Phát triển Chính quyền điện tử – Những thuận lợi và khó khăn

(Quanlynhanuoc.vn) – Chính quyền điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là internet vào hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn ở phạm vi địa phương. Theo đó, xây dựng đô thị thông minh phải gắn kết, không được tách rời việc phát triển chính quyền điện tử. Lấy chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng đô thị thông minh tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền.

 

Mô hình xây dựng Mỹ Tho thành thành phố thông minh. Ảnh: Sở TT&TT Tiền Giang
Những thuận lợi trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử

Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các luật, nghị quyết,… về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động quản lý nhà nước và giao dịch điện tử từ trung ương đến địa phương như: Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005, Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015, Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ,…

Ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp luôn được quan tâm và phát triển đồng bộ. Các cơ quan quản lý nhà nước đang sử dụng rộng rãi các phần mềm ứng dụng dùng chung và phần mềm chuyên ngành; một số dịch vụ công đã đạt mức độ 3, mức độ 4. Đa số các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố của các địa phương đã có trang thông tin điện tử và đang từng bước triển khai hệ thống cung cấp dịch vụ công “một cửa điện tử”. Những nỗ lực này đã và đang phát huy hiệu quả, thiết thực trong công tác lãnh đạo chỉ đạo và giải quyết công việc chuyên môn hằng ngày tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng suất, chất lượng công việc, mang nhiều thuận lợi đến cho người dân và doanh nghiệp.

Hầu hết, các địa phương thành lập ban chỉ đạo, điều hành công tác triển khai chính quyền điện tử (CQĐT), công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý nhà nước và triển khai xây dựng CQĐT hướng tới đô thị thông minh.

Các địa phương đã xây dựng các chương trình, nghị quyết, quyết định về việc xây dựng CQĐT phù hợp với địa phương, như: Quyết định số 4250/QĐ-UBND ngày 28/9/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước của Thành phố nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển TP. Hồ Chí Minh thành một đô thị thông minh; Quyết định số 9862/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND TP. Đà Nẵng về việc phê duyệt kiến trúc tổng thể CQĐT TP. Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội về chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 6218/QĐ-UBND về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng CQĐT TP. Hà Nội; Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 27/02/2017 phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Thừa Thiên Huế và Quyết định số 2197/QĐ-UBND ngày 05/10/2018 về việc thành lập Ban Chỉ đạo CQĐT tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 2538/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án Xây dựng CQĐT và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 3055/QĐ-UBND phê duyệt kiến trúc CQĐT tỉnh Lào Cai và Quyết định số 487/QĐ-UBND phê duyệt đề án thí điểm phát triển đô thị thông minh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2025;…

Các địa phương cũng đã đầu tư một cách đồng bộ các trang thiết bị cơ sở hạ tầng công nghệ và đường truyền đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cụ thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo thống kê, tỷ lệ máy tính trên tổng số cán bộ, công chức đạt 94,58%; tỷ lệ máy tính có kết nối internet đạt 99,24%. Tỷ lệ các địa phương có cổng thông tin điện tử đạt 100%, tỷ lệ có mạng nội bộ (LAN) đạt 100%, tỷ lệ có mạng diện rộng (WAN) đạt 100%.

Về ứng dụng CNTT trong xã hội: tỷ lệ hộ gia đình có máy tính cá nhân 21,57%, tỷ lệ người dân có máy tính, điện thoại thông minh sử dụng internet đạt 70%. Tỷ lệ phủ sóng di động 3G,4G đạt 99,7%1.

Thành lập và đưa Trung tâm phục vụ hành chính công đi vào hoạt động; xây dựng khung kiến trúc CQĐT, đồng thời xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử theo hướng tập trung, thống nhất để tiếp nhận, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cán bộ chuyên trách về CNTT tại các địa phương của mỗi đơn vị trực thuộc tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 93,45%; cấp quận, huyện đạt 98,86%2.

Ban hành các quy chế, quy định về an toàn thông tin áp dụng hoạt động nội bộ, sử dụng các công nghệ, biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hệ thống mạng, sử dụng chữ ký số, chứng thư số, xây dựng bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin mạng.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân tìm hiểu các thủ tục hành chính trên hệ thống điện tử.
Một số khó khăn do đặc thù của địa phương

Thực tế hiện nay, do điều kiện phát triển còn hạn chế nên một số tỉnh, thành phố chưa được quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc một cách đồng bộ, nhiều thiết bị đã cũ, lỗi thời về công nghệ nên hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chất lượng đường truyền chưa được cải thiện nên chưa đáp ứng được yêu cầu.

Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn rời rạc nên hiệu quả chưa cao, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ, chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung. Việc liên thông, kết nối hệ thống “một cửa điện tử” của địa phương với hệ thống “một cửa điện tử” của các bộ, ngành chưa thực hiện được.

Hệ thống mạng diện rộng (WAN) nhiều địa phương mới được triển khai tới cấp huyện, còn cấp xã kết nối với CQĐT qua mạng internet, nên chưa bảo đảm về tốc độ và bảo mật. Các phần mềm ứng dụng trong hệ thống CQĐT còn khó sử dụng trên thiết bị điện thoại thông minh, ipad, nên chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dùng.

Công tác truyền thông về CQĐT đã được triển khai, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, do vấn đề nhận thức, trình độ sử dụng máy tính, internet của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nên việc khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Đa số người dân vẫn chưa rõ những thủ tục hành chính nào thuộc cấp nào giải quyết và việc luân chuyển giải quyết hồ sơ còn vòng vèo, kéo dài, dễ xảy ra thất lạc. Phần lớn người dân và doanh nghiệp chưa có thói quen giao dịch trực tuyến nên thường giao dịch trực tiếp tại các cơ quan nhà nước, một số ứng dụng còn khó sử dụng đối với người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời do có sự lo ngại về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin nên theo thống kê của Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông tỷ lệ dịch công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trung bình cả nước chỉ đạt 12%3.

Những địa phương có đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, người dân, doanh nghiệp chưa có khả năng tiếp cận thông tin và việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Đội ngũ cán bộ chuyên trách về CNTT để bảo đảm hoạt động hiệu quả các hệ thống còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, nhiều nơi là cán bộ kiêm nhiệm chứ không phải là chuyên trách.

Nhiều địa phương chưa xây dựng được quy định, cơ sở pháp lý, hướng dẫn rõ ràng về chia sẻ, sử dụng, tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan với nhau, giữa cơ quan nhà nước với người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Thiếu cơ sở pháp lý về xác thực, bảo vệ dữ liệu trong các giao dịch trên môi trường mạng. Thiếu các quy định, giá trị pháp lý về công tác văn thư, lưu trữ và các văn bản quy định việc sử dụng trong giao dịch hành chính, thanh toán điện tử,…

Cách vận hành mô hình chính quyền điện tử tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Hà Nam thời gian qua cho thấy hiệu quả cao trong quản lý, điều hành và phục vụ tốt cho người dân
Một số giải pháp

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Theo đó, các giải pháp được đề xuất:

1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển CPĐT; xây dựng nền tảng công nghệ phát triển CPĐT phù hợp với xu thế phát triển CPĐT trên thế giới; xây dựng, phát triển CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; xây dựng CPĐT bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm các nguồn lực triển khai xây dựng CPĐT; thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.

2) Bộ Thông tin và Truyền thông được giao xây dựng Kiến trúc tổng thể CPĐT Việt Nam giai đoạn 2019 – 2025, công bố và định kỳ cập nhật hàng năm trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ thông qua việc tích hợp Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh, kiến trúc các hệ thống thông tin dùng chung và các Cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm phù hợp với bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển CPĐT trên thế giới. Hoàn thành xây dựng, cập nhật Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam (phiên bản 2.0) và thường xuyên cập nhật, ban hành các phiên bản tiếp theo phù hợp với các phiên bản cập nhật Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam; triển khai áp dụng Kiến trúc CPĐT cấp bộ, Kiến trúc CQĐT cấp tỉnh đã được ban hành trong quá trình xây dựng CPĐT, CQĐT tại các bộ, ngành, địa phương.

3) Xây dựng, phát triển trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến của thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đưa vào vận hành năm 2019, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2020 – 2025. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu này sẽ tận dụng, kế thừa kết quả triển khai Hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương (NGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nếu đáp ứng được yêu cầu về mặt kỹ thuật, công nghệ.

4) Xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chia sẻ, khai thác dữ liệu với hệ thống Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin khác, đưa vào sử dụng chính thức từ năm 2020, tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 – 2025.

5) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong năm 2019; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai, phát triển CPĐT.

6) Xây dựng quy định, cơ sở pháp lý về hoạt động chia sẻ dữ liệu, hoạt động trên môi trường mạng; tăng cường đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung; bảo đảm an toàn thông tin; cải thiện tốc độ đường truyền; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến tới người dân, tổ chức và doanh nghiệp về lợi ích mà các ứng dụng, dịch vụ công trực tuyến đem lại, cải thiện giao diện, đơn giản hóa các thủ tục và hướng dẫn người dùng sử dụng một cách hiệu quả,…

Chú thích:
1,2,3. Bộ Thông tin và Truyền thông. Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2019.H. NXB Thông tin và Truyền thông, 2019
ThS. Lê Thị Thu Thuỷ
Học viện Hành chính Quốc gia