(Quanlynhanuoc.vn) – Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Với những thành tựu to lớn và quan trọng sau 45 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được xác định rõ hơn, góp phần khẳng định tính hiện thực của chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong thời đại ngày nay.
Chặng đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập Đảng và Nhà nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xuất phát từ thực tiễn lịch sử cách mạng của Việt Nam, vận dụng sáng tạo các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin; nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của nhân loại về nhà nước và pháp luật để áp dụng đối với Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn “mưu cầu hạnh phúc cho loài người”1 thì chỉ có cách đi theo con đường xã hội chủ nghĩa (XHCN), bởi vì, chủ nghĩa xã hội (CNXH) mới “cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”2. Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập đã có Cương lĩnh dẫn đường, lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn tay sai bán nước để giành chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 8/1945, nắm vững thời cơ khi nhân dân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức và bọn quân phiệt Nhật Bản, Đảng Cộng sản Việt Nam kịp thời nắm thời cơ, lãnh đạo nhân dân đưa Cách mạng tháng Tám đến thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam còn bị đế quốc và phong kiến thống trị, nước nhà tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Lúc này, cách mạng Việt Nam thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh cho hòa bình thống nhất nước nhà.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, thực hiện thống nhất đất nước.
Quá trình ra đời của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước hoàn toàn thống nhất vào năm 1975 và tháng 7/1976, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được đổi tên là Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện mục tiêu xây dựng CNXH, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân lao động.
Mặc dù vào cuối thế kỷ XX đã xảy ra cuộc khủng hoảng và thoái trào tạm thời của CNXH, nhưng quá độ tới CNXH vẫn là tính chất căn bản của thời đại hiện nay, vẫn là xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, CNXH hiện thực đã và đang phải biến đổi mạnh mẽ theo xu hướng đổi mới để phát triển và là một động lực cách mạng to lớn cho sự phát triển xã hội nói chung, cho sự phục hồi CNXH nói riêng.
Nhiều nước theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn và tiếp tục phát triển. Kiên định đi theo con đường CNXH mà Bác Hồ đã lựa chọn, Đảng ta khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011): “… Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ năm 1986. Đảng và nhân dân Việt Nam kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau gần 35 năm tiến hành đổi mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định. Bước đầu thiết lập được cơ sở của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Về đối ngoại, Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, chủ động và tích cực hội nhập với khu vực và thế giới.
Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được xác định rõ hơn, góp phần khẳng định tính hiện thực của chân lý độc lập dân tộc gắn liền với CNXH trong thời đại ngày nay.
Những thành tựu trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay
Sau 45 năm xây dựng và phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng, đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Diện mạo của đất nước có nhiều thay đổi. Thế và lực của nước ta vững mạnh thêm nhiều. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Với việc ban hành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật, dưới luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản đã tương đối đồng bộ đang từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, động lực mạnh mẽ để tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN được xác định cụ thể hơn, từng bước thực thi có hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành và vận hành khá đồng bộ, gắn kết hiệu quả hơn với thị trường ngoài nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong, ngoài nước cho phát triển kinh tế – xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước được tăng cường. Năng lực cạnh tranh có bước được nâng lên. Vai trò kinh tế ngoài nhà nước (không kể đầu tư nước ngoài) ngày càng được phát huy, đóng góp 38,5% tổng đầu tư toàn xã hội và 48,3% GDP3.
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2006 – 2010 tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm (2011 – 2015) đạt trên 5,9%/năm (tăng trưởng GDP năm 2011 đạt 6,24%, năm 2012: 5,25%, năm 2013: 5,42%, năm 2014: 5,98% và năm 2015 đạt 6,68%)4. GDP bình quân 5 năm (2016 – 2020), tăng 6,5 – 7%/năm5.
Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; đóng góp của khoa học, công nghệ tăng; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước (bình quân giai đoạn 2006 – 2015 tăng 3,9%, trong đó giai đoạn 2006 – 2010 là 3,4%)6; giai đoạn 2016 – 2020 năng suất lao động xã hội bình quân tăng 5%/năm7 ;vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn.
Ở Việt Nam, các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, nhất là xóa đói, giảm nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Dân chủ trong xã hội tiếp tục được mở rộng, chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước.
Mạng lưới giáo dục, đào tạo được mở rộng, quy mô và chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo, thi cử và kiểm định chất lượng có đổi mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 51,6% vào năm 2015. Dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm. Trong giai đoạn 2016 – 2020, có khoảng 40 – 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới8.
