và đưa ra những biện pháp, cách thức quản lý về môi trường phù hợp, đồng thời có thể phát hiện ra những yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật BVMT đối với nguồn không khí trong các KCN, từ đó có những biện pháp nhằm bảo đảm sự tôn trọng và thực hiện pháp luật của các chủ thể thực hiện pháp luật.

Ba là, nâng cao nhận thức của các chủ thể thực hiện pháp luật về vai trò, tầm quan trọng của pháp luật BVMT không khí trong các KCN.

Cần nâng cao ý thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa thực hiện pháp luật BVMT của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan nhà nước các cấp về BVMT trong các KCN của tỉnh Thanh Hóa, bởi lẽ BVMT là nhiệm vụ của toàn xã hội. Muốn nâng cao nhận thức của các chủ thể thực hiện pháp luật BVMT trong các KCN, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các chủ thể có được tương đối đầy đủ thông tin về môi trường, pháp luật về môi trường, từ đó chủ động trong việc phòng ngừa ô nhiễm và xử lý ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Bốn là, tăng cường sự hợp tác quốc tế về thực hiện pháp luật BVMT đối với nguồn không khí trong các KCN.

Cần có chính sách phù hợp hơn nữa để tranh thủ sự giúp đỡ về kỹ thuật chuyên môn công nghệ và trình độ quản lý về môi trường của các nước, các tổ chức quốc tế. Theo đó, tỉnh nên gửi cán bộ, công chức đi đào tạo ở các nước về chuyên ngành môi trường, pháp luật môi trường để có những chuyên gia về môi trường phục vụ cho công tác quản lý môi trường trong các KCN ở địa phương được tốt hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác BVMT trong các KCN, bởi lẽ ngân sách chi cho hoạt động BVMT trong quản lý nhà nước còn hạn chế. Cần đẩy mạnh phát triển kinh tế để tăng nguồn ngân sách cho BVMT theo nguyên tắc phát triển kinh tế – xã hội đến đâu phải gắn liền với BVMT đến đó, thể hiện trong các khoản thu hợp lý cho BVMT từ hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp trong các KCN.

Chú thích:
1. Báo cáo Quan trắc chất lượng môi trường các đợt năm 2019 của Trung tâm Quan trắc và Bộ Tài nguyên và Môi trường – Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.
2. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2019.
3. Báo cáo Quan trắc chất lượng môi trường các đợt năm 2019 của Trung tâm Quan trắc và BVMT – Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa.
4, 5, 6. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2015.
2. Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

NCS. Phạm Thị Hoài Thu
Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa