Tăng cường quản lý nhà nước nhằm giảm thiểu mất cân bằng cơ cấu giới tính khi sinh ở Việt Nam  

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong các yếu tố cấu thành dân số thì cơ cấu giới tính khi sinh đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển dân số và phát triển kinh tế – xã hội. Với Việt Nam, để bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, cần chủ động đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp để điều tiết quá trình vận động và phát triển dân số cho phù hợp với nhu cầu và khả năng phát triển của đất nước trong từng thời kỳ, nhất là cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đột phá và kịp thời trong quản lý nhà nước để giảm thiểu mất cân bằng cơ cấu giới tính khi sinh trong giai đoạn hiện nay.

 

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số 2019. Đồ họa: Tổng cục thống kê

Trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội (KTXH) của bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, dân số luôn là nền tảng, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, chỉ khi nào quá trình tái sản xuất dân số ở mức hợp lý với nhịp độ gia tăng, quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số phù hợp với nền sản xuất vật chất thì xã hội mới phát triển, chất lượng con người mới được nâng cao và ngược lại.

Cơ cấu giới tính khi sinh của dân số Việt Nam hiện nay      

Trong các yếu tố cấu thành của một dân số, cơ cấu giới tính khi sinh (GTKS) đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển dân số và phát triển KTXH. Trước hết, cơ cấu GTKS quyết định cơ cấu giới tính chung của dân số. Đến lượt nó, cơ cấu giới tính chung của dân số lại ảnh hưởng tới sự phát triển KTXH. Cơ cấu giới tính của dân số là một thông số đầu vào quan trọng cần tính tới đối với các nhà quản lý trong các kế hoạch phát triển, sản xuất – kinh doanh ở các cấp độ khác nhau. Khi cơ cấu giới tính hợp lý hay bảo đảm sự cân đối theo quy luật tự nhiên sẽ là điều kiện thuận lợi cho tính toán, xây dựng các kế hoạch nhân lực, kế hoạch sản xuất, phát triển xã hội.

Còn nếu cơ cấu GTKS không cân bằng theo quy luật tự nhiên, chẳng những ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu giới tính chung, tới sự phát triển dân số mà còn gây ra những hậu quả, hệ lụy xã hội khó lường, tác động tiêu cực tới sự phát triển KTXH của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Do vậy, muốn bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, nhất thiết các quốc gia phải chủ động đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp để điều tiết quá trình vận động và phát triển dân số cho phù hợp với nhu cầu và khả năng phát triển của đất nước trong từng thời kỳ.

Tại Việt Nam, cơ cấu GTKS của dân số Việt Nam đã được xác định là mất cân bằng từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải, khó giải quyết và vẫn ở mức cao so với tỷ số GTKS (SRB) 1 ở mức sinh học tự nhiên2. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới cũng đã nhận định “mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng”.

Báo cáo chính thức Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 đã chỉ ra, tỷ số GTKS (SRB) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái, có giảm so với năm 2018 (114,8 bé trai/100 bé gái) nhưng vẫn ở mức cao (năm 2006 là 109,8 bé trai/100 bé gái; năm 2009 là 110,4 bé trai/100 bé gái và năm 2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái). Tỷ số này cao nhất ở đồng bằng sông Hồng với 115,5 bé trai/100 bé gái và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long với 106,9 bé trai/100 bé gái3.

Vấn đề dân số, vấn đề mất cân bằng cơ cấu GTKS vốn là những vấn đề xã hội nhạy cảm, có tính xã hội rất cao, liên quan đến quyền con người. Đồng thời, sự mất cân bằng cơ cấu GTKS tất yếu sẽ dẫn đến mất cân bằng cơ cấu giới tính của dân số trong tương lai và gây ra những hậu quả, hệ lụy xã hội to lớn. Muốn giải quyết vấn đề này, cần có sự tham gia của các chủ thể mang tính liên ngành, có sự tham gia của các bên ngay từ trong quy trình ban hành, quá trình thực thi chính sách dân số và cần có sự giám sát, phản biện xã hội. Hơn nữa, việc quản lý, điều tiết để giảm thiểu và đạt mục tiêu đưa tỷ số GTKS về trạng thái cân bằng tự nhiên là một yêu cầu cấp bách và cần phải được thực hiện một cách quyết liệt.

Định hướng mục tiêu quản lý cơ cấu giới tính khi sinh ở Việt Nam

Trên cơ sở các quan điểm của Đảng về công tác dân số qua các thời kỳ, nhất là các quan điểm trong Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Việt Nam đã có những định hướng mục tiêu cụ thể trong quản lý dân số nói chung và quản lý cơ cấu GTKS nói riêng.

Thứ nhất, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2016 – 2020 của Đại hội Đảng (khóa XII) đã đưa ra định hướng cho giai đoạn 2016 – 2020 là cần chú trọng công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, cải thiện tình trạng mất cân bằng GTKS; đồng thời, quan tâm chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em; thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ…

Thứ hai, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 (theo Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ) đã đưa ra định hướng đẩy mạnh thực hiện và duy trì các biện pháp để hạn chế đà tăng của tỷ số GTKS và hướng tới mục tiêu: giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số GTKS, đặc biệt tập trung vào các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ số GTKS, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức 105 – 106/100 vào năm 2025.

Bên cạnh đó, từ thực trạng tỷ số GTKS vẫn duy trì ở mức cao và nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng cơ cấu GTKS, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016 – 2025 với mục tiêu chung là khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số GTKS, tiến tới đưa tỷ số GTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, trước những biến động dân số Việt Nam với những vấn đề mới nảy sinh đã và đang đặt ra những thách thức đối với sự phát triển KTXH của đất nước, Nghị quyết số 21-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới cũng chỉ đạo định hướng mục tiêu: giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển KTXH, đồng thời, cần đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên và đến năm 2030, đạt tỷ số GTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước nhằm tiến tới bảo đảm cân bằng cơ cấu giới tính khi sinh ở Việt Nam
Như trên đã đề cập, vấn đề dân số liên quan đến hành vi sinh sản của con người vốn nhạy cảm và chịu nhiều tác động của các yếu tố kinh tế – văn hóa – xã hội nên để đạt được các định hướng mục tiêu này, cần có sự nhìn nhận thấu đáo vấn đề, từ đó xây dựng, thực hiện những giải pháp mang tính đồng bộ, hữu hiệu.
Cán bộ y tế tuyên truyền công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ vùng cao Lào Cai (Ảnh: baolaocai.vn).

Một là, với vai trò là một thiết chế chính trị, Nhà nước luôn chủ động can thiệp vào các quá trình phát triển KTXH của một quốc gia hướng theo chính sách đã định sẵn, tuy nhiên, Nhà nước muốn chủ động tác động vào các quá trình, các cấu phần dân số (trong đó có điều tiết cơ cấu GTKS) thì trước hết, phải nắm vững và vận dụng tốt các quy luật vận động và phát triển dân số. Đó là sự nhận thức thấu đáo của các nhà lãnh đạo, quản lý về quy luật vận động và phát triển của dân số, về hiện thực dân số với sự chuyển đổi nhân khẩu học như là một sự tất yếu của bất kỳ một dân số nào ở những giai đoạn nhất định, cũng như các yếu tố môi trường tác động, ảnh hưởng đến chính sự vận động của dân số với các quá trình dân số, các yếu tố cấu thành dân số cũng như các yếu tố tác động tới quá trình quản lý dân số.

Do vậy, trong quản lý dân số, quản lý cơ cấu giới tính dân số, chủ thể quản lý nhà nước (QLNN) không thể vội vã, chủ quan, áp đặt. Đồng thời, quy luật vận động và phát triển dân số là quy luật tự nhiên nhưng cũng là quy luật xã hội bởi thông qua ý thức và hành vi của con người. Chính vì thế, cần phải tác động vào ý thức và hành vi của con người để hướng quá trình phát triển dân số theo mục tiêu đề ra phù hợp với quy luật vận động của nó.

Hai là, cơ cấu GTKS là kết quả của quá trình sinh sản của một dân số. Nhưng sinh sản của con người không thuần túy là bản năng sinh học mà còn là hành vi xã hội và hành vi sinh sản đó bị chi phối bởi khối lượng và các kênh thông tin mà con người tiếp nhận và xử lý hàng ngày từ môi trường sống xung quanh. Cá nhân lại chịu ảnh hưởng lớn của “ý thức tập thể” nên các giá trị, chuẩn mực xã hội đang tồn tại sẽ có tác động lớn đến nhu cầu về con cái của các cá nhân. Do vậy, việc Nhà nước chú trọng tác động, điều chỉnh nhận thức của xã hội để dần hình thành các giá trị, chuẩn mực mới về giá trị của phụ nữ, về giới phù hợp với bối cảnh KTXH sẽ tạo điều kiện tốt cho thực hiện mục tiêu cân bằng cơ cấu GTKS.

Ba là, quản lý dân số, quản lý cơ cấu GTKS mang tính xã hội rộng lớn và không chỉ là vấn đề riêng của Nhà nước mà còn là vấn đề của mọi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Vì vậy, xã hội hóa công tác dân số không chỉ là một yêu cầu tự thân của vấn đề dân số mà còn là nhiệm vụ và là giải pháp tất yếu của Nhà nước, của các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân. Đồng thời, cần thấy rằng nguyên nhân mất cân bằng cơ cấu GTKS đan xen giữa các yếu tố kinh tế – văn hóa – xã hội.

