Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thảo luận trong Đại hội Đảng

(Quanlynhanuoc.vn) – Đại hội Đảng là nội dung sinh hoạt chính trị quan trọng, là dịp tổng kết, đánh giá nhiệm kỳ đã qua và thảo luận, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và bầu nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đại hội Đảng và thảo luận trong đại hội Đảng. Tìm hiểu những quan điểm của Người về thảo luận trong đại hội Đảng có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và là vấn đề thời sự hiện nay khi Đảng ta đang tiến hành đại hội các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII.

 

Trong di sản tư tưởng – lý luận về Đảng và xây dựng Đảng hết sức đồ sộ và phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều nội dung. Những vấn đề mà Người đề cập không chỉ là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin mà còn là những chỉ bảo hết sức ân cần và sâu sắc về đạo đức cách mạng, về đạo lý làm người của mỗi cán bộ, đảng viên.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội Đảng được Người đề cập một cách hệ thống và xuyên suốt. Ngoài bài: “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 03/4/1960 nêu khá đầy đủ, chi tiết về thảo luận thì trong các bài viết, bài nói của Người cũng chỉ ra đầy đủ nội dung, biện pháp, cách thức tiến hành sao cho thảo luận mang lại hiệu quả cao nhất. Nội dung tư tưởng của Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội Đảng được biểu lộ rõ nét ở các khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, vì sao phải thảo luận trong đại hội Đảng?

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của giai cấp nông dân và của cả dân tộc. Do đó, Đảng tất yếu phải đóng vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, đại hội Đảng các cấp là cơ quan lãnh đạo của mỗi cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội. Đại hội Đảng các cấp có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội của cấp bộ đảng trong nhiệm kỳ trên các mặt công tác, các lĩnh vực của đời sống xã hội; khẳng định những thành tựu, ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, kinh nghiệm; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lĩnh vực đời sống xã hội trong nhiệm kỳ tiếp theo; bầu cấp ủy khóa mới – cơ quan lãnh đạo của cấp bộ đảng giữa hai kỳ đại hội, bầu cử đại biểu dự đại hội cấp trên.

Chính vì vậy, nói về đại hội Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đây là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả đảng viên (cũ cũng như mới) cần phải hăng hái tham gia thảo luận”1.

Thảo luận tốt sẽ góp phần quan trọng vào thành công của đại hội, làm cho Đảng ngày càng phát triển vững bền: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”2.

Thứ hai, những ai có quyền tham gia thảo luận?

Thảo luận trong Đảng nói chung, trong đại hội Đảng nói riêng là quyền của tất cả đảng viên, vì đảng viên: “Có quyền tự do và thiết thực thảo luận cách thi hành chính sách của Đảng, trên các báo chí và trong các cuộc hội nghị của Đảng. Để thi hành triệt để chính sách và công tác của Đảng, mọi đảng viên có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình (trên báo chí và trong hội nghị của Đảng), dù ý kiến ấy không đồng ý với ý kiến của đại đa số, không ai được ngăn cấm”3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội (Ảnh tư liệu).

Thảo luận tốt sẽ giúp cho đại hội lắng nghe được nhiều ý kiến quý báu của đội ngũ đảng viên, giúp cho đại hội quyết định những vấn đề quan trọng một cách đúng đắn và sáng suốt. Người kêu gọi: “toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để bảo đảm đại hội thành công thật tốt đẹp”4.

Kêu gọi đảng viên tham gia thảo luận, tôn trọng quyền của đảng viên đóng góp ý kiến nhưng Người cũng chỉ rõ cần kiên quyết chống bệnh vô kỷ luật của một số đảng viên: “Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của đoàn thể, của cấp trên. Như vậy, các đồng chí không những đã biểu lộ tinh thần kém cỏi, việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn không ưa thích thì bỏ, mà các đồng chí lại còn tỏ ra khinh thường kỷ luật của đoàn thể làm rối loạn hàng ngũ của đoàn thể.

Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc. Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật”5.

Đọc những Lời dạy trên của Người chúng ta thấy vẫn còn nguyên tính thời sự sâu sắc. Chính vì kỷ luật của Đảng bị buông lỏng nên nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những đảng viên có chức vụ cao trong Đảng đã phải đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho những sai lầm, khuyết điểm của mình.

