Bồi dưỡng trực tuyến trong công vụ

(Quanlynhanuoc.vn) – Áp dụng hình thức trực tuyến (online) có thể được xem như là một giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo định hướng: Đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính”.

 

Ảnh minh hoạ: Tuyengiao.vn
Một số vấn đề chung

Phương thức học tập trực tuyến cần có nội dung và phương pháp tương thích trên cơ sở tiếp cận một cách khoa học nhằm xác định được đúng kiến thức, kỹ năng cần trang bị cho từng đối tượng học viên là cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Đó là một việc không dễ dàng bởi lẽ, theo truyền thống xưa nay, nội dung bồi dưỡng mang tính đồng loạt, chỉ xuất phát từ nhu cầu của công tác quản lý, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của học viên nên chưa phát huy được hứng thú, tích cực của học viên.

Hơn thế nữa, người học đang là những thành viên của bộ máy công quyền với những chức vụ, nhiệm vụ, thẩm quyền rõ ràng khác nhau trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước. Với một vị thế xã hội nhất định để thực hiện quyền lực nhà nước, cùng với những kiến thức, kinh nghiệm được tích lũy theo lĩnh vực mà họ hoạt động, phần đông học viên có tâm lý “coi thường” việc học bồi dưỡng như là hoạt động “vô bổ”, mất thời gian không cần thiết. Trong điều kiện không được kiểm soát chặt chẽ của phương thức trực tuyến, việc học tập sẽ kém hiệu quả…

Bức tranh đa dạng về mặt bằng tri thức cơ bản chưa đáp ứng các yêu cầu của công việc, sự khác biệt giữa các chuyên ngành đào tạo cũng như trình độ đào tạo, tuổi tác, thời gian làm việc và nơi công tác khác nhau, khác biệt về văn hóa và phong tục giữa các vùng miền, địa phương… cộng với đặc điểm tâm lý công vụ còn có những hạn chế như: mang nặng tính bình quân, kinh nghiệm chủ nghĩa, cào bằng, ghét vượt trội, thiếu kỷ luật và ý chí vươn lên… sẽ là những hạn chế tác động đến người học cũng như hiệu quả của công tác bồi dưỡng, nhất là qua hình thức trực tuyến.

Phương pháp trực tuyến đòi hỏi tính tự giác cao của người học. Điều đó dễ dàng đối với học viên là người lớn tuổi, song lại do bận bịu công việc, nên rất có thể sẽ học hành ‘bê trễ”. Do vậy, cần hướng tới xây dựng nội dung học tập trên cơ sở coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu của học viên; tự kiểm tra, đánh giá.

Mục tiêu của công tác bồi dưỡng là để nâng cao năng lực thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính. Tuy nhiên, để bồi dưỡng CBCC, viên chức hiệu quả cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng phù hợp, phải thực sự xác định được đâu là kiến thức, kỹ năng mà người học cần phải biết và nên biết. Khoảng trống về năng lực của mỗi học viên là khác nhau tùy theo học vấn, đặc điểm chuyên môn, tuổi tác, thâm niên công tác,… Do đó, việc bảo đảm cá nhân hóa nhu cầu bồi dưỡng, bổ sung những kiến thức, kỹ năng mà mỗi vị trí việc làm, chức danh thực sự cần, khắc phục sự dàn trải, cào bằng trong chương trình, nội dung đào tạo… qua phương thức trực tuyến là không dễ dàng.

Nội dung chương trình và cách thức học tập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Huấn luyện cán bộ phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy1. Học trước hết là để “làm việc”. Do đó, nội dung chương trình và cách thức học tập dù thế nào vẫn phải bảo đảm:

Một là, học tập là hoạt động hỗ trợ cập nhật, tích lũy và tăng cường thêm năng lực chuyên môn để có thể thực hiện tốt hơn công việc của mình. Nội dung học tập cần gắn kết với thực tiễn công tác, có lợi ích thiết thực từ việc học đối với các công việc hàng ngày; những kiến thức, kỹ năng mới (có thể là do Nhà nước thấy cần áp đặt hoặc từ nhu cầu của người học) phù hợp với môi trường công tác của đối tượng học viên (với những thói quen, kinh nghiệm thực tế nhất định). Bởi lẽ, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng CBCC phải gắn với công việc, tức là đào tạo theo vị trí việc làm bao gồm chuyển giao những kiến thức và kỹ năng mới, thay đổi thái độ và tạo ra sự thay đổi hành vi để họ thực thi công việc ngày một tốt hơn.

Hai là, nội dung học tập phải là kiến thức, thông tin khoa học đích thực chuyên sâu, song cũng thiết thực với công tác chuyên môn của người học. Do đó, về lâu dài cần xây dựng những chương trình trực tuyến phù hợp với đặc điểm người học và mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) được cụ thể hóa trong các chương trình theo hướng gắn với những vấn đề thực tiễn của cơ quan, môi trường công tác của người học.

Ba là, nội dung học tập cần định hướng và tạo hứng thú “tự học” tiếp theo (thường xuyên) cho người học. Đặc biệt, cần hướng tới không chỉ nhằm tạo ra đội ngũ CBCC không chỉ có trí thức mà những con người biết tôn trọng nhân phẩm và giúp cho người hình thành hành vi một xã hội bền vững cả về kinh tế, môi trường, văn hóa, một lối sống nhân cách, biết quý trọng các nguồn lợi tài nguyên cũng như cho cá nhân có cách ứng xử, đối phó với những khó khăn, thách thức và tăng cường khả năng thích nghi, thông qua không chỉ bồi dưỡng tri thức, kỹ năng quản lý mà còn giáo dưỡng các giá trị nhân văn công vụ.

