Một số chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ của Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng, đặc biệt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ là nội dung không thể thiếu trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội; đồng thời góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Chính vì vậy, việc phát triển những chính sách, chương trình đặc thù đối với nguồn nhân lực nữ là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai (thứ 6 từ trái sang) và ông Kamal Malhotra – Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc chụp ảnh cùng những phụ nữ DTTS tiêu biểu (Nguồn: internet).

Nhìn lại những trang sử vẻ vang của dân tộc, có thể thấy rõ hình ảnh người phụ nữ tiêu biểu cho những hy sinh, cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trong công cuộc đổi mới hôm nay, hàng chục triệu phụ nữ đang có mặt trên khắp mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đang khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp xây dựng một quốc gia phồn thịnh, một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và tiến bộ bằng bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và sức lao động của mình.

Thực tiễn cho thấy sự xuất hiện ngày càng nhiều của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Phụ nữ thực sự là một nửa thế giới, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng.  Việc xây dựng và phát triển những chính sách, những chương trình đặc thù đối với nguồn nhân lực nữ (NNLN) là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ của Việt Nam

Tại Việt Nam, bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế. Phát triển và nâng cao chất lượng NNLN luôn được Đảng quan tâm bằng các chủ trương, đường lối; được Nhà nước cụ thể hóa thành các chính sách và quy định của pháp luật. Trong các kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đề ra nhiệm vụ: nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ.

Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ (LĐN), tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Nội dung này tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Luật Bình đẳng giới năm 2006 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, bình đẳng giới về lao động được xem là nội dung vô cùng quan trọng cho nữ giới ổn định cuộc sống cũng như góp phần xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội.

Để cụ thể hóa, Bộ luật Lao động năm 2012 có các quy định chi tiết về chính sách đối với LĐN. Trong đó, có một số điều khoản như:

– Khoản 7 Điều 4 quy định về chính sách đối với người lao động: “Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ LĐN, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên”.

– Điều 154 quy định nghĩa vụ của người sử dụng lao động: (1) Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; (2) Tham khảo ý kiến của LĐN hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.

Để bảo vệ nữ giới – đối tượng yếu thế trong quan hệ lao động, Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết Bộ luật Lao động về chính sách đối với LĐN, áp dụng đối với LĐN, người sử dụng lao động có sử dụng LĐN và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Trong đó,  có quy định:

– Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng giữa LĐN và lao động nam trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần (điểm a khoản 1 Điều 5).

– Nhà nước cũng khuyến khích người sử dụng lao động: “Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ” (điểm a khoản 1 Điều 5).

Cùng với đó, Chính phủ đã có nhiều  chính sách, chiến lược và quy hoạch phát triển NNLN, đặc biệt là đã ban hành: Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020; Chiến lược phát triển NNLN Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Nhằm nâng cao thể lực, sức khỏe người Việt, trong đó có LĐN, ngày  28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg  phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đều nhận thức rõ việc phát triển NNLN vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để đạt được bình đẳng giới, đã ban hành quy hoạch phát triển nguồn nhân lực trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn (về dân số, lao động, việc làm, về trình độ đào tạo, chuyên môn kỹ thuật…).

Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức nghề nghiệp…, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những tham mưu, đề xuất, tham gia giám sát, phản biện xã hội một số chính sách, pháp luật, xây dựng và triển khai một số đề án, như: Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm; cấp Báo Phụ nữ cho các xã vùng sâu vùng xa; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội; giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt; giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ… Một số đề tài nghiên cứu khoa học, như đề tài khoa học độc lập cấp Nhà nước: “Cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ trong giai đoạn 2011 – 2020”1 … đã góp phần làm rõ và nâng cao quyền năng, vị thế của phụ nữ cho sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước.

Những chính sách nhằm nâng cao chất lượng NNLN của nước ta đã khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để LĐN có việc làm thường xuyên và có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của LĐN, giúp LĐN phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình. Người sử dụng lao động có sử dụng nhiều LĐN được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều LĐN.

Về nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với LĐN, bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác; các chế độ làm việc, chế độ thai sản… được quy định cụ thể và rõ hơn.

 Những hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách

Bên cạnh hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện; tạo ra ngày càng nhiều việc làm cho xã hội, trong đó có LĐN với quy mô tương đối lớn, cơ cấu đa dạng, một số ngành nghề, lĩnh vực lao động có lực lượng nữ chiếm số đông. Tuy nhiên, thời gian qua, các chính sách này vẫn còn những hạn chế, bất cập, nhất là trong việc triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật đối với nữ giới, đó là:

Thứ nhất, về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhất là quy hoạch về NNLN của ngành, địa phương còn ít, chưa đưa ra biện pháp và xác định nguồn tài chính để triển khai. Do đó, trong xây dựng về dự báo tác động khi quy hoạch NNLN của ngành, địa phương còn thiếu.

Thứ hai, việc xây dựng, triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách phát triển NNLN và trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của nhiều ngành, địa phương mới chỉ đề cập theo vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực mà chưa có quy định mang tính đặc thù dành riêng cho phụ nữ hay NNLN, dẫn đến LĐN mất cơ hội việc làm, thậm chí là dễ mất việc làm, thu nhập thấp hơn thu nhập bình quân chung của xã hội và chịu nhiều thiệt thòi trong việc thực hiện các chính sách xã hội.

Thứ ba, đối với LĐN, về trình độ chuyên môn kỹ thuật thường thấp hơn nam giới. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng thụ động, thiếu sự tự tin; khả năng tự học, khả năng thích ứng với những thay đổi trong công việc, khả năng tiếp cận các kỹ năng bổ trợ, sử dụng công nghệ thông tin… của LĐN còn hạn chế.

Một số giải pháp trong xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ của Việt Nam hiện nay

Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với việc Cộng đồng ASEAN hình thành và hoạt động hiệu quả, Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Liên hiệp quốc đã thông qua mục tiêu phát triển bền vững, để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đồng thời, để các chính sách thực sự đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, chúng ta cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển NNLN Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và từng gia đình, của bản thân phụ nữ về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò của NNLN và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, NNLN nói riêng…

Hai là, trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về NNLN, tiếp tục xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý, cụ thể hóa các quy định nêu trong Hiến pháp năm 2013…, như: xây dựng các chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho LĐN; phát huy các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp… (trong đó có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ như: phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn…).

Các quy định của chính sách, pháp luật lao động Việt Nam về bảo vệ LĐN hiện nay là khá đầy đủ. Tuy nhiên, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ pháp luật lao động, bảo đảm quyền lợi cho LĐN, trong quá trình thực hiện, nếu nảy sinh  bất cập cần kiến nghị với Nhà nước để sửa đổi. Đối với LĐN cũng cần phải ý thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết pháp luật lao động, một mặt để đóng góp xây dựng tổ chức, doanh nghiệp, mặt khác, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi bị xâm phạm.

Ba là, Đảng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 26-TB/TW của Ban Bí thư ngày 09/5/2011 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW2; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu việc thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phụ nữ, gia đình và trẻ em phù hợp với tình hình đất nước. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, tham mưu và chủ động tham gia phản biện vào các chính sách nhằm nâng cao chất lượng NNLN cả về sức khỏe, tri thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp… để phụ nữ phát huy vai trò quan trọng của mình và các chính sách phát triển NNLN của Việt Nam đạt hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống.

Chú thích:
1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. http://hvpnvn.edu.vn, ngày 27/01/2016.
2. Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Nguyễn Thị Việt Thanh. Nguồn nhân lực nữ tri thức Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

ThS. Dương Thị Minh Quy
Đại học Quốc gia Hà Nội