Ngoài việc phát huy quyền của đảng viên về thảo luận trong Đảng, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh không được tuyệt đối một mặt nào, không vì tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên rồi lại rơi vào việc đề cao cá nhân quá mức: “Phải hết lòng tôn trọng tập thể, phát huy dân chủ nội bộ; tuyệt đối không được độc đoán cá nhân, tự đặt mình cao hơn tổ chức, tự cho phép mình đứng ngoài kỷ luật. Càng có công lao, càng phải khiêm tốn. Chớ vì có ít nhiều công lao mà sinh bệnh công thần, kèn cựa, địa vị. Phải nhớ rằng: mọi thành công là do sức phấn đấu, hy sinh của toàn Đảng, toàn dân, không phải của một cá nhân anh hùng nào. Đối với Đảng, đối với nhân dân, chúng ta có một nghĩa vụ vẻ vang là: Suốt đời làm người con trung thành của Đảng, người đầy tớ tận tụy của nhân dân”6.

Thảo luận trong Đảng không có nghĩa là chỉ đảng viên trong Đảng với nhau mà cần phải phát huy dân chủ, dựa vào ý kiến của Nhân dân. Dân chủ được thể hiện trong xã hội là tư tưởng phải được tự do. Với tư cách là Đảng duy nhất cầm quyền thì mọi vấn đề của Đảng, Nhân dân được quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là quyền mà cũng là nghĩa vụ của mọi người dân. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc thực hiện và phát huy dân chủ.

Hơn nữa,  dân chủ trong Đảng là tiền đề để có dân chủ trong xã hội, định hướng cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thật sự: “Trong nội bộ Đảng có dân chủ rộng rãi, đồng thời có kỷ luật nghiêm khắc. Người đảng viên phải khiêm tốn, thành khẩn. Không có đảng viên nào có thể đứng trên Đảng, tự cho mình là hơn Đảng”7. Tuy nhiên: “Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chí khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn”8.

Người khẳng định: “Kinh nghiệm các địa phương cho biết: nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng”9. Từ quan điểm trên, Người kết luận: “Khi Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”10.

Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thảo luận nhưng cũng hết sức tránh bệnh theo đuôi quần chúng: “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng”11.

Thứ ba, khi (trong) thảo luận phải phát huy dân chủ, tôn trọng các nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Đại hội Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nên yêu cầu về thảo luận trong đại hội Đảng theo Người là phải chân thành, công khai: “Có vấn đề gì, mọi người cần thẳng thắn, công khai thảo luận; có công việc gì, mọi người đều đồng tâm hiệp lực cùng làm”12.

Thẳng thắn, chân thành, công khai trong thảo luận những vấn đề của Đảng trong Đại hội tất nhiên là cần phát huy dân chủ: “Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”13.

Điều cần lưu ý là mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ không có nghĩa là dân chủ tùy tiện, dân chủ quá trớn: “Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn”14.

Nguyên tắc chung khi thảo luận là: “Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”15.

Thảo luận – tất nhiên không phải là một chiều mà cần có tranh luận để đi đến cái đúng. Thực hành tranh luận theo Bác, cần tránh những thái cực sau đây: “Trước hết, là khuynh hướng chẻ sợi tóc làm đôi, tranh luận nhau từng danh từ, không chú ý nội dung của vấn đề như cứ xoay đi xoay lại hai danh từ giai cấp công nhân đúng hay giai cấp vô sản đúng. Hoặc là tranh luận xem hai danh từ đế quốc và thực dân khác nhau thế nào. Tranh luận như vậy chẳng ích lợi gì cả”16.

Mặt khác, muốn mọi người hăng hái tham gia thảo luận, tranh luận thì người chủ trì cần phải công tâm và làm cho những người tham gia thấy thoải mái và dám nói lên tâm tư nguyện vọng của mình. Có như vậy mới không rơi vào tình huống thảo luận một chiều, hình thức: “Đối với các chỉ thị của Trung ương, cán bộ chỉ đưa ra giảng như thầy giáo giảng bài, công nhân chỉ ngồi nghe, ít đi sâu thảo luận”17.

Không chỉ bàn việc phát huy dân chủ, thực hành dân chủ trong thảo luận các vấn đề quan trọng của Đảng trong Đại hội mà Bác còn luôn trăn trở, ưu tư với những xung đột, bất đồng trong nội bộ các Đảng Cộng sản. Trong bài phát biểu tại hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng công nhân quốc tế họp ở Mát-xcơ-va tháng 11/1960, Bác đã nhìn thấy những bất đồng giữa các đảng phấn đấu theo một cương lĩnh chung và quan điểm của Người về vấn đề này rất sâu sắc và đáng suy ngẫm: “Hiện nay, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các nước đang diễn biến rất phức tạp. Các đảng anh em hoạt động trong những điều kiện đó có khi không thể hoàn toàn tránh được có những quan điểm khác nhau trên vấn đề này hoặc vấn đề khác. Để khắc phục tình trạng đó, không nên dùng bất kỳ hình thức cưỡng bách nào để bắt buộc bên này phải theo quan điểm của bên kia, không nên dùng lời lẽ chua cay đối với nhau, càng không nên dùng phương pháp tranh luận và đả kích công khai, mà chỉ có dùng cách bàn bạc dân chủ theo tinh thần đồng chí trong các cuộc hội nghị đại biểu các đảng thì mới có thể cùng nhau phân rõ đúng sai và đi đến nhất trí”18.

