Tư tưởng Hồ Chí Minh về bệnh quan liêu và vận dụng trong bối cảnh hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: bệnh quan liêu là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đến nay, vẫn có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân. Do đó, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về bệnh quan liêu để tìm giải pháp để “chữa lành” là bài học chưa bao giờ cũ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

 

Ảnh minh họa
 Tư tưởng Hồ Chí Minh về bệnh quan liêu

 Biểu hiện của bệnh quan liêu

Bệnh quan liêu được Hồ Chí Minh đề cập trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Người. Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể thấy có một số biểu hiện của bệnh quan liêu như sau:

– Chỉ đạo xa rời thực tế.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra nghiên cứu đến nơi, đến chốn công việc phải làm, việc gì cũng không nắm vững, chỉ đạo một cách chung chung”1. Ví dụ: có lần Hồ Chí Minh đã trực tiếp hỏi một cán bộ địa phương: “Mùa màng năm nay thế nào?”. Anh ta trả lời: “Việc đó tôi đã động viên nhân dân, đã bày tỏ vấn đề đó một cách đầy đủ nên công tác xem chừng khá…, chắc là có tiến bộ”. Người hỏi tiếp: “Tóm lại là đã cày cấy được mấy mẫu?”. Anh ta trả lời: “Ở vùng chúng tôi, cày cấy hiện nay chưa đâu ra đâu cả”.2

– Hình thức, chỉ biết khai hội, chỉ thị, xem báo cáo trên giấy

Vì xa rời thực tế nên những người mắc bệnh quan liêu chỉ biết đóng cửa viết báo cáo, xem báo cáo trên giấy chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn.“… những người và cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới… đối với công việc thì trọng hình thức, mà không xem xét mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên

giấy”3. Hồ Chí Minh chỉ rõ bệnh khai hội là: khai hội không có kế hoạch, không thiết thực, khai hội lâu, khai hội nhiều quá. Trong các buổi khai hội đó, “cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như “ông quan”. “Ông cán” làm cho một “tua” hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc “ông cán” nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận! Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì “đi phu”. Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!”4.

– Hô hào khẩu hiệu, làm việc qua loa, lời nói không đi đôi với việc làm.

Theo Hồ Chí Minh, ông quan liêu “khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến”5. Hồ Chí Minh thừa nhận: “Trong Đảng ta, có một số người như thế. Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”6.

– Xa rời quần chúng, mệnh lệnh cứng nhắc.

Người viết: “Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu, đi sát”7; “Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần”8; “Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với Nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng – chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền”9.

– Chủ quan, tự mãn.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những cán bộ mắc bệnh quan liêu luôn tự mãn, chủ quan, tưởng rằng mình hiểu hết, biết hết, nên không nghe dân, không hỏi dân, đóng cửa làm việc, vì thế mọi việc không đem lại ích lợi gì. “Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế. Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả”10.

– Ích kỷ, quan cách.

Cán bộ, công chức (CBCC) quan liêu “chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí. Chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự Nhân dân, mà còn muốn Nhân dân phụng sự mình. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”11; “Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”12. Theo Hồ Chí Minh, các ông quan liêu khi được phân công phụ trách ở vùng nào thì như một vua con, ở đấy tha hồ hách dịch, hạnh họe. Cái đầu óc ông tướng, bà tướng ấy làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa Nhân dân.

 Bệnh quan liêu từ đâu mà ra?

Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu do xuất phát cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan tạo nên, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân số 23 ngày 02/9/1951, Bác đã chỉ rõ 6 nguyên nhân khiến nhiều cán bộ bị mắc bệnh. Đó là: Xa Nhân dân, khinh Nhân dân, sợ Nhân dân, không tin cậy Nhân dân, không hiểu biết Nhân dân, không yêu thương Nhân dân13.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của bệnh quan liêu còn là do mất dân chủ, không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đặc biệt là do chủ nghĩa cá nhân còn tồn tại trong một số CBCC… Người nhấn mạnh: chủ nghĩa cá nhân làm “che lấp đạo đức cách mạng”; là một thứ bệnh gốc, bệnh mẹ “đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí,…”14

 Tác hại của bệnh quan liêu

Theo Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu rất nguy hiểm, vì quan liêu là nguyên nhân chính gây nên nhiều tệ nạn cho Nhà nước và xã hội, đặc biệt là tham ô, lãng phí.

