Thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới

(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới để hoàn thành mục tiêu phát triển là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại là nội dung cấp thiết đang đặt ra. Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tạp chí Quản lý nhà nước trân trọng giới thiệu loạt bài của GS.TS. Hoàng Chí Bảo về chủ đề: Thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – Những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới.

Bài 1: Thống nhất lý luận với thực tiễn

 

Ảnh minh hoạ: lapphap.vn

Chuyên luận nghiên cứu này cần quán triệt và thể hiện nhất quán những nguyên tắc phương pháp luận sau đây:

1. Từ quan điểm Mác – xít về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cả tính phổ biến lẫn tính đặc thù để tổng kết và đánh giá thực trạng đổi mới thể chế chính trị Việt Nam sau hơn ba thập kỷ đổi mới (từ Đại hội VI, (năm 1986) đến Đại hội XII (năm 2016) và hiện nay, từ đó đề xuất những vấn đề cần bổ sung và phát triển trong bối cảnh mới.

Nguyên tắc này đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn đổi mới thể chế chính trị Việt Nam một cách có lý luận. Đó là lý luận biện chứng về phát triển, hiện nay là phát triển bền vững thông qua tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược và đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đất nước.

Vận dụng quan điểm Mác – xít vào Việt Nam được cụ thể hóa trên ba phương diện căn bản của chính trị học Mác – xít. Đó là:

– Kiên định con đường phát triển của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội – “phát triển rút ngắn” và “quá độ gián tiếp”.

– Giữ vững nền tảng tư tưởng của đổi mới và đổi mới thể chế chính trị ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đó là cơ sở ý thức hệ của đổi mới. Trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sáng tạo chứ không giáo điều, biệt phái. Muốn vậy phải đổi mới nhận thức và phát triển lý luận bằng cách giữ vững nguyên tắc, tìm tòi sáng tạo về phương pháp, biện pháp xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, thực tiễn thế giới và thời đại.

– Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền, trong điều kiện lịch sử hệ thống chính trị nhất nguyên, không đa nguyên, đa đảng, càng không có Đảng đối lập. Muốn vậy, Đảng phải tự đổi mới chính mình để thúc đẩy đổi mới xã hội; Đảng phải làm kiểu mẫu về thực hành dân chủ, bảo đảm lãnh đạo và cầm quyền phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ; Đảng phải tiên phong về lý luận và thực sự trong sạch vững mạnh, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.

Đây là nguyên tắc căn bản và chủ đạo cần quán triệt trong nghiên cứu về thể chế chính trị Việt Nam hiện nay.

2. Nghiên cứu thể chế chính trị Việt Nam đương đại trong mối quan hệ không tách rời với chính thể (chế độ chính trị), với hệ thống chính trị, gắn liền với đổi mới hệ thống thiết chế (bộ máy tổ chức), với các nguồn lực phát triển, trước hết và chủ yếu là nguồn nhân lực chính trị (đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý cao cấp trong Đảng, Nhà nước và các đoàn thể).

Nguyên tắc này là cơ sở lý luận để xác định đúng thuật ngữ khoa học về “thể chế chính trị” trên hai góc độ: tính pháp lý và tính nhân văn. Đây cũng là hai đặc tính bản chất của dân chủ – nền dân chủ hiện đại xã hội chủ nghĩa.

3. Nghiên cứu thể chế chính trị Việt Nam đương đại trong tính khu biệt lịch sử – cụ thể, đó là một thể chế chính trị trong thời kỳ quá độ đang đổi mới, đang định hình do nguyên tắc chính trị tổng quát chi phối là định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đổi mới thể chế chính trị Việt Nam cần bổ sung và phát triển những gì? Các yếu tố, các vấn đề và như thế nào? Phương thức, bước đi, giải pháp đòi hỏi phải bảo đảm đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị để thúc đẩy phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giữ vững ổn định chính trị – xã hội tích cực. Cốt lõi của vấn đề là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và chính trị trong phát triển, vừa tuân theo quy luật khách quan vừa phát huy được tính năng động chủ quan là chủ thể con người và tổ chức mà quan trọng nhất là năng lực lãnh đạo, bản lĩnh của Đảng cầm quyền. Nền tảng xã hội là đại đoàn kết toàn dân tộc và đồng thuận xã hội.

4. Nghiên cứu thể chế chính trị Việt Nam theo quan điểm hệ thống – chỉnh thể, các quan hệ trong cấu trúc nội tại của thể chế gắn với các quan hệ xã hội vừa tùy thuộc vừa chi phối, phát hiện nhân tố động lực cần tận dụng và các lực cản cần vượt qua vì mục tiêu phát triển. Đó là nhận diện những tác động giữa thể chế với thiết chế, với con người và các nguồn lực phát triển, có tính đến phương thức phân bổ nguồn lực và những điều kiện đảm bảo thực hiện. Đây là cơ sở thực tiễn để dự báo xu hướng vận động và những giải pháp thực thi trong thực tiễn đổi mới Việt Nam, trong những nhân tố tác động bên trong bên ngoài, nhất là tác động của thế giới và khu vực, của xã hội thông tin, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan tỏa và thẩm thấu không chỉ trong kinh tế mà còn trong chính trị, trong môi trường xã hội và con người nói chung.

5. Nghiên cứu thể chế chính trị Việt Nam hiện nay và hướng tầm nhìn tới giữa thế kỷ, khi Việt Nam hoàn thành mục tiêu phát triển là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần phải đặt trong tương quan so sánh với khu vực và quốc tế, tìm hiểu thể chế chính trị và trình độ phát triển nói chung của một số nước vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt, nhằm tìm kiếm kinh nghiệm quốc tế có thể tham khảo, vận dụng cho Việt Nam. Đó là áp dụng phương pháp phân tích so sánh từ góc nhìn địa chính trị và trên quan điểm tiếp biến văn hóa để phát triển. Trong giới hạn của vấn đề nghiên cứu, đó là văn hóa chính trị. Một trong những phương diện hợp thành văn hóa chính trị là văn hóa thể chế chính trị. Đây là định hướng văn hóa của nghiên cứu, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh – “Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”.

Năm nguyên tắc phương pháp luận nêu trên cũng là năm tiền đề lý luận – thực tiễn trong tiếp cận nghiên cứu đổi mới thể chế chính trị Việt Nam hiện nay, thực hiện Cương lĩnh và đường lối của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền, là chủ thể khởi xướng, tổ chức thực hiện và tự mình thực hiện để đổi mới thành công thể chế chính trị Việt Nam vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài 2: Nhận thức về thể chế chính trị