Không chỉ sớm nhìn thấy hiện tượng mất đoàn kết trong các Đảng Cộng sản trên thế giới mà Hồ Chí Minh còn đưa giải pháp rất hay để không những tăng cường tình đoàn kết quốc tế mà còn góp phần đấu tranh làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch: “Chúng tôi nghĩ rằng, trong bản Dự thảo Tuyên bố mới, nên nhấn mạnh nhiều đến vấn đề tăng cường đoàn kết, mà không nên làm cho người ta hiểu lầm rằng có đảng này hoặc đảng khác hoạt động bè phái. Như vậy thì có lợi cho phong trào cộng sản quốc tế, đồng thời kẻ địch cũng không thể xuyên tạc và lợi dụng được”19.

Thứ tư, phương pháp thảo luận.

Hồ Chí Minh coi thảo luận trong đại hội Đảng là sự chuẩn bị quan trọng và cần thiết để chủ trương, đường lối khi được đại hội thông qua sẽ chống lại được các căn bệnh: “nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo” và bệnh quan liêu, giấy tờ… Muốn vậy: “Trước khi thảo luận, mỗi một đồng chí phải nghiên cứu thật kỹ bản dự thảo Điều lệ Đảng. Khi thảo luận ở chi bộ thì mỗi một đồng chí phải liên hệ đúng đắn Điều lệ Đảng với công tác của chi bộ và của mình để góp đầy đủ ý kiến với Đại hội Đảng. Phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt”20.

Theo Hồ Chí Minh, thảo luận trong đại hội Đảng cũng như học tập: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”21.

Thực hiện tốt các phương pháp thảo luận bằng cách nghiên cứu kỹ nội dung và liên hệ với thực tiễn chính là tránh được việc thảo luận suông, không thiết thực: “không thảo luận một cách thiết thực mà thảo luận một cách “tầm chương trích cú”22.

Chuẩn bị kỹ chính là mấu chốt dẫn đến thành công của thảo luận, chuẩn bị không kỹ sẽ chắc chắn thảo luận không có hiệu quả: “Trước khi khai hội, từ đảng viên cho đến các đồng chí phụ trách chưa nghiên cứu kỹ vấn đề. Đến khi khai hội, mới đem ra bàn thì chắc thảo luận không kỹ”23.

Cần phát huy phương pháp dân chủ nhưng khi nêu ý kiến, khi tranh luận cần phải có trọng tâm, trọng điểm: “Trong lúc thảo luận, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh”24.

Trong khi tiến hành cũng như kết luận buổi thảo luận cần hết sức tránh tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ một chiều bởi: “Vì đảng viên chưa thảo luận cho nên những ý kiến trong hội nghị không thể đại biểu được ý kiến của quần chúng trong Đảng. Vả lại trong khi khai hội, nhiều đồng chí mệt mỏi hoặc phải vắng mặt để đối phó việc khác, ít phát biểu ý kiến. Thành thử ý kiến trong cuộc hội nghị lại là ý kiến của số ít trong số ít”25.

Nắm vững phương pháp chính là yếu tố đưa nghị quyết sẽ được thông qua trong đại hội vào cuộc sống: “Phải nhớ kỹ rằng: Kế hoạch 10 phần, thì biện pháp phải 15 phần và quyết tâm phải 20 phần”26.

Có phương pháp thảo luận đúng, điều đó rất quan trọng, nhưng yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả của mỗi cuộc thảo luận là ở người chủ trì. Vì phương pháp mới chỉ là phương tiện, cái quyết định là ở người sử dụng các phương tiện ấy. Người cho rằng, đối với lãnh đạo chủ trì thảo luận: “Không nên tự tôn, tự đại, mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới. Nếu ý kiến các đồng chí cấp dưới đúng, ta phải nghe theo, khuyên họ thường đề thêm ý kiến, để nâng tinh thần và sáng kiến của họ. Nếu ý kiến của họ không đúng, ta nên dùng thái độ thân thiết, giải thích cho họ hiểu. Quyết không nên phùng mang trợn mắt, quở trách, giễu cợt họ. Nếu họ phê bình ta, ta phải vui vẻ thừa nhận. Không nên tỏ vẻ bất bình, để lần sau họ không dám phê bình nữa”27.