Năm 1952 trong bài nói chuyện “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu”15.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí. Quan liêu thường cặp đôi với lãng phí, tham nhũng. Nó là tiền đề và hệ quả của nhau. Trong mối quan hệ này, quan liêu là một yếu tố tạo điều kiện cho tham nhũng. Tham nhũng, lãng phí cũng làm cho quan liêu trầm trọng hơn. Nguy hại nhất của tệ quan liêu là buông lỏng quản lý, xa rời đời sống thực tế của Nhân dân, độc đoán chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí. Quan liêu tiếp tay cho cán bộ yếu kém, thỏa hiệp với những kẻ xấu làm tổn hại tới sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nó làm băng hoại đạo đức cách mạng của người CBCC.

Quan liêu, mệnh lệnh nó vô hình trở thành một bức tường ngăn cách, tách rời Đảng, Chính phủ với Nhân dân, tách rời lợi ích của Nhân dân với chính sách của Đảng và Nhà nước. Quan liêu làm “biến dạng” các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước, làm cho những tổ chức này xa dân, đứng trên Nhân dân và có những chủ trương, chính sách không sát hợp lòng dân, thậm chí đi ngược lại lợi ích của Nhân dân. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ có khi không thấu đến quần chúng hoặc bị thi hành lệch lạc, kết quả là hỏng việc lại mất lòng người.

Tóm lại, theo Hồ Chí Minh, quan liêu là một trong những “thói tật nguy hiểm” của CBCC, bên cạnh các thói tật khác như tham ô, lãng phí, thiếu tinh thần trách nhiệm, óc bè phái, đặc quyền đặc lợi, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo… Do đó, “nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải. Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải”16.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi và phát động cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Tháng 9/1963, nhân dịp Quốc khánh, Bác đã nhờ đồng chí Vũ Kỳ (Thư ký của Bác) dùng lương của Bác mua tặng mỗi cán bộ dự phiên họp Hội đồng Chính phủ 1 chiếc bút máy. Bác đưa tận tay từng Bộ trưởng, từng Ủy viên. Ai nhận quà của Bác cũng rất vui, cảm động và nâng niu chiếc bút này, và theo thói quen khi nhận quà mọi người đều mở hộp bút ra xem thì nhìn thấy dòng chữ “Bút chống quan liêu. 02/9/6317. Đây chỉ là một chi tiết trong thái độ cương quyết chống căn bệnh quan liêu của Bác.

Phòng, chống bệnh quan liêu trong giai đoạn hiện nay

Từ góc độ thiết chế, quan liêu xuất hiện gắn với sự ra đời, tồn tại của Nhà nước, gắn với việc tổ chức quản lý nhà nước. Quan liêu, xét về bản chất là sự tha hóa quyền lực của cơ quan công quyền. bệnh quan liêu là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức, bộ máy, đến hiệu quả thực thi công vụ của CBCC. Chính căn bệnh này đã làm tê liệt bộ máy, vô hiệu hóa bộ máy, làm xói mòn đạo đức của một số CBCC, làm rạn nứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng, làm cho Nhân dân hiểu sai lệch về sự lãnh đạo của Đảng, bản chất Nhà nước. Suy cho cùng, bệnh quan liêu khi đã xâm nhập vào đội ngũ CBCC là nguyên nhân gây nên mọi sự trì trệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay.

Thực tiễn bệnh quan liêu

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và giải pháp để chống quan liêu, nhưng xem ra nguy cơ này vẫn chưa bị đẩy lùi, kết quả chưa được như Đảng, Nhà nước và Nhân dân mong muốn. Một số CBCC, nhất là người có chức, có quyền biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, xa dân ngày càng phổ biến ở từng cấp, từng ngành, lĩnh vực,… khiến dư luận bức xúc.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Quan liêu xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân…”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận, ngày 27/5/2016.