Cùng với kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. Chính sách an sinh xã hội được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người có công và bảo trợ xã hội. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Nhận thức của người dân về tự bảo đảm an sinh xã hội có tiến bộ, huy động nguồn lực xã hội cho chính sách xã hội tốt hơn. Đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách đối với người có công, giảm nghèo, trợ giúp xã hội, hỗ trợ nhà ở, tạo việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo…
Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người, trong đó đi lao động ở nước ngoài khoảng 469 nghìn người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm; riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%. Nhà ở xã hội được quan tâm đầu tư, hỗ trợ9.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; công tác gia đình, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt kết quả tích cực. Các giá trị văn hóa dân tộc, di tích lịch sử được quan tâm bảo tồn, phát huy. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa quốc gia và thế giới. Sản phẩm văn hóa, văn học – nghệ thuật ngày càng phong phú. Các phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thể dục, thể thao được đẩy mạnh.
Nhà nước luôn quan tâm thực hiện chính sách dân tộc, bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác dân vận được chú trọng, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân được củng cố, phát huy. Các cơ quan báo chí, xuất bản đã làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi và xử lý vi phạm được chú trọng.
Tiềm lực quốc phòng – an ninh được tăng lên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các giải pháp phù hợp để bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội.
Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hiệp quốc. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Tích cực triển khai các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã có và đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển và nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế. Vị thế của nước ta trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Các định hướng tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Để giữ vững bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, cần phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Để xây dựng thành công CNXH, mang lại cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho nhân dân lao động, cần thực hiện tốt các định hướng:
Một là, trong quá trình xây dựng Nhà nước XHCN ở Việt Nam phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nhà nước XHCN phù hợp với sự vận động và phát triển của lịch sử và là tất yếu khách quan. Bảo vệ và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của Nhà nước XHCN ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết.
Những quan điểm Mác – Lênin về CNXH và con đường đi lên CNXH đã đóng vai trò là “nền tảng tư tưởng” cho việc vận dụng, phát triển sáng tạo cho các nước về xây dựng Nhà nước XHCN trong điều kiện từng quốc gia, dân tộc đương đại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, việc vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin về xây dựng Nhà nước XHCN phải bảo đảm tính kế thừa, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, tình hình của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Để phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội nói chung và Nhà nước nói riêng thì vấn đề cơ bản là nghiên cứu để phát huy những mặt tích cực và có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục những hạn chế phát sinh từ cơ chế một đảng cầm quyền. Trong đó, Đảng cần đặc biệt chú trọng lãnh đạo Nhà nước xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ, điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng. Đảng phải lãnh đạo Nhà nước xây dựng các cơ chế và điều kiện để bảo đảm pháp luật được thực thi trên thực tiễn cuộc sống. Đảng lãnh đạo Nhà nước ban hành pháp luật nhưng mọi hoạt động của Đảng phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có năng lực và đạo đức. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên phải bị xử lý nghiêm minh. Thực hiện công khai đối với xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, nhất là các cán bộ, công chức là đảng viên, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Các cương lĩnh, chiến lược, nghị quyết của Đảng phải được xây dựng với nội dung khoa học, có tính khả thi, kết tinh được trí tuệ của dân tộc, phản ánh đúng nhu cầu phát triển khách quan của đất nước. Thực hiện tốt hoạt động tham gia đóng góp ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, nhất là tầng lớp trí thức có trình độ cao vào các dự thảo nghị quyết của Đảng. Đặc biệt là các nghị quyết lãnh đạo Nhà nước xây dựng pháp luật, chính sách và quyết sách những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề nóng bỏng có liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, những vấn đề được dư luận quan tâm.
Ba là, xây dựng Nhà nước XHCN với một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự đổi mới căn bản nhất để tồn tại và phát triển. Nền kinh tế thị trường XHCN cho phép kết hợp sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu, chế độ công hữu là nền tảng. Sự đa dạng về hình thức sở hữu làm cho quan hệ sản xuất có khả năng biến đổi, thích ứng với sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN trên cơ sở đa dạng về sở hữu, trong đó sở hữu tư nhân có vai trò to lớn và quan trọng. Nền kinh tế thị trường xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa theo kiểu tập trung quan liêu, là cơ sở phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân, là cơ sở để Nhà nước Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Bốn là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa hội nhập với giữ vững độc lập tự chủ. Phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Phải không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và có hiệu quả.
Phát huy cao độ nội lực, đồng thời ra sức tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế.
Năm là, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội. Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa nghèo bền vững; giảm dần tình trạng chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước.
Sáu là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các quy định pháp luật về công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác giám sát, thực hiện dân chủ, tạo cơ chế để Nhân dân giám sát các công việc có liên quan đến ngân sách, tài sản của Nhà nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan chức năng, khuyến khích phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Bảy là, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quy định và thực hiện có hiệu quả quyền con người, quyền công dân trên thực tiễn. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân. Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của Nhân dân. Xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, đặc biệt là các quyền dân chủ trực tiếp để tạo động lực phát triển đất nước. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới xây dựng Nhà nước do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.