Bốn là, học trực tuyến không đặt vấn đề về bồi dưỡng định hướng chiến lược: bồi dưỡng không chỉ dừng lại ở trực tiếp trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn trang bị cách thức tận dụng tri thức và tham gia quản lý tri thức. Bồi dưỡng cần được thiết kế nhằm không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa những gì CBCC có thể làm và cần làm cho hiện tại mà còn gắn cả với nhu cầu tương lai của tổ chức. Việc bồi dưỡng cần có định hướng hành động: chú trọng cả hai phương diện nâng cao nhận thức và năng lực làm việc nhưng cũng cần hiểu rằng bồi dưỡng được thiết kế và cung cấp để tạo ra kết quả, để làm cho người học hành động và để bảo đảm rằng người học có thể thực hiện được công việc họ đang làm một cách hiệu quả hơn so với trước bồi dưỡng. Điều này, giúp phân biệt với các hình thức học cho có, biết rồi để đấy.

Từ đó, nên tập trung vào bồi dưỡng gắn với giải quyết vấn đề: đưa ra được các chủ đề học tập giúp người học nhận diện các nguy cơ sai lệch, các vấn đề nảy sinh và các kỹ năng giúp họ giải quyết các vấn đề đó một cách chủ động.

Bảo đảm chất lượng, hiệu quả học trực tuyến

Thứ nhất, ý thức đầy đủ, đúng đắn về phương thức học tập trực tuyến là hiện đại, giúp giảm thiểu, tiêu tốn thời gian “vô bổ”, góp phần hữu ích nâng cao nhận thức về học tập là khoản đầu tư cần thiết, với mục tiêu nhằm trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc để thực hiện công việc được giao tốt hơn, hiệu quả hơn. Mỗi CBCC luôn xác định: “Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại2.

Thứ hai, nội dung chương trình góp phần trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ thực hiện công việc thực tế theo từng vị trí công việc, việc làm của công chức, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực làm việc hiện tại và tương lai của cá nhân và tổ chức. Các bài học cần giảm thiểu tối đa lý thuyết chung chung, “tầm chương, trích cú”, mà phải tăng cường tính kỹ năng, hình ảnh minh hoạ hấp dẫn, dễ nhớ.

Thứ ba, xây dựng chương trình chủ yếu trên cơ sở cách tiếp cận chuẩn đầu ra: (1) Xuất phát từ thực tế nghề nghiệp/chuyên môn và các yếu tố liên quan đến hoạt động lao động nghề nghiệp, chuyên môn. Cần nghiên cứu, phân tích rõ đặc điểm công việc chuyên môn, phân tích các công việc thực tế trong môi trường lao động nghề nghiệp cụ thể. (2) Định hướng các mục tiêu học tập cụ thể để hình thành năng lực chuyên môn. (3) Phát triển chương trình bồi dưỡng mở, tạo điều kiện thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, khuyến khích sự sáng tạo của người học. (4) Chú trọng yêu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp, giảm bớt các tri thức hàn lâm, tăng cường năng lực hành động và thích ứng nhanh với những biến đổi trong lao động nghề nghiệp. Các bài học kỹ năng phải hướng tới trả lời câu hỏi: làm thế nào để thực hiện có hiệu quả các công việc đó hoặc công việc đó cần được thực hiện theo quy trình như thế nào? Chú trọng hệ thống kỹ năng lãnh đạo – quản lý cơ bản (kỹ năng nhận thức/tư duy, kỹ năng thể hiện thái độ/giao tiếp/ứng xử, kỹ năng hành động/hành vi)…

Thứ tư, ở mức độ nhất định theo cách tiếp cận phát triển (developmental approach): phát triển tối đa mọi tiềm năng trong mỗi người học, giúp họ làm chủ được những tình huống, đương đầu với những thách thức sẽ gặp phải trong cuộc sống và hoạt động nghề nghiệp một cách chủ động và sáng tạo. Phương pháp case study cần được ứng dụng tương thích.

Thứ năm, giáo trình và tài liệu học tập cần được nghiên cứu, biên soạn chuẩn mực, là cơ sở lý luận để định hướng và tham khảo cho người học trong quá trình học tập, giúp những học tiếp thu kiến thức trong điều kiện không có tương tác với giảng viên.

Thứ sáu, đội ngũ giảng viên phải có kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu về giảng dạy trực tuyến. Cần xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị công tác trong ngành, trong địa phương có kinh nghiệm thực tiễn để truyền đạt kiến thức, hướng dẫn kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết…

Thứ bảy, bảo đảm đầu tư các nguồn lực cần thiết về trang thiết bị. Đầu tư tài chính cần được quan tâm đặc biệt, nhất là đảm bảo kinh phí thích đáng nhằm xây dựng đội ngũ “chuyên gia chương trình bồi dưỡng trực tuyến”. 

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 270.
2. Alvin Toffler – một tác giả và nhà tương lai học người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn. Ông được coi là “nhà tương lai học nổi tiếng nhất thế giới. https://vi.wikipedia.org, ngày 6/6/2020.
Tài liệu tham khảo:
1.Cơ sở khoa học xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.  Đề tài khoa học cấp bộ năm 2019. Bộ Nội vụ. Mã số ĐT 19/16- Hà Nội.
2. Ngô Thành Can. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực trong khu vực công. H. NXB Lao động, 2014.

PGS.TS. Lưu Kiếm Thanh – TS. Doãn Minh Thắng
Học viện Hành chính Quốc gia