Ngày 27/5/2016, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc của Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: “Một số người có chức, có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một “ông vua con” ở đấy. Thậm chí, có những cá nhân và tập thể trù dập, ức hiếp quần chúng. Những hành động đó tuy không phải là phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, nó làm tổn thương tình cảm và niềm tin của dân đối với Đảng“. Còn theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “không ít cán bộ không sát dân, xa dân, những nhiễu, tiêu cực, mất uy tín với Nhân dân”18.

Thực tế cho thấy hiện nay bệnh quan liêu, thói quan cách vẫn là điều nhức nhối trong nền công vụ Việt Nam. Bệnh quan liêu của CBCC có một số biểu hiện như: thường xuyên ngồi tại bàn giấy của cơ quan, đọc các công văn, giấy tờ của cấp trên gửi xuống, báo cáo của cấp dưới gửi lên, không nghiên cứu, xem xét tình hình thực tiễn. Ngồi tại bàn giấy, mời đương sự đến cơ quan để giải quyết công việc, kể cả những vụ tranh chấp về đất đai, nhà ở, những vụ đánh nhau, những mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ Nhân dân.  Có dành thì giờ đi xuống địa bàn, nhưng theo cách “cưỡi ngựa xem hoa”, không sâu sát tình hình, không thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, không nắm bắt, phát hiện những vấn đề nóng nảy sinh từ địa bàn. Không đi sát thực tế để tìm hiểu bản chất vấn đề, nghe ngóng dư luận; giải quyết xong vụ việc không theo dõi, kiểm tra việc thực hiện. Làm việc sự vụ, gặp đâu hay đó, trên chỉ đâu đánh đó, hết rày còn mai, không giải quyết kịp thời những yêu cầu của Nhân dân19.

Đó còn là biểu hiện ở cách làm việc quan cách, cửa quyền, hách dịch, thiếu dân chủ, theo kiểu đóng cửa làm kế hoạch, viết chương trình rồi đưa ra bắt dân chúng theo, hoặc chỉ biết mệnh lệnh hành chính, không làm cho dân hiểu, dân theo, gây bức xúc, giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước,… Điều này diễn ra khá phổ biến ở cách làm việc của cán bộ khi giải quyết các vấn đề về đất đai, đền bù giải tỏa,… dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Đó còn là thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi quyền lợi chính đáng của Nhân dân; thấy những việc có hại đến Nhân dân vẫn làm ngơ, không giải quyết, hoặc đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, là khuynh hướng lãnh đạo cứng nhắc, cơ cấu tổ chức nhiều tầng; kéo dài, ngâm việc trong thực hiện nhiệm vụ, làm việc thiếu kế hoạch, thiếu tiến độ, thụ động chờ đợi chỉ thị cấp trên; nhỏ nhặt trong quan hệ với người dưới quyền và can thiệp vô căn cứ vào công việc của họ; đầu óc thủ cựu, giấy tờ phiền phức, nhũng nhiễu dân chúng…

Nhiều người cho rằng CBCC cứ ở cơ sở là gần dân, sát dân, không thể quan liêu. Tuy nhiên sự thực không hẳn thế. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý sống ở thôn, ở xã, nhưng họ rất ít tiếp xúc với dân. Những tranh chấp đất đai, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết việc làm không ai hiểu thấu, trở thành nỗi bức xúc của dân, khiếu kiện tập thể rồi thành đám đông, có khi giăng cả băng cờ biểu ngữ. Đến lúc ấy họ mới hốt hoảng, tại vì không nắm được tình hình nên không dám đối thoại với dân, cán bộ chủ chốt sợ trách nhiệm, sợ chất vấn, đưa đẩy cho cấp dưới tiếp dân, dân phản đối đòi gặp người có trách nhiệm cao nhất, vậy là trở thành chuyện lớn20.

Tóm lại, hiện nay bệnh quan liêu vẫn đang là những trở lực lớn trong công cuộc cải cách hành chính, tác động tiêu cực đến hiệu quả của nền công vụ Việt Nam.

Chữa bệnh quan liêu

Để chữa bệnh quan liêu, cần nhiều giải pháp. Nhưng theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc quan trọng nhất, đó là theo đúng “đường lối nhân dân”. Trong bài viết “Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh” năm 1951, Bác đã kê ra một “đơn thuốc” để chữa căn bệnh nguy hiểm này: “Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối Nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích Nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân;

Việc gì cũng bàn với Nhân dân, giải thích cho Nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước Nhân dân, và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi Nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để Nhân dân noi theo”21.

Như vậy, chúng ta có thể nói đến rất nhiều các giải pháp cụ thể. Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản và là gốc rễ của mọi giải pháp chống quan liêu, cũng như nhiều vấn đề khác của nền công vụ Việt Nam hiện nay, đó là cần thấm nhuần tư tưởng của Hồ Chí Minh: trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, mọi việc, mọi suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên đều từ quần chúng mà ra và trở về với quần chúng; thực sự để dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Có như vậy, căn bệnh quan liêu mới loại bỏ được một cách triệt để.

Về cách thức cụ thể, từ góc độ quản lý, Hồ Chí Minh cho rằng muốn chống bệnh quan liêu cần “khéo kiểm soát”. Người viết: “Muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách, là khéo kiểm soát. Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi. Song, muốn kiểm soát có kết quả tốt, phải có hai điều: một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm; hai là người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín22.

Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, áp dụng vào giai đoạn hiện nay cho thấy, muốn đấu tranh chống quan liêu hiệu quả phải sử dụng những giải pháp đồng bộ cả về nhận thức tư tưởng và tổ chức, luật pháp và chính sách. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý, trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức. Cụ thể:

– Người lãnh đạo, quản lý phải “khéo kiểm soát”, tức phải thực hiện tốt vai trò trong các hoạt động lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, kiểm tra. Và cần có chế tài cụ thể đồng thời thực hiện nghiêm minh các chế tài này khi họ không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, quản lý. Bên cạnh đó, để có người quản lý “khéo kiểm soát”, thì cần có những cái “khéo” khác trong hoạt động quản lý CBCC, như “khéo tuyển dụng”, “khéo bổ nhiệm”, “khéo đánh giá”, “khéo đào tạo, bồi dưỡng”, “khéo khen thưởng kỷ luật”…

– Lãnh đạo, quản lý phải nêu gương, tự giác học trước, làm theo trước về thực hiện chống quan liêu. Phương châm là: trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau. Hồ Chí Minh là một điển hình cho cách làm việc sâu sát, hiệu quả. Một ví dụ nhỏ, đó là: Mỗi khi Tết đến xuân về, Bác dành thời gian đi thăm đồng bào, đồng chí, những nơi, những người khó khăn nhất về đời sống tinh thần, vật chất để hiểu rõ cuộc sống của Nhân dân. Những chuyến thăm của Bác không bao giờ báo trước gia chủ. Ngược lại, một người lãnh đạo sẽ là quan liêu nếu ngày Tết đi chúc Tết Nhân dân nhưng lại báo trước, “trống giong, cờ mở”, hình thức và vì thế sẽ rất khó biết được đời sống thực của dân ra sao.

Người lãnh đạo tự mình là tấm gương, đó là cách thiết thực nhất, có ý nghĩa lan tỏa lớn nhất nhằm nâng cao đạo đức công vụ, chống bệnh quan liêu và Hồ Chí Minh chính là một tấm gương sáng.

Chú thích:
1, 3, 5, 7, 8, 9, 11, 16. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 6. H. NXB Chính trị quốc gia, 2002, tr. 486, 498, 88-89, 498, 88, 88-89, 88-90, 88-90.
2, 4, 6, 10, 23. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. , H. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 327, 287-288, 284-292, 287-288, 284-292.
12, 13, 22. Hồ Chí Minh. Cần tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh. Báo Nhân Dân ngày 02/9/1951.
14. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr. 609, 611.
15. Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1952.
17. Bút chống quan liêu. https://banquanlylang.gov.vn, ngày 8/6/2018.
18. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
19. Thủ tướng: không ít cán bộ xa dân, nhũng nhiễu. https://vietnamnet.vn, ngày 10/01/2018.
20. Khắc phục bệnh quan liêu, bàn giấy của cán bộ cơ sở. http://www.baobinhdinh.com.vn, ngày 02/6/2020.
21. Bút chống quan liêu. http://www.xaydungdang.org.vn, ngày 09/12/2017.

 TS. Bùi Thị Ngọc Mai
Học viện Hành chính Quốc gia