Hơn nữa, các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng cơ cấu GTKS liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nên cần thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về sự bình đẳng nam – nữ, có sự phối hợp trong việc triển khai các hoạt động hướng tới bình đẳng giới – tiền đề để giải quyết mất cân bằng cơ cấu GTKS. Nói cách khác, cần huy động sự tham gia của đông đảo lực lượng trong xã hội và xây dựng hệ thống giải pháp mang tính liên ngành với sự tham mưu nòng cốt của ngành Dân số, sự tự nguyện tham gia của người dân, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Để làm được điều này, ngoài chức năng QLNN về dân số, cơ quan QLNN còn phải bảo đảm cả chức năng điều phối chương trình dân số thì mới có thể vừa đảm nhận nhiệm vụ QLNN về dân số vừa huy động được sự tham gia của các lực lượng xã hội.

Bốn là, bản chất công tác dân số ở Việt Nam là một cuộc vận động trên tinh thần tự nguyện của người dân. Do vậy, muốn người dân thực hiện các chính sách dân số nhằm giảm thiểu mất cân bằng cơ cấu GTKS, Nhà nước cần chuyển tải được các thông tin cần thiết đến người dân để họ hiểu rõ lợi ích và tự nguyện chấp nhận. Điều đó chỉ có được khi làm tốt công tác truyền thông, giáo dục, vận động.

Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh tiến trình nhận thức và chuyển đổi hành vi trong thực hiện bình đẳng giới, sinh sản không lựa chọn giới tính, phát triển KTXH thích ứng với sự chuyển đổi nhân khẩu học để phát triển nhanh, bền vững và ổn định xã hội thì phải có sự kết hợp giữa truyền thông, giáo dục, vận động với xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Tuyên truyền, giáo dục là biện pháp cơ bản và chính sách, pháp luật là hành lang pháp lý để thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cơ cấu GTKS.

Năm là, xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển cho thấy các vấn đề dân số (trong đó có vấn đề mất cân bằng cơ cấu GTKS) không thể độc lập với các vấn đề KTXH và khi giải quyết các vấn đề dân số phải đặt trong môi trường KTXH nhất định, phải gắn với các chính sách phát triển.

Sáu là, các chủ thể lãnh đạo, quản lý cần nhận thức rõ dân số và y tế là hai lĩnh vực có liên quan mật thiết nhưng về bản chất là hoàn toàn khác nhau. Công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình không phải là công tác nghiệp vụ kỹ thuật đơn thuần mà là công tác mang tính xã hội cao. Chính vì vậy, công tác này đòi hỏi sự thâm nhập thực tế sâu rộng, gần sát với cộng đồng dân cư theo kiểu “đến từng nhà, rà từng đối tượng” để nắm bắt và hiểu biết sâu sắc, đồng thời đòi hỏi tính liên ngành xã hội rất cao trong giải quyết các vấn đề phát sinh.

Hơn nữa, nói đến công tác dân số không chỉ là kế hoạch hóa gia đình, không chỉ là sự sinh – chết đơn thuần mà còn là bảo đảm các mối quan hệ dân số với phát triển trên tất cả các khía cạnh KTXH – môi trường phù hợp với mỗi vùng, mỗi giai đoạn. Do đó, cần tránh sự y tế hóa dân số và không thể giải quyết các vấn đề dân số chỉ trên nhãn quan y tế.

Bảy là, trên cơ sở nhận thức thấu đáo, đúng đắn mối quan hệ dân số và phát triển cũng như các quy luật vận động của chúng, hậu quả, hệ lụy của tình trạng mất cân bằng cơ cấu GTKS, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý sát sao và thực hiện những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đột phá và kịp thời trong QLNN về cơ cấu GTKS mới có thể giải quyết được vấn đề mất cân bằng GTKS ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích:
1. Trong quản lý dân số, để biểu thị sự diễn biến cơ cấu giới tính khi sinh, người ta dùng chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh – là số bé trai sinh ra sống/100 bé gái sinh ra sống trong cùng thời kỳ.
2. SRB ở mức sinh học tự nhiên thường dao động trong khoảng 103-107 bé trai/100 bé gái.
3. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, ngày 19/12/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới.
2. Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
3. Đặng Nguyên Anh. Xã hội học dân số. H. NXB Khoa học xã hội, 2007.
4. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2011 – 2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 của Đại hội Đảng XII. http://thuvienphapluat.vn, ngày 24/3/2016.
5. Nguyễn Đình Cử. 50 năm chính sách giảm sinh ở Việt Nam (1961 – 2011): Thành tựu, tác động và bài học kinh nghiệm. H. NXB Đại học Kinh tế quốc dân, 2011.

TS. Tạ Thị Hương
Học viện Hành chính Quốc gia