Thứ năm, nội dung, mục tiêu thảo luận phải có trọng tâm.

Muốn thảo luận trong đại hội Đảng có hiệu quả thì việc nghiên cứu, chuẩn bị kỹ là rất quan trọng và phải xác định rõ ràng, nhất quán nội dung, mục tiêu khi thảo luận. Nội dung thảo luận cần đi vào những vấn đề chính mà đại hội sẽ thông qua như Cương lĩnh, báo cáo, nhiệm vụ của đảng viên và khi thảo luận cần có sự kết hợp chặt chẽ với công tác của mình. Nội dung thảo luận trong đại hội Đảng bị giới hạn về mặt thời gian nên nếu không xác định rõ nội dung sẽ dẫn đến tình trạng nội dung chính thì thảo luận sơ sài, việc cũ bàn nhiều, việc hiện tại và tương lai bàn ít: “- Ta nên nghiên cứu thật sâu, thảo luận thật kỹ những vấn đề chính, thì các vấn đề phụ sẽ giải quyết dễ dàng.

– Không nên “tầm chương trích cú” như lối ông đồ Nho. Nên tìm hiểu rõ nội dung, sự phát triển và sự quan hệ giữa vấn đề này với vấn đề khác.

– Nên đưa các vấn đề vào hiện tại và tương lai hơn quá khứ.

– Chỉ nên bàn kỹ, xét kỹ tư tưởng, chính sách, phương châm và tổ chức chính”28.

Thảo luận các văn kiện đại hội Đảng là một dịp học tập tiến bộ. Tuy nhiên, cần căn cứ và nội dung thảo luận để xác định rõ mục tiêu: “Nhiệm vụ chính của Đại hội ta là đẩy kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng Đảng Lao động Việt Nam. Vậy việc thảo luận cần đặt trọng tâm vào hai việc đó”29. Để tránh tình trạng thảo luận không có mục tiêu, nói chỉ để nói, Người yêu cầu: “Cuộc thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng phải nhằm ba điều:

– Nâng cao đạo đức cách mạng của đảng viên.

– Đoàn kết và củng cố tốt chi bộ.

– Đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra”30.

Thứ sáu, sau thảo luận phải rút kinh nghiệm, phê bình.

Nhấn mạnh sự cần thiết của thảo luận trong đại hội Đảng nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn, bàn luận rất sâu sắc và thiết thực về việc phải rút kinh nghiệm sau khi tiến hành thảo luận. Nói về những khuyết điểm về việc “khai hội”, Người chỉ ra rất cụ thể: kém chuẩn bị nên khi thảo luận không có nội dung, nói mênh mông, không đúng giờ: “Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này”31.

Chuẩn bị kỹ trước khi thảo luận là nội dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, nếu chuẩn bị không kỹ thì hiệu quả của thảo luận sẽ rất thấp: “Trước khi khai hội, từ đảng viên cho đến các đồng chí phụ trách chưa nghiên cứu kỹ vấn đề. Đến khi khai hội, mới đem ra bàn thì chắc thảo luận không kỹ”32.

Chính vì chuẩn bị kém nên dẫn đến tình trạng: “Khai hội không có kế hoạch, không sắp sửa kỹ lưỡng, không thiết thực”33. Hậu quả của cách “khai hội” này là làm cho quần chúng chán nản, thậm chí sợ hội, họp: “quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì “đi phu”34.

Nguyên nhân của thảo luận kém có nhiều, trong đó có bệnh chủ quan: “Nguyên nhân của bệnh chủ quan là: Kém lý luận, hoặc khinh lý luận, hoặc lý luận suông”35. Muốn khắc phục bệnh chủ quan cần phải tích cực học tập, gắn lý luận với thực tiễn: “Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”36.

Trong thời điểm hiện nay, khi mà chúng ta đang triển khai đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021), đọc và suy ngẫm tư tưởng Hồ Chí Minh về thảo luận trong đại hội Đảng cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc.

Chú thích:
1, 2, 4, 13, 17, 18, 19, 20, 26, 30. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 543, 545, 545, 544, 228, 721 – 722, 722, 543, 463, 545.
3,14. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 8. H.NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 285, 286 – 287.
5, 8, 9, 11, 24, 27, 31, 33, 34, 35, 36. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 89, 90, 334, 335, 338, 272, 321, 343, 287, 287, 273, 275.
6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 13. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 67 – 68.
7. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 10. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 456.
10, 16, 28, 29. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 270, 494, 14, 15.
12, 22, 23, 25, 32. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 3. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 482, 87, 87, 87, 87.
15, 21. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011. tr. 99, 95.

PGS.TS. Lê Văn Cường – ThS. Đào Anh Tuấn
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh